Xe ‘đặc chủng’ của dân phá rừng
Dọc QL25 từ xã Suối Bạc đến xã Ea Chà Rang, H.Sơn Hòa (Phú Yên) có hơn chục tiệm sửa xe máy. Những tiệm chuyên độ “ xe đặc chủng” cho dân phá rừng này đều không có giấy phép cải tạo xe máy.
Xe “đặc chủng” chở gỗ lậu trên QL25 – Ảnh: Đức Huy
Qua quan sát tại một tiệm chuyên độ xe “đặc chủng”, PV thấy nhiều xe máy có đến 8 nhún sau và 4 nhún trước. Khung sườn xe hàn chi chít những thanh sắt quấn quanh. Riêng tại tiệm này có gần 10 chiếc đang chuẩn bị xuất “xưởng”.
Theo tiết lộ của chủ tiệm, dân phá rừng đã đưa những xe quá đát, trôi nổi không biển số vào đây để “cải tạo”. Máy đã được xoáy nòng, đôn dên để xe thật mạnh, chạy ở địa hình dốc cao mà xe máy bình thường không thể đi được. “Để xe chở được nhiều, họ yêu cầu chúng tôi độ chế từ 10 – 12 nhún. Xe máy bình thường chỉ thiết kế 4 nhún nên bỏ hết chỉ giữ lại sườn xe, rồi phải hàn, gò lại để làm sao đảm bảo như ý tưởng của họ đưa ra”, chủ tiệm này cho biết.
Nhờ cải tạo thành “đặc chủng” nên loại xe này chạy bất kể địa hình từ lội suối, vượt lầy đến trèo đèo dốc, có thể chở 2 – 3 súc gỗ hộp nặng từ 3 – 5 tạ. Một người dân ở xã Ea Chà Rang nói: “Loại xe máy này mạnh khiếp lắm, chỉ có lâm tặc dùng thôi”.
Như chốn không người
Video đang HOT
Đi từ xã Suối Bạc đến xã Ea Chà Rang, rất dễ bắt gặp loại xe “đặc chủng” của dân phá rừng không biển số tung hoành trên tuyến đường này. Họ đi thành từng đôi hoặc nhóm. Khoảng 8 giờ sáng, họ tụ tập ở các quán cà phê, sau đó từng tốp từ 7 – 10 xe tỏa ra khắp các đường mòn đi vào rừng, chở theo can xăng, cưa máy. Tiếng xe máy nổ vang cả núi rừng.
Chỉ trong vòng 2 giờ tại một ngã ba vào rừng đặc dụng Krông Trai đã có gần 100 xe “đặc chủng” vào rừng. Họ đi thành từng đoàn 5 – 7 xe, tiếng xe gầm rú đinh tai. Đoàn này vào thì có đoàn khác từ trong rừng trở ra trên xe chở gỗ. “Lâm tặc đi công khai, ngang nhiên như chỗ không người. Việc họ vào rừng chặt gỗ, chở ra là bình thường, diễn ra hằng ngày. Tui chẳng thấy cơ quan nào ngăn chặn cả. Nhìn thấy rừng ngày càng teo tóp mà tui thấy đau lòng”, một người dân ở xã Ea Chà Rang ngao ngán.
Theo quan sát của PV, những tốp “đặc chủng” có cách chở gỗ khác nhau. Tốp thì chở gỗ bằng cách một đầu buộc vào xe, một đầu thả xuống đất, có tốp thì 2 xe thành một đôi giống như khung gỗ di động trên xe máy.
“Chúng tôi biết rồi”
Theo kinh nghiệm của một người dân sống ven đường và qua quan sát của PV, một tốp đi phá rừng thường có 7 xe. Xe đầu tiên là xe tiền trạm. Xe này chạy đến gần Ban Quản lý rừng đặc dụng Krông Trai, đứng trước cổng để cảnh giới. Sau khi quan sát thấy ổn thì gọi điện cho “đồng nghiệp” xuôi xuống. Xe đi đầu không chở gỗ, sau đó là 4 xe chở gỗ, mỗi xe chở 2 – 3 súc gỗ, còn xe “đoạn hậu” chở theo dầu nhớt, cưa máy với mục đích là cản đường nếu có lực lượng chức năng truy đuổi.
Ông Phan Văn Công, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Phú Yên, gọi những chiếc xe máy mà dân phá rừng dùng để chở gỗ là xe “chuyên dùng”. Ông Công nói: “Chúng tôi biết rồi, bọn này lì lợm lắm, ngoan cố lắm. Chúng tôi sẽ chỉ đạo làm ngay”.
Cận cảnh một xe “đặc chủng”
Đại tá Nguyễn Phi Lương, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Phú Yên, cũng thừa nhận là có tình trạng lâm tặc cải tạo xe máy không biển số để chở gỗ lậu trên QL25. Đại tá Lương nói: “Bọn lâm tặc rất manh động. Khi chúng phát hiện lực lượng CSGT tuần tra thì lập tức cắt dây buộc, thả gỗ xuống đường ngăn chặn lực lượng truy đuổi. Rượt đuổi như thế này thì rất nguy hiểm cho lực lượng làm nhiệm vụ và cho cả người dân. Nếu mô tô mà truy đuổi tốc độ cao dính cái đó (gỗ – PV) thì chết ngay”.
“Bây giờ, nó (lâm tặc – PV) có cả đội chuyên đi do thám, khi nhìn thấy bóng công an thì nó điện ngay cho đồng bọn. Lúc đó, bọn chúng chui vào nhà dân trốn. Chúng tôi bắt rất nhiều xe chở gỗ lậu, nhưng nguy hiểm lắm. Lâm tặc sử dụng cả ô tô hết đời, cho người ngồi ở sau, khi thấy lực lượng chức năng truy đuổi thì bọn chúng đổ nhớt xuống đường, hất gỗ xuống đường để ngăn cản, tẩu thoát”, đại tá Lương nói.
Ông Lương cũng khẳng định nếu phát hiện những tiệm xe độ chế xe máy để dùng vận chuyển gỗ lậu sẽ phối hợp cơ quan chức năng xử lý nghiêm; đồng thời lực lượng CSGT sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng bàn phương án xử lý tình trạng sử dụng xe máy độ chế chở gỗ lậu trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các huyện miền núi.
Đức Huy
Theo Thanhnien
Phát hiện gỗ lậu tại nhà nguyên phó bí thư huyện ủy
Hôm nay 1.9, ông Phan Đức Thành, Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Ea Kar (Đắk Lắk), cho biết đơn vị đang tiếp tục làm rõ để xử lý vụ mua bán gỗ trái phép xảy ra tại nhà ông Nguyễn Xuân Cự (ở thôn 1, xã Cư Ni, huyện Ea Kar).
26 cây gỗ không có giấy tờ hợp lệ tại nhà ông Nguyễn Xuân Cự - Ảnh: Ngọc Anh
Trước đó ngày 30.8, nhận được tin báo của người dân, lực lượng cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Ea Kar kiểm tra địa chỉ trên.
Theo kết quả kiểm tra, trong sân sau nhà ông Cự có 26 cây gỗ xoay (nhóm 2) đã được đẽo thành cột, với tổng khối lượng 5,518m3. Bà Nguyễn Thị Huệ (vợ ông Cự) đã đứng ra nhận số gỗ này, nhưng không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.
Hạt Kiểm lâm đã lập biên bản vi phạm hành chính, gia hạn cho bà Huệ xuất trình giấy tờ trong vòng 24 giờ. Tuy nhiên, sau khi hết thời hạn trên bà Huệ vẫn không xuất trình được giấy tờ, nên lực lượng chức năng đã quyết định tạm giữ tang vật.
"Chúng tôi đang làm rõ họ mua số gỗ này của ai, mua như thế nào, trong trường hợp không làm rõ được thì vẫn xử phạt hành chính và tịch thu toàn bộ số gỗ trên theo quy định", ông Thành nói.
Cùng ngày ông Kiều Thanh Dũng, Bí thư Huyện ủy Ea Kar, cho biết ông Nguyễn Xuân Cự vừa thôi giữ chức Phó Bí thư Huyện ủy, không tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa mới để nghỉ hưu theo quy định.
Trung Chuyên - Ngọc Anh
Theo Thanhnien
Phát hiện 35 hộp gỗ xẻ phách trái phép Lực lượng chức năng tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị vừa phát hiện 35 hộp gỗ xẻ phách tại khu vực rừng giáp ranh giữa biên giới Việt Nam và Lào, ước tính tổng khối lượng khoảng hơn 15m3. Sáng 18/8, Hạt kiểm lâm huyện Hướng Hóa phối hợp với Công an huyện, Đồn biên phòng Sen Bụt đã phát hiện 35...