Xe buýt có làn ưu tiên
Mặc dù Quy hoạch giao thông Hà Nội đã đưa ra phương án ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng (VTHKCC), song làm thế nào để người dân ưu tiên sử dụng xe buýt, để loại hình vận tải này đáp ứng được yêu cầu đi lại là bài toán khó.
Có làn đường riêng, thời gian di chuyển bằng xe buýt rút ngắn hơn
200 tỷ đồng làm thí điểm
Xe buýt Hà Nội hiện chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong các phương tiện cơ giới (10%) còn phần lớn là xe máy và ô tô cá nhân. Những phương tiện này là tác nhân chính dẫn đến ùn tắc giao thông. Bởi vậy, nhóm nghiên cứu Dự án cải thiện VTHKCC (UBND TP Hà Nội phối hợp với JICA) đặt ra, cần phải tăng cường chất lượng dịch vụ và quy mô cho xe buýt để khuyến khích sử dụng phương tiện này. Trong khi đó, ông Nguyễn Việt Triều, Phó Tổng giám đốc Transerco Hà Nội cho biết, do sự phát triển của phương tiện cá nhân cùng với cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng kịp, nên vận tốc của xe buýt ngày càng chậm, ngày càng kéo dài thời gian chạy trên đường, khó đáp ứng đúng yêu cầu của người sử dụng. Ông Triều lấy ví dụ, một quãng đường dài 5km, nếu thời gian trước đi xe buýt hết 15-20 phút thì nay kéo dài tới 30-40 phút.
Xuất phát từ thực tiễn trên, Dự án cải thiện VTHKCC sẽ triển khai phương pháp làn ưu tiên xe buýt, lấy đoạn từ Ga Hà Nội đến Cầu Giẽ làm thí điểm. Ông Nguyễn Đức Toàn, Phó trưởng phòng Quản lý giao thông đô thị, Sở GTVT cho biết, thông qua tuyến thí điểm, người tham gia giao thông trên địa bàn TP sẽ được làm quen với giải pháp tổ chức giao thông mới, giải pháp ưu tiên xe buýt như làn đường ưu tiên, đèn tín hiệu ưu tiên nâng cao chất lượng dịch vụ của xe buýt trên tuyến thí điểm, khuyến khích người dân tham gia giao thông sử dụng dịch vụ. Các chuyên gia của Dự án cũng đưa ra một số điểm gửi xe trên tuyến để người dân có thể gửi lại phương tiện, đi xe buýt vào nội đô làm việc và ngược lại.
Phương án được các chuyên gia lựa chọn để làm thí điểm là làn ưu tiên xe buýt trùng với làn ô tô , nhà chờ ở giữa dải phân cách. Tuy nhiên, nhóm Dự án cho rằng, chỉ nên làm thí điểm từ hầm Kim Liên tới Vĩnh Quỳnh. Đoạn tuyến này có chiều dài 8,3km, mặt cắt đường khá rộng, từ 30-35m. Giải pháp đưa ra, trên phần đường dành cho xe ô tô thuộc đường Giải Phóng tổ chức phân lại làn, dành 1 làn rộng 3,5m sát dải phân cách cho xe buýt. Ô tô vẫn được chạy trên làn xe buýt nhưng phải ưu tiên cho xe buýt đi trước. Làn sát làn xe máy còn lại dành cho ô tô. Làn đường dành cho xe máy và xe thô sơ giữ nguyên như hiện tại. Ông Toàn cho hay, chi phí cho phương án này khoảng 200 tỷ đồng.
Không học máy móc theo các nước
Ông Đỗ Minh Dũng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty tư vấn GTVT (Tedi- Bộ GTVT) phân tích, mặc dù trên thế giới đã có nhiều nước áp dụng phương pháp ưu tiên làn xe buýt, song cần phải đánh giá khó khăn, thuận lợi và đặc biệt là sự khác biệt giữa giao thông Hà Nội và các nước. “Phải đánh giá được nhu cầu đi lại trong tương lai. Dự án sẽ đáp ứng trong giai đoạn nào, bao nhiêu năm… Từ đó đặt vấn đề có cần nâng cấp theo phương án này không?”, ông Toàn đặt câu hỏi.
Bên cạnh đó, đoạn từ Kim Liên tới Ngọc Hồi còn nhiều tuyến phụ trợ khác đan xen, sự kết nối giữa các tuyến buýt bình thường và buýt ưu tiên như thế nào?. Rồi phương án sử dụng nguyên hiện trạng có hợp lý, vì QL1A đoạn từ Kim Liên tới Ngọc Hồi một bên là đường sắt quốc gia, một bên là nhà dân sinh sống san sát, nếu thực hiện phương pháp ưu tiên làn xe buýt thì phải mở rộng mặt cắt ngang, như vậy có thực hiện được không? Một loạt các biện pháp mang tính đồng bộ cũng được ông Toàn đặt ra như thẻ thông minh của tuyến buýt này có dùng được cho các tuyến khác, đặc biệt, yếu tố giá vé rất quan trọng. “Nếu chất lượng cao mà kèm theo giá vé cũng cao thì vẫn khó thu hút được người dân sử dụng loại hình dịch vụ vận tải này”, ông Toàn nói. Đồng tình với quan điểm này, ông Matsuoka, Chuyên gia Quy hoạch giao thông đô thị của JICA, mặc dù buýt nhanh có tính hiệu quả cao, linh hoạt nhưng cũng không thể áp dụng toàn bộ kinh nghiệm tổ chức giao thông của các nước vào Hà Nội. Bởi vậy, phải cân nhắc kỹ lưỡng các giải pháp trước khi đưa vào ứng dụng trong thực tế.
Bên cạnh đó, không ít chuyên gia cũng tỏ ra băn khoăn về hiệu quả của tuyến thí điểm phương pháp ưu tiên làn xe buýt này. “QL1A đoạn từ Kim Liên đến Cầu Giẽ rất nhiều xe máy ra vào nội thành. Trong đó, phần lớn là người dân chở hàng hóa như rau củ quả, thịt… vào tiêu thụ. Trong khi, các loại hàng hóa cồng kềnh lại không được đưa lên xe buýt, vậy khó có thể khuyến khích người dân lựa chọn”, một chuyên gia phân tích. Hơn nữa, tuyến QL1A đoạn đưa vào thí điểm có người dân sinh sống san sát hai bên đường, nếu xe buýt chạy với tốc độ cao có thể tạo ra sự nguy hiểm khi dân cư sang đường…
Xe buýt nhanh là phương tiện vận tải có hiệu quả cao, linh hoạt. Xe buýt tiêu chuẩn từ 60-75 hành khách. Nhiều cửa hơn, thời gian dừng đỗ ngắn hơn…
Video đang HOT
Theo ANTD
Cán bộ xã thay "Nam Tào" khai sinh, báo tử ăn chặn tiền chính sách
Không chỉ khai man tuổi của 8 đối tượng để được hưởng tiền trợ cấp dành cho người cao tuổi mà một số cán bộ ở xã Thanh Chi, Thanh Chương (Nghệ An) còn khai tử các trường hợp người có công với cách mạng để "ăn chặn" tiền hỗ trợ mai táng phí.
Khai man tuổi cha mẹ
Theo đơn thư phản ánh của một số người dân ở xã Thanh Chi, trong những năm từ 2008-2011, thực hiện chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về thực hiện chế độ hỗ trợ dành cho người cao tuổi, các cụ trên 80 tuổi sẽ được hưởng trợ cấp 180.000đ/tháng. Lợi dụng chủ trương trên, một số cán bộ xã Thanh Chi đã âm thầm câu kết với nhau, tự ý thay đổi độ tuổi, ngày tháng năm sinh ở CMND và sổ hộ khẩu của 8 đối tượng.
Hầu hết trong 8 trường hợp được khai man tuổi đều là người thân trong gia đình của cán bộ xã. Đơn cử như trường hợp của bà Đậu Thị Nhi (thôn Kim Thượng) - là mẹ của cán bộ tư pháp xã Phan Thanh Lan dù chưa đến tuổi được hưởng chế độ nhưng bà cũng đã được hưởng trợ cấp từ tháng 11/2008 với số tiền là 6 triệu đồng.
Bảng kê danh sách 8 đối tượng cần phải thu hồi của Ủy ban kiểm tra huyện ủy Thanh Chương
Bà Nguyễn Thị Nhâm, là mẹ vợ của ông Lê Văn Thủy - PCT UBND xã Thanh Chi với tổng số tiền phải thu hồi theo kết luận kiểm tra của huyện ủy Thanh Chương là 6.240.000đ. Bà Lê Thị Thuật (thôn Kim Liên) - là mẹ của cán bộ văn phòng Trần Thị Trúc với số tiền phải thu hồi là 7.200.000đ. Tổng số tiền làm thất thoát của nhà nước hơn 43 triệu đồng.
Không những tự ý "khai sinh" cho các cụ, làm thất thoát tiền chính sách của nhà nước, mà trong các năm từ 2009-2012, trên địa bàn xã Thanh Chi còn có 16 trường hợp người có công với cách mạng thuộc diện phải cắt giảm chế độ vì đã qua đời. Tuy nhiên, các cán bộ ở đây đã "ém" đi không báo cáo lên trên và nghiễm nhiên những trường hợp này vẫn đều đều được hưởng tiền hộ trợ của nhà nước hàng tháng như vẫn đang sống. Với "thủ thuật" này, các cán bộ ở đây đã làm thất thoát của nhà nước thêm 62.800.000đ.
"Khai tử" người còn sống!
Nghiêm trọng hơn nữa, để sớm truy lĩnh số tiền mai táng phí dành cho những người có công, các cán bộ xã Thanh Chi còn báo tử những trường hợp vẫn còn khỏe mạnh và hiện đang cư trú tại địa phương hay ở xa gây phẫn nộ trong quần chúng nhân dân.
Ông Nguyễn Văn Phượng, con cụ Trần Thị Nhung bức xúc trình bày sự việc của gia đình mình
Ông Nguyễn Văn Phượng - ở xóm 3, xã Thanh Chi bức xúc cho biết: "Mẹ tôi là Trần Thị Nhung 79 tuổi. Tháng 6 năm 2012 mẹ tôi qua đời do tuổi cao sức yếu. Vì mẹ tôi thuộc diện được hưởng chế độ trợ cấp mai táng phí dành cho những người có công nên gia đình làm hồ sơ để truy lĩnh số tiền trên. Nhưng sau đó chúng tôi nhận được thông báo là tôi đã... ký và lấy số tiền mai táng đó từ năm 2007. Vậy là khi đó mẹ tôi vẫn còn sống mà có người đã báo tử cho mẹ tôi để lĩnh số tiền trên! Đến thời điểm này gia đình vẫn chưa nhận được số tiền mai táng của mẹ tôi".
Oái ăm hơn là trường hợp của cụ Nguyễn Thị Ba (xóm 3, xã Thanh Chi). Mặc dù cụ Ba đang sống khỏe mạnh với con trai ở miền Nam nhưng trên giấy tờ của xã cụ cũng đã được "khai tử" và đã có người ký tên truy lĩnh số tiền mai táng phí. Ông Nguyễn Văn Vinh - con của cụ Nguyễn Thị Ba cho hay: "Gia đình tôi có 5 anh em đều đi bộ đội. Hiện tại mẹ tôi đang sống khỏe mạnh với con thứ hai là Nguyễn Văn Hà ở miền Nam. Không hiểu sao giấy tờ ở xã là mẹ tôi đã mất và số tiền mai táng phí đã có người nhận ký tên là anh Hà. Từ năm 2005 tới giờ anh Hà không hề về quê, vậy ai đã giả mạo chữ ký để báo tử cho mẹ tôi??? Là con cái không ai dám làm cái việc thất đức ấy trong khi mẹ của chúng tôi vẫn còn sống!"
Cụ Nguyễn Thị Ba (ở giữa) đang sống khỏe mạnh với con trai ở miền Nam vậy mà cụ đã được các cán bộ xã Thanh Chi "báo tử"
Cách đây hơn ba tháng, một người nhà của ông Vinh là bà Trần Thị Nhung qua đời, khi gia đình lên làm khai tử để hưởng chế độ mai táng phí theo tiêu chuẩn gia đình có công với cách mạng, thì mới hay bà Nhung đã được xã "khai tử" từ năm 2002!
Không chỉ "khai tử" cho người đang sống, UBND xã Thanh Chi còn "kéo dài thêm tuổi thọ" cho những người cao tuổi đã chết để tiếp tục nhận nguồn trợ cấp từ huyện. Theo thống kê, có 37 đối tượng người cao tuổi sau khi chết, UBND xã Thanh Chi vẫn báo cáo lên huyện là đang sống để UBND huyện tiếp tục chuyển tiền trợ cấp về cho xã.
"Ăn chặn" cả tiền người tâm thần
Cũng theo phản ánh của người dân xã Thanh Chi thì khoảng thời gian từ năm 2008 đến cuối năm 2011, đa số những người cao tuổi thực sự ở xã Thanh Chi và những người tàn tật và bệnh nhân tâm thần trong xã 2 lần được UBND huyện ra quyết định nâng mức trợ cấp xã hội nhưng UBND xã đã "ém" các quyết định này mà không phát xuống cho các đối tượng để họ nắm rõ quyền lợi. Đồng thời, UBND xã vẫn tiếp tục chi trả cho các đối tượng theo mức trợ cấp cũ. Thậm chí trong khoảng gần 2 năm 2008-2009, UBND xã Thanh Chi không hề phát tiền trợ cấp cho người nào. Mãi đến khi nhiều người dân phát hiện ra sự việc kéo nhau lên đòi quyền lợi thì UBND xã mới chịu cho "truy lĩnh".
Gia đình ông Mậu - bà Ngọ có con trai bị tâm thần bị cán bộ xã Thanh Chi ăn chặn tiền chính sách
Vợ chồng ông Nguyễn Văn Mậu - bà Trần Thị Ngọ ở (xóm 7, xã Thanh Lĩnh) có con là Nguyễn Văn Đồng bị bệnh tâm thần đã 12 năm nay.Năm 2007, gia đình bà Ngọ bắt đầu được hưởng trợ cấp ở mức 65.000đ/tháng, từ năm 2008 thì thấy UBND xã trả 120.000 đ/tháng. Đầu năm 2009, ông Phan Văn Bá - Kế toán UBND xã đến thu cuốn sổ cũ, đổi cuốn sổ mới cho gia đình bà Ngọ và nói: "Năm 2009 được nâng mức trợ cấp lên 240.000đ/tháng rồi bà ạ". Nhưng đến tháng 6/2011, bà Ngọ mới được UBND xã trao Quyết định số 7822/QĐ-UBND do UBND huyện Thanh Chương ký ngày 31/10/2008 về việc nâng mức tiền trợ cấp cho gia đình bà từ 65.000đ/tháng lên 240.000đ/tháng và ghi rõ con bà được hưởng từ ngày 1/1/2008.
Khi đó ông Tý - Phó chủ tịch Hội người cao tuổi đến nhà chơi nói chuyện và cho biết Nhà nước đã nâng mức trợ cấp 2 đợt vào năm 2008 và năm 2010. Cụ thể năm 2008, gia đình bà Ngọ được nâng mức trợ cấp từ 65.000đ/tháng lên 240.000đ/tháng, năm 2010 được nâng từ mức 240.000đ/tháng lên 360.000đ/tháng.
Đến lúc đó bà Ngọ mới hiểu ra thời gian qua UBND xã đã "bớt xén" tiền trợ cấp của gia đình bà. "Vợ chồng tôi tất bật lo việc đồng áng suốt ngày, tối về lo việc nhà và chăm sóc thằng Đồng nên không có thời gian để tìm hiểu các chế độ chính sách của Đảng và nhà nước. Thấy xã họ phát từng nào thì nhận từng đó chứ không biết gì. Sau một thời gian biết thiếu tiền ông Mậu mới lên xã đòi. Lúc đầu xã trả lời chưa thấy quyết định của huyện, đến khi ông Mậu bảo sẽ lên huyện hỏi thì họ mới chịu trả lại", bà Ngọ bức xúc nói.
Quan xã chỉ bị "khiển trách"?
Được biết, ngày 10/1/2012, đoàn kiểm tra Huyện ủy Thanh Chương xuống kiểm tra ở xã Thanh Chi đã có kết luận về 8 trường hợp khai khống tuổi để hưởng chế độ trợ cấp và những sai phạm của cán bộ UBND xã. Tuy nhiên Ủy ban kiểm tra Huyện chỉ yêu cầu Đảng ủy, UBND xã Thanh Chi tổ chức Hội nghị kiểm điểm đối với tập thể các Ủy viên BTV Đảng ủy và chỉ đạo kiểm điểm, xử lý đối với một số đối tượng liên quan, đồng thời yêu cầu UBND xã thu hồi 43.200.000 đồng chi trả sai chế độ và số tiền trên 45.357.300 đồng chi không hết của 3 năm từ 2008- 2010, còn các vấn đề khác không thấy đề cập đến.
Sau đó Đảng ủy xã Thanh Chi chỉ đạo các Chi bộ có Đảng viên vi phạm kiểm điểm, xử lý, nhưng khi lên kiểm điểm tại Đảng ủy thì quyết định xử lý kỷ luật cao nhất chỉ là "khiển trách" đối với những người liên quan và được UBKT Huyện ủy chấp nhận. Chưa hề quan tâm xử lý cán bộ UBND xã cố tình làm sai!
Kết luận kiểm tra của UBND huyện Thanh Chương về những sai phạm ở xã Thanh Chi
Trước khi Đảng ủy xã Thanh Chi tổ chức Hội nghị kiểm điểm, nhân vật mấu chốt trong vụ việc là ông Trần Đình Nhuận - cán bộ chính sách xã đã "bỏ trốn" vào miền Nam, sau đó ông Nhuận có viết một bức thư về giải bày rằng các khoản chi trả sai quy định là do ông ta làm theo chỉ đạo của người khác (!?). Chính vì nhân vật chủ chốt "bỏ trốn" nên suốt hơn 1 năm qua, vụ việc ở xã Thanh Chi vẫn chưa được giải quyết dứt điểm và hầu hết những vi phạm đều đổ hết lỗi cho ông Trần Đình Nhuận, nhiều vấn đề vẫn chưa sáng tỏ nên còn tiếp tục gây bức xúc trong nhân dân.
Trả lời báo chí, lãnh đạo huyện ủy Thanh Chương cho biết, sau khi nhận được đơn phản ánh của người dân cơ quan chức năng của huyện Thanh Chương đã vào cuộc kiểm tra đồng thời đã có kết luận những sai phạm trong việc chi trả chế độ chính sách ở Thanh Chi là có thật (thể hiện trong báo cáo kết quả kiểm tra - PV). Bên cạnh đó, đoàn kiểm tra cũng phát hiện một số xã khác để xảy ra những sai phạm tương tự, tuy nhiên xã Thanh Chi sai phạm nặng nhất. Hiện nay Huyện ủy đang thành lập Ban kỷ luật để sắp tới tiến hành xử lý. Quan điểm của huyện là sẽ xử lý nghiêm minh những đối tượng liên quan, trong đó Chủ tịch UBND xã là người đầu tiên phải chịu trách nhiệm.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.
Theo Dantri
Tập thể cũ Hà Nội, những hình ảnh quen mà lạ Những hình ảnh sinh hoạt đời thường tại các khu tập thể cũ Hà Nội qua ống kính của phóng viên ảnh Quốc Bình. Hà Nội có nhiều khu tập thể cũ, được xây dựng trong giai đoạn 1954-1965 như tập thể Kim Liên, Nguyễn Công Trứ, Thọ Lão, Quỳnh Lôi, Văn Chương, hay trong giai đoạn từ 1965-1986 như tập thể Trương...