Xây dựng nông thôn mới gắn liền nâng cao đời sống nhân dân
Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đến nay bộ mặt nông thôn và đời sống người nông dân huyện Ứng Hòa (Hà Nội) đã có sự thay đổi rõ rệt. Kinh tế phát triển bền vững, diện mạo nông thôn khang trang, tươi mới, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao.
Đó là minh chứng thể hiện sự nỗ lực vượt khó cùng với những bước đi, cách làm đúng đắn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Ứng Hòa trong thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016 – 2020″.
Tính đến nay, toàn huyện Ứng Hòa đã có 19/28 xã được Thành phố công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (gồm: Đồng Tân, Trung Tú, Minh Đức, Viên An, Hoa Sơn, Liên Bạt, Đông Lỗ, Hòa Xá, Đại Hùng, Đại Cường, Đội Bình, Tảo Dương Văn, Trường Thịnh, Kim Đường, Phương Tú, Viên Nội, Cao Thành, Hòa Nam, Hòa Phú), tăng 11 xã so với thời điểm kết thúc giai đoạn 1 (12/2015). Phấn đấu hết năm 2020 toàn huyện có 28/28 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt mục tiêu Đại hội Đảng bộ huyện đề ra.
Mô hình trồng rau quả công nghệ cao tại xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa đang phát huy hiệu quả kinh tế (Ảnh: Ánh Ngọc).
Trong quá trình xây dựng nông thông mới, tình hình kinh tế – xã hội nông thôn tại huyện đã có bước phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nông dân được cải thiện và dần nâng cao.
Cụ thể, thu nhập bình quân đầu người trung bình toàn huyện đến tháng 6/2019 ước đạt 40,12 triệu đồng/người/năm (tăng 18,12 triệu đồng so với cuối năm 2015, tăng 29,4 triệu đồng so với cuối năm 2010); tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện hiện còn 2,41%, giảm 4,17% so với cuối năm 2015 (còn 1,29% nếu trừ đối tượng bảo trợ xã hội).
Video đang HOT
Đặc biệt, công tác y tế chăm sóc sức khỏe nhân dân được cải thiện, chất lượng khám chữa bệnh được nâng lên, hầu hết các trạm y tế đều có bác sĩ, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế toàn huyện đạt 86,5%; công tác đào tạo, dạy nghề cho lao động nông thôn được quan tâm, tỷ lệ lao động qua đào tạo ngày một tăng; công tác hỗ trợ cho các đối tượng chính sách và người nghèo được đảm bảo, không còn nhà dột nát, không còn hộ đói.
Công tác vệ sinh môi trường nông thôn đã được chú trọng, tỷ lệ rác thải được thu gom xử lý trong ngày tại khu vực nông thôn đạt 95%. Đã có 100% số hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó có 32% được sử dụng nước sạch từ nguồn cấp nước tập trung.
Ben cạnh đó, môi trường nông thôn luôn xanh, sạch, đẹp, toàn huyện đã có 124 đoạn đường nở hoa với tổng chiều dài trên 15km và hàng nghìn cây xanh được trồng mới. Các thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư, đời sống tinh thần của nhân dân từng bước được nâng cao. An ninh trật tự, an toàn xã hội nông thôn được giữ vững, công tác quân sự quốc phòng địa phương được tăng cường, ổn định.
Nguyễn Minh
Theo LĐTĐ
Xã nghèo đột phá, về đích trước 2 năm nhờ xây dựng nông thôn mới
Nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, đặc biệt là ở các địa bàn các xã nghèo, những năm qua huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ, bước đầu đã đạt được kết quả cao.
Huyện Đồng Hỷ có 7 xã thuộc diện được hưởng theo chương trình 135 (xã Văn Hán; Cây Thị; Hợp Tiến; Nam Hòa; Tân Long; Tân Lợi và Văn Lang). Trong đó, xã Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) có trên 73% số hộ là người dân tộc Sán Dìu, sinh sống bằng nghề nông.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), nhân dân xã Nam Hòa đã đóng góp gần 33 tỷ đồng và hiến trên 10ha đất xây dựng cơ sở hạ tầng, góp phần tích cực để xã về đích NTM sớm kế hoạch 2 năm. Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân trong xã cũng dần được cải thiện.
Gần 80km đường về xóm
Với 22 xóm, địa bàn rộng, điều kiện tự nhiên nhiều đồi núi, trước đây, tại một số xóm xa trung tâm xã Nam Hòa, những khi mưa bão gần như tách biệt với bên ngoài, bà con phải đi bộ men theo đường bờ ruộng để ra trung tâm xã. Có xóm 100% số hộ nghèo. Ông Lê Văn Lâm- Chủ tịch UBND xã chia sẻ, là xã đặc biệt khó khăn nên năm 2011 khi xây dựng NTM, địa phương luôn xác định cần nỗ lực để về đích vào năm 2020.
Ý thức tốt hơn vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường nên sản phẩm nông nghiệp làm ra tiêu thụ dễ dàng hơn. Ảnh: V.T
Chọn bước đột phá là tiêu chí giao thông, cấp ủy, chính quyền xã đặc biệt chú trọng tuyên truyền, vận động nhân dân cùng chung tay, góp sức, đặc biệt là việc hiến đất làm đường và đối ứng kinh phí. Đáp ứng mong mỏi của người dân, 100% số xóm đều tham gia hiến đất. Toàn xã có trên 2.500 hộ dân thì hơn 1.200 hộ đã hiến hơn 10ha đất để mở rộng các tuyến đường. Như xóm Đồng Chốc với hơn 50 hộ hiến trên 4.000m2 đất, xóm đã bê tông hóa 4km đường trục xóm.
Nếu như trước đây, người dân đi bộ ra trung tâm xã, hàng hóa làm ra tiêu thụ rất khó khăn thì nay, nhờ giao thông thuận lợi, thương lái đến tận xóm thu mua, cuộc sống đổi thay đáng kể.
Hiện, tất cả các tuyến đường trục xã, liên xã, trục xóm ở Nam Hòa đều nhựa hóa và bê tông hóa, với tổng kinh phí gần 61 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp hơn 27 tỷ đồng. Đồng thời với đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, Đảng bộ, chính quyền xã Nam Hòa đã khuyến khích người dân đầu tư phát triển sản xuất. Nhờ đó, đời sống đổi thay rõ nét, thu nhập bình đạt gần 31 triệu đồng/người/năm (tăng 9,5 triệu đồng so với năm 2011), tỷ lệ hộ nghèo còn 11,3% (năm 2011 là 40,5%).
Làm giàu trên đất nghèo
Con đường bê tông mới mở dẫn chúng tôi vào vườn cây ăn quả rộng mênh mông của gia đình anh Ngô Xuân Trường (38 tuổi, ở xóm Na Tranh). Là gương tiêu biểu của huyện Đồng Hỷ về khởi nghiệp nông nghiệp, anh Trường đã đầu tư cải tạo đồi rừng, đồi tạp thành đồi cây bạt ngàn hoa trái, thu nhập mỗi năm 600 triệu đồng.
Tham quan khu vườn từng chùm quả đang trĩu cành, khó có thể tin mới vài năm trước, đây còn là những quả đồi bỏ hoang toàn cây dại. Bằng đôi tay và khối óc, anh Trường cần mẫn san lấp, cải tạo đất để trồng cây. Hiện vườn nhà anh có 600 cây cam, 400 cây bưởi, 200 cây táo, 700 cây ổi, 5.000 gốc thanh long, gần 3ha chè, hàng năm thu nhập 600 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 6 lao động.
Cùng với phát triển cây ăn quả, một số hộ gia đình đầu tư vào chăn nuôi. Mô hình chăn nuôi gà sinh học với 2.000 con ở xóm Ngòi Trẹo có 6 hộ dân tham gia. Chị Phạm Thị Nhâm, một hộ nghèo tham gia mô hình, cho biết chị có 300 con gà ta nuôi theo quy trình an toàn do Trạm Khuyến nông huyện tổ chức. Gà nhanh lớn, chất lượng thịt đảm bảo, sau 3 tháng, đạt từ 2,5 - 3kg/con. Nếu bán hết, thu được khoảng 80 triệu đồng, trừ các chi phí lãi 50 triệu.
Theo Danviet
Nông dân huyện Văn Bàn khấm khá nhờ làm nông nghiệp hàng hóa Nhờ thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM), bức tranh nông thôn ở huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai đã và đang hình thành những vùng quê đầy sức sống, bình an; cuộc sống của hàng trăm hộ dân đổi thay nhờ các mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng liên kết,...