Xây dựng NTM tại Huyện Lập Thạch: Kinh nghiệm hay ở xã… khó khăn
Là xã miền núi thuộc diện khó khăn, song với sự nỗ lực, quyết tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân, xã Liên Hòa ( Lập Thạch, Vĩnh Phúc) đang từng bước hoàn thành các tiêu chí, phấn đấu về đích vào cuối năm 2016.
Tiêu chí dễ làm trước
Về Liên Hòa những ngày này, đi đâu cũng bắt gặp cảnh bà con tham gia cải tạo, mở rộng, nâng cấp, làm mới các tuyến đường giao thông nông thôn. Người xúc cát, người bê sỏi, người gạt láng bê tông… miệng nói, tay làm không khí khẩn trương, sôi động như đi hội.
Làm đường giao thông nông thôn ở thôn Phúc Lộc, xã Liên Hòa (Lập Thạch, Vĩnh Phúc). Ảnh: V.T
Mặc dù xã còn nhiều khó khăn, chỉ tiêu các tiêu chí chưa hoàn thành còn cao. Song với sự đồng thuận, quyết tâm cao của cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân. Đặc biệt là sự giúp đỡ quan tâm của tỉnh, huyện trong việc chỉ đạo và hỗ trợ kinh phí, chúng tôi sẽ nỗ lực phấn đấu về đích đúng hẹn vào cuối năm 2016″. Ông Nguyễn Văn Tuyên
Gạt những giọt mồ hôi đang lăn trên gò má, anh Nguyễn Văn Toàn, một người dân đang tham gia làm đường ở thôn Phú Ninh vui vẻ cho hay: “Đây là tuyến đường nhà nước và nhân dân cùng làm. Nhà nước cấp xi măng, còn nhân dân tự giải phóng hành lang, mặt bằng, mua cát, sỏi và tự đổ bê tông đường. Nếu gia đình nào không có nhân lực thì đóng góp bằng tiền, vật liệu… Sắp có đường mới rồi, nên bà con ai cũng vui”.
Ông Nguyễn Văn Tuyên – Phó Chủ tịch UBND xã Liên Hòa cho biết, địa hình của xã đa số là đồi, gò, dân ở thưa thớt nên việc làm giao thông gặp rất nhiều khó khăn. Kinh tế của xã lại chủ yếu dựa vào nông nghiệp là chính, thu nhập bình quân đầu người còn thấp, vì thế việc huy động nguồn lực đóng góp trong dân cũng gặp hạn chế.
Song với quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, sau 5 năm triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM), bộ mặt nông thôn của xã đã thay đổi rõ rệt. Nhiều tuyến đường đã được bê tông hóa phẳng lỳ, trường học, nhà văn hóa, sân thể thao cũng được đầu tư mới khang trang hơn.
Để triển khai chương trình đạt hiệu quả, cấp ủy, chính quyền xã Liên Hòa đã quán triệt tinh thần thực hiện theo Nghị quyết số 01 – NQ/HU ngày 9.5.2011 của Ban chấp hành Đảng bộ huyện Lập Thạch về chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2011 – 2020 đến từng chi bộ đảng, đảng viên, các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội.
Theo đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các cán bộ, hội viên và nhân dân để hiểu rõ mục đích, ý nghĩa chương trình xây dựng NTM, đánh giá thực trạng NTM trên địa bàn và đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện. Đồng thời thành lập Ban chỉ đạo xây dựng NTM và các Ban phát triển thôn ở 11 khu dân cư.
“Nội lực của xã còn yếu, nên chúng tôi chọn những tiêu chí dễ làm, tốn ít kinh phí làm trước. Đối với các tiêu chí mềm như tỷ lệ hộ nghèo, lao động, bảo hiểm y tế…, chúng tôi thành lập các câu lạc bộ, thông qua các buổi họp ở thôn, xóm để tuyên truyền cho bà con. Đối với những tiêu chí cần sự đóng góp của người dân, ngoài vận động các hộ, chúng tôi còn mở rộng vận động các con em đi làm ăn xa về đóng góp cho quê hương…” – ông Tuyên cho hay.
Nỗ lực về đích đúng hẹn
Video đang HOT
Tính đến nay, xã Liên Hòa đã đạt 14/19 tiêu chí, trong đó tiêu chí chợ nông thôn, xét trên thực tế của địa phương không phù hợp nên tiêu chí này được miễn. Còn lại 4 tiêu chí là: Giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa và môi trường chưa đạt, tuy nhiên hầu hết các chỉ tiêu đã đạt 60 – 80%.
Theo đó, đối với tiêu chí giao thông, xã đã và đang hoàn thiện việc cứng hóa đường giao thông thôn Tây Thượng và Phú Ninh. Đối với tiêu chí môi trường, xã đang khẩn trương xây dựng, tu bổ 3 nghĩa trang nhân dân. Tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, đã thi công xong phần nền của Trung tâm Văn hóa xã, đồng thời mở rộng thêm khoảng 3.000m2 để nâng tổng diện tích trung tâm lên trên 13.000m2; khu nhà rèn luyện thể thao cũng đang được thi công với khối lượng hoàn thành ước đạt 80%…
Trước đó, để đẩy mạnh sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân, Liên Hòa đã chọn một số giải pháp mũi nhọn như: Thâm canh tăng vụ; tăng đàn gia súc, gia cầm cả về chất và lượng… Nhờ đó, đời sống người dân ngày một được cải thiện. Cụ thể, thu nhập bình quân đầu người năm 2015 của xã đạt hơn 22 triệu đồng/người/năm (năm 2011 là 12 triệu đồng/người/năm).
Đối với các hộ nghèo, xã đã phối hợp các doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí để tu sửa và xây mới nhà, phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội xét duyệt cho các hộ diện chính sách vay vốn phát triển kinh tế gia đình để từng bước thoát nghèo… Tính đến nay, số hộ nghèo ở địa phương đã giảm từ 16,53% xuống còn 7,43%.
Để hoàn thành tiêu chí giao thông, trong thời gian qua, Đảng ủy, chính quyền xã đã đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền người dân đóng góp, tiền của, công sức. Theo đó, đến nay xã Liên Hòa đã vận động được gần 600 lượt hộ gia đình hiến trên 37.000m2 đất các loại và gần 1,4 tỷ đồng tiền mặt để cứng hóa 2,4km đường trục xã; 5km đường trục thôn; gần 6km đường xóm, ngõ và 1,6km giao thông nội đồng.
Cùng với nguồn ngân sách hỗ trợ của tỉnh, huyện, đến nay, tỷ lệ đường trục được cứng hóa ở Liên Hòa đạt gần 83%; đường trục thôn đạt gần 40%… Đối với hệ thống thủy lợi, đến nay địa phương đã có 6/10 hồ đập được đầu tư, cải tạo, nâng cấp; 2 trạm bơm được xây mới. Cứng hóa gần 11km kênh mương cấp III, chiếm 58%…
Công tác giáo dục, văn hóa cũng được xã đặc biệt quan tâm. Hiện 100% trẻ em ở xã trong độ tuổi đã được đến trường; 100% số thôn có nhà văn hóa, tuy nhiên diện tích còn chưa đạt chuẩn. Do đó, xã đang tích cực vận động nhân dân đóng góp để cải tạo và xây mới. Đến nay, tổng số tiền huy động đầu tư cho cơ sở vật chất văn hóa ở Liên Hòa đạt trên 350 triệu đồng, đã có 8 nhà văn hóa thôn được hoàn thành và đưa vào sử dụng…
Theo Danviet
Chuyện lạ về hai "người rừng" giữa miền... trung du
Giữa vùng trung du Lập Thạch (Vĩnh Phúc), có nhiều đồn thổi về hai chị em "người rừng" sống dị biệt với thế giới bên ngoài, 50 năm không biết đến bệnh viện... khiến không ít người tò mò.
Sống biệt lập suốt 50 năm
Tìm về thôn Ngọc Liễn, xã Liên Hoà, huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc) trong cái se lạnh đầu xuân, khi hỏi về hai chị em "người rừng" Nguyễn Thị Ngọc và Nguyễn Thị Muôn, nhiều người dân nhìn chúng tôi bằng ánh mắt ngạc nhiên rồi nói: "Các anh tìm đến hai "người rừng" đó hả. Tốt nhất là các anh đừng lên đó, sợ lắm".
Con đường mòn lầy lội dẫn chúng tôi đến khu ốc đảo rộng lớn và vắng vẻ, có phần bí ẩn của hai "người rừng" như người dân ở đây vẫn quen gọi. Lần dò từng bước đi để tìm lối lên đảo, trong lòng có chút bất an khi chợt nhớ đến những lời cảnh báo của người dân.
Lên đến nơi, chưa kịp định thần, chúng tôi đã nghe tiếng ho húng hắng của một người đàn bà co ro vì lạnh từ phía vườn đi ra. "Cháu thông cảm, vì mọi người ở nơi đây đều gọi hai chị em cô là người rừng, nên có ai dám bước chân lên ốc đảo này đâu", người đàn bà này cho biết.
Trong căn nhà ngổn ngang đồ vật cũ, chỉ có bàn thờ tổ tiên được kê ngay ngắn và bài trí trang trọng. Người đàn bà tự giới thiệu: "Cô là Nguyễn Thị Ngọc, gia đình cô sống ở đảo này từ năm 1948. Lúc đó ông cụ sinh ra cô quê gốc Thanh Hoá làm thầy lang. Sau khi được người nhà bệnh nhân mời đến chữa bệnh, thấy ở đây thuận lợi cho việc sinh sống và hành nghề, nên cụ ông đã định cư.
Nguồn thực phẩm trên đảo được hai chị em cô Ngọc tự cung cấp để đảm bảo sức khoẻ. Ảnh: Đ.T
Do thực dân Pháp vào làng càn quét, nên hai cụ đã mua đảo này để ở. Đảo có diện tích 2,2 mẫu và cũng là nơi 7 anh em nhà cô sinh ra ở đây. Hiện nay 5 anh em đã sinh sống ở nơi khác, chỉ còn hai chị em không lấy chồng nương tựa vào nhau".
Nói về biệt danh "người rừng", cô Ngọc cho biết: "Thực ra, hai chị em cô vẫn bình thường như bao người dân trong làng này, nhưng không hiểu tại sao đi đến đâu họ cũng gọi các cô là "người rừng". Có thể mọi người cho rằng: Trong làng điều kiện sinh hoạt thuận lợi không ở, lại ra khu ốc đảo hoang vắng, cây cối um tùm này ở chăng?
Lúc đầu ra đây ở, mọi người nhìn các cô với ánh mắt khác thường, cứ nhìn thấy các cô đi ở đâu đó là họ lại tụm năm tụm ba, chỉ trỏ kể đủ thứ chuyện về các cô. Họ cho rằng các cô là những người lập dị không giống những người ở đây. Rồi những câu chuyện thêu dệt ma quái để nói về các cô và cái tên "người rừng" cũng xuất hiện từ đó".
"Thấy mọi người gọi các cô như vậy và đi đâu cũng trở thành đề tài bàn tán, các cô bức xúc lắm, nhưng biết làm thế nào được khi họ mọi người không hiểu mình và có quyền được nói. Nói nhiều, nghe nhiều đâm thành quen" - cô Ngọc tâm sự.
Hơn 50 năm chưa biết đến bệnh viện
Đang trò chuyện với cô Ngọc, chúng tôi thấy một người phụ nữ thân hình nhỏ bé, nở nụ cười tươi rói đi vào sân. "Cô Môn, em gái cô vừa đi cấy về đó. Cô Môn ở đây với cô vài chục năm nay rồi. Hai chị em cô không xây dựng gia đình, nương tựa vào nhau mà sống" - Cô Ngọc giới thiệu.
Theo chân cô Môn đi hái những lá thuốc trên đảo để về làm thuốc, cô cho biết: "Lúc mới ra đảo này nhiều ổi lắm, nên các cô gọi là đảo ổi. Nhưng đảo cũng có rất nhiều cây thuốc quý để chữa bệnh, mấy năm trước, nhiều người ở mọi nơi tìm đến đây để đào trộm cây thuốc về bán và phá đảo,các cô phải đấu tranh nhiều lắm mới giữ được đó". Đưa chúng tôi đi thăm ốc đảo giữa những cơn mưa phùn không ngớt và cái rét lạnh thấu xương. Cô Môn cho biết: "Tất cả những thứ có trên đảo này các cô đều tự trồng, tự làm. Từ đồ dùng, vật dụng đến nguồn thực phẩm phục vụ cho bản thân. Cho nên hơn 50 năm nay các cô chưa biết đến bệnh viện hay viên thuốc để chữa bệnh".
Cô Ngọc vốn là giáo viên THCS nghỉ hưu, được đọc và tiếp cận với nhiều sách khoa học nên nhiều kiến thức được cô áp dụng thực hiện theo. Mặt khác, nhà cô có nghề thuốc Nam gia truyền nên cô đều tự chữa bệnh cho mình bằng các cây thuốc trên đảo. Ngay cả chuyện ăn uống, sinh hoạt các cô cũng tuân theo tự nhiên nên bệnh tật bị đẩy lùi.
Để xác nhận lời nói của mình, cô Ngọc chỉ cho chúng tôi mọi thứ đang hiện hữu trên ốc đảo. Từ các loại rau xanh như xu hào, bắp cải, súp lơ, rau thơm đang xanh non mơn mởn đến ao thả cá và khu chăn nuôi gà vịt.
Chỉ tay về phía khu nuôi chim bồ câu, cô Ngọc chia sẻ: "Đây là giống chim bồ câu thuần chủng, ngày trước cô được một người bạn đồng nghiệp cho một đôi, sau đó cô nhân giống dần. Đến nay cô có khoảng gần 300 đôi chim. Ngoài có trứng chim để ăn hàng ngày, hàng tháng cô đều bán cho lái buôn ở tỉnh".
Nụ cười tươi rói của hai "người rừng" giữ ốc đảo hoang vắng.
Cô Ngọc cho biết, trong một hôm đi chợ mua thức ăn, không may mua phải thực phẩm có hoá chất, sau khi ăn xong cô phải đi cấp cứu. Từ đó trở đi, các cô không bao giờ mua bất kỳ thực phẩm gì ở chợ nữa.
Xác định tự cung tự cấp để đảm bảo sức khoẻ, hai chị em cô Ngọc đã tạo cho mình lối sống hòa hợp với tự nhiên, cảnh vật nơi đây. Trên đỉnh ốc đảo cao gần 100m, các cô đào giếng khơi lấy nước ăn và để sinh hoạt. Cũng theo cô Ngọc cho biết: Nước ở trên ốc đảo này trong và rất mát ngọt. Nước ở đây không cần qua hệ thống xử lý lọc nào, bao nhiêu năm nay hai chị em cô vẫn sống khỏe với nguồn nước này.
Được biết, ngoài những cây cối và nguồn thức ăn có sẵn trên đảo, hai cô còn có hơn 2 sào ruộng để cấy lúa lấy gạo ăn.
Chưa bao giờ mua thực phẩm ở chợ
Cứ khoảng 1 tháng các cô mới đi chợ để mua những đồ nhu yếu phẩm, riêng thực phẩm thì không bao giờ mua. Có thể do lối sống gần gũi với thiên nhiên, có thực phẩm sạch từ ốc đảo, nên hơn 50 năm nay hai chị em cô Ngọc không phải đi bệnh viện bao giờ.
Ngày trước từ thời ông cụ thân sinh ra cô, có nhiều bài thuốc quý để chữa bệnh, trong khi đó trên ốc đảo này lại có nhiều nguồn dược liệu quý, nên hàng ngày các cô vẫn đi lấy những cây thuốc đó về bào chế thành các đơn thuốc để uống. Thậm chí những con vật nuôi nhà cô cũng được điều trị bằng những bài thuốc đó mỗi khi bị dịch bệnh.
Đang cắt từng cây thuốc quý, cô Môn cho biết: "Năm 2014 trên đảo này mất nhiều cây thuốc quý lắm. Không biết làm sao mà rất nhiều người lạ ở đâu tìm về lên đảo chặt phá cây. Họ hái thì không sao, nhưng đằng này họ đào tận gốc mang về. Nhiều lần hai chị em cô đã phải đấu tranh rất lâu để quyết giữ những cây thuốc quý. Vất lắm cháu ạ".
Bà Nguyễn Thị Minh, Chủ tịch UBND xã Liên Hoà cho phóng viên biết: "Cô Ngọc và cô Môn là hai người bình thường, sống giản dị và không có gì bất thường như mọi người đồn thổi. Cô Ngọc là giáo viên cấp 2 về hưu hiện đang tham gia Hội Cựu giáo chức xã và rất nhiệt tình với công việc, phong trào".
Chuyện về hai "người rừng" sống giữa ốc đảo hoang vắng và 50 năm họ không biết đến bệnh viện, được mọi người dân ở đây cho là hiện tượng lạ. Nhưng chúng tôi lại rất ấn tượng với cách sống gần gũi với thiên nhiên và tấm lòng gìn giữ mảnh đất cha ông của hai người phụ nữ thuần hậu này.
"Ai cũng có sở thích riêng, các cô cũng có sở thích được sống tự do thoải mái, được sống trong môi trường với không khí trong lành xanh mát, gần gũi với thiên nhiên thì tại sao lại gọi các cô là người rừng cơ chứ", Cô Ngọc thắc mắc về điều mà người dân nơi đây nói về chị em cô.
(Theo_Eva
Khẩn trương cứu chữa nạn nhân vụ tai nạn cao tốc Nội Bài - Lào Cai Bộ Y tế đã chỉ đạo huy động các thầy thuốc giỏi, bảo đảm đủ thuốc, phương tiện cấp cứu, cứu chữa người bị nạn kịp thời và có hiệu quả cao nhất. Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) Nguyễn Trọng Khoa cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin về vụ tai nạn giao thông...