Xây “lô cốt” đấu trực diện với giang hồ để làm “trùm”… bãi vàng
Chính việc làm của ông Thành và “tay chân” đã góp phần hạn chế những vụ cướp giết tranh giành quyền lực, lãnh địa trên địa bàn.
Đặc biệt hạn chế được những tên cộm cán khắp nơi đến cướp bóc và trấn lột dân phu vàng. Uy tín của “đại ca Ba Chòm” ngày càng được nâng lên, ông Thành trở thành “lãnh chúa” bãi vàng khe Đá Mài, Cẩm Sơn, được dân “anh chị” trong giới giang hồ nể ngại.
“Căng như dây đàn”
Sau khi thu phục và thâu tóm được tất cả các trưởng bưởng của các bãi vàng ở huyện Cẩm Thủy, “đại ca Ba Chòm” nhanh chóng thiết lập một “đế chế” hùng mạnh để nâng cao vị thế và uy tín của mình.
Thế nhưng các nhóm giang hồ “đầu trâu mặt ngựa” ở nơi khác tìm đến tranh giành, quấy phá, làm cho bãi vàng trở nên hỗn loạn. Tuy nhiên ông Thành một lần nữa lại thu phục được tất cả, khiến giới giang hồ phải “tâm phục khẩu phục”…
Ông Thành kể về quá khứ một thời của mình trong những năm tháng cai quản hàng vàng.
Ông Thành đã cùng với các chủ bưởng vàng và các “tay chân” thân tín nhất trong giới giang hồ đứng ra cai quản và cho xây dựng nhiều lô cốt, hầm trú ẩn và lều trại cho đội quân đào vàng. Với tính khí ngang tàng, đầu óc mưu lược, ông Thành đi tới đâu cũng được dân anh chị giang hồ nể phục. Ngược lại, ông Thành cũng thể hiện là “đàn anh”.
Suốt thời gian làm ở bãi vàng, ông Thành ngoài thu tiền bãi, tiền mua đất, thì không thu giữ bất chính thành quả lao động của các phu đào vàng. Ai tự nguyện đưa gì, biếu gì thì ông Thành lấy chứ không giành giật, bắt chẹt phu vàng. Có lẽ, cũng vì xuất thân từ một gia đình nghèo khó, trải qua bao sóng gió cuộc đời, bị ghẻ lạnh, khinh ghét, nên ông Thành hiểu và cảm thông được với những người nghèo khổ!?
Mặc dù mỗi ngày có tới hàng trăm người từ các nơi đổ đến hang vàng Khe Mài đào đãi ngày đêm, nhưng những cuộc giết cướp được hạn chế gần như tuyệt đối. Những cuộc tranh giành, đánh đấm vẫn diễn ra, tuy nhiên chỉ lén lút phía sau ông Thành và các “tay chân”.
Chính việc làm của ông Thành và “tay chân” đã góp phần hạn chế được những tên cộm cán khắp nơi đến cướp bóc và trấn lột dân phu vàng. Uy tín của “đại ca Ba Chòm” ngày càng được nâng lên, ông Thành trở thành “lãnh chúa” bãi vàng Khe Mài, Cẩm Sơn, được dân “anh chị” trong giới giang hồ nể phục.
Tuy nhiên, cái trật tự do ông Thành lập ra lại khiến không ít những tay anh chị khác trong giới giang hồ ngấm ngầm ghen tị. Không ít những băng nhóm nhiều lần bí mật cho quân rình rập quanh bãi đào vàng do ông Thành cai quản. Chưa hết, các băng nhóm còn cấu kết với nhau, quyết “đánh úp” ông Thành, giành lãnh địa… Nhưng, mọi âm mưu từ manh nha đến kế hoạch bài bản của các tay anh chị đều được ông Thành và các đệ tử của ông phát hiện và xử lý ổn thỏa.
Hồi đó, ông Thành có một khẩu súng K54, đi đâu cũng đeo bên hông. Ông Thành để kiểu tóc “ba trái đào”. Hỏi sao ông để kiểu tóc trẻ con đó mà mọi người lại sợ. Ông bảo, có lẽ là do nhìn ông “khác biệt” với hầu hết người dân lao động và tất cả những tay anh chị trong giới giang hồ.
Ông Thành cao lớn, tướng tá nhanh nhẹn, lại biết võ thuật, gan lỳ, liều lĩnh và trượng nghĩa… Có lẽ, tất cả những bản tính đó hòa trộn trong con người ông, đã làm lên một hình ảnh không thể lẫn với những tay anh chị khác?
Video đang HOT
Trong ký ức của mình, ông Thành đã khoe “hồi đó chỉ mình tôi có súng”. Khẩu súng K54 của ông không phải do công an cấp, cũng không phải chính quyền đưa, mà “do một thằng đến đào vàng nó có”.
Ông kể: “Thằng đó ở Tĩnh Gia, Thanh Hóa. Chẳng biết nó lấy khẩu súng ở đâu. Tôi phát hiện ra, tôi bảo nó: “Mày muốn đào vàng ở đây thì phải đưa khẩu súng cho tao. Nếu mày dùng súng bắn linh tinh thì tao chém mày chết. Vậy là nó sợ, nó đưa cho tôi”".
Chính quyền… “tâm phục khẩu phục”
Nhận thấy sự quản lý của ông Thành là có lợi cho chính quyền xã trong việc giữ gìn trật tự an ninh, nên chính quyền xã không làm khó, làm dễ ông nữa. Vậy là, UBND xã đó, huyện đó, rồi công an sau khi hỏi han, rồi coi như công nhận ông là người quản lý hang vàng khe Đá Mài và người giữ trật tự chung cho các hang vàng.
Chỉ có điều, “thằng Yến” (một cán bộ xã thời đó) sau đó thỉnh thoảng lại lui tới, ông Thành phải nháy các phu vàng “lót tay” cho Yến để mọi chuyện được yên.
Tôi hỏi ông Thành: “Thế hồi đó ông để dành được nhiều vàng không?”. “Làm gì có tí gì? Đến ông trưởng (tức anh cả ông Thành – PV) hồi trước tìm lại được tôi, còn bảo, hồi đó ông làm thế mà chẳng có tí cứt gì?”. Nói chẳng ai tin, nhưng thực sự hồi đó ông Thành bảo, ông chỉ đứng ra quản lý, giữ trật tự, làm giàu cho làng, cho xóm chứ chẳng lấy của ai cái gì.
Trong ký ức của mình, ông Thành không bao giờ quên được ký ức vừa hào hùng vừa đau khổ đó. Có lẽ ông Thành là một trong những đại ca hiếm gặp trong giới giang hồ. Dù dưới trướng của ông có cả hàng vạn người, ông nói một câu là tất cả phải răm rắp nghe theo, nhưng ông không tham lam, tranh giành cướp bóc của ai để hưởng lợi riêng.
Dưới tài thao lược, chỉ huy của ông Thành, bãi vàng ở khe Đá Mài trở nên trật tự, quy củ. Cái tên “đại ca Ba Chòm” được phu vàng truyền tai nhau, ông Thành trở nên nổi tiếng khắp huyện, rồi lan khắp tỉnh. Chính vì vậy, Công an tỉnh Thanh Hóa thành lập một lực lượng lớn khoảng hơn trăm người, trang bị súng đạn đầy đủ, tập kết tại các bãi vàng khai thác trái phép.
“Tôi vẫn còn nhớ như in buổi chiều hôm đó. Có một toán người gần chục người kéo đến địa phận hang vàng tôi quản lý. Họ gặp tôi hỏi: Ở đây ai là “đại ca Ba Chòm?”. Tôi hỏi lại, gặp “đại ca Ba Chòm” có việc gì. Họ bảo, để mua vàng. Tôi bảo những người đó, “gì thì gì các cháu đi đường xa đến cứ nghỉ ngơi, ăn uống cái đã”. Nói rồi, tôi dẫn toán người này vào các quán phở, gọi những suất phở ngon đặc biệt mời họ. Nhưng người trong quán lại reo hò khi thấy tôi, rồi chào tôi, lúc đó toán người đó mới biết tôi chính là “đại ca Ba Chòm”…”, ông nhớ lại.
Ông tiếp: “Ngồi trước mặt họ, để cho họ ăn xong xuôi, tôi hỏi: Các cháu đến tìm chú có việc gì? Họ vẫn bảo, đến gặp để mua vàng. Tôi rút khẩu súng K54 đặt lên bàn nói: “Các cháu mua vàng tử tế thì chúng tôi bán. Nếu không mua tử tế hay có việc gì khác thì đi tìm người khác!”. Vậy là họ đành nói thật, họ là những cán bộ của tỉnh, muốn đến xem tôi làm ăn thế nào”.
(Còn tiếp…)
Nguyễn Hạnh – Tô Hiển
Theo_Người Đưa Tin
Người nhặt rác vô gia cư vốn là "đại ca" khét tiếng xứ Thanh
Nổi tiếng khắp các huyện lỵ xứ Thanh vào những năm đầu thập niên 70, cái tên đại ca "Ba chòm" Nguyễn Văn Thành không những khiến giới giang hồ khiếp sợ, mà còn khiến công an đau đầu.
Quá khứ đau thương
Đại ca "Ba chòm" tên thường gọi là Nguyễn Văn Thành, tên khai sinh là Quách Văn Mậu. Ông Thành, SN 1936, tại xã Ngọc Thủy, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa.
Để tạo dấu ấn khác biệt trong giới giang hồ, ông Thành cạo trọc đầu, nhưng lại để ba chỏm tóc kiểu "ba trái đào" trên đầu. Và mỗi khi đi đâu, ông Thành luôn giắt theo khẩu súng K54 bên mình. Cái tên đại ca "Ba chòm" cũng hình thành từ đó.
Đại ca "Ba chòm" bây giờ.
Sinh ra và lớn lên trong một vùng quê nghèo khó thuộc huyện miền biển nghèo khó của tỉnh Thanh Hóa, bố mẹ ông Thành không có nghề nghiệp gì ổn định, chỉ quanh quẩn với ruộng đồng và chài lưới bắt tôm, bắt cá. Quanh năm, suốt tháng bố mẹ ông làm quần quật ngoài đồng ruộng mà kiếm không đủ ăn. Do nhà nghèo nên mấy anh chị em nhà ông
Thành không được ăn no, không được học hành đến nơi đến chốn, nhưng bù lại, chàng thanh niên Nguyễn Văn Thành lại có một sức khỏe và vóc dáng hơn người và có tố chất thông minh bẩm sinh ít ai sánh kịp.
Năm ông Thành lên 10 tuổi, bố mẹ mất, việc học hành của mấy anh chị em ông Thành phải đứt đoạn. Tuy lúc đó ông Thành mới học chưa hết lớp 4, nhưng ông đã phải phụ giúp các anh chị trong gia đình làm đủ mọi việc kiếm sống.
Kiếm sống ở quê không đủ ăn, lớn hơn một chút, ông Thành theo đám bạn bè lang thang khắp các huyện lỵ xứ Thanh, rồi theo những đoàn tàu ra Hà Nội. Suốt những ngày tháng lang thang, ban ngày ông cùng đám trẻ bụi đời đến những quán cơm bình dân hay những khu chợ xin thức ăn thừa để sống qua bữa.
Buổi tối lại tìm gầm cầu, đầu đường, xó chợ để ngủ. Những ngày lang thang đó, với bộ dạng nhếch nhác, bẩn thỉu của một kẻ quê mùa, cậu bé Thành luôn bị khinh bỉ, bị bắt nạt. Sống giữa đô thị bơ vơ lạc lõng, thiếu vắng tình thương, cậu bé Thành dần trở nên lầm lì ít nói, bản năng sinh tồn khiến ông phải nghĩ ra những cách để chống chọi với cuộc sống lang bạt muôn vàn khó khăn.
Cuộc sống lang thang khắp các hang cùng ngõ hẻm, khi ấy, là vô cùng cực khổ với một đứa trẻ chưa đến tuổi vị thành niên. Cuộc sống chui rúc, ăn bờ, ngủ bụi, muốn yên cũng chẳng được yên. Chỉ vì đói khát, những đứa trẻ giang hồ sẵn sàng đánh nhau đến chảy máu đầu để giành giật miếng bánh, chỗ trú ít bị mưa nắng hơn.
Lang thang "ăn cơm xã hội" được 3 năm, ông Thành lại thấy nhớ quê hương da diết, nên dứt bỏ thành thị trở lại quê nhà thị xã Thanh Hóa kiếm sống. Nhưng quê hương ông khi ấy cũng rơi vào cảnh đói nghèo, kiệt quệ. Hai miền Nam, Bắc đang rơi vào cảnh chiến tranh loạn lạc, Đế quốc Mỹ đang tập trung đánh phá miền Bắc, mở rộng âm mưu xâm chiếm lãnh thổ.
Đang lúc rơi vào cảnh bế tắc "đi không được, ở không xong" ông Thành được một người "bạn xã hội", lúc đó đang làm lính cho Ngụy quân ngụy quyền ở Tây Nguyên, rủ rê ông gia nhập lính Cộng hòa để có cuộc sống thay đổi, sung túc.
Bị viễn cảnh không phải chịu đói khát, được ăn sung mặc sướng làm lóa mắt, ông Thành vào Đà Lạt, gia nhập quân ngũ Cộng hòa chịu sự kiểm soát của chế độ Cộng hòa.
Thời điểm đó, chính quyền Ngụy đang chiều chuộng, mua chuộc những người miền Bắc Việt Nam, lấy lòng những người miền Bắc để thực hiện chiến dịch "lấy Bắc kỳ chống Bắc kỳ" chuẩn bị lực lượng đánh phá ra miền Bắc.
Sau khi gia nhập lính Cộng hòa được một thời gian, bọn Ngụy nhận thấy ông Nguyễn Văn Thành có tố chất của một thanh niên thông minh, nhanh nhẹn, nên đã cho ông vào trường Sỹ quan quân đội Ngụy, nơi chuyên đào tạo những người thuộc hàng ngũ cấp tướng tá chỉ huy trong lực lượng miền Nam Cộng hòa.
Ông Thành được học võ thuật, bắn súng, bơi lội, sử dụng những công cụ thông tin liên lạc, nắm bắt tình hình chiến tranh giữa lính Cộng hòa với quân dân cách mạng. Sau khi được đào tạo suốt 18 tháng, ông Thành và một số học viên khác được bọn Ngụy đưa ra Bắc tập kết, với kỳ vọng ông Thành và những "con gà" đã được tôi luyện dưới tay chúng trở thành những thám báo chống phá trong lòng cách mạng. Thời điểm đó, theo như lời ông Thành là khoảng những năm 1962, 1963.
Tuy nhiên, ngay khi vừa chạm chân xuống miền Bắc, ông Thành và các học viên cùng khóa bị dân quân vây bắt. Ông Thành hô hào đồng bọn bỏ súng quy hàng. Ông và một số lính Cộng hòa khác bị đưa đi cải tạo chính trị ở trại giam số 6 Nghệ An, sau đó chuyển sang Trại giam số 5 Thanh Hóa. Ba năm sau, ông được thả tự do.
Sa chân ... "giang hồ"
Trải qua bao sóng gió cuộc đời, ông trở về quê hương, tìm một nơi để bấu víu, cứu vớt tâm hồn. Tuy nhiên, chính tại quê hương, sống bên những người thân thích, ông lại bị coi thường, ghẻ lạnh. Thất chí, bước chân ông vô tình bước vào giới giang hồ.
Theo tin tức từ lời kể của ông Thành, trong một lần lang thang tại bến xe phía Tây thị xã Thanh Hóa, ông tình cờ gặp một người đàn ông tên Cường, "sau khi nói chuyện, biết tôi một thời là lính Cộng hòa, có nhiều võ nghệ, chất giang hồ, hiện đang vô gia cư, cần tìm một việc làm để kiếm sống, Cường rủ tôi lên bãi vàng thuộc xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa đi làm vàng". Kể từ đây cuộc sống của ông Thành thay đổi hoàn toàn.
Ngày đó, Cẩm Thủy nổi tiếng là một huyện nghèo với những khu rừng hoang sơ của hệ sinh thái núi đá vôi nối với các huyện Bá Thước, Thạch Thành, Ngọc Lặc của tỉnh Thanh Hóa, tạo thành một vùng hoang sơ hiểm trở và những hang động kỳ bí, nhưng đặc biệt hơn cả là những bãi vàng sa khoáng có trữ lượng lớn, lúc nào cũng có hàng nghìn người từ khắp các nơi đổ xô đi đào đãi vàng.
Theo một số phu vàng trước kia kể lại thì những bãi vàng ở Cẩm Thủy ngày càng được mở rộng, các hang vàng ngày càng được người dân đua nhau đào bới sâu tới hàng trăm mét.
Nhưng càng đào sâu thì hang càng hẹp, độ thẳng đứng của hang càng cao, vì vậy mỗi hang chỉ đủ lọt một người chui xuống, người chui xuống có nhiệm vụ bốc, vét đất dưới lòng hang, cho vào xô hoặc buộc vào bao, người trên miệng hang sẽ kéo lên.
Trong quá trình làm nghề đào vàng, tình cơ ông Thành phát hiện ra hang vàng ở khe Đá Mài (cũng thuộc xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Thủy) có rất nhiều vàng tấm lẫn trong đất. Ông liền gọi người thân, tự đào bới, khám phá và tìm kiếm được khá nhiều vàng...
Tuy nhiên, cái bí mật về hang vàng khe Đá Mài chẳng mấy chốc bị lan rộng, người dân các nơi bỏ nơi đào vàng cũ, chuyển hết sang hang Khe Mài. Những vụ sập hầm, tranh giành lãnh địa, cướp giết lẫn nhau diễn ra hàng ngày, hàng giờ. Sức hút của vàng nên nhiều người bấp chấp cả mạng sống của mình, ùn ùn kéo về hang vàng ở khe Đá Mài.
Là một người lính Cộng hòa, được đào tạo bài bản, lại có tính khí khẳng khái, sống sòng phẳng có trước, có sau với mọi người, ông Nguyễn Văn Thành quyết định phải đứng lên làm lại trật tự các hang vàng, nhất là hang vàng khe Đá Mài.
Ông Thành bắt đầu một chiến dịch thu phục những bưởng vàng và phu vàng. Những "đệ tử" được ông Thành lựa chọn là những trưởng bưởng đang cai quản những hang, bãi vàng trên khắp huyện. Khi đã có "ban bệ" đàng hoàng, ông Thành thiết lập những quy định nghiêm ngặt, bảo vệ quyền lợi của các phu vàng và phân chia lãnh địa một cách bình đẳng... Uy tín của đại ca Ba "chòm" ngày càng được nâng lên, ông Thành trở thành "lãnh chúa" bãi vàng Khe Mài, Cẩm Sơn, được dân "anh chị" trong giới giang hồ nể phục.
Nguyên Hạnh - Tô Hiên
Theo_Người Đưa Tin
"Đại ca giang hồ" Cần Thơ kháng cáo kêu oan "Đại ca" Hiền Kháp kêu oan, cho rằng không ra lệnh đàn em truy sát người của quán karaoke. Theo TAND TP Cần Thơ, đến ngày 25/5, trong số 52 bị cáo gây ra vụ truy sát em chủ quán karaoke tại quận Thốt Nốt bị kết án thì có 24 người nộp đơn kháng cáo. Trong đó, Trương Phong Hiền (Hiền Kháp)...