Xe buýt chạy lại, làm gì để phòng Covid-19?
Môi trường điều hòa, kín trên xe buýt là môi trường thuận lợi hơn cho sự lây nhiễm Covid-19. Vì thế người dân cần đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên và đảm bảo vấn đề giãn cách.
Virus SARS-CoV-2 nhạy cảm với ánh sáng, nhiệt độ, tia cực tím, “sợ” cả gió, môi trường thông thoáng khí. Tại Việt Nam, để phòng chống dịch Covid-19, Bộ Y tế cũng lưu ý hạn chế sử dụng điều hòa nhiệt độ, tăng cường mở các cửa để không gian thoáng đãng là lưu ý được Bộ Y tế cảnh báo với người dân.
Tuy nhiên, các phương tiện công cộng, trong đó có xe buýt thì thường dùng điều hòa, khá đông nhất là giờ cao điểm. Điều này khiến nhiều người không khỏi lo lắng về việc liệu có an toàn khi đi xe buýt.
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cấp cao Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế Việt Nam cho biết, Covid-19 lây theo hình thức tiếp xúc gần, lây theo giọt bắn. Môi trường xe là môi trường kín, vì thế khi chúng ta hắt hơi, virus rơi xuống mặt ghế, nền xe không nhanh như môi trường thoáng, cộng thêm nhiệt độ thấp khiến môi trường xe buýt là môi trường thuận lợi hơn cho sự lây nhiễm so với môi trường bên ngoài không khí thoáng đạt hơn.
Tuy nhiên chúng ta vẫn có hình thức để đảm bảo sao cho người dân đi xe buýt an toàn. Xe buýt là phương tiện công cộng rất cần thiết cho người dân khi chúng ta không làm giãn cách xã hội nữa.
“Tôi được biết ngành giao thông vận tải đã đưa ra nhiều khuyến cáo phù hợp như ngồi số ghế cách nhau để đảm bảo giãn cách, hằng ngày lau chùi ghế, tay nắm bằng chất sát khuẩn, đặc biệt là đeo khẩu trang từ hành khách, đến nhân viên. Tôi đi xe tôi cũng thấy nhắc nhở người dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch”, TS Phu nói.
Ngoài ra theo ông nên bố trí đủ xe trong giờ cao điểm (giờ đi làm, đi về) để tránh áp lực dồn chuyến, đảm bảo đúng sự giãn cách ngồi trong xe bus.
“Nếu chúng ta mở được cửa để xe thông thoáng khí, không điều hòa thì là việc rất tốt trong việc phòng chống các bệnh lây qua đường hô hấp trong đó có SARS-CoV-2″, TS Phu nói.
TS Phu cũng nhấn mạnh việc đeo khẩu trang, rửa tay là vô cùng quan trọng.
Video đang HOT
Khuyến cáo phòng bệnh khi đi xe buýt
Khuyến cáo cho hành khách đi phương tiện giao thông công cộng và phương tiện sử dụng ứng dụng kết nối:
- Khi có một trong các biểu hiện sốt, ho, đau họng, khó thở nên hạn chế sử dụng phương tiện giao thông công cộng.
- Sử dụng khẩu trang đúng cách khi bị sốt, ho, đau họng, khó thở.
- Che kín miệng, mũi bằng khăn giấy, khăn vải hoặc khuỷu tay khi ho, hắt hơi. Bỏ khăn giấy đã sử dụng vào túi đựng rác kín để vứt vào thùng rác đúng nơi quy định.
- Thường xuyên rửa tay đúng cách bằng xà phòng (nếu có) hoặc bằng dung dịch sát khuẩn tay có chứa trên 60% nồng độ cồn đặc biệt sau khi: ho, hắt hơi; thải bỏ khăn giấy; rời khỏi phương tiện giao thông.
- Không chạm tay vào mắt, mũi, miệng. Hạn chế ăn uống, nói chuyện ở trên phương tiện giao thông.
- Không khạc nhổ trên phương tiện giao thông và nơi công cộng (ga tàu, bến xe, sân bay, nhà ga,…).
- Nếu thấy bản thân hoặc hành khách cùng đi có một trong các biểu hiện sốt, ho, khó thở nên thông báo ngay cho người quản lý phương tiện để có biện pháp hỗ trợ kịp thời.
- Tránh tiếp xúc gần với người có biểu hiện ho hoặc sốt, khó thở đi cùng phương tiện giao thông.
- Khi kết thúc chuyến đi, nếu có xuất hiện một trong các biểu hiện sốt, ho, đau họng, khó thở: liên hệ đường dây nóng của Bộ Y tế để được tư vấn và cung cấp thông tin liên quan đến phương tiện giao thông bạn đã đi. Đến cơ sở y tế để khám, điều trị kịp thời.
Ngoài ra, bản thân người điều khiển phương tiện giao thông công cộng phải tự theo dõi sức khỏe bản thân. Nếu xuất hiện các biểu hiện như sốt, ho, khó thở, mệt mỏi phải đến ngay các cơ sở y tế để khám, tư vấn, điều trị, đồng thời, chủ động cách ly tại nhà.
Trong khi làm việc, người điều khiển phương tiện giao thông công cộng phải sử dụng khẩu trang khi tiếp xúc, trao đổi với hành khách. Đồng thời cần sử dụng găng tay phù hợp để giảm tiếp xúc không cần thiết, không đưa tay lên mắt, mũi, miệng để tránh lây nhiễm bệnh, không khạc, nhổ bừa bãi; rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trong ít nhất 30 giây khi có điều kiện hoặc sử dụng sản phẩm vệ sinh tay.
Chuyên gia lưu ý "5 an toàn" phòng Covid-19 khi nới lỏng giãn cách xã hội
Ngày 23/4, cả nước cơ bản dừng cách ly xã hội trừ một số vùng có nguy cơ cao. Để phòng bệnh Covid-19, người dân vẫn cần đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc gần, không tụ tập đông người...
Theo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, từ ngày 23/4, 28 tỉnh thành thuộc nhóm "nguy cơ cao" và "có nguy cơ" bùng phát dịch Covid-19 như danh sách đưa ra ngày 15/4 sẽ dừng thực hiện cách ly xã hội như quy định của Chỉ thị 16, trừ một số huyện của Hà Nội, Hà Giang và Bắc Ninh.
Như vậy trên cả nước cơ bản dừng cách ly xã hội. PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng nới lỏng giãn cách xã hội nhưng người dân không được chủ quan. Dịch Covid-19 còn kéo dài.
Trong bối cảnh đó, PGS Phu lưu ý áp dụng "5 an toàn":
Thứ nhất, tất cả người dân phải đeo khẩu trang. Đeo khẩu trang vô cùng quan trọng trong việc phòng chống những bệnh lây qua đường hô hấp trong đó có Covid-19.
Thứ 2, tránh tiếp xúc, giao tiếp gần dưới 2m.
Thứ 3, không nên tụ tập đông người, sẽ có một số loại hình vẫn chưa được thực hiện như karaoke, massage, một số loại hình vui chơi giải trí khó có khả năng kiểm soát sự lây lan dịch bệnh.
Thứ 4 là hạn chế đi ra khỏi nhà nếu như không cần thiết, đặc biệt lưu ý tới đối tượng người cao tuổi, người có bệnh mạn tính- đối tượng có bệnh nền.
Thứ 5 là khai báo y tế. Đây là vấn đề rất quan trọng. Nếu có triệu chứng như sốt, ho, khó thở- triệu chứng điển hình của bệnh có thể là Covid-19, nếu không phát hiện do nguyên nhân khác, kể cả mệt mỏi thì cũng phải khai báo cho cơ sở y tế, để được tư vấn, cần thiết làm xét nghiệm chẩn đoán.
Theo PGS Phu, đây là những nguyên tắc chung của việc phòng bệnh. Ngoài ra, người dân phải lưu ý vấn đề khử khuẩn, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn. Đây là việc hết sức cần thiết.
Đảm bảo an toàn khi học sinh đi học trở lại
Sau một thời gian dài nghỉ học, sắp tới học sinh sẽ đi học trở lại. Vì thế, điều quan trọng là phải đảm bảo trường học an toàn để phụ huynh yên tâm.
Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 đã chỉ đạo Bộ Y tế cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng những quy định làm thế nào để trường học an toàn. Bộ Giáo dục sẽ có hướng dẫn chi tiết cụ thể cho các trường áp dụng. Trong đó quy định trường học phải làm gì, giáo viên, học sinh làm gì và cha mẹ cũng phải làm cái gì để đảm bảo trường học an toàn.
PGS Phu cho biết, nguyên tắc bắt buộc là học sinh phải đeo khẩu trang, ngồi giãn cách, vệ sinh khử khuẩn hằng ngày bàn ghế. Có cháu nào bị sốt, triệu chứng bệnh (thông qua đo nhiệt độ tại trường và khai báo của gia đình) thì đều báo cáo y tế, cho học sinh nghỉ học.
"Lưu ý việc khử khuẩn vệ sinh là vô cùng cần thiết với trường học, rửa tay, lau chùi bàn ghế. Tôi cũng khuyến cáo các bà mẹ nên mua cho con em mình một lọ dung dịch rửa tay sát khuẩn, nhà trường phải bố trí điểm rửa tay với xà phòng, dung dịch rửa tay sát khuẩn hướng dẫn cho các em", PGS Phu nhấn mạnh.
Nam Phương
38 câu trả lời cần biết để "chung sống hoà bình" với Covid-19 và đảm bảo an toàn khi nới lỏng giãn cách xã hội Sau khi dịch bệnh tạm lắng, cuộc sống sẽ bắt đầu quay trở lại với công việc và học hành. Đây là những điều lưu ý bạn nên biết trước trong tình hình mới. Đây là tài liệu hỏi đáp được thực hiện bởi Trung tâm Xúc tiến Y tế sức khỏe Thượng Hải (TQ) hướng dẫn về những lưu ý sau khi...