Xây dựng môi trường làm việc an toàn
Bước vào giai đoạn tăng tốc hồi phục, các doanh nghiệp không chỉ tăng cường tuyển dụng lao động mà còn tăng giờ làm thêm.
Để duy trì sản xuất, các doanh nghiệp chủ động phối hợp cùng Công đoàn cơ sở triển khai các biện pháp kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 nhất là các trường hợp F0, F1 nhằm bảo đảm sức khỏe, an toàn cho người lao động khi tham gia sản xuất tại đơn vị.
Công nhân lao động tại nhà xưởng Công ty cổ phần Cơ khí xây dựng thương mại Đại Dũng tại khu Công nghiệp An Hạ, huyện Bình Chánh.
Ghi nhận tại Công ty cổ phần cơ khí xây dựng thương mại Đại Dũng (Khu công nghiệp An Hạ, xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh), ngoài việc yêu cầu người lao động thực hiện các biện pháp 5K, doanh nghiệp còn thường xuyên đo thân nhiệt, thực hiện test nhanh định kỳ. Do dịch COVID-19 với biến chủng Omicron diễn biến phức tạp, nhiều công nhân bị lây nhiễm nhanh đã có lúc Ban giám đốc xem xét quay lại phương án “3 tại chỗ” để duy trì sản xuất bởi đơn hàng gấp, trong khi nhân lực lại thiếu.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết, để khắc phục tình trạng này doanh nghiệp đã lấy ý kiến người lao động và lên phương án bố trí khu vực làm việc cho các trường hợp là F1 sau xét nghiệm nhanh, đảm bảo âm tính và được theo dõi sức khỏe ít nhất 7 ngày. Ngoài ra, hàng ngày Tổ y tế của nhà máy đều lên danh sách F1, thông báo đến từng khu vực để người xung quanh chú ý tuân thủ các biện pháp 5K. Khu vực của F1 được phun khử khuẩn thường xuyên và không tổ chức ăn uống tập trung.
Công ty trách nhiệm hữu hạn May thêu Hà Giang (quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) áp dụng hình thức làm việc trực tiếp và làm việc tại nhà để vừa đảm bảo tiến độ các đơn hàng, vừa ứng phó với tình trạng F0 gia tăng trong nhà máy. Theo bà Lê Thị Thủy – Chủ tịch Công đoàn Công ty, các ca nhiễm đều có triệu chứng nhẹ nhưng để bảo đảm an toàn cho số đông công nhân tại nhà máy, Công ty cho phép các F0 được nghỉ ở nhà từ 7 – 10 ngày có hỗ trợ lương và chỉ đi làm trở lại khi có kết quả âm tính 2 lần (cách nhau 3 ngày); đồng thời áp dụng quy định 5K, thường xuyên cho khử khuẩn toàn bộ nhà máy. Để vừa tránh tập trung quá đông người, ngăn ngừa dịch bệnh lây lan, đồng thời đảm bảo duy trì sản xuất, doanh nghiệp khuyến khích các trường hợp F0 không có triệu chứng, F1 và người lao động làm việc ở các khu vực đông công nhân được nhận nguyên liệu về gia công tại nhà. Cũng do sản phẩm làm thủ công nên Công ty linh hoạt điều chỉnh đơn giá phù hợp để bảo đảm thu nhập, chăm lo đời sống cho người lao động.
Video đang HOT
Để đảm bảo môi trường làm việc an toàn, tránh đứt gãy chuỗi sản xuất, nhiều doanh nghiệp cũng đưa ra giải pháp F0 không có triệu chứng có thể làm việc trực tuyến trên tinh thần tự nguyện nhưng phải luôn tự theo dõi sức khỏe của mình. Các trường hợp F1 đi làm được bố trí khu vực riêng, thông thoáng và được giám sát trong nhiều ngày liền.
Với hơn 350.000 công nhân tại 18 khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh đã tiêm đủ 2 mũi vaccine (đạt gần 100%), nhiều người lao động cũng đã tiêm mũi 3 tăng cường, theo ông Nguyễn Hồng Tâm – Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC), đa số F1 có thể được đi làm ngay nhưng phải tuân thủ nghiêm quy định 5K.
Tuân thủ để môi trường làm việc an toàn
Nhiều doanh nghiệp tại Thành phố cho rằng, đặc điểm của biến chủng Omicron lây nhiễm nhanh và cũng khỏi nhanh, ít có trường hợp chuyển nặng, do vậy việc linh hoạt cho F1 làm ở khu vực riêng, F0 làm trực tuyến trong thời gian cách ly, không chỉ giải quyết bài toán cung cầu lao động mà còn giúp người lao động có tinh thần thoải mái, ổn định cuộc sống để nhanh chóng bình phục.
Tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Juki Việt Nam (Khu chế xuất Tân Thuận, Quận 7), ngoài việc cách ly các trường hợp F0, các trường hợp F1 được phân thành ba nhóm. Cụ thể, nhóm F1 chỉ tiếp xúc thoáng qua với F0 ở nhà máy sẽ được bố trí nơi làm việc và ăn riêng sau khi xét nghiệm cho kết quả âm tính. Nhóm F1 có nguồn gốc lây nhiễm từ gia đình sẽ có phòng cách ly riêng; trường hợp người tiêm đủ ba mũi vaccine phòng COVID-19 sẽ được đi làm lại sau thời gian tiếp xúc 5 ngày và test nhanh cho kết quả âm tính. Trường hợp F1 ở cùng phòng trọ với F0, có nguy cơ lây nhiễm cao, phải tạm nghỉ việc.
Tương tự, Công ty trách nhiệm hữu hạn Nidec Việt Nam (Khu công nghệ cao, thành phố Thủ Đức) cũng chia các trường hợp F1 thành hai nhóm gần và xa. Trong đó, nhóm F1 tiếp xúc gần, sống chung nhà với F0, nguy cơ lây nhiễm cao phải tạm nghỉ ít nhất 5 ngày và chỉ đi làm lại khi xét nghiệm nhanh âm tính. Nhóm F1 tiếp xúc xa là người làm chung chuyền, xưởng, có đeo khẩu trang thì vẫn đi làm bình thường nhưng được theo dõi sức khỏe và test nhanh vào ngày thứ ba tính từ thời điểm tiếp xúc…
Anh Lê Hữu Thành ở Khu chế xuất Linh Trung 1 chia sẻ: Ai cũng có thể bị lây nhiễm, tái nhiễm dịch bệnh nhưng không đồng nghĩa với việc buông xuôi hay tâm lý chủ quan. Hiện cả nhà anh đã tiêm phòng COVID-19 đầy đủ và luôn tuân thủ các biện pháp phòng dịch, hạn chế tiếp xúc với người lạ.
Rút kinh nghiệm từ đợt dịch bùng phát và những trường hợp bị lây nhiễm, nhiều người lao động đã chủ động thực hiện 5K từ trong nhà máy đến cộng đồng và khu trọ; không tập trung ăn uống, hạn chế trò chuyện, thường xuyên khử khuẩn nơi ở, làm việc. Theo chị Nguyễn Thị Tuyết Nga cùng nhiều công nhân lao động ở Khu công nghệ cao, người mắc COVID-19 nên nghỉ ở nhà hoặc duy trì làm việc phù hợp. Nếu sơ xuất để lây lan thì không chỉ chính họ mà cả công ty cũng phải ngưng hoạt động và nếu để lây lan ra cộng đồng thì trách nhiệm và thiệt hại sẽ rất lớn.
Theo bác sỹ Võ Đức Chiến – Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, các doanh nghiệp nên bố trí sẵn kịch bản nhân sự thay thế vì diễn biến của dịch bệnh khi vào cơ thể vẫn rất khó lường. Người mắc COVID-19 nên được nghỉ ngơi hoặc có thể làm việc trực tuyến ở nhà, nhưng cũng cần được theo dõi thường xuyên và tùy trường hợp diễn tiến sức khỏe của bệnh nhân.
Trên thực tế, khi trở lại bình thường mới, nhiều nhà máy, xí nghiệp duy trì xét nghiệm nhanh định kỳ, phát hiện thêm nhiều ca nhiễm mới. Thống kê từ nhiều doanh nghiệp cho thấy, cứ 1 ca F0 thì có ít nhất 3 F1, nhiều phân xưởng phải tạm dừng hoạt động do thiếu hụt công nhân.
Lây nhiễm bệnh là điều khó tránh nhưng việc tiêm ngừa để đảm bảo độ phủ vaccine cùng với ý thức chủ động của doanh nghiệp và người lao động là điều cần thiết nhất trong giai đoạn hiện nay. Qua đó không chỉ tăng cường phòng, chống dịch mà còn xây dựng môi trường làm việc an toàn để thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng tốc phục hồi và phát triển kinh tế cho doanh nghiệp và cả thành phố…
Nữ công nhân viên chức lao động Thủ đô thực hiện văn hóa ứng xử trên mạng xã hội
Mới đây, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội đã triển khai Cuộc vận động "Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp" trong nữ công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) giai đoạn 2022-2026, với một trong những nội dung là thực hiện văn hóa ứng xử trên mạng xã hội.
Cuộc vận động được triển khai tới 100% Công đoàn cơ sở trực thuộc các cấp Công đoàn Thành phố với 5 nội dung và 3 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Các nội dung vận động gồm: Thanh lịch, văn minh trong nói năng, giao tiếp; văn hoá ứng xử trong gia đình; thực hiện văn hóa ứng xử tại cơ quan, đơn vị; thực hiện văn hóa ứng xử nơi công cộng; thực hiện văn hóa ứng xử trên mạng xã hội...
Đáng chú ý trong đó đối với nội dung thực hiện văn hóa ứng xử trên mạng xã hội, LĐLĐ Thành phố yêu cầu các cấp Công đoàn vận động nữ CNVCLĐ tuân thủ nghiêm các chính sách, pháp luật của Nhà nước về quản lý mạng xã hội; sử dụng ngôn từ, hình ảnh chuẩn mực khi tham gia mạng xã hội; không sử dụng mạng xã hội để phát tán các thông tin chưa được kiểm chứng, sai trái, phiến diện, một chiều gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến việc tuyên truyền, vận động thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, trái với truyền thống tốt đẹp của dân tộc, các giá trị văn hóa của Thăng Long - Hà Nội.
Nữ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Cơ quan LĐLĐ thành phố Hà Nội trình diễn thời trang áo dài. Ảnh minh họa.
Công đoàn vận động nữ CNVCLĐ khi nhận xét, bình luận trên mạng xã hội cần khách quan, tế nhị, quan tâm, lắng nghe, chia sẻ, cảm thông với người khác; không nói xấu, kéo bè cánh nhằm hạ thấp danh dự, nhân phẩm của người khác; không đưa ra những nhận xét, bình luận vội vàng, không đúng hoặc ác ý; ưu tiên tuyên truyền, chia sẻ, lan tỏa về những điển hình tiêu biểu/cách làm hay/việc làm tốt trong lao động, sản xuất và cuộc sống thường ngày của nữ CNVCLĐ Thủ đô, góp phần nhân lên những giá trị tốt đẹp trong cộng đồng.
Về giải pháp thực hiện, LĐLĐ Thành phố đề nghị các cấp Công đoàn Thủ đô phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh việc tuyên truyền, thực hiện Cuộc vận động trong nữ CNVCLĐ Thủ đô gắn với việc thực hiện các Bộ Quy tắc ứng xử của thành phố Hà Nội; tổ chức tuyên truyền sâu rộng mục đích, ý nghĩa và nội dung Cuộc vận động tới nữ CNVCLĐ trên địa bàn gắn với tuyên truyền các giá trị đạo đức, truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam; nếp sống, lối sống người Hà Nội thanh lịch, văn minh...
Cùng đó, các cấp Công đoàn Thành phố chủ động cụ thể hóa các tiêu chí ứng xử đẹp phù hợp với từng nhóm đối tượng nữ CNVCLĐ và yêu cầu công tác tuyên truyền của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tạo sự chuyển biến trong ứng xử và hành động hàng ngày; lồng ghép các tiêu chí thực hiện nội dung ứng xử đẹp vào nội dung phong trào thi đua Xây dựng người phụ nữ Thủ đô "Trung hậu - Sáng tạo - Đảm đang - Thanh lịch", có tri thức, có đạo đức, có sức khỏe, có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và đất nước; phong trào thi đua "Giỏi việc nước, Đảm việc nhà"; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; gắn việc đánh giá thực hiện các nội dung ứng xử đẹp với việc bình xét nữ CNVCLĐ đạt danh hiệu "Giỏi việc nước, Đảm việc nhà" hàng năm...
Ngoài ra, các cấp Công đoàn cần xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình thực hiện Cuộc vận động; định kỳ hàng năm đánh giá kết quả triển khai thực hiện Cuộc vận động gắn với đánh giá kết quả thực hiện phong trào thi đua "Giỏi việc nước, Đảm việc nhà", gặp gỡ và biểu dương các tập thể, cá nhân, mô hình tiêu biểu trong thực hiện cuộc Cuộc vận động.
Người chăn nuôi "ngấm đòn" do giá thức ăn chăn nuôi tăng "dựng đứng", hơn 1 năm tăng đến 10 lần Giá thức ăn chăn nuôi tăng đến 10 lần chỉ trong vòng hơn 1 năm khiến người chăn nuôi "ngấm đòn". Trong khi giá lợn hơi, gia cầm bấp bênh, từ sau Tết Nguyên đán tới nay có xu hướng giảm. Thường xuyên duy trì quy mô 200 con nái và 600 lợn thịt, thế nhưng so với thời điểm trước Tết Nguyên...