Xe cấp cứu từ chối chở bệnh nhân Covid-19 hấp hối
Trước tình trạng quá tải ở các bệnh viện, xe cấp cứu sẽ không chở những bệnh nhân Covid-19 gần như không còn cơ hội sống.
Tình trạng quá tải tại các bệnh viện Los Angeles đã trở nên nghiêm trọng tới mức nhiều đội cứu thương được khuyến cáo hạn chế sử dụng máy thở oxy và không đưa những bệnh nhân hầu như không còn cơ hội sống đến viện. Nhà chức trách cho rằng cần ưu tiên những bệnh nhân có khả năng qua khỏi.
Các biện pháp được thực hiện trong bối cảnh tình hình dự kiến sẽ trở nên tồi tệ hơn trong những tuần tới, khi bệnh viện phải tiếp nhận thêm người nhiễm nCoV trong kỳ nghỉ Giáng sinh và năm mới. Điều này đặt ra thách thức lớn trong việc đảm bảo sức chứa của bệnh viện và sàng lọc bệnh nhân để ưu tiên các trường hợp nguy kịch hơn.
Các bác sĩ và y tá đang điều trị bệnh nhân Covid-19 tại khoa ICU, Trung tâm Y tế Harbor UCLA, Torrance. Ảnh: Los Angeles Times
Các bệnh viện đang đẩy nhanh tiến độ cho người bệnh nhanh chóng được xuất viện thay vì ở lại để điều trị như bình thường. Biện pháp này giúp cải thiện tình hình, song nhà chức trách vẫn lo ngại việc tiếp nhận những bệnh nhân mới sẽ làm chậm quá trình được xuất viện của những ca nhẹ hơn.
Trước áp lực đè nặng nguồn lực thiết bị y tế, Cơ quan Dịch vụ Y tế Cấp cứu (EMS) Los Angeles đã ban hành chỉ thị hôm 4/1, rằng các đội cứu thương cần tiết kiệm nguồn oxy bằng cách chỉ cung cấp cho những bệnh nhân có mức bão hòa oxy dưới 90%.
Để giảm tải cho bệnh viện, EMS tuần trước cũng ban hành bản ghi nhớ, theo đó nhân viên cứu thương không chuyển các bệnh nhân gần như không có cơ hội sống sót đến bệnh viện. Trước đại dịch, những trường hợp này vẫn được đưa đến bệnh viện khi hệ thống có đủ sức chứa và khả năng đáp ứng ngay cả những ca khó nhất.
Trong tình hình mới, đội ngũ cấp cứu phải cố gắng thực hiện hồi sức bệnh nhân tại hiện trường cho đến khi mạch đập rồi đưa đến viện. Những trường hợp không được chuyển đến bệnh viện, bao gồm người đã ngừng tim, không thở, không cử động, không thấy mạch đập cũng như huyết áp, dù nhân viên y tế đã nỗ lực hồi sức. Những người này sẽ được coi là đã qua đời tại hiện trường.
Các phòng cấp cứu bệnh viện đã chật cứng đến mức một số bệnh nhân phải đợi trong xe cấp cứu tới 8 tiếng mới có giường. Thực tế này khiến các xe cấp cứu không thể đi đón những trường hợp khẩn cấp khác, dấy lên lo ngại rằng một số bệnh nhân, chẳng hạn người bị đau tim hoặc đột quỵ, sẽ không được hỗ trợ kịp thời.
Trước tình trạng này, khu lều trại đã được dựng lên ngay bên ngoài lối vào phòng cấp cứu để tạm thời tiếp nhận các ca mới.
Một nhân viên cấp cứu sẽ hỗ trợ theo dõi tối đa bốn bệnh nhân thay vì một người trong khu lều. Cách này cho phép nhiều xe cấp cứu đi đón các bệnh nhân khác.
Các biện pháp cho thấy phần nào thực trạng những bệnh viện ở quận đông dân nhất California phải đối mặt trong bối cảnh dịch bệnh lây lan mạnh.
Tính đến ngày 3/1, Los Angeles ghi nhận 7.898 ca bệnh nCoV nhập viện, 1.627 người trong số họ đang được chăm sóc đặc biệt.
Giới chức lo ngại những con số này, đã ở mức cao kỷ lục, sẽ còn tăng hơn vào cuối tuần này hoặc đầu tuần sau. Số trường hợp được báo cáo có thể thấp hơn trong vài ngày tới vì ít người được xét nghiệm hơn trong những ngày nghỉ lễ.
Video đang HOT
“Nếu số ca nhiễm tăng lên 17.000, 18.000, 19.000 mỗi ngày, có nghĩa là 7 đến 10 ngày sau, các bệnh viện sẽ tiếp nhận số bệnh nhân tăng đột biến và một tuần sau đó, số ca tử vong cũng sẽ tăng lên”, bác sĩ Jeffrey Gunzenhauser, giám đốc y tế Los Angeles, dự báo.
Gunzenhauser cho biết chính quyền đã làm việc với các giám đốc điều hành bệnh viện, Cơ quan Dịch vụ Khẩn cấp và bang để tìm cách ứng phó.
Ông nói: “Chúng tôi đang cùng nhau tìm mọi phương án có thể để giảm bớt áp lực cho các bệnh viện. Có rất nhiều biện pháp đã được thực hiện để nâng cao sự phối hợp trong việc xác định những bệnh nhân thực sự cần nhập viện và bố trí giường bệnh cho họ, thay vì để người bệnh trên xe cứu thương bên ngoài khoa cấp cứu.”
Ông cho biết bang đã nới lỏng một số yêu cầu hành chính đối với các bệnh viện để nhân viên y tế có thể chăm sóc nhiều bệnh nhân hơn.
Họ cũng đang trong quá trình xác định và loại bỏ các rào cản để chuyển bệnh nhân đến các tuyến chăm sóc thấp hơn.
“Hiện có sẵn giường tại một số cơ sở điều dưỡng lành nghề và chúng tôi đang làm mọi thứ có thể để gỡ bỏ các hạn chế, giúp những bệnh nhân đủ sức khỏe xuất viện có thể chuyển đến các cơ sở đó”, Gunzenhauser nói.
Các cơ sở điều dưỡng từng là ổ dịch, nhưng theo Guzenhauser, nhà chức trách đang nỗ lực để nâng cao độ an toàn nhất có thể.
Những đối tượng được chuyển tuyến có thể gồm những người bị đau tim hoặc đột quỵ. Họ không cần ở lại bệnh viện nhưng cần hỗ trợ điều trị tích cực.
Kế hoạch tận dụng cơ sở hạ tầng và đội ngũ y tế sẵn có trở nên thiết thực hơn so với việc xây dựng bệnh viện dã chiến hoặc tàu y tế như đã được thực hiện trước đó. Theo Gunzenhauser, nếu bạn dựng lều hoặc một con tàu, bạn phải xây dựng cả những thứ xung quanh.
Gunzenhauser cho biết mục tiêu là giữ cho các bệnh viện ở Los Angeles không chuyển sang chế độ “chăm sóc khủng hoảng”.
“Nhưng nếu số ca tăng đột biến, có thể cần thêm 1.000 giường hoặc hơn nữa và điều này sẽ khó có thể đáp ứng được ở Los Angeles”, ông nói thêm. “Suy đoán rất khó khăn nhưng chúng tôi đang làm tất cả những gì có thể để chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất”.
Các khoa chăm sóc đặc biệt (ICU) của Los Angeles đang trong tình trạng đông nghẹt. Số bệnh nhân Covid-19 trong các khoa chăm sóc đặc biệt tăng gần gấp ba lần trong tháng 12/2020, ngay cả khi đã cắt giảm một nửa số bệnh nhân bình thường.
Bệnh viện đã phải đánh đổi. Ví dụ, một bệnh nhân được lên kế hoạch ghép thận vào giữa tháng 1 tại Trung tâm Y tế Cedars-Sinai đã phải hoãn thủ tục vì thiếu giường ICU.
Ngày 5/1, trong số hơn 2.000 giường ICU ở Los Angeles, 77% được dùng cho bệnh nhân Covid-19, tăng đáng kể so với mức 37% ngày 1/12/2020. Trong ba ngày qua, quận báo cáo trung bình khoảng 16.000 ca mắc mới mỗi ngày – một trong những mức cao nhất của đại dịch, cứ 10 phút lại có một người chết vì Covid-19.
“Tháng 1 sẽ là tháng đen tối nhất”, thị trưởng Los Angeles, Eric Garcetti, phát biểu hôm 3/1.
Theo ông Garcetti, xu hướng đáng lo ngại là ngày càng nhiều người không có bệnh nền tử vong do Covid-19. Trước đó, khoảng 92% người tử vong do Covid-19 kèm bệnh nền và hiện đã giảm còn khoảng 86%.
“Dịch bệnh sẽ không chỉ ảnh hưởng đến những người bạn yêu thương mà còn nhắm tới chính bạn”, Garcetti nói. “Mọi hành động của chúng ta sẽ quyết định việc tước đi hay cứu lấy mạng sống của mọi người”.
Merkel cảnh báo làn sóng Covid-19 thứ hai nghiêm trọng hơn thứ nhất
Thủ tướng Đức Angela Merkel cảnh báo làn sóng Covid-19 tại nước này sẽ diễn biến phức tạp hơn, khi ca nhiễm ở châu Âu đang tăng mạnh và Mỹ phải áp hạn chế mới.
"Giống như dịch cúm Tây Ban Nha, chúng ta phải chuẩn bị tinh thần rằng làn sóng thứ hai sẽ nghiêm trọng hơn", Merkel nói với các cố vấn kinh tế trong một cuộc họp trực tuyến hôm 11/11.
Mặc dù ca nhiễm mới ở Đức giảm nhẹ vài tuần sau khi các quan chức Đức tái áp đặt hạn chế, nước này hôm 11/11 ghi nhận thêm 261 ca tử vong, mức cao nhất kể từ tháng 4. Tổng cộng Đức báo cáo 726.176 ca nhiễm và 12.082 ca tử vong.
Từ ngày 2/11 đến 30/11, người Đức không bị giới hạn trong nhà, nhưng được yêu cầu tránh tất cả hoạt động đi lại không cần thiết, chỉ cho phép lưu trú qua đêm vì "mục đích phi du lịch".
Các quán bar, quán cà phê, nhà hàng, nhà hát và rạp chiếu phim phải đóng cửa. Các giải đấu thể thao chuyên nghiệp được tiếp tục diễn ra nhưng không được đón khán giả. Tuy nhiên, trường học và cửa hàng được phép mở cửa.
Nhân viên y tế điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Texas ngày 10/11. Ảnh: AFP .
Toàn cầu ghi nhận 52.379.008 ca nhiễm và 1.288.181 ca tử vong do nCoV, trong khi 36.648.992 người đã bình phục, theo thống kê của trang cập nhật dữ liệu thời gian thực Worldometers.
Châu Âu đang là tâm Covid-19 của thế giới khi ghi nhận 12.910.060 ca nhiễm và 306.450 ca tử vong do nCoV. Hàng loạt quốc gia châu Âu đã áp phong tỏa cùng các biện pháp hạn chế quyết liệt hơn chống dịch.
Anh báo cáo thêm 22.950 ca nhiễm và 595 người chết, nâng ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 1.256.725 và 50.365.
Anh hôm 31/10 tái áp đặt phong tỏa toàn quốc Đây là một trong những lệnh giới hạn nghiêm ngặt nhất từ sau Thế chiến II, trong đó người dân được yêu cầu ở nhà và chỉ ra đường vì những lý do nhất định như đi học, đi làm, mua sắm nhu yếu phẩm thiết yếu và thuốc men, cũng như chăm sóc những người dễ tổn thương trong xã hội.
Pháp ghi nhận thêm 35.879 ca nhiễm và 328 ca tử vong, nâng ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 1.865.538 và 42.535. Pháp cấm người dân tự ý rời khỏi nhà từ ngày 30/10. Các quán bar, nhà hàng cũng sẽ đóng cửa cho đến ít nhất tháng 12 và việc đi lại giữa các khu vực sẽ bị hạn chế.
Các nhà máy, trang trại và một số dịch vụ công sẽ tiếp tục hoạt động nhằm hạn chế thiệt hại kinh tế. Học sinh từ cấp tiểu học đến trung học sẽ tiếp tục đến trường nhưng trẻ em dưới 6 tuổi sẽ phải đeo khẩu trang. Các trường đại học, vốn là điểm nóng virus từ tháng 9, sẽ chỉ giảng dạy trực tuyến.
Tại Italy , quốc gia ghi nhận 1.028.424 ca nhiễm và 42.953 ca tử vong, tăng lần lượt 32.961 và 623, chính phủ tuần trước áp đặt lệnh giới nghiêm ban đêm trên toàn quốc cũng như các biện pháp cứng rắn hơn ở 4 khu vực, đóng cửa hầu hết các cửa hàng, quán bar, nhà hàng và hạn chế việc đi lại của người dân.
Lần đầu tiên kể từ khi đại dịch bùng phát, Thụy Điển áp đặt hạn chế một phần với quán bar và nhà hàng bằng việc cấm bán đồ uống có cồn sau 22h từ ngày 20/11. Biện pháp này đánh dấu thay đổi trong cách chống dịch của nước này khi trước đây họ chủ yếu dựa vào tinh thần tự nguyện của người dân.
Trong tuần qua, ca nhiễm mới ở Thụy Điển đã tăng kỷ lục và các bệnh viện tiếp nhận thêm nhiều bệnh nhân. Nước này ghi nhận 166.707 ca nhiễm, trong đó 6.082 người chết.
Mỹ , vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận 10.691.419 ca nhiễm và 247.198 ca tử vong sau khi báo cáo thêm lần lượt 125.597 và 1.279.
Thống đốc New York Andrew Cuomo thông báo áp đặt hạn chế mới từ 13/11, yêu cầu quán bar, nhà hàng và phòng tập thể dục trong bang đóng cửa vào 22h, giới hạn số người tham dự các bữa tiệc riêng tư từ 10 người trở xuống. Một ngày trước đó, California và một số bang Trung Tây cũng siết chặt hạn chế phòng dịch.
Ấn Độ , vùng dịch lớn thứ hai thế giới, báo cáo thêm 48.285 ca nhiễm và 549 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết vì Covid-19 lên lần lượt 8.684.039 và 128.164.
Đại dịch đã lây lan rộng khắp đất nước 1,3 tỷ dân, từ các thành phố lớn như thủ đô New Delhi và trung tâm tài chính Mumbai, đến những vùng nông thôn và địa phương khác. Nhiều quan chức cấp cao nước này cũng nhiễm virus, như Bộ trưởng Nội vụ Amit Shah hay Thống đốc Ngân hàng Trung ương Shaktikanta Das.
Brazil , vùng dịch lớn thứ ba thế giới, ghi nhận thêm 564 người chết vì nCoV, nâng tổng số ca tử vong lên 163.406. Số người nhiễm nCoV tăng 47.724 trong 24 giờ qua, lên 5.749.007.
Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro cho biết xử lý đại dịch sẽ dễ dàng và bớt tốn kém hơn nếu đầu tư vào thuốc chữa thay vì vaccine, đồng thời tiếp tục quảng bá thuốc chống sốt rét chloroquine, bất chấp nhiều bằng chứng cho thấy nó không hiệu quả.
Nam Phi là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch tại châu Phi, ghi nhận 742.394 ca nhiễm và 20.011ca tử vong, tăng lần lượt 2.140 và 60 ca.
Nền kinh tế phát triển nhất châu Phi bắt đầu nới lỏng hạn chế xuống mức thấp nhất hồi tháng 9, sau khi tỷ lệ ca nhiễm mới giảm, đồng thời mở cửa biên giới cho hành khách quốc tế từ đầu tháng 10 sau lệnh cấm kéo dài 6 tháng. Tình trạng đóng cửa khiến Nam Phi mất hơn 2 triệu việc làm trong quý II, nền kinh tế sụt giảm kỷ lục.
Iran , vùng dịch lớn nhất Trung Đông, báo cáo 39.664 người chết, tăng 462, trong tổng số 715.068 ca nhiễm, tăng 11.780. Số ca nhiễm và tử vong vì nCoV ở Iran có xu hướng tăng mạnh kể từ đầu tháng 9, với tình trạng gia tăng được báo cáo tại gần như toàn bộ 31 tỉnh.
Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 448.118 ca nhiễm, tăng 3.770 so với hôm trước, trong đó 14.836 người chết, tăng 75 ca. Philippines báo cáo 401.416 ca nhiễm và 7.710 ca tử vong, tăng lần lượt 1.672 và 49 ca.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới, Tedros Ghebreyesus, nhấn mạnh các quốc gia phải đoàn kết để chống lại virus. "Chúng ta có thể mệt mỏi với Covid-19, nhưng nó không mệt mỏi với chúng ta", ông nói. "Chúng ta không thể nhắm mắt và hy vọng nó biến mất. Nó không chú ý đến các luận điệu chính trị hoặc các thuyết âm mưu. Hy vọng duy nhất của chúng ta là khoa học, giải pháp và sự đoàn kết".
'Bóng ma' Covid-19 Nghiên cứu của các nhà khoa học Đại học Oxford, khoảng 20% bệnh nhân Covid-19 gặp các vấn đề rối loạn tâm thần sau khi khỏi bệnh. Eleanor, 35 tuổi, phải điều trị chứng rối loạn lo âu sau khi mắc Covid-19 dù trước đó sức khỏe tâm thần hoàn toàn bình thường. Eleanor cho rằng các vấn đề tâm lý cô gặp...