Xây khách sạn cao cấp trong khu chính trị Ba Đình
Thủ tướng vừa giao Văn phòng Chính phủ cùng Văn phòng Trung ương nghiên cứu đầu tư xây dựng khu tổ hợp dịch vụ khách sạn cao cấp phục vụ chung cho các cơ quan Trung ương trong Trung tâm chính trị Ba Đình (Hà Nội).
Thủ tướng vừa giao các bộ ngành triển khai kết luận của Bộ Chính trị về việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu trung tâm chính trị Ba Đình. Cụ thể, Thủ tướng chỉ đạo Văn phòng Chính phủ cùng Văn phòng Trung ương nghiên cứu đầu tư xây dựng khu tổ hợp dịch vụ khách sạn cao cấp phục vụ chung cho các cơ quan Trung ương trong Trung tâm chính trị Ba Đình tại số 35-37 Hùng Vương, số 8-10 Chu Văn An và khu trụ sở Bộ Tư pháp.
Văn phòng Chính phủ phối hợp với UBND thành phố Hà Nội lập, triển khai và hoàn thành dự án giải tỏa khu nhà phía Nam thảm cỏ Quảng trường Ba Đình làm cơ sở mở rộng chiều dài Quảng trường.
Bộ Xây dựng có nhiệm vụ chỉ đạo, xây dựng phương án mở rộng đường Độc Lập theo quy hoạch được duyệt. Đơn vị này cũng lập quy hoạch khu trụ sở các cơ quan Trung ương tại khu vực Tây hồ Tây và Mỹ Đình.
Video đang HOT
Thủ tướng chỉ đạo Bộ Quốc phòng phối hợp cùng Bộ Xây dựng nghiên cứu bổ sung các công trình quốc phòng, an ninh cần thiết và phương án xây dựng các công trình ngầm và tổ chức giao thông khu trung tâm chính trị Ba Đình đảm bảo hoạt động giao thông trong cả thời bình và thời chiến.
UBND thành phố Hà Nội có nhiệm vụ phối hợp với Bộ Xây dựng, Giao thông vận tải tính toán kỹ phương án tổ chức giao thông đối nội và đối ngoại cho khu trung tâm chính trị Ba Đình, bảo đảm giao thông thông suốt.
Theo Dantri
Chia sẻ hạ tầng xã hội tại các tỉnh nhằm giảm tải cho Thủ đô
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, định hướng quy hoạch không gian theo hướng chia sẻ hạ tầng xã hội tại các tỉnh nhằm giảm tải cho Thủ đô.
Cụ thể, quy mô, phạm vi nghiên cứu bao gồm Thủ đô Hà Nội và 9 tỉnh là Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang (mở rộng thêm 3 tỉnh là Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang so với Quyết định số 490/2008/QĐ-TTg ngày 5/5/2008) có tổng diện tích hơn 24.300 km2 với dân số hiện trạng toàn vùng năm 2010 vào khoảng 17 triệu người.
Thủ đô Hà Nội đến năm 2050 sẽ là vùng kinh tế tổng hợp lớn của quốc gia và khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ảnh minh họa)
Quyết định nêu rõ, tầm nhìn vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2050 sẽ là vùng kinh tế tổng hợp lớn của quốc gia và khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đây là khu vực phát triển năng động, có chất lượng đô thị cao, môi trường đầu tư thuận lợi, bền vững; bảo đảm an ninh, quốc phòng; vùng Thủ đô có trung tâm chính trị, văn hóa - lịch sử, khoa học, giáo dục - đào tạo và du lịch lớn của cả nước.
Về hệ thống giao thông vùng, nội dung định hướng xác định hệ thống khung giao thông đồng bộ, phát triển kết nối mạng lưới giao thông của vùng và mạng lưới giao thông của quốc gia gắn với mạng lưới đường bộ liên tỉnh, liên huyện.
Đề xuất hoàn chỉnh mạng lưới giao thông công cộng nội vùng bao gồm đường sắt đô thị, xe buýt nhanh kết nối giữa các đô thị với đô thị trung tâm. Đề xuất hệ thống sân bay quốc tế, sân bay nội vùng, nghiên cứu sân bay quốc tế dự phòng thứ 2 trong vùng...
Ngoài ra, cần đề xuất có tính khả thi đối với việc chia sẻ hạ tầng xã hội tại các tỉnh để phát triển các khu vực đại học, các dịch vụ y tế, nhằm giảm tải cho Thủ đô Hà Nội.
Nghiên cứu cơ chế phát triển đối với các trung tâm mới về giáo dục và y tế đã và đang hình thành như: Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên; hình thành 5 tổ hợp y tế cấp vùng tại Thủ đô Hà Nội mở rộng, đề xuất định hướng mới và rà soát quy mô, tính chất các trung tâm giáo dục vùng: Hà Nội - Hải Phòng - Nam Định, các trung tâm y tế vùng: Hải Dương, Vĩnh Yên, Phủ Lý.
Bộ Xây dựng là cơ quan được giao tổ chức lập quy hoạch, thẩm định - trình duyệt. Thời gian lập quy hoạch không quá 12 tháng sau khi Nhiệm vụ quy hoạch được duyệt.
Theo Dantri