Xây dựng nông thôn mới Hà Nội: Hướng mạnh tới đô thị hóa, đời sống người dân thêm sung túc
Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn thủ đô Hà Nội đang là điểm nhấn về việc nâng cao chất lượng đời sống người dân, chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với quá trình đô thị hóa.
Nông thôn chuyển mình
Sau khi đạt chuẩn NTM, nhiều xã tại các huyện ngoại thành tiếp tục thực hiện xây dựng xã NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu. Để nâng cao đời sống người dân, xã Thanh Mai (huyện Thanh Oai) đang dồn sức xây dựng NTM nâng cao, trong đó tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao đời sống người dân.
Theo ông Nguyễn Ngọc Minh – Chủ tịch UBND xã Thanh Mai, hiện nay, cùng với nâng cao các tiêu chí trong xây dựng NTM về giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa… được cấp ủy, chính quyền quan tâm, xã tiếp tục tập trung phát triển kinh tế, sản xuất tiểu thủ công nghiệp, duy trì các nghề phụ như: Mộc, làm bún, miến, bánh đa, may mặc… góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương. Năm 2021, Thanh Mai phấn đấu thu nhập bình quân đạt 58 triệu đồng/người/năm; tiếp tục giảm hộ cận nghèo và không có hộ tái nghèo.
Theo ông Hoàng Chí Lượng – Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất, huyện phấn đấu năm 2021 có thêm xã Hương Ngải đạt chuẩn xã NTM nâng cao và lộ trình từ nay đến năm 2025 thêm 10 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 5 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Huyện cũng tập trung đẩy mạnh thu hút đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, ưu tiên đưa vào hoạt động các dự án công nghệ cao, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực chế biến nông sản, thực phẩm… thu hút nhiều lao động và ít gây ô nhiễm môi trường.
Nâng cao chất lượng đời sống người dân, chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với quá trình đô thị hóa. Ảnh: N.A
Để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng NTM đến năm 2025, Hà Nội dự kiến bố trí nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2021 – 2025 là 89.000 tỷ đồng.
Sau 10 năm (2010-2020) thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, Thạch Thất đã có 21/22 xã đạt chuẩn NTM (riêng xã Thạch Hòa phát triển theo hướng đô thị); thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 70 triệu đồng/năm, gấp 5,4 lần so với năm 2010. Huyện tiếp tục xây dựng xã đạt chuẩn NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025; duy trì 100% xã đạt chuẩn NTM.
Ông Nguyễn Viết Đạt – Trưởng phòng Kinh tế huyện, thường trực Văn phòng xây dựng NTM huyện Đan Phượng cho biết: Huyện đã có 15/15 xã đạt chuẩn NTM nâng cao vào cuối năm 2020. Năm nay, huyện triển khai xây dựng 4 xã NTM kiểu mẫu hướng tới nâng cao đời sống của người dân.
Ông Trần Đức Hải – Bí thư Huyện ủy Đan Phượng thông tin: Hiện nay, huyện phát động chương trình thi đua xây dựng NTM sáng – xanh – sạch – đẹp ở từng thôn, với phần thưởng cho mỗi địa phương là 10 triệu đồng. Nhờ đó, nhiều tuyến đường trục chính các thôn được trồng hoa, vẽ tranh bích họa, quét sơn trên các tuyến đường ngõ xóm…
Video đang HOT
Nhờ xây dựng NTM nâng cao, huyện Đan Phượng đang đô thị hóa mạnh, môi trường, cảnh quan ngày càng xanh, sạch, đẹp. Ảnh: N.A
Theo Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng NTM Hà Nội, đời sống nông dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2020 đạt 55 triệu đồng, các huyện có thu nhập bình quân đầu người cao như: Thạch Thất 70 triệu đồng, Hoài Đức 62 triệu đồng, Đan Phượng 61,2 triệu đồng, Chương Mỹ 60 triệu đồng… Đa số các hộ gia đình có nhà kiên cố, khang trang.
Công tác y tế, phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe nông dân có nhiều tiến bộ, 100% trạm y tế xã có bác sĩ công tác tại trạm. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn toàn thành phố đạt 90,1%. Có 100% số xã đã kết nối Internet; hầu hết các hộ có điện thoại. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm xuống còn dưới 0,37%, đặc biệt có 4 huyện Đông Anh, Gia Lâm, Mê Linh và Hoài Đức không còn hộ nghèo, một số huyện có tỷ lệ hộ nghèo thấp như: Ứng Hòa 0,08%; Quốc Oai 0,08%…
Theo Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng NTM Hà Nội, đến nay, thành phố Hà Nội có 12/18 huyện, thị xã đạt chuẩn NTM, gồm: Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Quốc Oai, Gia Lâm, Thạch Thất, Thường Tín, Thanh Oai, Phúc Thọ, Sóc Sơn và thị xã Sơn Tây.
Hà Nội còn 6 huyện chưa đạt chuẩn NTM, trong đó huyện Phú Xuyên đã hoàn thiện hồ sơ công nhận đạt chuẩn NTM năm 2020 trình Hội đồng thẩm định Trung ương xem xét. Các huyện Chương Mỹ, Mê Linh, Ứng Hòa phấn đấu đạt chuẩn NTM năm 2021; Ba Vì, Mỹ Đức phấn đấu đạt chuẩn vào năm 2022.
Đối với 14 xã chưa về đích (5 xã của huyện Mỹ Đức, 9 xã của huyện Ba Vì), thành phố và các huyện đang tập trung quyết liệt tháo gỡ khó khăn, ưu tiên nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí trong năm nay.
Theo ông Đỗ Quang Trung – Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì, huyện đã xây dựng kế hoạch chi tiết và tổ chức làm việc với các xã chưa đạt chuẩn để tìm cách tháo gỡ, thúc đẩy các giải pháp thực hiện.
Trong khi đó, đến đầu tháng 10/2021, huyện Mỹ Đức có 2 xã (Bột Xuyên, Lê Thanh) cũng đã có tờ trình đề nghị công nhận đạt chuẩn NTM. Còn 3 xã (Đồng Tâm, An Tiến và An Phú) chưa đạt chuẩn cũng đang nỗ lực hoàn thành các tiêu chí thời gian tới.
Theo ông Chu Phú Mỹ – Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội, chương trình xây dựng NTM văn minh, hiện đại của Hà Nội gắn với đô thị hóa. Trong nông nghiệp, Hà Nội đã hoàn thành dồn điền đổi thửa, đưa cơ giới hóa, ứng dụng khoa học, công nghệ cao vào sản xuất gắn với xây dựng chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hà Nội đã huy động được hơn 165.355 tỷ đồng đầu tư cho nông thôn. Đây là nguồn lực rất lớn để kiến thiết hạ tầng, thúc đẩy kinh tế, văn hóa, xã hội cho cả khu vực. Đồng thời, tại nhiều địa phương, người dân tham gia tích cực Chương trình NTM như chuyển dịch cơ cấu kinh tế phát triển thương mại dịch vụ, hiến đất, góp kinh phí xây dựng các công trình phúc lợi của địa phương…
Để hoàn thành mục tiêu đề ra, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; tái cơ cấu, phát triển nông nghiệp toàn diện, theo hướng hiện đại, bền vững. Cùng với đó, các huyện tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ… chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế nông thôn gắn với xây dựng môi trường xanh, sạch đẹp.
Quảng Nam: Đời sống ấm no, người dân Tây Giang dồn sức xây dựng nông thôn mới
Nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, được chính quyền địa phương hỗ trợ hoàn thiện hạ tầng, đời sống của đồng bào vùng cao Tây Giang (Quảng Nam) ngày càng ấm no.
Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm nay, bà con thôn Bhlố, xã A Vương (huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) rất vui khi có cán bộ, lãnh đạo huyện về dự, chia sẻ với những thành tựu của thôn đạt được sau một năm đầy khó khăn.
Chị Bríu Thị Xéc - Chi hội trưởng Phụ nữ thôn Bhlố chia sẻ, để ngày hội diễn ra ý nghĩa và đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19, Ban quản trị thôn, chính quyền xã đã triển khai công tác chuẩn bị từ rất sớm theo chỉ đạo, hướng dẫn từ cấp trên.
Người dân thôn Bhlố, xã A Vương (huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) đã có cuộc sống ổn định. Ảnh: Hiền Thúy.
"Chúng tôi lên kế hoạch, phân công cụ thể từng công việc. Thanh niên phụ trách khâu trang trí, phụ nữ lo quét dọn vệ sinh và phục vụ cho buổi tiệc sau phần lễ kết thúc. Mặc dù dịch bệnh còn nhiều khó khăn, nhưng đời sống bà con ổn định hơn trước rất nhiều, ai cũng có nhà kiên cố để ở, không còn hộ đói, trẻ em được đến trường...", chị Xéc vui mừng nói.
Thôn Bhlố có gần 50 hộ đồng bào Cơ Tu với hơn 160 nhân khẩu sống tập trung, gắn bó với nhau. Kinh tế bà con chủ yếu làm nương rẫy và sống dựa vào rừng.
Những năm gần đây, chính quyền địa phương đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, đặc biệt phát triển trồng cây dược liệu giúp đời sống bà con phát triển ổn định hơn.
Ông Alăng Bưu - Bí thư Chi bộ thôn Bhlố cho hay, trước đây bà con chỉ làm nương rẫy nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn.
Từ khi được huyện Tây Giang quy hoạch san ủi mặt bằng, bố trí về khu tái định cư mới đời sống được nâng lên rõ rệt. Cơ sở hạ tầng điện - đường - trường - trạm tại thôn Bhlố được đầu tư đồng bộ.
Chính quyền huyện Tây Giang thường xuyên hỗ trợ cây con giống, tạo điều kiện hỗ trợ vốn vay ưu đãi, tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, giới thiệu mô hình kinh tế phù hợp hiệu quả....
Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo giảm rất nhiều so với trước đây, nay còn 37%. Nhiều hủ tục dần được loại bỏ trong đời sống như khi đau ốm đã đến cơ sở y tế điều trị; cưới xin không còn tư tưởng thách cưới, đòi của hồi môn nặng nề như trước.
Lãnh đạo UBND huyện Tây Giang tặng quà chia vui với người dân nhân Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. Ảnh: Hiền Thúy.
"Bà con đã và đang tiếp tục chung tay, góp sức thi đua xây dựng thôn nông thôn mới theo Nghị quyết 14 của Huyện ủy Tây Giang. Đến nay, thôn đã cơ bản hoàn thành nhiều tiêu chí về cơ sở hạ tầng, vệ sinh môi trường, nhà Gươl được xây dựng kiên cố, thôn có sân chơi thể thao...". - ông Bưu cho biết thêm.
Bà Bhling Thị Bơn - Chủ tịch UBND xã A Vương cho hay, từ một xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất nhì huyện Tây Giang (80 - 90%) đến nay giảm còn 52%.
Đây kết quả từ sự quan tâm, nỗ lực của các cấp chính quyền, sự đầu tư của Đảng, Nhà nước cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Tây Giang trao tặng nhà Đại đoàn kết cho gia đình anh Ating Vươn, thôn Aréc, xã A Vương (huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam). Ảnh: Hiền Thúy.
Cùng với phát triển kinh tế, giảm nghèo, bà con cũng bắt đầu chú trọng đến việc gìn giữ và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc. Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống được bà con lưu giữ ngay trong đời sống hàng ngày.
Bà Bơn nói: "Hiện nay, bà con đã khôi phục và duy trì nghề dệt vải thổ cẩm, đan lát. Đặc biệt, nhà Gươl làng được khôi phục sát với nguyên bản. Ngoài ra, các giá trị văn hóa phi vật thể như bảo tồn các làn điệu dân ca, nói lý, hát lý, tổ chức các lễ hội truyền thống mừng lúa mới, cưới xin cũng được chú trọng. Nhờ đó, tinh thần đoàn kết trong cộng đồng ngày càng thắt chặt, thân thiết hơn".
Nhiều hộ dân trong thôn Bhlố, xã A Vương (huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) đã có nhà cửa khang trang. Ảnh: Hiền Thúy.
Về chung vui Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân với bà con thôn Bhlố, xã A Vương, ông Arất Blúi, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang vui mừng trước những đổi thay của dân làng.
Đặc biệt, bà con nay không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước mà đã biết tự nỗ lực phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình.
"Thôn Bhlố là một thôn ở rải rác, dọc đường, trước nhà phía sau là suối, cực kỳ nguy hiểm. Đến nay, điện, đường, trường, trạm cơ bản đạt được. Nhà cửa khang trang, xanh, sạch, đẹp. Có trên 50% số hộ gia đình có nhà xây kiên cố, đời sống bà con từng bước thay đổi rõ nét.
Đặc biệt, bà con đã tích cực hưởng ứng việc hiến đất, cây cối hoa màu để san ủi mặt bằng mới có mặt bằng ổn định như hôm nay, nay có Gươl sinh hoạt và mang bản sắc văn hóa dân tộc chính mình, từ đó có thể thấy tinh thần đoàn kết của bà con thôn Bhlố nói riêng và xã A Vương nói chung rất lớn, thay mặt lãnh đạo huyện tôi biểu dương sự đoàn kết, sự nổ lực của người dân toàn xã A Vương, trong đó có thôn Bhlố...", ông Arất Blúi nói.
Mục tiêu rất cao tỉnh Quảng Trị đặt ra trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 là gì? Tỉnh uỷ Quảng Trị đã ban hành nghị quyết, trong đó phấn đấu đến năm 2025 có thêm 4 huyện đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) và 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Đặt mục tiêu lớn làm động lực Ngày 4/11/2021, Tỉnh ủy tỉnh Quảng Trị ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU về thực hiện Chương trình mục tiêu...