Xe bồn chở nhiên liệu va chạm, 50 người chết
Ít nhất 50 người thiệt mạng và 100 người bị bỏng sau khi một xe bồn chở nhiên liệu va chạm với một chiếc xe khác ở Cộng hòa Dân chủ Congo hôm 6-10, một quan chức địa phương nói với Reuters.
Phó Thống đốc tỉnh Kongo Central, Atou Matubuana Nkuluki, cho biết cơ quan chức năng đang làm hết sức để giúp đỡ các nạn nhân của vụ tai nạn, xảy ra ở ngôi làng Mbuta, cách thủ đô Kinshasa khoảng 130 km.
“Chúng tôi đang tổ chức đám tang cho khoảng 50 người. Ngoài ra còn có 100 người bị bỏng cấp độ hai” – ông Nkuluki xác nhận.
Theo Reuters, các con đường tại Cộng hòa Dân chủ Congo bị xuống cấp nghiêm trọng sau nhiều năm chiến tranh và không được sửa chữa.
Ít nhất 50 người thiệt mạng và 100 người bị bỏng sau khi một xe bồn chở nhiên liệu va chạm với một chiếc xe khác ở Cộng hòa Dân chủ Congo hôm 6-10. Ảnh: Twitter
Năm 2010, ít nhất 230 người thiệt mạng ở nước này sau khi một xe bồn chở nhiên liệu bị lật và phát nổ. “Quả bóng lửa” bao trùm các ngôi nhà và khu vực chật cứng người xem sự kiện thể thao World Cup.
Video đang HOT
Trong một diễn biến khác, 20 người bị giết chết và 16 người bị thương sau khi một chiếc xe buýt nhỏ rơi xuống hẻm núi sâu ở vùng Kashmir do Ấn Độ kiểm soát.
Chiếc xe buýt nhỏ chỉ có 22 chỗ ngồi nhưng chở ít nhất 36 hành khách. Nó lao xuống một con đường ở núi Himalaya, gần thị trấn Ramban, nhân viên cảnh sát Anita Sharma nói với hãng tin AP.
Người này nói thêm chiếc xe rơi vào hẻm núi sâu do tài xế dường như mất kiểm soát tay lái bởi “trục trặc kỹ thuật”. Trong số những người bị thương phải nhập viện có 12 người đang trong tình trạng nguy kịch.
Cùng ngày, một vụ tai nạn cũng xảy ra ở Kashmir khi một chiếc xe tải chở một nhóm binh sĩ Ấn Độ trượt ra khỏi con đường tại khu vực Shopian, khiến ít nhất 16 người bị thương.
Ấn Độ là nước có những con đường nguy hiểm nhất thế giới. Có hơn 110.000 người thiệt mạng vì tai nạn giao thông ở nước này hằng năm. Hầu hết các vụ tai nạn là do tài xế chủ quan, đường sá không được sửa chữa và xe cộ cũ kỹ.
Phạm Nghĩa (Theo Reuters, Express, AP)
Theo nld.com.vn
Cả đời chống bạo lực tình dục của bác sĩ giành giải Nobel Hòa bình
Chứng kiến những "nỗi kinh hoàng sâu sắc" ở quê nhà, bác sĩ Denis Mukwege quyết dành cả đời đấu tranh cho những phụ nữ bị bạo lực tình dục.
Tại Cộng hòa Dân chủ Congo, người ta gọi Denis Mukwege là "bác sĩ phép màu". Không chỉ nổi tiếng nhờ kỹ năng phẫu thuật, bác sĩ đoạt giải Nobel Hòa bình 2018 còn cống hiến quên mình suốt hơn hai thập kỷ để giúp đỡ các nạn nhân bị bạo lực tình dục.
Theo AFP, bác sĩ Mukwege sinh ngày 1/3/1955. Từ nhỏ, ông đã nuôi ước mơ trở thành bác sĩ nhờ chứng kiến người cha là mục sư thường xuyên đi thăm người bệnh.
Sau khi học y khoa tại Burundi, bác sĩ Mukwege làm việc tại Bệnh viện Lemera, phía nam Bukavu. Một thời gian sau ông sang Pháp theo học chuyên ngành phụ khoa tại Angers rồi trở về Bệnh viện Lemera.
Năm 1999, bác sĩ Mukwege lần đầu tiếp xúc với một phụ nữ bị hãm hiếp. Ông kể rằng hung thủ đã cho súng vào vùng sinh dục của nạn nhân rồi bóp cò.
"Toàn bộ xương chậu của cô ấy bị phá hủy. Tôi nghĩ rằng đó là hành vi của một kẻ điên. Thế mà năm ấy tôi điều trị đến 45 ca tương tự", bác sĩ Mukwege đau lòng thuật lại. "Suốt 15 năm, tôi đã nhìn tận mắt hàng loạt vụ bạo hành cơ thể phụ nữ và quyết định không thể khoanh tay đứng nhìn".
Bác sĩ Mukwege bên các bệnh nhân. Ảnh: TP.
Các cơ quan viện trợ thuộc Liên Hợp Quốc ghi nhận tại khu vực phía bắc và phía nam Kivu, "hiếp dâm có hệ thống" với phụ nữ được sử dụng như một thứ vũ khí. Chính bác sĩ Mukwege cũng thừa nhận tội ác ở phía đông Congo đang ngày càng tăng lên với mức độ nghiêm trọng "không thể chịu đựng nổi".
Trong cuốn tự truyện của mình, bác sĩ Mukwege tâm sự những "nỗi kinh hoàng sâu sắc" mà ông chứng kiến ở quê nhà đã trở thành động lực thúc đẩy ông thành lập Bệnh viện Panzi vào năm 1999. Đây là cơ sở phụ khoa và sản khoa, có 450 giường.
Mỗi năm, Bệnh viện Panzi tiếp nhận hơn 3.500 phụ nữ, đồng thời cung cấp dịch vụ tham vấn và phẫu thuật tái tạo miễn phí cho những trường hợp bị tổn thương nghiêm trọng. Trải qua gần 20 năm hoạt động, Bệnh viện Panzi đã điều trị cho hơn 85.000 phụ nữ Congo, trong đó 60% là nạn nhân bạo lực tình dục.
Levi Luhiriri, bác sĩ làm việc tại Bệnh viện Panzi cho biết bác sĩ Mukwege rất mạnh mẽ và đảm bảo cơ sở y tế đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. "Anh ấy thẳng thắn, chính trực nhưng không chấp nhận sự qua loa", bác sĩ Luhriri nói với AFP.
Với nguyên tắc "công lý là nhiệm vụ của tất cả mọi người", bác sĩ Mukwege tin rằng cả đàn ông lẫn phụ nữ, sĩ quan và binh lính, chính quyền địa phương cũng như đất nước và quốc tế cần tham gia vào việc ngăn chặn bạo lực tình dục. Bác sĩ Mukwege còn nhiều lần chỉ trích chính phủ Congo và nhiều nước khác vì không có động thái ngăn chặn hiếp dâm.
Quyết định đứng lên bảo vệ những nạn nhân và chống lại nạn hiếp dâm, bác sĩ Mukwege đặt chính mạng sống của mình vào nguy hiểm. Tháng 10/2012, ông bị tấn công song may mắn thoát chết. Bác sĩ Mukwege phải sang châu Âu sống lưu vong và hoạt động của Bệnh viện Panzi bị gián đoạn.
Ngày 14/1/2013, bác sĩ Mukwege trở về Bukavu. Suốt 20 dặm từ sân bay Kavumu vào thành phố, người dân ra đường đón ông, chủ yếu là những bệnh nhân từng được bác sĩ săn sóc. Để ông có tiền mua vé máy bay, họ cùng đóng góp tiền bằng cách bán dứa và hành.
Hiện nay, ở tuổi 63, bác sĩ Mukwege vẫn tiếp tục điều trị và đấu tranh cho những phụ nữ bị bạo lực tình dục. Lúc Ủy ban Nobel công bố ông là người giành giải Nobel Hòa Bình cùng với Nadia Murad, bác sĩ Mukwege đang tiến hành ca phẫu thuật ca thứ hai trong ngày.
Trước khi nhận giải Nobel Hòa bình năm 2018, bác sĩ Mukwege từng được Liên Hợp Quốc vinh danh và nhận nhiều danh hiệu, giải thưởng quốc tế, trong đó có Huân chương Bắc Đẩu Bội Tinh của Pháp.
Minh Nguyên
Theo Vnexpress
Ấn Độ: Tấn công khủng bố vào đồn cảnh sát tại Jammu và Kashmir Theo ANI News, ngày 30/9, một cảnh sát đã bị thương sau khi các phần tử khủng bố tấn công một đồn cảnh sát tại quận Shopian thuộc Jammu và Kashmir, Ấn Độ. Binh sỹ Ấn Độ gác tại Srinagar, Kashmir. (Nguồn: AFP/TTXVN) Các phần tử khủng bố trước tiên đã ném lựu đạn sau đó nổ súng vào đồn cảnh sát. Các...