Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm gạo
Thanh Hóa là một trong những tỉnh sản xuất nông nghiệp trọng điểm của vùng Bắc Trung bộ, với tổng diện tích sản xuất lúa mỗi năm đạt gần 240.000 ha, sản lượng từ 1,3 đến 1,4 triệu tấn/năm, sản lượng gạo đạt 900.000 tấn.
Giá trị sản xuất lúa gạo năm 2020 ước đạt 7.100 tỷ đồng, chiếm 52% giá trị sản xuất ngành trồng trọt. Với vùng nguyên liệu dồi dào, phong phú về chủng loại, thế nhưng giai đoạn trước, trên địa bàn tỉnh gần như chưa xây dựng được một sản phẩm gạo mang thương hiệu đặc trưng của tỉnh. Do đó, giá trị trong sản xuất lúa gạo còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng.
Quy trình đóng gói sản phẩm gạo nếp cái hoa vàng Quý Hương, tại Nhà máy chế biến lúa gạo của Công ty CP Thương mại Sao Khuê.
Nguyên nhân của hạn chế này là do diện tích đất sản xuất lúa tuy lớn song còn manh mún, nhỏ lẻ; việc áp dụng cơ giới hóa, tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất gặp nhiều khó khăn, nhất là ở các địa phương miền núi. Thiếu sự liên kết trong tổ chức sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; thu hút doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào sản xuất, chế biến còn hạn chế. Việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm lúa gạo chưa được các cấp chính quyền và bà con nông dân quan tâm.
Video đang HOT
Nhận thấy được những vấn đề hạn chế trong sản xuất lúa gạo trên địa bàn tỉnh, để nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế cho sản phẩm lúa gạo của tỉnh, những năm gần đây, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương đã và đang tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để “nâng tầm” cho sản phẩm gạo, trong đó chú trọng đến giải pháp xây dựng thương hiệu cho sản phẩm gạo.
Theo đó, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương đã đẩy mạnh phát triển các vùng sản xuất lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, quy mô lớn. Nghiên cứu, lựa chọn các giống lúa sản xuất ra gạo thương phẩm có giá trị cao, phù hợp với thị hiếu, nhu cầu của thị trường. Tăng cường ứng dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến theo quy trình cải tiến SRI, quản lý dịch hại tổng hợp, quản lý cây trồng tổng hợp, quản lý nước tưới theo phương thức nông – lộ – phơi, sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng VietGAP, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giảm giá thành sản xuất; đồng thời, đẩy mạnh thực hiện việc truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị sản phẩm, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và thương hiệu gạo trên thị trường. Tiếp tục nghiên cứu, cải tiến, ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa. Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất và chế biến lúa gạo để thu mua lúa, sấy lúa, chế biến, dự trữ và xuất khẩu gạo nhằm giảm thất thoát, nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất. Cùng với đó, lồng ghép các chương trình, dự án để tổ chức chiến lược quảng bá, giới thiệu các sản phẩm lúa gạo của Thanh Hóa trên website, phương tiện truyền thông, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại.
Thực hiện các giải pháp đẩy mạnh xây dựng thương hiệu gạo của tỉnh, hiện toàn tỉnh đã thu hút được 5 doanh nghiệp chế biến gạo, gồm: Công ty CP Thương mại Sao Khuê, Công ty CP Mía đường Lam Sơn, Công ty TNHH Nông sản An Thành Phong, Công ty TNHH Giống cây trồng Bắc Trung bộ, Công ty TNHH Lương thực Thuần Dũng, với tổng công suất chế biến khoảng 235.000 tấn/năm. Có 1 nhà máy chế biến sữa gạo lứt giàu protein, công suất chế biến 120 triệu hộp 250ml/năm của Công ty CP Mía đường Lam Sơn. Ngoài ra, còn có 6.829 cơ sở xay xát; 1.481 hộ và 18 cơ sở chế biến bún, miến, bánh, mì khô… phân bố khắp các huyện trong tỉnh. Sản phẩm lúa gạo trên địa bàn tỉnh được chế biến của các doanh nghiệp đều thông qua theo quy trình xay xát khép kín, để cho ra thị trường các sản phẩm gạo chất lượng cao, gạo thơm, gạo hữu cơ, gạo đặc sản. Hiện, có tới 90% sản phẩm lúa gạo đang được tiêu thụ tại thị trường nội địa, còn 10% lượng gạo thơm, gạo chất lượng cao được xuất khẩu qua đường tiểu ngạch sang thị trường các nước: Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Malaysia…
Các sản phẩm gạo có thương hiệu của Công ty CP Thương mại Sao Khuê được giới thiệu đến người tiêu dùng.
Thông qua thực hiện các giải pháp xây dựng thương hiệu gạo, toàn tỉnh đã có 2 sản phẩm, gồm: gạo nếp cái hoa vàng Gia Miêu Ngoại Trang của HTX dịch vụ nông nghiệp Hà Long, xã Hà Long, huyện Hà Trung; sản phẩm gạo sạch Hương Quê của HTX dịch vụ nông nghiệp Trường Sơn, xã Trường Sơn, huyện Nông Cống được xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh 3 sao. Có 2 sản phẩm gạo Hương Thanh 2 của Công ty CP Thương mại Sao Khuê, xã Đông Hoàng, huyện Đông Sơn; gạo nếp cau Lộc Thịnh của HTX nông nghiệp và dịch vụ xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Lộc, được xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh 4 sao. Có 3 sản phẩm, gồm: gạo nếp cái hoa vàng Quý Hương, gạo Hương Thanh, gạo Ngọc Phố của Công ty CP Thương mại Sao Khuê được công nhận danh hiệu Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó, còn có các sản phẩm được chế biến từ lúa, gạo được xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm, như: miến gạo Thăng Long, xã Thăng Long, huyện Nông Cống; bánh lá răng bừa, xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân.
Điều đáng nói hơn, trong quá trình xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm gạo, các đơn vị đã xây dựng được hệ thống sản xuất theo chuỗi và quy trình sản xuất khoa học tiến bộ, đúng tiêu chuẩn. Điển hình như sản phẩm gạo sạch Hương Quê của HTX dịch vụ nông nghiệp Trường Sơn, với 126 ha vùng nguyên liệu và tham gia sản xuất của hơn 600 hộ dân của 2 xã Trường Sơn và Tượng Văn (Nông Cống) và toàn bộ quy trình sản xuất được kiểm soát từ khâu đầu vào đến khi thu hoạch. Sản lượng lúa được HTX dịch vụ nông nghiệp đứng ra làm đầu mối để tiêu thụ. Trong quy trình sản xuất này, ngoài sự giám sát của Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản, các hộ sản xuất còn được chính quyền xã và chính các hộ giám sát lẫn nhau để bảo đảm chất lượng sản phẩm. Do được áp dụng các khâu kiểm soát nghiêm ngặt nên sản phẩm gạo Hương Quê luôn bảo đảm được các tiêu chí về chất lượng, an toàn thực phẩm và được người tiêu dùng đón nhận.
Sản xuất cà-phê theo hướng bền vững
Việt Nam là một trong những nước sản xuất cà-phê lớn, trong đó đứng thứ nhất thế giới về sản xuất và xuất khẩu cà-phê vối.
Hiện nay, cây cà-phê đã và đang trở thành cây trồng chủ lực ở nhiều địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế cao và tạo việc làm cho hàng chục nghìn hộ dân.
Nông dân tham gia dự án liên kết sản xuất cà-phê bền vững tại huyện Đắk Đoa (Gia Lai).Ảnh: HÀ DUY
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay diện tích trồng cà-phê nước ta đạt khoảng 680 nghìn héc-ta, trong đó diện tích kinh doanh là hơn 632 nghìn héc-ta với sản lượng cà-phê nhân đạt hơn 1,7 triệu tấn/năm. Đến nay, sản phẩm cà-phê nước ta đã xuất khẩu đến 80 quốc gia và vùng lãnh thổ với kim ngạch xuất khẩu 2020 đạt 2,7 tỷ USD. Những năm qua, cây cà-phê đã tạo việc làm và thu nhập cho hơn 600 nghìn hộ dân, góp phần phát triển kinh tế xã hội, xóa đói, giảm nghèo.
Để phát triển bền vững cây cà-phê, vừa phát huy hết tiềm năng, lợi thế vừa nâng cao thu nhập cũng như bảo đảm sản phẩm cho xuất khẩu, nhiều địa phương đã và đang đẩy mạnh xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất cà-phê hàng hóa lớn, chất lượng cao. Ở những vùng trồng cà-phê, người dân đang thực hiện tốt việc xen canh các loại cây trồng như: hồ tiêu, điều, sầu riêng, bơ, hồng, mít, chôm chôm, mắc ca... mang lại hiệu quả kinh tế cao. Theo thống kê, diện tích trồng xen canh các loại cây trong vườn cà-phê trên địa bàn cả nước đạt hơn 160 nghìn héc-ta, nhiều nhất tại các tỉnh Đắk Lắk, Bình Phước, Đắk Nông và Gia Lai. Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, hiện nay việc trồng xen trong vườn cà-phê đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập trên một đơn vị canh tác, giúp sản xuất mang tính bền vững. Qua đánh giá từ các mô hình cho thấy, việc trồng xen cây sầu riêng, bơ trong vườn cà-phê đã mang lại hiệu quả kinh tế cao với thu nhập tăng thêm khoảng 50 đến 300 triệu đồng/ha/năm. Còn tại tỉnh Lâm Đồng, trồng xen cây sầu riêng trong vườn cà-phê cũng đang mang lại hiệu quả kinh tế khoảng 311 triệu đồng/ha/năm; cây bơ lợi nhuận khoảng 146 triệu đồng/ha/năm; hồng ăn trái lợi nhuận khoảng 87 triệu đồng/ha/năm. Theo đánh giá, việc trồng xen các loại cây trồng khác trong vườn cà-phê tại tỉnh Đắk Nông cũng đang đem lại kết quả tốt, trong đó lợi nhuận thu được từ trồng xen sầu riêng, bơ đạt cao nhất, trung bình khoảng 220 triệu đến 250 triệu đồng/ha/năm do các mô hình này vừa đạt năng suất cao vừa có sự ổn định về giá và chi phí chăm sóc cũng thấp hơn; còn trồng xen cây điều lợi nhuận trung bình khoảng 100 triệu đồng/ha/năm, cây hồ tiêu lợi nhuận từ 94 đến 125 triệu đồng/ha/năm.
Tuy nhiên, việc sản xuất cà-phê ở nước ta cũng còn nhiều tồn tại khi diện tích cà-phê già cỗi chiếm từ 140 đến 160 nghìn héc-ta, phần lớn diện tích này nằm trong vùng quy hoạch cần được đẩy nhanh tái canh, ghép cải tạo. Hơn nữa, quy mô sản xuất vẫn còn nhỏ lẻ, phân tán khi có tới 84 đến 89% diện tích là của nông hộ, trong đó 63% có quy mô dưới 1 ha/hộ cho nên khó tiếp cận vốn và tiến bộ kỹ thuật. Ngoài ra, cơ cấu giống chưa hợp lý khi cà-phê vối chiếm tỷ lệ 92,9%, còn diện tích cà-phê giống mới chỉ chiếm 20%, cho nên năng suất thấp, chất lượng kém. Cùng với đó, sản xuất cà-phê chủ yếu chạy theo số lượng, chưa quan tâm nhiều đến chất lượng; việc áp dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất, thu hoạch còn hạn chế; thiếu nghiên cứu về bảo quản, chế biến và tổ chức sản xuất, kinh doanh; mối liên kết giữa sản xuất, thu mua, chế biến, bảo quản chưa gắn kết và hình thành chuỗi, dẫn đến hiện tượng vừa thừa vừa thiếu, gây lãng phí...
Nhằm xây dựng ngành cà-phê Việt Nam phát triển theo hướng hiện đại, đồng bộ, bền vững, tạo ra các sản phẩm đa dạng, có chất lượng phục vụ xuất khẩu, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, thời gian tới, các bộ, ngành và địa phương đẩy mạnh thực hiện đề án phát triển sản phẩm quốc gia cà-phê Việt Nam chất lượng cao; khuyến khích việc ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ mới trong sản xuất và chế biến cà-phê; tổ chức sản xuất, xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh cà-phê, thích ứng với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh liên doanh, liên kết sản xuất giữa người trồng cà-phê với các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác nhằm bảo đảm đầu ra ổn định; tiếp tục thực hiện việc tái canh cà-phê nhằm thay thế những vườn cây già cỗi bằng những giống mới có năng suất, chất lượng hơn; mở rộng diện tích trồng xen các loại cây trồng vừa tăng hiệu quả kinh tế, vừa có tác dụng che bóng, chắn gió cho vườn cà-phê.
Nguyễn Đăng Ghin khởi nghiệp thành công từ nghề trồng lan Anh Nguyễn Đăng Ghin đã "đổi đời" từ một nghề vốn chỉ biết đến là thú chơi. Sinh ra trong một gia đình thuần nông nghèo ở xã Nam Triều (Phú Xuyên, Hà Nội), anh Nguyễn Đăng Ghin (Ghin Nguyễn) đã trải qua đủ các nghề mưu sinh từ nông thôn đến thành thị nhưng gia cảnh vẫn rất chật vật, khó khăn....