Xây dựng lối sống xanh ~ Bài 2: Sự tham gia của cộng đồng – Giải pháp cơ bản, bền vững
Hiện nay, chất lượng không khí trong các đô thị lớn diễn biến phức tạp, ô nhiễm bụi gia tăng; ô nhiễm nước mặt trong các đô thị, khu dân cư, nhất là trên các hồ, kênh, mương; rác thải sinh hoạt, ô nhiễm nhựa đang là vấn đề báo động.
Bởi vậy, bảo vệ môi trường là yêu cầu bức thiết và cần phải giải quyết. Sự tham gia của cộng đồng vào công tác bảo vệ môi trường là trách nhiệm, nghĩa vụ và cũng là quyền lợi của mỗi người dân. Đây cũng là một giải pháp cơ bản trong bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Rác thải được hướng dẫn phân loại trực tiếp trong quá trình thu gom ở Tuyên Quang. Ảnh: Nam Sương/TTXVN
Nhiều mô hình hiệu quả dựa vào cộng đồng
Một số địa phương ở nước ta đã có các mô hình bảo vệ môi trường dựa vào cộng đồng và đạt được hiệu quả tích cực.
Đó là các mô hình cam kết bảo vệ môi trường, tổ chức tự quản xử lý ô nhiễm môi trường, lồng ghép xóa đói giảm nghèo với bảo vệ môi trường, vệ sinh môi trường, các phong trào tình nguyện và bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp…
Từ hơn một năm nay, việc phân loại rác thải hữu cơ và vô cơ đã trở thành thói quen của gia đình bà Nguyễn Thị Nguyên, thôn Nghĩa Vũ, xã Dục Tú, huyện Đông Anh, Hà Nội, trong sinh hoạt hằng ngày. Rác thải hữu cơ như cơm thừa, rau quả bỏ đi… được cho vào “thùng rác Thạch Sanh” để ngay trong vườn rau của gia đình.
Người dân xã Nghĩa Vũ gọi vui với nhau là thùng rác “Thạch Sanh” bởi rác bỏ vào sẽ được cho thêm chế phẩm vi sinh do Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đông Anh cung cấp, giúp rác hữu cơ phân hủy trở thành chất dinh dưỡng cho cây trồng, rác bỏ vào đầy rồi tự vơi.
Bà Nguyễn Thị Nguyên cho biết: “Chúng tôi phân loại rác ngay tại gia đình, rác bỏ đi như rau, củ, quả thừa sẽ được đưa vào thùng ủ, loại rác tái chế được thì để dành bán đồng nát. Việc áp dụng mô hình phân loại rác tại nguồn này vừa giúp sạch nhà vừa đem lại lợi ích về kinh tế.”
Việc phân loại rác thải tái chế ngay tại từng hộ gia đình đã giúp huyện Đông Anh giảm 50-70% tổng lượng rác thải phát sinh không phải chôn lấp. Tổng lượng rác phát sinh hàng ngày trong năm 2021 cũng giảm trung bình 12 tấn/ngày so với năm trước đó.
Phát huy vai trò của thanh niên trong việc giảm rác thải nhựa ở các chợ dân sinh, Tỉnh đoàn Quảng Trị phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai mô hình “Chợ dân sinh giảm rác thải nhựa” tại chợ Cam Lộ, thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ. Đội hình thanh niên tình nguyện là lực lượng chủ chốt thực hiện công tác tuyên truyền cho các tiểu thương và người dân thông qua việc phát tờ rơi, đặt thùng rác phân loại, túi rác vi sinh tự hủy tại địa điểm thuận lợi để người dân bỏ rác đúng chỗ. Bên cạnh đó, đội sẽ đặt một quầy hàng lưu động ở trước cổng chợ để tuyên truyền và trao tặng người dân các sản phẩm làn nhựa hoặc túi đựng thực phẩm vi sinh dễ phân hủy nhằm hạn chế việc sử dụng túi nylon. Đội thanh niên tình nguyện đảm nhận việc phối hợp với công nhân vệ sinh của chợ thu gom rác thải định kỳ hàng tháng, hàng quý và vào các ngày “Thứ 7 tình nguyện”, “Chủ nhật xanh” tại chợ Cam Lộ.
Hơn 3 năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện Chỉ thị số 19 của Thành ủy về thực hiện Cuộc vận động “Người dân Thành phố Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”, đặc biệt chú trọng vấn đề hạn chế rác thải nhựa. Người dân và nhiều doanh nghiệp đã hưởng ứng bằng những hành động sôi nổi, thiết thực.
Nhiều siêu thị, cửa hàng đã nói không với túi nylon, thay bằng túi vải, túi giấy, túi tự hủy sinh học hoặc sử dụng lá chuối để gói thực phẩm. Nhiều cơ sở kinh doanh ăn uống dùng các loại ống hút làm từ nguyên liệu thiên nhiên, thân thiện môi trường như gạo, dừa… để thay thế ống hút nhựa. Nhiều khu dân cư chủ động phân loại rác tại nhà; tái chế, tái sử dụng các loại rác nhựa khó phân hủy.
Các đoàn viên, thanh niên huyện Phong Thổ cùng với Đồn Biên phòng Sin Suối Hồ (tỉnh Lai Châu) trao quà cho người dân, trẻ em khi đến đổi nhựa. Ảnh: Đinh Thùy/TTXVN
Chương trình “Phiên chợ xanh – Rác đi, quà về” của Câu lạc bộ tuổi trẻ vì môi trường Gen Xanh tổ chức tại huyện Củ Chi nhằm kêu gọi người dân mang các loại chất thải khó phân hủy đến để đổi quà, bắt đầu từ năm 2020 đến nay đã thu gom được gần 10 tấn rác thải nhựa và điện tử để phân loại tái sử dụng hoặc tái chế theo đúng quy định.
Vườn Quốc gia Yok Đôn, tỉnh Đắk Lắk có tính đa dạng cao, với trên 858 loài thực vật, 89 loài thú, 305 loài chim, trong đó nhiều loại động vật, thực vật đặc hữu, nguy cấp, quý hiếm. Lâm phần của Vườn Quốc gia Yok Đôn nằm trên địa giới hành chính 7 xã thuộc địa bàn hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông. Để nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và tạo thêm sinh kế cho người dân vùng đệm, Vườn Quốc gia Yok Đôn đã triển khai tốt chính sách giao khoán bảo vệ rừng với diện tích hơn 17.500 ha rừng cho 19 cộng đồng thôn, buôn của 23.000 hộ thuộc hai huyện Buôn Đôn và Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk. Đây là một trong những chính sách nhận được sự tham gia tích cực của nhân dân vùng đệm.
Video đang HOT
Một người thường xuyên tham gia các đợt tuần tra bảo vệ rừng, ông Lương Văn Chức, ở buôn Ea Pri chia sẻ, người dân khi nhận giao khoán bảo vệ rừng đều có trách nhiệm tham gia tuần tra, bảo vệ hệ sinh thái rừng, đặc biệt đã thay đổi tập quán, hành vi sau khi nhận giao khoán bảo vệ rừng.
Trước đây người dân vào rừng hái lan, lấy măng… tác động đến hệ sinh thái rừng và bây giờ đều tích cực tham gia bảo vệ rừng với mục tiêu bảo vệ bằng được cảnh quan và vẻ đẹp của rừng, phải giữ rừng cho con cái và các thế hệ sau này. Bên cạnh đó, tham gia nhận khoán bảo vệ rừng, mỗi hộ gia đình nhận được 2,5 triệu đồng/năm – đây cũng là nguồn thu nhập thêm cho bà con trong những lúc khó khăn.
Ở thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam), nhóm Green River thiết kế và thi công máy thu gom rác WSCA1.0 tự động trên mặt nước, phát triển thành chiếc máy thu gom rác thông minh. Máy WSCA1.0 hoạt động trên mặt nước sông, hồ tĩnh và mặt biển sóng nhẹ với chức năng chính là thu những rác nhựa và rác trôi nổi trên bề mặt nước với sức chứa 50-75kg rác/lần, sử dụng năng lượng mặt trời, điều khiển từ xa thông qua sóng wifi, nâng cấp định vị GPS tự tìm rác, được tích hợp bộ điều khiển không dây từ xa thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh. Năm 2020, nhóm đã thực hiện dự án “Cham Green Ocean” nhằm giảm thiểu rác thải nhựa trên biển bằng phương pháp công nghệ, đổi mới sáng tạo. Mục tiêu năm 2022, dự án sẽ chế tạo 5 máy thu gom rác trên diện rộng; đến năm 2025, dự án giải quyết 70% rác thải nhựa tại Cù Lao Chàm.
Trên thực tế, các chương trình quản lý, bảo vệ môi trường dựa vào cộng đồng đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo được hình thành qua việc gắn kết chặt chẽ trong cộng đồng dân cư. Chính vì vậy, đẩy mạnh phong trào cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường là việc làm cần thiết, thông qua sự vận động, tuyên truyền, giáo dục của các tổ chức mà cộng đồng, mỗi người dân tham gia.
Ông Nguyễn Hưng Thịnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định cộng đồng dân cư là một chủ thể trong công tác bảo vệ môi trường. Đây là lần đầu tiên cộng đồng dân cư được quy định như một chủ thể trong công tác bảo vệ môi trường. Với quy định này, Luật Bảo vệ môi trường 2020 kỳ vọng sẽ góp phần phát huy hơn nữa vai trò của cộng đồng dân cư để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường.
Cụ thể là phát huy tính đoàn kết, gắn bó, hỗ trợ lẫn nhau vì quyền lợi chung, sự sáng tạo và duy trì các sáng kiến gắn với địa bàn, lòng tự hào về truyền thống của làng xóm, quê hương của cộng đồng dân cư đối với công tác bảo vệ môi trường. Qua đó sẽ hình thành, thúc đẩy và duy trì hiệu quả các mô hình chung tay bảo vệ môi trường ngay tại cơ sở như mô hình đường làng, ngõ xóm xanh-sạch-đẹp, phân loại rác tại nguồn; bảo vệ môi trường trong hương ước…
Sự tham gia của cộng đồng vào bảo vệ môi trường không chỉ tạo thêm nguồn lực tại chỗ cho công tác này, mà còn là lực lượng đóng góp, cung cấp thông tin, giám sát môi trường nhanh và hiệu quả, giúp giải quyết kịp thời các vấn đề môi trường ngay từ khi mới xuất hiện, nhất là các vấn đề môi trường liên quan trực tiếp đến số đông dân cư, ảnh hưởng đến cuộc sống của cộng đồng như ô nhiễm môi trường không khí, đất, nước, sự cố môi trường, rác thải…
Xây dựng bộ tiêu chí về văn hóa, lối sống xanh
Mới đây, Chính phủ ký ban hành Quyết định số 450/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu tổng quát của Chiến lược nhằm ngăn chặn xu hướng gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường; giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách; từng bước cải thiện, phục hồi chất lượng môi trường; ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học; góp phần nâng cao năng lực chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo đảm an ninh môi trường, xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, carbon thấp, phấn đấu đạt được các mục tiêu phát triển bền vững 2030 của đất nước.
Chiến lược đặt mục tiêu cụ thể là chủ động phòng ngừa, kiểm soát các tác động xấu gây ô nhiễm, suy thoái môi trường. Các vấn đề môi trường trọng điểm, cấp bách cơ bản được giải quyết, chất lượng môi trường từng bước được cải thiện, phục hồi; tăng cường bảo vệ các di sản thiên nhiên, phục hồi các hệ sinh thái; ngăn chặn xu hướng suy giảm đa dạng sinh học; góp phần nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu và đẩy mạnh giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
Để đạt được mục tiêu trên, Chiến lược đưa ra một số nhiệm vụ trọng tâm, trong đó tập trung phát triển kinh tế theo hướng sinh thái, tuần hoàn, tăng trưởng xanh, thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững; thực hiện phân vùng môi trường, nâng cao hiệu quả đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, quản lý dựa trên giấy phép môi trường; chủ động kiểm soát các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; ngăn chặn các tác động xấu; chủ động phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường, kiểm soát các vấn đề môi trường xuyên biên giới.
Các tình nguyện viên tham dọn rác, làm sạch khu vực sông Hồng và cầu Long Biên (Hà Nội). Ảnh tư liệu: Lê Phú/ Báo Tin tức
Đồng thời, Chiến lược tập trung giải quyết các vấn đề môi trường trọng điểm, cấp bách; khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường; duy trì, cải thiện chất lượng và vệ sinh môi trường; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, thúc đẩy bảo vệ môi trường trong khai thác, sử dụng tài nguyên; chủ động bảo vệ môi trường để góp phần nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính…
Tại Lễ phát động quốc gia Hưởng ứng Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học 22/5, Ngày Môi trường thế giới 5/6 và Tháng hành động vì môi trường diễn ra tại tỉnh Quảng Ninh mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh, cần có sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy và nhận thức về lối sống bền vững hài hòa với thiên nhiên; xây dựng đạo đức, văn hóa, văn minh sinh thái trong ứng xử với tự nhiên; xây dựng bộ tiêu chí văn hóa, lối sống xanh trong toàn xã hội. Chuyển đổi thành công cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”, từ khai thác thâm dụng tài nguyên thiên nhiên sang kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, các-bon thấp; đầu tư cho vốn tự nhiên.
Các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp có kế hoạch cụ thể để triển khai có hiệu quả cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại COP26 về chuyển đổi năng lượng từ than sang năng lượng sạch, tái tạo; giảm phát thải khí nhà kính; sử dụng bền vững tài nguyên đất và nước. Thực hiện hiệu quả các mục tiêu về Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái tự nhiên và hướng tới COP15 các bên tham gia Công ước Đa dạng sinh học; thúc đẩy mạnh mẽ phong trào toàn dân tham gia thực hiện có kết quả Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh; bảo vệ rừng, phục hồi, trồng mới rừng ngập mặn; nâng cao tỷ lệ bảo tồn gắn với phát triển kinh tế sinh thái, sinh kế bền vững của người dân.
Các lưu vực sông chính, các khu, cụm công nghiệp, làng nghề, tập trung giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường, thúc đẩy phân loại, thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; ứng dụng công nghệ tiên tiến trong tái chế, xử lý chất thải rắn, giảm dần việc chôn lấp trực tiếp chất thải; khắc phục, cải thiện tình trạng ô nhiễm, suy thoái tài nguyên đất; tăng cường các hoạt động phòng, chống các loại tội phạm về môi trường, săn bắn và buôn bán động vật hoang dã…
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã chính thức được thực hiện từ ngày 1/1/2022 với nhiều chính sách, giải pháp đột phá, đánh dấu giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ trong công tác bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu cao nhất cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, cân bằng sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế bền vững. Trong đó, doanh nghiệp và người dân sẽ đóng vai trò trung tâm như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định “Đây là vấn đề toàn cầu nên phải có cách tiếp cận toàn cầu, đây là vấn đề ảnh hưởng đến mọi người dân nên phải có cách tiếp cận toàn dân”.
Xây dựng lối sống xanh - Bài 1: Ngăn chặn xu hướng gia tăng ô nhiễm môi trường
Năm 2022, Ngày Môi trường thế giới có chủ đề: "Chỉ một Trái đất" nhằm truyền tải những thông điệp với ý nghĩa kêu gọi cộng đồng hãy xây dựng lối sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua các chính sách hướng tới lối sống xanh hơn, sạch hơn.
Hãy sống gần gũi và bảo vệ thiên nhiên bằng những hành động cụ thể, thiết thực,... vì tương lai của chúng ta hôm nay và thế hệ mai sau. Nhân Ngày Môi trường thế giới 5/6, phóng viên TTXVN thực hiện 2 bài viết: "Xây dựng lối sống xanh".
Việc đốt rác thải ngoài trời gây ô nhiễm khi thải khói ra môi trường, làm gia tăng nhiệt cục bộ, ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe cộng đồng. Ảnh tư liệu: Phan Sáu/TTXVN
Bài 1: Ngăn chặn xu hướng gia tăng ô nhiễm môi trường
Cùng với sự phát triển về kinh tế - xã hội, tình trạng ô nhiễm môi trường cũng ngày càng gia tăng, các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường diễn biến rất phức tạp, phổ biến trên nhiều lĩnh vực đời sống xã hội. Nhằm góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế phải hài hòa với thiên nhiên, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế; phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, carbon thấp.., đòi hỏi mỗi tổ chức, cá nhân cùng chung tay và có những hành động cụ thể, thiết thực vì thiên nhiên và Trái đất.
"Mạnh tay" xử lý vi phạm
Gần đây, tình hình vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường ở nước ta diễn ra phức tạp, thu hút sự quan tâm của toàn xã hội, nhiều nơi, nhiều lúc vấn đề ô nhiễm môi trường, hủy hoại môi trường đã trở thành vấn đề nóng, gây bức xúc trong nhân dân.
Cụ thể, Công ty Trách nhiệm hữu hạn GFT Việt Nam ở xã Cộng Lạc, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương, chuyên sản xuất đồ chơi, trò chơi và các sản phẩm từ nhựa plastic đã xả nước thải có chứa Coliform vượt 2,2 lần thông số cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp QCVN 40:2011/BTNMT với thải lượng là 518,06 m3/ngày. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương vừa ký Quyết định 382/QĐ-XPHC, xử phạt hành chính số tiền 290 triệu đồng do vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Lãnh đạo tỉnh Hải Dương cũng yêu cầu Công ty Trách nhiệm hữu hạn GFT Việt Nam trong 30 ngày phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường đối với nước thải và báo cáo kết quả đã khắc phục xong hậu quả vi phạm về Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Hải Dương.
Tình trạng ô nhiễm môi trường tại xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, đã diễn ra từ lâu và có dấu hiệu nghiêm trọng. Đặc biệt, tình trạng vận chuyển, đổ trộm chất thải nguy hại trái phép tại xã này diễn ra thường xuyên và trong thời gian dài, gây ô nhiễm môi trường, khiến người dân rất bức xúc.
UBND tỉnh Bắc Ninh đã quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 3 cá nhân, 1 doanh nghiệp tại xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, do liên quan đến hoạt động vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại khi không có giấy phép, với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng.
Theo đó, UBND tỉnh Bắc Ninh ra quyết định xử phạt Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đại Niên, thôn Quan Độ, xã Văn Môn, do ông Nghiêm Xuân Nhiệm làm Giám đốc, số tiền 400 triệu đồng; ông Nguyễn Văn Hoàn, thôn Phù Xá, xã Văn Môn 200 triệu đồng; ông Nghiêm Xuân Mộc, thôn Quan Đình, xã Văn Môn 200 triệu đồng, do các cá nhân, tổ chức trên đã thực hiện hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường, xử lý chất thải nguy hại khi không có giấy phép xử lý chất thải nguy hại theo quy định, vào ngày 14/12/2021.
UBND tỉnh Bắc Ninh cũng xử phạt ông Nguyễn Văn Hùng, thôn Quan Độ, xã Văn Môn, số tiền 225 triệu đồng do ngày 14/1/2022, ông Hùng đã có hành vi vận chuyển chất thải nguy hại khi không có giấy phép xử lý chất thải nguy hại theo quy định. Các cơ sở trên phải chịu áp dụng hình phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động thời gian 9 tháng kể từ ngày nhận được quyết định...
Tại Đà Nẵng, người dân sinh sống quanh khu vực Trung tâm chế biến gia súc, gia cầm (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) đã nhiều lần kiến nghị, đề xuất chính quyền có biện pháp xử lý vì khu vực này bị ô nhiễm môi trường kéo dài. Nguyên nhân là do Trung tâm hoạt động đã lâu, công nghệ và nhà xưởng đã lạc hậu nhưng vẫn là nơi giết mổ gia súc, gia cầm lớn nhất thành phố Đà Nẵng.
UBND thành phố Đà Nẵng vừa có Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 674/QĐ-XPHC ngày 12/3/2022 đối với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Chế biến thực phẩm Đà Nẵng vì vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, tổng số tiền phạt là hơn 180 triệu đồng.
Theo Biên bản vi phạm hành chính số 07/BB-VPHC ngày 18/2/2022 của Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng, Công ty trên đã xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 3 lần đến dưới 5 lần tại Dự án Trung tâm chế biến gia súc, gia cầm (cụ thể: xả nước thải có chứa Coliform vượt quy chuẩn 3 lần với lưu lượng nước thải là 35 m3/ngày), tại phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng.
Còn tại Đồng Nai, ngày 21/4, Phòng Cảnh sát môi trường thuộc Công an tỉnh này đã phối hợp với Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh, Công an thành phố Biên Hòa và Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai tiến hành khám nghiệm hiện trường, khai quật hệ thống thoát nước và hầm chứa nước trong khuôn viên của Xí nghiệp Đèn ống, Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang, Khu công nghiệp Biên Hòa 1 để điều tra, làm rõ hành vi xả chất thải công nghiệp chưa qua xử lý ra môi trường.
Tại thời điểm kiểm tra, 3 nhân viên đang tiêu hủy các vỏ bóng đèn thải. Bước đầu, các nhân viên này khai nhận thực hiện xay nghiền từ ngày 8/3 đến thời điểm kiểm tra. Tại hiện trường, lực lượng Công an phát hiện gần 5 tấn thủy tinh có hóa chất chứa trong 195 bao và gần 370.000 bóng đèn chưa kịp xay nghiền đựng trong các sọt nhựa. Nước thải trong quá trình xay nghiền bóng đèn được thoát trực tiếp ra hệ thống mương thoát nước.
Tiếp tục kiểm tra, lực lượng công an còn phát hiện hai hầm bê tông được xây dựng âm dưới đất bên trong xí nghiệp có chứa chất thải công nghiệp, nghi vấn đây là số chất thải phát sinh trong quá trình xay nghiền vỏ bóng đèn được đổ trái quy định.
Phòng Cảnh sát môi trường đã lập biên bản kiểm tra và phối hợp cơ quan chức điều tra xác minh làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.
Bảo đảm an ninh môi trường
Công đoạn phân loại rác đi vào hoạt động tại nhà máy xử lý rác thải Bến Tre. Ảnh tư liệu: Huỳnh Phúc Hậu/TTXVN
Việc xác định, quy định cụ thể các chế tài nghiêm minh, đủ sức răn đe trừng phạt các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường là một trong những biện pháp phòng ngừa và rất cần thiết, góp phần bảo vệ môi trường sống xanh, phát triển bền vững.
Chính phủ đã ban hành Nghị định 55/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Nghị định số 55/2021/NĐ-CP đã cơ bản khắc phục được những bất cập giữa các nghị định xử phạt vi phạm hành chính, tạo khuôn khổ pháp lý khá đồng bộ trong xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Tiến sỹ Nguyễn Thị Bình, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cho rằng, nhiều điểm mới của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 tác động tới hoạt động của các chủ thể kinh doanh. Những nội dung đó gồm điểm mới về phân loại dự án theo nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; đánh giá tác động môi trường; giấy phép môi trường; bồi thường thiệt hại trong lĩnh vực môi trường. Các chủ thể kinh doanh cần nghiên cứu để nâng cao trình độ pháp lý và thực hiện nghiêm chỉnh nghĩa vụ bảo vệ môi trường. Chủ thể kinh doanh cần tránh 2 xu hướng cực đoan như sau: Hiểu biết pháp luật nhưng vẫn tìm cách chống đối và vi phạm; vi phạm pháp luật do thiếu hiểu biết.
Ngoài việc tuân thủ các quy định mới về môi trường, các nhà đầu tư cũng cần lưu ý trách nhiệm chứng minh mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm pháp luật về môi trường và thiệt hại của hành vi đó sẽ thuộc về các cá nhân, tổ chức bị kiện. Quy định này cũng sẽ ràng buộc và tăng cường trách nhiệm đối với nhà đầu tư trong việc thực hiện và tuân thủ các quy định pháp luật về môi trường. Các nhà đầu tư cần cập nhật những hướng dẫn này để có thể tuân thủ đúng các quy định của Luật Bảo vệ môi trường, tránh rủi ro trong hoạt động đầu tư kinh doanh.
Để ngăn chặn và kịp thời xử lý các hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 nêu rõ: Tổ chức, cá nhân gây ra sự cố môi trường có trách nhiệm chi trả kịp thời, toàn bộ các chi phí tổ chức ứng phó sự cố môi trường, phục hồi môi trường; trường hợp Nhà nước tổ chức ứng phó sự cố môi trường và phục hồi môi trường thì tổ chức, cá nhân gây ra sự cố môi trường có trách nhiệm thanh toán chi phí tổ chức ứng phó sự cố môi trường, phục hồi môi trường cho Nhà nước theo quy định của pháp luật. Chi phí bồi thường thiệt hại do tổ chức, cá nhân chi trả trực tiếp hoặc nộp về Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam hoặc quỹ bảo vệ môi trường cấp tỉnh để tổ chức chi trả.
Bên cạnh đó, theo Điều 130 Luật Bảo vệ môi trường 2020, tổ chức, cá nhân gây thiệt hại về môi trường phải bồi thường toàn bộ thiệt hại do mình gây ra, đồng thời phải chi trả toàn bộ chi phí xác định thiệt hại và thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định.
Luật Bảo vệ môi trường 2020 cũng quy định rõ trách nhiệm yêu cầu bồi thường thiệt hại và xác định thiệt hại về môi trường. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm yêu cầu bồi thường thiệt hại về môi trường gây ra trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý của mình. Trong trường hợp này, Ủy ban nhân dân cấp xã đề nghị Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức thu thập và thẩm định dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại đối với môi trường do ô nhiễm, suy thoái.
Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm yêu cầu bồi thường thiệt hại và tổ chức thu thập, thẩm định dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại đối với môi trường do ô nhiễm, suy thoái gây ra trên địa bàn từ 2 đơn vị hành chính cấp xã trở lên; tổ chức thu thập và thẩm định dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại đối với môi trường do ô nhiễm, suy thoái theo để nghị của Ủy ban nhân dân cấp xã.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm yêu cầu bồi thường thiệt hại và tổ chức thu thập, thẩm định dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại đối với môi trường do ô nhiễm, suy thoái gây ra trên địa bàn từ 2 đơn vị hành chính cấp huyện trở lên.
Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm yêu cầu bồi thường thiệt hại và chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thu thập, thẩm định dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại đối với môi trường do ô nhiễm, suy thoái gây ra trên địa bàn từ 2 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên.
Tổ chức, cá nhân bị thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của con người, tài sản và lợi ích hợp pháp do suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường, tự mình hoặc ủy quyền cho cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân khác xác định thiệt hại và yêu cầu bồi thường thiệt hại về môi trường theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan...
Cùng nhau bảo vệ, phát triển bền vững tài nguyên, môi trường biển, đảo Sáng 4/6, UBND thành phố Đà Nẵng đã tổ chức Chương trình "Chung tay Hành động - Vì Trái đất Xanh" - "Acting for a Green Earth" - Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5/6) và Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2022 (1-8/6). Các đại biểu thực hiện nghi thức phát động chung tay bảo vệ môi trường....