Xây dựng khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma
Sáng nay 13.3, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, UBND tỉnh Khánh Hòa, Báo Lao Động, tổ chức lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma.
Phối cảnh tổng thể khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma – Ảnh: Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cung cấp
Khu tưởng niệm được xây dựng trên vùng đất rộng 2,5 ha, thuộc bán đảo Cam Ranh (Khánh Hòa). Kinh phí xây dựng tượng đài được đầu tư từ nguồn đóng góp của tổ chức công đoàn và công nhân lao động trên cả nước; đồng thời huy động từ các cơ quan, đơn vị và các tấm lòng hảo tâm của đồng bào Việt Nam trong và ngoài nước.
Ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐ VN), cho biết khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma để ghi công 64 liệt sĩ đã hy sinh ngày 14.3.1988 trong trận chiến bảo vệ quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc; tỏ lòng thành kính và biết ơn các anh hùng liệt sĩ hải quân; góp phần giáo dục, bồi đắp lòng yêu nước, ý chí bất khuất, quật cường của dân tộc VN trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Đây cũng là nguyện vọng của thân nhân các anh hùng liệt sĩ hy sinh ở đảo Gạc Ma, ngư dân, cựu chiến binh và chiến sĩ hải quân, nhân dân VN yêu nước, đồng thời góp thêm một công trình văn hóa, điểm tham quan giáo dục truyền thống.
Ông Tùng cho biết sau khi tổ chức thi tuyển thiết kế công trình khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, Ban tổ chức đã chọn tác phẩm “Hành trình khát vọng” của nhóm tác giả thuộc Trung tâm nghiên cứu kiến trúc (Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP.HCM) và tượng đài của tác phẩm “Những người nằm lại ở phía chân trời” của tác giả Lý Thị Liễu (Công ty TNHH mỹ thuật – nhiếp ảnh Oanh Vũ, TPH.HCM) để phối hợp thành một đồ án tổng thể, thực hiện dự án khu tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma.
Tượng đài Gạc Ma – Ảnh: Tổng Liên đoàn Lao Động VN cung cấp
Video đang HOT
Đại biểu nhắn tin ủng hộ xây dựng khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma
Cựu chiến binh Lê Hữu Thảo, mẹ Nguyễn Thị Hằng (mẹ liệt sĩ Hoàng Ánh Đông, đến từ Quảng Trị) và em Đinh Mỹ Lệ (là con liệt sĩ Đinh Ngọc Doanh, quê Ninh Bình) tham gia giao lưu tại buổi lễ
Cựu chiến binh Lê Hữu Thảo và mẹ Nguyễn Thị Hằng rơm rớm nước mắt tại buổi giao lưu
Viên đá đầu tiên khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma – Ảnh: Nguyễn Chung
Tác phẩm “Những người nằm lại phía chân trời” của bà Liễu được lựa chọn để làm điểm nhấn cho cụm tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma bao gồm hình ảnh mặt trời phía sau lưng những chiến sĩ hải quân, có người ngã xuống nhưng nổi bật là hình ảnh người lính giữ vững ngọn cờ Tổ quốc trên đảo. Tượng đài được xem là trái tim của khu tưởng niệm, nhưng quần thể của khu vực còn bao gồm nhiều hạng mục khác như khu vực tưởng niệm dành cho du khách, bảo tàng ngầm… Những hạng mục này chính là tác phẩm “Hành trình khát vọng” của nhóm tác giả thuộc Trung tâm nghiên cứu kiến trúc (Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP.HCM) đảm nhiệm. Lấy ý tưởng từ các yếu tố đất, nước và hòa bình, các tác giả muốn gửi đến không chỉ có sự thương tiếc với 64 chiến sĩ đã nằm xuống, mà còn là ước vọng về hòa bình, về hành trình dựng nước và giữ nước của người Việt.
Hiện nay, đồ án tổng thể đang hoàn thiện để lên dự toán toàn công trình. Dự kiến trong năm nay công trình sẽ được triển khai thi công và đến năm 2016 sẽ khánh thành.
Tại buổi lễ, Ban tổ chức đã dành thời gian để giao lưu cùng thân nhân các gia đình liệt sĩ và cựu chiến binh Gạc Ma. Đó là cựu chiến binh Lê Hữu Thảo (Hà Tĩnh), mẹ Nguyễn Thị Hằng (mẹ liệt sĩ Hoàng Ánh Đông, đến từ Quảng Trị) và em Đinh Thị Mỹ Lệ (là con liệt sĩ Đinh Ngọc Doanh, quê Ninh Bình).
Không quản ngại đường xa, cựu binh Lê Hữu Thảo – một trong các chiến sĩ có mặt tại trận hải chiến năm 1988 đã lặn lội vào Khánh Hòa, tham gia lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma. Anh Thảo nói: “Nguyện vọng của tôi cũng như thân nhân các liệt sĩ, là có ngày mang được hài cốt của đồng đội ngoài biển về đất liền. Tuy nhiên, điều đó dường như không thể, và khu tưởng niệm này chính là nơi các thân nhân liệt sĩ và các đồng đội đi về mỗi dịp tưởng niệm ngày hi sinh của các anh”.
Mẹ Nguyễn Thị Hằng (mẹ liệt sĩ Hoàng Ánh Đông) không cầm được nước mắt: “Con hi sinh, lòng mẹ đau như cắt. Mẹ đã đau lòng 27 năm nay, nhưng vẫn tự hào vì con mẹ là người quá anh hùng và dũng cảm. Con mẹ và các liệt sĩ đã đi vào những trang sử vẻ vang của dân tộc, nhưng thể xác vẫn còn mãi nằm lại với lòng biển lạnh. Bây giờ có khu tưởng niệm này là niềm an ủi lớn cho mẹ cũng như các thân nhân liệt sĩ”.
Nhân lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng khu tưởng niệm này, Tổng LĐLĐ VN phát động mỗi công nhân viên chức-lao động đóng góp một viên gạch (tương đương 20.000đ) hoặc tham gia nhắn tin với cú pháp “GM” gửi 1407 (mỗi một tin nhắn ủng hộ 14.000 đồng) để xây dựng khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma.
Tại buổi lễ, gần 30 cơ quan, đơn vị, cá nhân đã trao tiền, hiện vật tham gia xây dựng tượng đài Gạc Ma, trị giá gần 20 tỉ đồng. Quỹ Tấm lòng vàng Báo Lao động đã trao quà cho thân nhân liệt sĩ Gạc Ma; Tổng LĐLĐ VN quyết định tặng 1.000 lá cờ Tổ quốc cho các nghiệp đoàn nghề cá, các tàu ngư dân đánh bắt trên vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa.
Trần Đăng – Nguyễn Chung
Theo Thanhnien
Góp gạch xây khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma
Lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma sẽ được Tổng liên đoàn Lao động (LĐLĐ) VN tổ chức vào hôm nay (13.3) tại Nha Trang (Khánh Hòa). Toàn bộ kinh phí xây dựng được đầu tư từ nguồn đóng góp của tổ chức công đoàn và công nhân lao động trên cả nước.
Phối cảnh khu tưởng niệm Gạc Ma - Ảnh: Tổng Liên đoàn lao động VN cung cấp
Ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN, cho biết công trình xây dựng khu tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma nằm trong chương trình "Nghĩa tình Hoàng Sa - Trường Sa", do Tổng LĐLĐ VN phát động tháng 3.2014. Sau hơn 1 năm, chương trình đã nhận được 104,23 tỉ đồng từ các cấp công đoàn, các doanh nghiệp và các nhà hảo tâm. Chương trình nhằm mục đích hỗ trợ quân nhân tham chiến, thân nhân gia đình liệt sĩ Gạc Ma (Trường Sa), Hoàng Sa đã hy sinh trong các trận hải chiến; ủng hộ ngư dân, cảnh sát biển, kiểm ngư đang bảo vệ vùng biển VN và đặc biệt dành phần lớn kinh phí để xây dựng khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma.
Ông Tùng bày tỏ, lễ đặt đá xây khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma đúng dịp kỷ niệm 27 năm ngày Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm đảo Gạc Ma thuộc chủ quyền VN, là để tỏ lòng thành kính và biết ơn các anh hùng liệt sĩ hải quân, góp phần giáo dục bồi đắp lòng yêu nước, ý chí bất khuất, quật cường của dân tộc VN trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. "Trận chiến rạng sáng ngày 14.3.1988 đã đi vào lịch sử dân tộc như một dấu ấn không bao giờ phai mờ trong tâm khảm của mỗi người dân đất Việt. Các chiến sĩ hải quân đang làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và xây dựng các công trình nhằm phục vụ cho đời sống của quân, dân VN thì bị tàu chiến được trang bị vũ khí bất ngờ tấn công. Cuộc chiến không cân sức diễn ra khi các chiến sĩ Hải quân VN không hề có vũ khí trong tay đã đứng thành vòng tròn để lấy thân mình bảo vệ chủ quyền của đất nước, quyết tâm giữ và cắm lá cờ Tổ quốc khẳng định chủ quyền của VN tại đảo Gạc Ma. Tấm gương dũng cảm, mưu trí bảo vệ chủ quyền Tổ quốc của 64 chiến sĩ đã hy sinh và 11 chiến sĩ bị thương sẽ mãi là những thiên sử anh hùng, bất diệt", ông Tùng chia sẻ.
Cũng theo ông Tùng, ý tưởng xây dựng khu tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Khánh Hòa ủng hộ và đã cấp 2,5 ha đất tại khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh (đại lộ Nguyễn Tất Thành). "Việc xây dựng khu tưởng niệm cũng là nguyện vọng của thân nhân các anh hùng liệt sĩ hy sinh ở đảo Gạc Ma, các đoàn viên công đoàn, ngư dân, cựu chiến binh và chiến sĩ hải quân, nhân dân VN yêu nước; đồng thời góp thêm một công trình văn hóa, điểm tham quan giáo dục truyền thống ở bờ biển Nha Trang", ông Tùng nói và cho biết tại lễ đặt đá cho công trình, Tổng LĐLĐ sẽ phát động mỗi công nhân viên chức - lao động đóng góp 1 viên gạch (tương đương 20.000 đồng) hoặc tham gia nhắn tin với cú pháp "GM" gửi 1407 (mỗi một tin nhắn ủng hộ 14.000 đồng) để xây dựng khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma.
"Tôi hy vọng rằng khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma sau khi hoàn thành sẽ trở thành biểu tượng của lòng yêu nước, ý chí quật cường của quân và dân ta, biểu tượng của tình đoàn kết của dân tộc VN với khát vọng giữ vững độc lập, chủ quyền, an ninh quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước", ông Tùng nói.
Sau khi thống nhất với Bộ LĐ-TB-XH, T.Ư Đoàn, Tổng LĐLĐ VN tổ chức thi tuyển chọn thiết kế khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma. Ban tổ chức cuộc thi đã nhận được hơn 100 bản vẽ, 15 mô hình, 25 bộ thuyết minh và đĩa CD mô phỏng công trình của 25 đơn vị, tập thể và cá nhân đăng ký tham gia dự thi. Ban tổ chức đã lựa chọn tác phẩm Hành trình khát vọng và tác phẩm Những người nằm lại ở phía chân trời để phối hợp thành đề án tổng thể khu tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma. Dự kiến công trình sẽ thi công trong 1 năm, đúng vào năm sau, dịp kỷ niệm 28 năm sẽ làm lễ khánh thành.
Thu Hằng
Theo Thanhnien
Người đếm sóng, tìm sao đưa tàu đến Gạc Ma Trung tá Lưu Đình Lừng, hoa tiêu tàu Mỹ Á, người nhiều ngày đêm đứng trên buồng lái đếm sóng, tìm sao dẫn tàu khẩn trương đến Gạc Ma, Cô Lin cứu hộ trong vòng vây của tàu chiến Trung Quốc. Một con tàu không số vận chuyển vũ khí vào Nam. Ảnh: Gia đình cung cấp. Một con tàu không số vận...