Xây dựng TPHCM “nghĩa tình”, thể hiện cốt cách của thành phố ở Nam bộ
Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM vừa hoàn thành Bộ tiêu chí TPHCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, với 6 nhóm nội dung. Trong đó, nhóm “nghĩa tình” là một đặc thù của TPHCM, thể hiện tinh thần hào sảng, nghĩa hiệp, nhân hậu, dễ mến của người dân thành phố, cốt cách của một thành phố ở Nam bộ.
Theo Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại có thể so sánh với hệ thống chung về một thành phố sống tốt của các đô thị trên thế giới, còn nội dung “nghĩa tình” là nét đặc trưng riêng của TPHCM, mang đậm tính nhân văn, bản sắc văn hóa của người Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng.
Người dân đến làm thủ tục hành chính tại UBND quận 1 (TPHCM)
Trong Bộ tiêu chí, nội hàm “nghĩa tình” là một trong những yếu tố quan trọng thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng bộ và chính quyền thành phố thực hiện chủ trương, chính sách giảm nghèo, chăm lo an sinh xã hội. “Nghĩa tình” còn thể hiện qua các hoạt động thương thân, tương trợ, giúp đỡ đồng bào gặp rủi ro, thiên tai, các phong trào nhân đạo giúp đỡ người nghèo, khó khăn trong xã hội.
“Tinh thần nghĩa hiệp, nhân hậu, gần gũi của người dân thành phố được phát huy mọi lúc mọi nơi xuất phát từ đặc trưng tính cách thân thiện, dễ gần, tin tưởng và sẵn sàng giúp đỡ người khó khăn, mang đậm tính nhân văn, sắc thái và cốt cách của một thành phố ở Nam bộ”, Viện Nghiên cứu phát triển thành phố cho biết.
Từ Bộ tiêu chí có tính nguyên tắc này, thành phố sẽ triển khai những chương trình, kế hoạch trọng điểm. Bộ tiêu chí bước đầu xây dựng 6 nhóm nội dung, với 25 tiêu chí, 129 tiêu chí thành phần.
Theo đó, nhóm chính trị và quản lý Nhà nước thể hiện mục tiêu xây dựng chính quyền kiến tạo; cải cách thủ tục hành chính; đảo bảm cuộc sống an toàn; nâng cao hiệu quả hoạt động của các đoàn thể và hiệp hội; nâng cao hiệu quả quan hệ hợp tác hữu nghị.
Nhóm kinh tế với các tiêu chí tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững; xây dựng cơ cấu kinh tế hiện đại; phát huy nguồn lực đầu tư từ phía người dân; hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo và tạo nhiều việc làm có chất lượng.
Nhóm văn hóa và xã hội, gồm tiêu chí xây dựng lối sống văn minh đô thị; tạo lập nhiều không gian văn hóa; giảm nghèo và bất bình đẳng xã hội; phát triển thông tin và truyền thông hướng đô thị thông minh; phát triển thể dục thể thao.
Video đang HOT
Nhóm y tế và giáo dục, với các tiêu chí xây dựng trung tâm y tế chất lượng cao; chăm sóc sức khỏe người dân; hiện đại hóa cơ sở vật chất ngành giáo dục; nâng cao chất lượng giáo dục.
Nhóm đô thị và môi trường, với các tiêu chí quản lý quy hoạch và quản lý xây dựng đô thị; quản lý cơ sở hạ tầng kỹ thuật; bảo vệ tốt môi trường.
Nhóm nghĩa tình là nét đặc trưng riêng của TPHCM, với mục tiêu thực hiện tốt các chính sách xã hội; đẩy mạnh hoạt động tương thân, tương trợ; thể hiện tinh thần hào sảng, nghĩa hiệp, nhân hậu, dễ mến của người dân thành phố.
Bộ tiêu chí được Viện Nghiên cứu phát triển thành phố bắt đầu triển khai xây dựng từ 10 năm trước. Hiện trên thế giới có nhiều lý thuyết về phát triển đô thị và nhiều quan điểm khác nhau như: thành phố sống tốt, thành phố có sức chống chịu và phục hồi, thành phố toàn cầu, thành phố phát triển bền vững, thành phố thông minh, thành phố sức khỏe…
Cùng với đó, trên thế giới có nhiều cách đánh giá, xếp hạng khác nhau về phát triển đô thị nhưng theo Viện Nghiên cứu phát triển thành phố, tựu trung lại là làm sao phục vụ con người ngày càng tốt hơn, làm cho chất lượng cuộc sống của cư dân được cải thiện.
Theo Viện Nghiên cứu phát triển thành phố, Bộ tiêu chí mới là phần cứng, tuy đã đề xuất được 129 chỉ tiêu, nhưng vẫn còn một số chỉ tiêu mang tính định lượng lẫn định tính cần làm rõ thêm mục tiêu phấn đấu ở các giai đoạn tiếp theo, nhất là phần “nghĩa tình” và một số nội dung liên quan đến cuộc sống người dân, quan hệ cộng đồng…
Quốc Anh
Theo Dantri
Ông Đoàn Ngọc Hải thất bại do cấu trúc nền kinh tế?
"Ông Hải có động thái mạnh tay đối với những hoạt động ảnh hưởng cái chung là cần thiết nhưng gốc vấn đề ở đây là cấu trúc nền kinh tế Việt Nam. Nền kinh tế chính thức không tạo đủ công ăn việc làm và thu nhập tốt cho người dân. Chính vì vậy hoạt động của nền kinh tế phi chính thức mới nhiều", TS Huỳnh Thế Du nói.
Gần một tháng kể từ ngày ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND Quận 1, TPHCM viết đơn xin từ chức (8/1/2018), vẫn chưa có kết quả giải quyết theo nguyện vọng. Chiều 1/2, tại cuộc họp với báo chí trên địa bàn, ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng UBND TPHCM cho biết lãnh đạo thành phố đã gặp gỡ ông Hải để trao đổi, nắm bắt tâm tư nguyện vọng về việc từ chức. Tuy nhiên, do còn nhiều vấn đề khách quan nên đơn của ông Hải vẫn chưa được giải quyết.
Ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND Quận 1, TPHCM đã nộp đơn xin thôi các chức vụ
Thất bại do cấu trúc nền kinh tế?
Liên quan đến chiến dịch lập lại trật tự lòng lề đường và đơn từ chức của Phó Chủ tịch UBND quận 1, đã có nhiều ý kiến "mổ xẻ" nguyên nhân sự việc. Dưới góc nhìn của mình, TS Huỳnh Thế Du, Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng ông Hải làm được việc rất quan trọng là "nói lời, giữ lấy lời".
Theo TS Huỳnh Thế Du, ở nước ta, hệ thống phân định quyền lực, trách nhiệm và nghĩa vụ không rõ ràng. Việc một người nhận trách nhiệm như ông Hải về truyền thông ra bên ngoài là tốt, tốt cho cá nhân ông Hải, tạo ra áp lực cho chính quyền. Nhưng gốc vấn đề là xử lý quyền hạn trách nhiệm, động cơ làm việc.
"Ông Hải có động thái mạnh tay đối với những hoạt động ảnh hưởng cái chung, cần thiết nhưng gốc vấn đề ở đây là cấu trúc nền kinh tế Việt Nam. Nền kinh tế chính thức không tạo đủ công ăn việc làm và thu nhập tốt cho người dân. Chính vì vậy hoạt động của nền kinh tế phi chính thức mới nhiều", TS Du nói.
Giải pháp quan trọng trong việc lập lại trật tự lòng lề đường cũng như giao thông cá nhân với giao thông công cộng. Phải vừa đẩy vừa kéo. Phải có những biện pháp "đẩy" cứng rắn nhưng quan trọng hơn vẫn là "kéo". "Kéo" hiệu quả là tạo công ăn việc làm cho người dân.
"Nếu người ta có công ăn việc làm ổn định ở nền kinh tế chính thức thì việc làm ở kinh tế phi chính thức sẽ giảm đi rất nhiều. Chính sách của chính quyền nhà nước phải tạo cho môi trường kinh doanh thông thoáng, các hoạt động kinh tế sôi động. Chính sách mạnh tay là cần thiết nhưng để đừng quá mức. Đây là biện pháp căn cơ của hàng chục năm chứ không thể là việc ngày một ngày hai", TS Huỳnh Thế Du nói.
Nói về việc từ chức của ông Đoàn Ngọc Hải, TS Huỳnh Thế Du cho rằng: "Về cơ bản khi bức xúc xã hội tăng lên thì việc có những hành động mạnh là chuyện bình thường. Chuyện nơi này nơi kia không hoàn thành mục tiêu như công bố thì người ta thôi chức là bình thường. Cũng như việc ra những động thái, cử chỉ, tạo áo lực để mục tiêu này mục tiêu kia là bình thường. Mình nghĩ một cách thông thường, ông Hải không hoàn thành nhiệm vụ thì từ chức thật. Nhưng cũng không loại trừ khả năng vì những tính toán, mục tiêu khác".
TS Huỳnh Thế Du: "Ông Đoàn Ngọc Hải không phải điểm sáng"
Vấn đề không phải do một người hô hào
Việc ông Hải làm được Chính phủ ủng hộ trong khi quận 1 lại ra văn bản như "trói chân", TS Huỳnh Thế Du cho rằng: "Có phải một mình ông Hải làm việc đó, chỉ mục tiêu giải quyết trật tự vỉa hè, không liên quan đến gì khác không? Khi phân tích vấn đề phải có quan hệ hữu cơ và biện chứng đằng sau đó. Việc giải quyết quyết liệt như ông Hải trong bối cảnh Việt Nam là cần thiết. Nhưng ai cũng biết, nếu một mình ông Hải làm thì sẽ không đi đến đâu cả. Đây là có vấn đề của cả một hệ thống chứ không phải của một người hô hào. Nếu một người hô hào mà làm cho mọi chuyện tốt lên thì như thế đã giải quyết được lâu rồi".
TS Huỳnh Thế Du cũng cho rằng, ông Hải không phải là ngôi sao cô đơn. "Làm việc cần phải làm, chứ ông Hải không phải là ngôi sao cô đơn. Đâu phải một mình ông Hải làm đâu. Trong một hoạt động có 3 thành phần: người trực tiếp làm - liên minh ủng hộ (người đứng đằng sau đó) - lợi ích liên quan. Không đơn giản là một mình ông Hải bộc phát rồi một mình ông làm và thành công đâu", ông Du phân tích.
Gần một tháng kể từ ngày ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND Quận 1, TPHCM viết đơn xin từ chức (8/1/2018), vẫn chưa có kết quả giải quyết theo nguyện vọng
Giải pháp cho vấn đề đô thị quận 1 nói riêng và TPHCM nói chung, TS Huỳnh Thế Du cho rằng cần nhất quán tập trung vào nền kinh tế chính thức. Phải tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, có nhiều doanh nghiệp đa dạng các hoạt động kinh tế chính thức để tạo ra nhiều việc làm. Cấu trúc lại đô thị, giống như đô thị nén, phát triển theo định hướng giao thông công cộng.
"Cần tham khảo mô hình đô thị Seoul Hàn Quốc. Ở đó, người dân làm việc ở nhà máy, doanh nghiệp, tổ chức trong nền kinh tế chính thức, đi tàu điện ngầm, ở nhà chung cư... Lúc đó, những hoạt động lấn chiếm lòng lề đường sẽ giảm đi", TS Huỳnh Thế Du khẳng định.
Công Quang
Theo Dantri
UBND quận 1 trình đề án quản lý vỉa hè Theo UBND quận 1, để quản lý vỉa hè một cách hiệu quả và căn cơ, hiện UBND quận đã trình Quận ủy đề án quản lý vỉa hè để xin ý kiến. Sáng 25-1, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong dẫn đầu đoàn công tác làm việc với quận 1 về tình hình kinh tế, xã hội năm 2017 và...