Xây dựng tiêu chuẩn an toàn trước diễn biến dịch bệnh
Hôm nay, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã họp trực tuyến toàn quốc (3 cấp) dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.
Quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long báo cáo tại cuộc họp cho biết, chưa nước nào tự tin có biện pháp phòng, chống dịch bệnh tốt nhất. Dự báo, mùa đông năm nay sẽ khốc liệt đối với các nước trong phòng, chống dịch.
Đối với các địa phương, nguy cơ lây nhiễm luôn luôn thường trực, trong đó hai nguy cơ lớn nhất là từ người nhập cảnh (cả trái phép, hợp pháp), người mang mầm bệnh đã lưu hành trong cộng đồng.
Bộ Y tế đã ban hành các hướng dẫn cách ly đối với các nhóm đối tượng nhập cảnh hợp pháp.
Cách ly dưới 14 ngày, không cần cách ly tập trung được áp dụng cho các chuyên gia, lao động kỹ thuật người nước ngoài có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 từ 3-5 ngày trước khi nhập cảnh vào Việt Nam, tiếp tục xét nghiệm sau khi nhập cảnh và xét nghiệm định kỳ, đồng thời thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch.
Cách ly tập trung 7 ngày và cách ly tại nhà 7 ngày dành cho các chuyên gia, lao động kỹ thuật người nước ngoài có kết quả xét nghiệm âm tính trước khi nhập cảnh vào Việt Nam từ 3-5 ngày, sau đó xét nghiệm lần 1 vào ngày thứ 1 nhập cảnh, lần thứ 2 vào ngày thứ 6 hoặc 7. Nếu tiếp tục có kết quả âm tính, những người này được cách ly tại nhà và xét nghiệm lần 3 vào ngày thứ 14.
Các trường hợp nhập cảnh khác chưa có hướng dẫn vẫn thực hiện cách ly tập trung 14 ngày. Việc thu phí cách ly thực hiện theo quy định của Thủ tướng.
Đề cao kỷ cương, giữ bình yên cho cả nước
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh 2 nguy cơ lây nhiễm lớn nhất hiện nay là người nhập cảnh vào Việt Nam và mầm bệnh lưu hành trong cộng đồng.
Báo cáo từ các địa phương, kết quả giám sát, kiểm tra của Bộ Y tế, Bộ Công an cho thấy, thời gian qua có thực tế đối tượng nhập cảnh hợp pháp (trong đó có chuyên gia, lao động kỹ thuật cao người nước ngoài, người Việt Nam từ vùng dịch) chưa được quản lý chặt chẽ sau thời gian 14 ngày cách ly tập trung, trong khi thực tế có người phát bệnh ở ngày thứ 20 sau khi nhập cảnh.
Video đang HOT
Phó Thủ tướng: Thực hiện mục tiêu kép, phải tuyệt đối an toàn vì nếu có dịch thì mọi nỗ lực phát triển kinh tế sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.
Vì vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương phải quản lý chặt chẽ người nhập cảnh, ít nhất trong vòng 28 ngày, bao gồm 14 ngày cách ly tập trung và 14 ngày giám sát y tế.
Người nhập cảnh phải khai báo y tế điện tử bắt buộc và cập nhật tình hình sức khoẻ cá nhân ít nhất 1 lần/ngày.
“Chính quyền địa phương tuyệt đối không để người nước ngoài nhập cảnh không thuộc đối tượng chuyên gia, lao động kỹ thuật cao, không phải là lao động của DN có nhu cầu”, Phó Thủ tướng lưu ý.
Từng địa phương phải nắm được từng ngày có bao nhiêu người nhập cảnh trên địa bàn, cập nhập thông tin sức khỏe, lưu trú… liên tục.
Các khách sạn, cơ sở lưu trú phục vụ người cách ly phải thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch, cập nhật thông tin hàng ngày về thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.
Đối với việc phát hiện, phòng, chống lây nhiễm trong cộng đồng, Phó Thủ tướng cho rằng vai trò của người dân rất quan trọng.
Trước đó, ngày 17/4, tại cuộc họp trực tuyến của BCĐ với 63 địa phương, Phó Thủ tướng đã nhấn mạnh: Chúng ta phải kiểm soát được dịch bệnh, tiến tới chung sống an toàn, thúc đẩy sự điều chỉnh tích cực của xã hội.
Mới đây, ngày 1/10, với sự hợp tác của Đề án Hệ tri thức Việt số hóa, Bộ Y tế, ứng dụng Bản đồ An toàn Covid (Antoancovid.vn) đã chính thức vận hành, được cập nhật theo thời gian thực. Trước hết các cơ sở bệnh viện, trường học sẽ được cung cấp tài khoản để cập nhật những việc phải thực hiện theo Bộ tiêu chí đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Mức độ an toàn sẽ được chấm điểm. Những cơ sở chưa đảm bảo an toàn sẽ bị yêu cầu tạm dừng hoạt động.
“Các tiêu chí không thể cứng nhắc như trong thời kỳ cao điểm chống dịch nhưng không thể như lúc bình thường mà phải là bình thường mới, khả thi, thực hiện được”, Phó Thủ tướng lưu ý.
Đến nay, bộ tiêu chí đảm bảo an toàn bệnh viện, trường học đã hoàn thành và được triển khai từ đầu tháng 10/2020.
Bộ Y tế phải rà soát ngay hướng dẫn và chuyển thành danh sách công việc cần làm đối với với các loại hình hoạt động của cơ sở y tế, giáo dục, khách sạn, nhà máy, trụ sở cơ quan nhà nước, siêu thị…
Các bộ ngành, các địa phương có trách nhiệm chỉ đạo các cơ sở, đơn vị trực thuộc, thuộc lĩnh vực quản lý thực hiện đầy đủ các công việc bảo đảm an toàn, phòng chống dịch, cập nhật Bản đồ an toàn Covid theo thời gian thực. Nơi nào không bảo đảm an toàn dứt khoát không cho hoạt động, kỷ luật người đứng đầu.
“Chúng ta phải hình thành thói quen chung sống an toàn với dịch. Bộ Y tế đã lên chương trình quản lý sức khỏe toàn dân, tới đây phải khẩn trương thiết lập trước hết đối với người già, người có bệnh nền, bệnh mãn tính dài ngày. Cùng với đề án khám chữa bệnh từ xa, ngành y tế phải xây dựng hệ thống đăng ký khám chữa bệnh từ xa”, Phó Thủ tướng nói.
Bốn nguy cơ lây nhiễm Covid-19 ở Việt Nam
Nguy cơ lây nhiễm Covid-19 lớn nhất hiện nay là từ người nhập cảnh hợp pháp nhưng không thực hiện nghiêm biện pháp cách ly, giám sát y tế.
Chiều 24/9, tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 (Ban chỉ đạo), các chuyên gia nhận định, Việt Nam tiềm ẩn 4 nguồn có nguy cơ lây nhiễm Covid-19: từ người nhập cảnh trái phép; người nhập cảnh hợp pháp nhưng không thực hiện nghiêm túc quy định cách ly, giám sát y tế; nguồn bệnh lưu hành trong cộng đồng; một số mặt hàng nhập khẩu được sản xuất hoặc vận chuyển qua các nước có dịch bệnh.
Trong đó, Ban Chỉ đạo thống nhất nhận định nguy cơ lây nhiễm lớn nhất từ người nhập cảnh hợp pháp, không thực hiện nghiêm các biện pháp cách ly, giám sát y tế.
Theo nhận định của Bộ Y tế, cơ bản các ổ dịch đã được kiểm soát, tuy nhiên tại đô thị lớn vẫn còn nguy cơ lây nhiễm bởi sự chủ quan của người dân trong thực hiện biện pháp phòng chống dịch như không đeo khẩu trang khi ra ngoài, tụ tập ăn uống, vui chơi đông người.
Ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết trong thời gian tới Việt Nam có thể ghi nhận các trường hợp mắc mới từ các ổ dịch cũ hoặc lây nhiễm từ trường hợp nhập cảnh, đặc biệt khi mở lại đường bay thương mại quốc tế.
Ban Chỉ đạo nhận định công tác phòng, chống dịch sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi mùa đông sắp đến, điều kiện thời tiết thuận lợi cho virus phát triển, lây lan.
Các thành viên Ban chỉ đạo, chuyên gia cho rằng, cần rút ra bài học từ Đà Nẵng, khi để dịch bệnh lây lan những khoa điều trị bệnh nhân nặng trong bệnh viện. Các bệnh viện cũng không thực hiện nghiêm quy định phòng chống dịch, nên sau hai tuần mới phát hiện. "Chúng ta không được để bài học ở Đà Nẵng trở thành vô nghĩa", Ban chỉ đạo khẳng định.
Du khách nước ngoài làm thủ tục xuất nhập cảnh tại sân bay Nội Bài hồi giữa tháng 3/2020, trước khi Việt Nam dừng cấp thị thực cho người nước ngoài từ 0h ngày 18/3. Ảnh: Bá Đô
Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn cho rằng các hướng dẫn, quy trình đã có nhưng nhưng việc phân công thực hiện các biện pháp phòng dịch với người nhập cảnh khi mở lại đường bay quốc tế còn lỏng lẻo.
"Việc đón người từ sân bay về đến khách sạn, nơi cách ly thì ai làm gì, ai điều hành vẫn chưa rõ. Tôi cho rằng lực lượng trực tiếp triển khai hoạt động cách ly không ai khác là nhân lực của chính cơ sở cách ly, cùng với lực lượng y tế, công an dưới sự điều hành trực tiếp của chính quyền địa phương. Chúng ta phải phân công trách nhiệm rất rõ ràng, đầy đủ", Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn nói.
Đồng tình với ý kiến này, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thuỷ cho rằng vấn đề quản lý, giám sát, cách ly người nhập cảnh hợp pháp đang nằm ở khâu tổ chức thực hiện. Vì vậy, các thành viên Ban Chỉ đạo đề nghị quy trách nhiệm cụ thể với từng đơn vị trong phòng, chống dịch. Nếu để xảy ra dịch bệnh trong bệnh viện, Bộ Y tế phải chịu trách nhiệm. Chính quyền địa phương chịu trách nhiệm quản lý, cách ly, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch không chỉ chuyên gia, lao động nước ngoài... mà cả những đoàn khách nước ngoài của các bộ, ngành Trung ương.
Ban Chỉ đạo yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương phối hợp với các nhà mạng tích hợp thêm tính năng cho ứng dụng khai báo y tế bắt buộc để người nhập cảnh phải cập nhật tình hình sức khoẻ hàng ngày trong thời gian cách ly, giám sát y tế.
Bộ Y tế rà soát ngay các hướng dẫn, quy trình phòng, chống dịch bệnh, chuyển thành danh sách các công việc chi tiết nhất có thể, dễ hiểu, dễ làm đến tận từng cơ sở.
Trước mắt, tất cả giám đốc bệnh viện phải kiểm tra định kỳ việc thực hiện các công việc phòng, chống dịch, báo cáo trực tuyến, cập nhật lên bản đồ chống dịch. Bộ Y tế sẽ khuyến nghị người dân chỉ nên đến khám, chữa bệnh tại những bệnh viện, phòng khám an toàn, thực hiện đầy đủ các quy định phòng, chống dịch bệnh.
Tương tự, Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động tất cả các trường học thực hiện định kỳ các công việc phòng, chống dịch. Hiệu trưởng báo cáo hàng ngày, hàng tuần để đảm bảo trường, lớp học an toàn, từ đó lan toả ra cộng đồng, trong các công sở, khách sạn, nhà máy, xí nghiệp, cơ sở kinh doanh...
Bộ Y tế chỉ đạo các bệnh viện đẩy mạnh hoạt động đăng ký khám bệnh qua mạng cho người dân để các cơ sở y tế có sự chuẩn bị trước, trừ những trường hợp cấp cứu.
Người nhập cảnh vào Việt Nam phải tự chi trả chi phí cách ly và xét nghiệm Covid-19 Tất cả người nhập cảnh tự chi trả chi phí cách ly và xét nghiệm; phải cài đặt ứng dụng khai báo y tế điện tử (NCOVI)... Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 326/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 sáng ngày 11/9. Ảnh...