Xảy sự cố ở bến xe, không có lối thoát hiểm
Đó là thực trạng đáng lo đối với những bến xe khách, xe tải lớn trên địa bàn thành phố, như Giáp Bát (quận Hoàng Mai), Lương Yên (quận Hai Bà Trưng), bến xe Vận tải hàng hóa (quận Hoàng Mai)… Trong khi, hầu hết các trục đường ra vào những bến xe này đều bị bít kín mặt tiền và luôn trong tình trạng quá tải.
Ngõ 897 đường Giải Phóng – lối vào của xe khách bến Giáp Bát, tràn lan xe taxi đỗ sai phép
Mỗi nơi một tồn tại
Bến xe Giáp Bát, nếu chỉ nhìn vị trí mặt tiền rộng ngay đường Giải Phóng sẽ không thể đánh giá hết thực trạng – năng lực “thoát hiểm”, nếu xảy ra sự cố hỏa hoạn hay ngập lụt. Về lý thuyết, bến xe này có 2 lối ra vào tách biệt, và cửa phụ có thể sử dụng trong tình huống cần thiết. Ngay cả xe buýt vào bến cũng có đường riêng. Tìm hiểu thực tế, có thể ghi nhận độ an toàn đối với lối ra của bến Giáp Bát. Nhưng cổng vào lại đáng lo ngại. Xe khách vào bến Giáp Bát hiện nay theo đường Giải Phóng, rẽ vào ngõ 897. Còn ngõ này mặt cắt rộng khoảng 10 m, và 1 xe ô tô khách loại 45 chỗ có thể đi lại dễ dàng trong tình trạng xe đi… một mình một đường. Thực tế hàng ngày, ở lối vào này, hàng quán và một điểm trông giữ xe chiếm toàn bộ hai bên vỉa hè. Khoảng đất trống đối diện cổng vào là “bến” xe taxi trái phép, đỗ và hoạt động tương ứng với giờ của xe khách trong bến Giáp Bát. Chưa kể đội quân “xe ôm” vãng lai túc trực, cạnh tranh với đội “xe ôm” được phép hoạt động trong bến. Từ 7h sáng đến cuối buổi chiều, đến ngõ 897 – lối vào bến xe này lúc nào cũng bắt gặp cảnh ùn ứ.
Video đang HOT
Xuôi theo đường Giải Phóng xuống ngã ba Đuôi Cá là bến xe Vận tải hàng hóa. Đây là bến xe duy nhất ở Hà Nội phục vụ xe tải từ các tỉnh phía Nam ra. Mỗi ngày có trên 300 lượt xe tải ra vào bến, chưa kể gần 20 kho hàng bên trong. Thế nhưng nhiều năm nay, khuôn viên rộng hơn 10.000m2 này chỉ có duy nhất 1 lối ra, “kiêm” cổng vào, ngay đầu đường Trương Định. Hơn 1 tháng trước, Báo ANTĐ có bài phản ánh, nêu lên nguy cơ không có lối thoát hiểm ở bến xe này. Ngày 11-12, Phòng CS PCCC quận Hoàng Mai, đã lập biên bản nhắc nhở và kiến nghị đơn vị quản lý bến sớm triển khai mở cửa thoát hiểm thông ra ngõ 1141 đường Giải Phóng. Tuy nhiên ngày 18-12, trao đổi với đại diện bến, thông tin PV nhận được vẫn chỉ là: “Chúng tôi đang gửi tiếp đơn kiến nghị đến UBND phường Thịnh Liệt để đề nghị giúp đỡ” (?!).
Cũng ở vị trí mặt đường như bến xe Giáp Bát, tương tự nguy cơ khó “thoát hiểm” nếu xảy ra sự cố tại bến xe Lương Yên. Hơn 2 năm nay, do phần lớn diện tích bến bị thu hồi để… xây chung cư (dự án xây chung cư mới đây đã bị tạm dừng, theo chỉ đạo của Chính phủ), nên việc tổ chức lối ra – vào cho xe khách phần nào bị hạn chế. Khu vực quảng trường, vị trí xe ô tô trả khách, điểm đón khách ở bến xe Lương Yên, lúc nào cũng ken đặc phương tiện. Đại diện bến xe Lương Yên thừa nhận: “Chỉ có thể thoát hiểm tốt, nếu diện tích bến được mở rộng trở lại như trước kia”.
Vì diện tích quá chật nên xe khách ở bến Lương Yên phải đỗ… chênh nhau tới 4, 5 mét
Cần rà soát, chấn chỉnh tồn tại
“Đặc thù các bến xe là luôn tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn, bởi số lượng xăng, dầu lớn của các xe ô tô. Chỉ một sự bất cẩn, sự cố xảy ra thì hậu quả sẽ rất khó lường”, Trung tá Đỗ Anh Quyến – Phó Trưởng phòng CS PCCC Thanh Trì nhìn nhận. Qua trao đổi với đại diện một số bến xe, một tình trạng dễ thấy là tâm lý chủ quan khi xe khách nào cũng trang bị bình bọt rồi nên nếu xảy ra sự cố có thể xử lý được. Ngoài ra, một số bến xe đã xây dựng, thực tập phương án diễn tập PCCC. Tuy nhiên, việc trang bị bình bọt là chưa đủ; cũng như phương án diễn tập, dù là cần thiết, tích cực, nhưng sẽ không thể giải quyết nổi mọi tình huống, nếu không có lối thoát hiểm cho các xe.
Nguy cơ từ sự thiếu quan tâm tổ chức lối thoát hiểm ở nhiều bến xe hiện nay, có lỗi từ phía đơn vị quản lý bến, cũng như sự quan tâm của chính quyền cơ sở. Như lối vào bến xe Giáp Bát, đặt câu hỏi với đại diện phường Thịnh Liệt về sự lộn xộn của hàng quán, điểm trông xe không phép, câu trả lời là do “giáp ranh giữa phường Thịnh Liệt với phường Giáp Bát nên khó làm”, rồi do “lực lượng mỏng nên làm không xuể”. Ở một số bến xe khác, những phần diện tích trống đa số được tận dụng để kinh doanh dịch vụ, thay vì trang bị, bố trí phương tiện cứu hộ, cứu hỏa. Thực trạng hiện nay đòi hỏi cơ quan chức năng thành phố vào cuộc khảo sát, kiểm tra việc tuân thủ những nguyên tắc chung về bố trí đảm bảo lối thoát hiểm, thoát nạn đối với các bến xe.
Theo ANTD
Vững từ cơ sở
"Đây là một chủ trương đúng, phù hợp với tình hình hiện nay bởi nó phòng ngừa, ngăn chặn được những bất ổn ngay từ khi còn là mầm mống. Phường nào cũng làm, Hà Nội sẽ bình yên hơn nhiều" - ông Trần Mộng Lâm, Bí thư chi bộ khu dân cư số 6 phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai, Hà Nội khẳng định ý nghĩa thiết thực của kế hoạch đấu tranh chuyển hóa tình hình ANTT đã và đang được thực hiện ở phường Giáp Bát.
Duy trì kiểm tra tạm trú tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện, nhạy cảm về ANTT
Ráo riết, sít sao
Theo nhận xét của ông Trần Mộng Lâm, phường Giáp Bát hiện có nhiều ban chỉ đạo đồng thời hoạt động nhưng hoạt động của ban chỉ đạo chuyển hóa địa bàn trọng điểm là ráo riết, sít sao nhất. Hàng tháng, đội ngũ cán bộ cơ sở các khu dân cư và ban ngành đoàn thể phải báo cáo tình hình về ban chỉ đạo, đơn vị nào nộp chậm bị nhắc nhở ngay trong buổi họp giao ban định kỳ. "Việc thực hiện quy chế như vậy khiến cán bộ khu dân cư chúng tôi không thể lơ là. Chúng tôi cảm thấy bận rộn hơn hẳn"- ông Lâm tâm sự và nêu những phần việc cụ thể được đội ngũ cán bộ cơ sở khu dân cư số 6, phường Giáp Bát triển khai thực hiện trong 9 tháng qua, nhằm chuyển hóa tình hình phức tạp về ANTT trên địa bàn.
Cùng với công tác tuyên truyền vận động nhân dân nâng cao ý thức giữ gìn ANTT, cán bộ khu dân cư đã kết hợp chặt chẽ với CSKV tiến hành rà soát các mầm mống có thể gây mất TTATXH, đưa vào "tầm ngắm" 20 đối tượng từng có tiền án, tiền sự, nghiện ma túy 16 cơ sở kinh doanh có điều kiện, nhạy cảm về ANTT 2 cửa hàng kinh doanh có yếu tố nước ngoài để có biện pháp phối hợp cùng nhân dân quanh khu vực quản lý. Không những vậy, cán bộ khu dân cư còn tới từng hộ kinh doanh dịch vụ trên đường Giải Phóng, yêu cầu cam kết chấp hành nghiêm túc quy định về TTĐT. Khi phát hiện nghi vấn về ANTT, lập tức nhân dân phản ánh tới các cấp chính quyền để có biện pháp ngăn chặn.
Lưu ý đến 3 yếu tố thường xảy ra trong sinh hoạt cũng ảnh hưởng đến ANTT như mâu thuẫn gia đình, mâu thuẫn hàng xóm, lợi ích cộng đồng bị vi phạm, ông Lâm cũng cho hay, do coi trọng công tác hòa giải ngay từ khi mới phát sinh mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, tổ hòa giải ở khu dân cư đã hóa giải thành công nhiều mâu thuẫn, trong đó có những mâu thuẫn "chết người".
Khi người dân vào cuộc
Là một trong 10 đơn vị được CATP xác định trọng điểm phức tạp về ANTT, chính quyền phường Giáp Bát đã tập trung thực hiện những biện pháp quyết liệt nhằm chuyển hóa tình hình địa bàn trong đó đã giao cho CAP Giáp Bát chủ trì phối hợp với các ngành, đoàn thể, cán bộ cơ sở các khu dân cư, tổ dân phố tiến hành điều tra cơ bản, xác định những vấn đề nổi cộm, phức tạp về ANTT để xây dựng biện pháp giải quyết hiệu quả. Việc làm cụ thể của cán bộ nhân dân khu dân cư số 6 nêu ở trên cho thấy, nhân dân phường Giáp Bát đã hưởng ứng, vào cuộc, sẵn sàng làm "tai mắt" giúp các đơn vị chức năng kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, xử lý ngay các mầm mống bất ổn có thể gây mất trật tự trị an, không để phát sinh phức tạp. Theo báo cáo của CAP Giáp Bát, nhờ những thông tin có giá trị liên quan đến ANTT do người dân trên địa bàn cung cấp, CAP Giáp Bát đã điều tra, làm rõ 13/18 vụ phạm pháp hình sự bắt giữ xử lý 35 vụ phạm tội về ma túy, 1 đối tượng tàng trữ trên 5 triệu đồng tiền giả, bắt 3 đối tượng có lệnh truy nã đưa 19 đối tượng nghiện ma túy (trong đó có 15 đối tượng lang thang) và thu gom 11 gái mại dâm hoạt động tại địa bàn công cộng vào các trung tâm cai nghiện, cơ sở chữa bệnh bắt buộc của thành phố...
Trung tá Nguyễn Đình Thoái, Trưởng CAP Giáp Bát cho biết, bên cạnh những nỗ lực của chính quyền và nhân dân, phường Giáp Bát còn được sự quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ của các phòng nghiệp vụ CATP, đội nghiệp vụ CAQ Hoàng Mai và các phường giáp ranh trong quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch đấu tranh chuyển hóa tình hình ANTT tại địa bàn phường. Các đơn vị thường xuyên phối hợp với CAP Giáp Bát duy trì kiểm tra hành chính kết hợp với tăng cường các biện pháp nghiệp vụ trinh sát để chủ động phát hiện vi phạm, xử lý. Qua 9 tháng triển khai kế hoạch đấu tranh chuyển hóa tình hình ANTT, phường Giáp Bát đã giảm 35,7% phạm pháp hình sự, giảm cơ bản tình trạng đối tượng lợi dụng các cơ sở kinh doanh dịch vụ để hoạt động TNXH không còn tình trạng gái mại dâm, các đối tượng nghiện ma túy hoạt động tại các địa bàn công cộng, không để xảy trọng án.
Theo ANTD
Cắm biển báo, ngăn xe khách cố tình "rùa bò" trong nội đô Nhằm dẹp bỏ tình trạng xe khách cố tình chạy theo kiểu "rùa bò" để bắt khách, Sở GTVT Hà Nội đã tiến hành cắm biển giới hạn tốc độ tối thiểu trên trục đường Giải Phóng, Phạm Hùng. Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Văn Mạnh - Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội - cho biết, sau 2 tuần...