Xây dựng NTM Phú Thọ: Nâng cao nhận thức và hành động
Nhằm huy động sự vào cuộc của hội viên nông dân trong XDNTM, HND tỉnh Phú Thọ đã chủ động đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân.
Trang Trại Việt đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Khắc Văn Phó Chủ tịch Thường trực HND tỉnh Phú Thọ.
Xin ông cho biết những nỗ lực của HND tỉnh nhằm nâng cao nhận thức của người dân về chương trình XDNTM?
HND tỉnh đã chủ động phối hợp với các cấp, các ngành triển khai các hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú như: thông qua sinh hoạt chi, tổ hội, xuất bản cuốn Thông tin công tác Hội, Trang thông tin điện tử HND và qua các phương tiện thông tin đại chúng…
Hội còn tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng các mô hình điểm, vận động nông dân tăng cường đoàn kết, phát huy nội lực, thực hiện có hiệu quả các phong trào phát triển kinh tế – xã hội ở nông thôn, góp phần tích cực vào XDNTM ở địa phương.
Hàng năm, HND tỉnh giao chỉ tiêu thi đua cho các cấp Hội về công tác tuyên truyền, tập huấn, nâng cao nhận thức cho hội viên, nông dân, về xây dựng mô hình kinh tế tập thể, về các điển hình sản xuất kinh doanh giỏi, xây dựng hộ gia đình nông dân văn hóa… cuối năm có tổng kết, đánh giá và bình xét, chấm điểm thi đua.
Người dân Hạ Hòa chung sức làm kênh mương nội đồng. ảnh: Tư liệu
Nhằm thực hiện hiệu quả XDNTM, HND đã lựa chọn lĩnh vực nào để tạo sức cuốn hút hội viên tham gia?
Để thực hiện có hiệu quả XDNTM theo lộ trình của tỉnh, HND Phú Thọ đã chọn 4 lĩnh vực phù hợp để tập trung chỉ đạo thực hiện đó là:
- Hỗ trợ hội viên phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, góp phần thực hiện tiêu chí về thu nhập, đào tạo nghề nâng cao nâng cao chất lượng nguồn lao động ở khu vực nông thôn.
Video đang HOT
- HND tham gia đóng góp ý kiến xây dựng quy hoạch, đề án XDNTM và thực hiện giám sát cộng đồng, góp phần thực hiện các tiêu chí về phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn.
- HND tỉnh chủ động vận động nông dân tích cực tham gia thực hiện tiêu chí môi trường, thu gom và xử lý rác thải, xây dựng các mô hình phát triển chăn nuôi, trồng trọt an toàn sinh học góp phần đắc lực thực hiện các tiêu chí NTM.
- Tham gia giữ gìn trật tự an toàn xã hội, xây dựng hệ thống chính trị xã hội vững mạnh. Vận động hội viên, nông dân ký cam kết gia đình không có người vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội… góp phần giữ vững an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở nông thôn.
Trong giai đoạn tới HND tỉnh Phú Thọ sẽ có những hoạt động thiết thực nào để gắn XDNTM với hình ảnh người nông dân năng động tiếp cận khoa học công nghệ và phương thức sản xuất hàng hóa?
Hàng năm, HND tỉnh chủ động phối hợp với Ngành nông nghiệp và PTNT tỉnh mở các tập huấn tuyên truyền, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp, giúp bà con nông dân áp dụng vào sản xuất, kinh doanh, tạo ra sản phẩm nông nghiệp có năng suất, chất lượng và đạt hiệu quả kinh tế cao.
Để nâng cao hiệu quả XDNTM, trong giai đoạn tới HND tỉnh tiếp tục xây dựng kế hoạch phát động phong trào “HND chung sức XDNTM” trong đó tập trung vào 2 khâu đột phá đó là: Vận động nông dân tích cực “Dồn đổi ruộng đất”, “Đổi mới mô hình sản xuất” với các giải pháp cụ thể, thiết thực. Tiếp tục phát huy nội lực và tiềm năng, sáng tạo của nông dân, động viên, khuyến khích nông dân tích cực, chủ động tham gia với vai trò chủ thể trong XDNTM.
Theo Danviet
Bứt phá nhưng phải phù hợp với thực tiễn
Đến cuối năm 2016, tỉnh Sơn La phấn đấu sẽ có thêm 5 xã cán đích, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM trong tỉnh lên 8 xã. Ngoài ra, tỉnh cũng phấn đấu đến năm 2020 có 100% số xã đạt từ 8-10 tiêu chí trở lên; 23 xã đạt 19/19 tiêu chí.
Phóng viên Trang trại Việt đã phỏng vấn ông Hà Quyết Nghị- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở NNPTNT Sơn La về mục tiêu này.
Thưa ông, là một địa bàn thuộc diện khó khăn nhất cả nước, việc thực hiện chương trình xây dựng NTM có phải là một thách thức?
- Sơn La là một trong những tỉnh khó khăn của vùng Tây Bắc. Khi bắt tay vào thực hiện chương trình NTM, toàn tỉnh có tới 5/11 huyện nghèo. Ngay cả các huyện không thuộc diện nghèo thì tỷ lệ hộ nghèo cũng vẫn cao. Sơn La lại có khí hậu khắc nghiệt, thường xuyên bị bão lũ tàn phá.
Đặc biệt, trong 4 thập kỷ qua, Sơn La liên tiếp thực hiện 2 cuộc đại di dân với hàng chục ngàn hộ dân phải di dời để phục vụ cho công trình Thủy điện Hòa Bình và Thủy điện Sơn La. Trong đó, Thủy điện Sơn La có chính sách tái định cư đi cùng với di dân, song Thủy điện Hòa Bình thì chưa có chính sách tái định cư. Điều đó đặt ra cho Sơn La rất nhiều khó khăn trong công tác quy hoạch, kiện toàn cán bộ, đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao thu nhập cho nhân dân, xây dựng đời sống văn hóa...
Những khó khăn đó khi áp vào các tiêu chí NTM thì đều bị ảnh hưởng. Bởi thế, xuất phát điểm xây dựng NTM của Sơn La rất thấp. Nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Sơn La cũng xác định: Xây dựng NTM tuy là thách thức nhưng cũng là thời cơ để địa phương có cơ hội bứt phá. Thực tiễn 5 năm xây dựng NTM ở Sơn La đã khẳng định điều đó.
Nghề nuôi ba ba gai ở huyện Sông Mã ngày càng phát triển mạnh, cho thu nhập cao.
ảnh: Kiều Thiện
Ông có thể cho biết cụ thể hơn những thành công của Sơn La trong quá trình xây dựng NTM giai đoạn vừa qua?
- Đến nay, toàn tỉnh đã có 3 xã đạt chuẩn NTM, 5 xã cơ bản đạt 19/19 tiêu chí, 34 xã đạt 10 tiêu chí trở lên trong tổng số 188 xã vùng nông thôn. Về tiêu chí quy hoạch, đã có 188/188 xã đạt, tiêu chí giao thông đã có 17 xã đạt, tiêu chí điện có 115 xã đạt, thu nhập có 28 xã đạt... Có thể nói, kết quả đó chưa lớn nhưng là những tiền đề thuận lợi để Sơn La hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM trong thời gian tới.
So với xuất phát điểm, hẳn đó là những bứt phá quan trọng?
- Nói vậy cũng không sai, bởi ai cũng biết, với một tỉnh nhiều khó khăn như Sơn La, nhiều xã mới chỉ đạt hoặc cơ bản đạt được 1-2 tiêu chí thì việc hoàn thành chỉ tiêu đặt ra là thách thức rất lớn. Trong khi đó, nguồn ngân sách cấp cho chương trình xây dựng NTM từ Trung ương cũng như của tỉnh còn rất hạn chế. Để đạt được kết quả cao, cũng là nhờ sự đồng thuận, hưởng ứng, hy sinh của rất nhiều người dân...
Ông có thể cho biết cụ thể hơn về những đóng góp của nhân dân trong thời gian qua?
- Mặc dù là tỉnh có nhiều huyện nghèo, đời sống người dân sống dựa chủ yếu vào nông nghiệp, nhưng do hiểu rõ được những lợi ích lớn lao mà chương trình xây dựng NTM mang lại nên nhân dân trên địa bàn hưởng ứng và đóng góp rất nhiệt tình. Bà con các địa phương sẵn sàng đóng góp các ý kiến hay khi xây dựng phương án đầu tư phát triển; góp hàng chục, hàng trăm ngày công vào việc xây dựng các công trình dân sinh, văn hoá... Đặc biệt, đã có rất nhiều hộ tự nguyện hiến đất sản xuất, đất ở, cây cối, hoa màu, nguyên vật liệu và cả tiền mặt để xây dựng NTM.
Tại một xã nhiều khó khăn như Chiềng Khương của huyện Sông Mã, chỉ trong hơn 4 năm qua, người dân đóng góp hơn 5 tỷ đồng, trên 20.000 công lao động, hiến trên 12.000m2 đất và ủng hộ hơn 2.400m3 cát, đá; 21m3 gỗ cốp pha, chặt 290 cây nhãn, xoài để địa phương triển khai làm đường giao thông, nhà văn hóa... Hay như gia đình ông Lõ Văn Chum ở bản Dăm (xã Chiềng Mai, huyện Mai Sơn) đã hiến 360m2 đất ruộng và nương để làm đường liên bản; ông Tòng Văn Ngon ở xã Mường Giàng (huyện Quỳnh Nhai) cũng hiến hơn 300m2 đất phục vụ chương trình xây dựng NTM.
Sự tự nguyện tham gia đóng góp của người dân cũng chính là một trong những thành công lớn trong quá trình bứt phá xây dựng NTM của Sơn La. Chỉ khi có sự nhận thức đầy đủ về NTM thì người dân mới tự giác đóng góp và hy sinh lớn như vậy. Nhờ đó, đến nay các xã trên địa bàn đã đạt bình quân 7,28 tiêu chí/xã, có gần 70 xã đạt từ 8 tiêu chí trở lên.
Chăn nuôi gia súc đang trở thành nguồn thu nhập cao, ổn định bền vững trong kinh tế hộ ở các xã vùng cao huyện Mường La, Sơn La. ảnh: Kiều Thiện
"Điều đặc biệt cần quan tâm khi xây dựng NTM chính là: Phải tạo được sự bứt phá ngay từ khi xây dựng mục tiêu phấn đấu, nhưng mục tiêu ấy phải phù hợp với thực tiễn địa bàn, phù hợp với sức dân".
Ông Hà Quyết Nghị
Ông có thể chia sẻ với bạn đọc một vài kinh nghiệm chủ yếu để tạo nên sự bứt phá trong xây dựng NTM ở Sơn La?
- Mỗi địa phương, mỗi địa bàn khi thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ đều có những sáng kiến, kinh nghiệm phù hợp với thực tiễn của nơi ấy. Tôi chỉ xin chia sẻ một vài kinh nghiệm chung. NTM là một chương trình mang tính tổng thể cả về kinh tế, chính trị, văn hóa, trật tự an toàn xã hội ở vùng nông thôn. Bởi thế, phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận rất cao của người dân thì các chương trình, dự án triển khai mới hiệu quả. Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh về sự đồng thuận của người dân, bởi họ chính là chủ thể của NTM. Người dân phải là người vạch kế hoạch phát triển cho chính bản mình, xã mình và phấn đấu để kế hoạch ấy hoàn thành và được hưởng lợi từ sự hoàn thành ấy.
Nhưng muốn huy động sức lực, trí tuệ của người dân, bắt buộc phải có sự tương tác rất lớn từ hệ thống chính trị qua các kênh tuyên truyền, qua sự đầu tư thuyết phục. Cũng như các vùng nông thôn khác trong cả nước, khi mới bắt tay triển khai chương trình NTM ở Sơn La cũng có không ít người dân chưa hiểu rõ về giá trị của NTM, họ lo sợ phải đóng góp quá sức... Nhưng đến hôm nay, như các bạn thấy, NTM ở Sơn La đã có sự chuyển đổi lớn nhờ sự tương tác hài hòa giữa đầu tư của Nhà nước và sự đóng góp của người dân. Điều đặc biệt cần quan tâm khi xây dựng NTM chính là: Phải tạo được sự bứt phá ngay từ khi xây dựng mục tiêu phấn đấu, nhưng mục tiêu ấy phải phù hợp với thực tiễn địa bàn, phù hợp với sức dân.
Xin cảm ơn ông!
Theo Danviet