Xe buýt khổ về quy định ‘bằng to lái xe to’
Hoạt động của xe buýt đang bị vướng bởi quy định, phân biệt giữa các thành phần kinh tế… nên khó đổi mới nâng chất phục vụ người dân.
Những ngày qua các doanh nghiệp xe buýt thiếu trầm trọng lái xe đúng hạng bằng, nhất là với loại xe 55 chỗ (ngồi và đứng). Lâu nay, Sở GTVT cho phép các lái xe có bằng lái hạng D được lái xe đến 30 chỗ ngồi (không tính chỗ đứng); hạng E được lái xe trên 30 chỗ ngồi (không tính chỗ đứng) nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động của xe buýt.
Các quy định về chính sách đầu tư lại cản trở xe buýt đổi mới tăng chất lượng phục vụ người dân. Ảnh: LĐ
Nhưng đầu năm 2015, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng xe buýt là đặc thù nên chỉ tính chỗ ngồi là chưa đúng. Đơn cử xe buýt B55 thì phải có bằng lái hạng E mới phù hợp. Mặc dù ý kiến này là phát ngôn trên báo chí song lại xuất phát từ một lãnh đạo Tổng cục Đường bộ đã đủ làm cho các hãng xe buýt và Sở GTVT bối rối… Điều này cũng gây nhiều thắc mắc. Như tại sao từ sau năm 2000 đến nay khi xe buýt phát triển rộng ở các tỉnh, thành và sự nở rộ của xe giường nằm mà không có quy định cụ thể về hạng bằng tương ứng (với loại xe buýt vừa có chỗ đứng, vừa có chỗ ngồi hoặc với xe giường nằm, ghế ngồi). Theo một chuyên gia đăng kiểm, việc lấy số chỗ ngồi xếp hạng bằng lái là không còn phù hợp. “Trước sự phát triển đa dạng của các loại xe, với nhiều tiện ích (ngồi, nằm, đứng) và mục đích sử dụng thì Bộ GTVT cần sớm có quy định kích thước xe, khoảng cách từ trục trước đến trục sau… làm căn cứ cho lái xe được sử dụng bằng hạng nào thì mới hợp lý. Bản chất của hạng bằng lái là tính cho xe to hay nhỏ chứ không phải theo số chỗ ngồi, đứng” – vị này nói.
Trong một tình huống khác, cuối tháng 1-2015, Bộ GTVT có hướng dẫn không cho xe buýt chạy hợp đồng. Từ đó, đầu tháng 2-2015, Sở GTVT thông báo ngưng cấp phù hiệu hợp đồng cho xe buýt. Nhưng Công ty TNHH MTV Xe khách Sài Gòn phản ánh với Bộ GTVT hiện có 400 xe buýt có tham gia chạy hợp đồng giải tỏa khách tại các bến xe vào các ngày lễ, tết. Vậy là sau đó Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường lại có một văn bản ngược với hướng dẫn trước đó của chính bộ này. Cụ thể, văn bản mới đề nghị UBND TP chỉ đạo Sở GTVT cấp phù hiệu xe hợp đồng cho 400 xe buýt trên. Điều này đã tạo ra sự bất bình đẳng giữa các đơn vị xe buýt.
Video đang HOT
1.680 là số xe buýt TP.HCM dự kiến thay thế cho các xe cũ, được thực hiện từ năm 2014-2017. Nhưng hiện chưa chủ xe nào mua theo dự án mới bởi nhà đầu tư phải trả trước 30% giá trị xe, trong khi trước đây người mua không phải trả trước.
LƯU ĐỨC – HOÀNG TUYÊN
Theo_PLO
Xe 'dù' náo loạn nội ô TP.HCM
- 18 điểm xe "dù", bến "cóc". Cơ quan chức năng lúng túng.
Nhiều hãng xe mượn danh nghĩa "open tour", xe hợp đồng, thậm chí núp bóng xe chạy từ các bến để đón, trả khách đi theo tuyến cố định ngay trong nội ô. Hoạt động của loại hình này khá nhộn nhịp, dù lãnh đạo UBND TP.HCM đã yêu cầu xóa nạn xe "dù" trên địa bàn.
Mặt đường thành... bến bãi
Sở GTVT thống kê hiện có 18 điểm xe "dù", bến "cóc" trá hình, núp bóng dưới dạng "open tour", xe hợp đồng... trên địa bàn TP.
Theo ghi nhận, ở các tuyến đường của quận 1 như Nguyễn Thái Bình, Lê Thị Hồng Gấm, Ký Con, Hàm Nghi, Nguyễn Trãi... có hàng chục điểm đón, trả khách dạng tuyến cố định, hoạt động rầm rộ cả ngày lẫn đêm.
Góp vào hoạt động này có cả các hãng xe đò thương hiệu đang chạy ở Bến xe Miền Đông, Miền Tây như: Phương Trang, Toàn Thắng, Kumho Samco, Hoa Mai... Những chiếc xe khách này (từ vài chục chỗ) vô tư đậu dưới lòng đường, trước cửa chi nhánh hoặc văn phòng giao dịch đón, trả khách như tại bến bãi riêng.
Không những vậy, trên đường Mai Chí Thọ nằm trước hầm Thủ Thiêm (quận 2) theo hướng vào trung tâm đã trở thành "bãi đậu" của các hãng xe. Theo ông Cao Kim Trọng, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý Đường hầm sông Sài Gòn, nơi đây đường rộng, được khoét lõm thành âu thuyền cho xe đậu, kiểm tra kỹ thuật trước khi qua hầm hoặc để xe dừng chờ khi bên kia hầm xảy ra kẹt xe. Tuy vậy, gần đây hàng loạt xe của các hãng Toàn Thắng, Hoa Mai (chạy tuyến TP.HCM - Vũng Tàu)... thường xuyên đậu thành hàng dài chờ "tài" và vào các chi nhánh trên đường Nguyễn Thái Bình, Lê Thị Hồng Gấm đón khách.
Hãng xe Toàn Thắng đậu hàng dài trước cửa hầm Thủ Thiêm (quận 2) chờ "tài" để vào trung tâm, dừng trước chi nhánh trên đường Nguyễn Thái Bình đón khách. Ảnh: LĐ
Nhận xét hoạt động này tại buổi giao ban ATGT gần đây, ông Lê Trương Hải Hiếu, Phó Chủ tịch UBND quận 1, cho rằng nhiều tuyến đường trên địa bàn dày đặc các điểm đón, trả khách dạng "open tour", hợp đồng. Nhưng thực chất các xe này chạy tuyến cố định, đã gây ra tắc nghẽn giao thông cho nhiều tuyến đường và trật tự trở nên rối tinh rối mù!
Có phát hiện cũng... thua!
Tháng 11-2014, Sở GTVT điều chỉnh hành trình một số tuyến xe khách cố định liên tỉnh được đi vào nội ô để vào cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Cụ thể, xe từ Bến xe Miền Đông được vào đường Đinh Bộ Lĩnh, vòng xoay Hàng Xanh rẽ vào Nguyễn Hữu Cảnh... lên cao tốc Long Thành. Tương tự, xe từ Bến xe Miền Tây thì đi vào đường Hồ Học Lãm, rẽ sang đường Võ Văn Kiệt qua hầm Thủ Thiêm để lên cao tốc Long Thành.
Nhưng từ đây nhiều hãng xe đã tranh thủ "chẻ đường", "đảo hành trình" và thọc sâu vào nội ô, đến trước các chi nhánh, văn phòng giao dịch ở các quận 1, 5, 10... để đón khách. Mặc dù ở các xe đều gắn hộp đen và kết nối về Sở GTVT nhưng một cán bộ Sở GTVT cho biết không đủ người để "dán mắt" lên màn hình theo dõi hành trình của từng xe. Lại nữa, khi được tin báo có xe không theo hành trình thì trên dữ liệu không thể hiện đoạn đường bị "chẻ". "Có thể lái xe đã tắt nguồn điện hộp đen trước khi vào nội ô. Đến khi vào đúng hành trình thì họ nối lại nguồn và thế là chiếc xe "nhảy dù" trên thoát... án" - vị cán bộ này nói.
Liên quan đến việc âu thuyền thành "bãi đậu xe", Trung tá Phạm Văn Tuyến, Đội phó Đội CSGT Cát Lái, cho biết khu vực này có biển "Nơi đậu xe" nên CSGT không thể xử lý việc xe đậu hàng dài, ngày này qua ngày khác. Tương tự, ông Đàm Phan Phát, Đội trưởng Đội Thanh tra GTVT số 1, cho rằng không thể cấm đậu (chỉ cho dừng) ở âu thuyền đậu xe vì sẽ làm mất đi công năng và có thể dẫn đến phạt oan các xe vãng lai có nhu cầu. "Chúng tôi phát hiện nhiều xe đò từ bến "nhảy dù" vào nội ô nhưng kiểm tra thì tài xế, chủ xe trưng ra giấy phép, phù hiệu chạy hợp đồng. Tương tự, xe ở các tỉnh vào TP cũng vừa có phù hiệu chạy đò vừa có phù hiệu chạy hợp đồng nên khó xử lý" - ông Phát nói.
Thanh tra GTVT không được dừng xe để kiểm tra, dù biết xe đó đang đi sai hành trình. Chỉ khi những xe dừng, đậu lại thì TTGT mới có thể kiểm tra, xử lý. Trong nhiều trường hợp, khi phát hiện chúng tôi đang đeo theo thì tài xế cho xe chạy luôn, không dừng, đậu ở các điểm văn phòng giao dịch, chi nhánh hoặc khi đang dừng xe, dồn khách lên nhưng phát hiện thanh tra đến thì tài xế cho xe vọt luôn. Thế là... thua luôn. Ông LÊ HỒNG VIỆT, Phó Chánh thanh tra Sở GTVT (Nguồn: Sở GTVT) 100 là số hãng xe đò núp bóng dưới dạng xe hợp đồng nên không bán vé.
LƯU ĐỨC - HOÀNG TUYÊN
Theo_PLO
Đêm trên công trường Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông Đèn điện sáng choang, tiếng máy ầm ầm, kỹ sư công nhân căng sức, những phiến dầm bê tông nặng hàng trăm tấn được gác lên trụ chính xác từng phân... Đó là hình ảnh diễn ra mỗi đêm trên công trường Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội). 10h đêm, khi hoạt động giao thông vắng...