Xe đạp điện đại náo thành Nam
Tình trạng học sinh đi xe đạp điện không đội mũ, lạng lách đánh võng, chở hai chở ba đang gây lo ngại cho người dân TP.Nam Định khi tham gia giao thông.
Xe đạp điện vi phạm giao thông bị giữ, xử lý tại CA TP.Nam Định – Ảnh: Văn Đông
Tại TP.Nam Định, chỉ trong quý I năm 2012, đã có gần 500 trường hợp vi phạm giao thông liên quan đến xe đạp điện. Nhắc đến mối nguy hiểm liên quan đến xe đạp điện, người dân Nam Định chưa quên vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra hồi 18 giờ ngày 26.4 vừa qua, trên tuyến đường Trần Phú – Hà Huy Tập.
Bà Đỗ Thị Phượng (SN 1949), trú tại ngõ Văn Nhân, P.Trần Hưng Đạo (TP.Nam Định) mượn xe đạp điện của hàng xóm đi chơi phố. Đến khu vực nêu trên, do lúng túng trong xử lý tình huống đã ngã xuống đường, đúng lúc này xe ô tô do ông Nguyễn Văn Thanh (SN 1963), trú tại khu Đông An, P.Năng Tĩnh (TP.Nam Định) điều khiển cán lên người khiến nạn nhân tử vong tại chỗ.
Qua theo dõi của đội CSGT, CA TP.Nam Định, từ khi xuất hiện những chiếc xe đạp điện tham gia giao thông, đã xảy ra nhiều vụ va quệt gây thương tích cho người đi đường. Riêng trong quí I năm nay, CA TP.Nam Định đã xử lý 436 trường hợp vi phạm liên quan đến xe đạp điện, phạt vi phạm hành chính 42 triệu đồng.
Theo các cán bộ CSGT CA TP.Nam Định, khó khăn nhất trong quá trình xử lý chính là đối tượng điều khiển thường là học sinh phổ thông, chưa đến tuổi vị thành niên nên nhận thức còn hạn chế, không kiểm soát được hành vi bản thân. Lỗi vi phạm chủ yếu là không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh, lạng lách trên các tuyến đường nội thị.
Thực tế đối tượng thanh thiếu niên đang trở thành những hung thần trên đường phố bởi các em thường chở thêm một, hai người phía sau chạy quá tốc độ cho phép. Việc bắt giữ rất khó khăn vì các đối tượng thấy lực lượng công an xuất hiện, người điều khiển đã đối phó bằng cách tắt mô-tơ điện và thong thả đạp xe như bình thường.
Để khắc phục tình trạng này, trung uý Phạm Thanh Sơn, cán bộ Đội CSGT TP.Nam Định cho biết: mỗi tháng, đội CSGT cùng với công an các phường, xã trên địa bàn gửi số liệu vi phạm của xe đạp điện về Đội An ninh, CA TP.Nam Định để tổng hợp và làm việc với các nhà trường, qua đó có biện pháp giáo dục, kiểm điểm từng học sinh vi phạm. Ở các trường điểm trong TP như THCS Trần Đăng Ninh, THCS Phùng Chí Kiên, biện pháp này có hiệu quả rõ rệt khi các trường quyết định hạ hạnh kiểm học sinh vi phạm.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trường PTTH như Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Ngô Quyền chưa thực sự quyết liệt trong xử lý vi phạm cũng như phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an để tuyên truyền, giáo dục, khiến việc xử lý và hạn chế vi phạm của người đi xe đạp điện gặp khó khăn.
Được biết, chế tài xử lý vi phạm người điều khiển và ngồi trên xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm còn rất thấp, không có tính giáo dục, răn đe. Với lỗi này, tại điểm d, khoản 4, điều 11, NĐ 34 chỉ áp dụng mức phạt từ 100.000 đến 200.000 đồng đối với người trên 18 tuổi; từ 16 tuổi đến 18 tuổi phạt 50% của mức phạt đối với người trên 18 tuổi và dưới 16 tuổi phạt cảnh cáo và giữ xe 10 ngày.
Theo trung úy Phạm Văn Sơn, người sử dụng xe đạp điện trên địa bàn TP.Nam Định chủ yếu là thanh thiếu niên từ 16 tuổi đến 18 tuổi nên cơ quan Công an áp dụng mức phạt tối đa là 75.000 đồng là quá thấp, dẫn đến việc người vi phạm coi thường và tiếp tục tái phạm.
Theo Thanh Niên