Xây dựng Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ Nam Sơn-Hạp Lĩnh: Cần sự đồng thuận vì mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội
Thời gian gần đây, trên một số phương tiện thông tin đại chúng thông tin về việc chính quyền huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, thu hồi đất của người dân thôn An Động, xã Lạc Vệ, đặc biệt là đất tại khu đồng Dạm và đồng Cỏ nhưng không ban hành các quyết định thu hồi đất, không bồi thường thỏa đáng, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.
Khu đất tại Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ Nam Sơn-Hạp Lĩnh. Ảnh: Thanh Thương/TTXVN
Vụ việc gây ảnh hưởng không tốt đến dư luận xã hội. Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND và một số cơ quan hữu quan của huyện Tiên Du để tìm hiểu vụ việc.
Tháo gỡ từng “nút thắt”
Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ Nam Sơn-Hạp Lĩnh được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương đầu tư xây dựng tại Công văn số 856/TTG-CN ngày 28/6/2007 với tổng diện tích quy hoạch 1.000 ha, trong đó khu công nghiệp 800 ha, khu đô thị 200 ha. Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh chấp thuận cho Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc làm chủ đầu tư năm 2010 và được giao, cho thuê đất (đợt 2) tại xã Lạc Vệ, huyện Tiên Du tại Quyết định số 961/QĐ-UBND ngày 31/12/2020. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho chủ đầu tư ngày 31/5/2021.
Buổi đối thoại giữa lãnh đạo UBND huyện Tiên Du và người dân thôn An Động, xã Lạc Vệ, huyện Tiên Du. Ảnh: Thanh Thương/TTXVN
Theo Chủ tịch UBND huyện Tiên Du Nguyễn Đại Đồng, thực hiện chủ trương xây dựng Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ Nam Sơn-Hạp Lĩnh, UBND huyện đã quyết định thu hồi đất và phê duyệt phương án bồi thường cho người dân. Đến nay, 100% các hộ sử dụng đất đã nhận tiền bồi thường và bàn giao đất. Tuy nhiên, một số người dân trong thôn đã gửi đơn kiến nghị đến cơ quan chức năng. Cao điểm, sau khi Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc thực hiện thi công san lấp mặt bằng tháng 7/2021, nhiều người dân thôn An Động đã ngăn cản, đồng thời yêu cầu chủ đầu tư tạm dừng thi công và bồi thường đất với mức giá cao hơn.
Theo nội dung đơn thư gửi đến cơ quan chức năng, người dân đề nghị chủ đầu tư khi thu hồi đất phải thỏa thuận với nhân dân; không chấp thuận mức giá bồi thường (đối với đất lâu dài) là 158 triệu đồng/sào và không đồng ý diện tích đất nông nghiệp thu hồi tại khu đồng Dạm và đồng Cỏ, thôn An Động là đất công ích.
Ông Nguyễn Văn Thanh, ở thôn An Động, xã Lạc Vệ, cho rằng từ khi chính quyền địa phương thực hiện phương án thu hồi đất và giao đất cho chủ đầu tư, người dân đã gửi đơn kiến nghị đến các cơ quan của huyện, tỉnh từ năm 2018. Đến nay đã trải qua hơn 3 năm nhưng vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng. Đồng thời hai xứ đồng là đồng Cỏ, đồng Dạm là đất từ thời cha, ông khai hoang để lại cho con cháu canh tác, đến nay các cấp chính quyền giao đơn vị thi công nhưng vẫn chưa bồi thường hợp lý cho người dân.
Bà Nguyễn Thị Tươi, thôn An Động, xã Lạc Vệ, yêu cầu chính quyền cung cấp tài liệu chứng minh ruộng đồng Dạm va đồng Cỏ là ruộng công ích, quyết định thu hồi đất để giao cho chủ đầu tư, công khai phương án bồi thường… Bà Tươi mong rằng, cơ quan chức năng sẽ làm rõ các vấn đề trên để củng cố niềm tin của nhân dân.
Lý giải về nguồn gốc đất đồng Dạm và đồng Cỏ, ông Vũ Phúc Chuyển, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tiên Du cho biết, căn cứ tài liệu còn lưu giữ tại UBND xã Lạc Vệ năm 1992, thực hiện chủ trương về giao đất nông nghiệp cho nhân dân sử dụng ổn định, lâu dài, việc giao đất nông nghiệp cho người dân trong xã được thực hiện theo
Nghị quyết của Đảng ủy, UBND xã, Đại hội xã viên Hợp tác xã nông nghiệp toàn xã đã thống nhất, với các nhân khẩu sinh từ năm 1988 trở về trước được giao 600 m2 đất/người để canh tác. Các nhân khẩu sinh sau năm 1988 đến ngày 30/6/1992 được giao 528m2 đất/người. Đối với các nhân khẩu sinh sau ngày 30/6/1992 không được giao đất nông nghiệp sử dụng ổn định lâu dài.
Video đang HOT
Người dân thôn An Động, xã Lạc Vệ, huyện Tiên Du kiến nghị tới các cơ quan chức năng. Ảnh: Thanh Thương/TTXVN
Sau khi giao đất nông nghiệp sử dụng ổn định lâu dài, trên 23 ha đất còn lại tại khu đồng Cỏ và đồng Dạm, địa phương đã quy hoạch làm diện tích đất công ích để quản lý, tạm giao cho các nhân khẩu sinh sau ngày 30/6/1992 canh tác và phải nộp tiền khoán sản phẩm hàng năm.
Vì vậy, theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, Dự án Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ Nam Sơn-Hạp Lĩnh thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội nên giá bồi thường, hỗ trợ được thực hiện theo đơn giá của UBND tỉnh Bắc Ninh quy định tại thời điểm thu hồi đất, không thuộc trường hợp phải thỏa thuận giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Trả lời thắc mắc của người dân về phương án bồi thường đất, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tiên Du cho biết, theo Quyết định số 528/214/QĐ-UBND ngày 22/12/2014 của UBND tỉnh ban hành Quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, Quyết định số 552/2014/QĐ-UBND ngày 29/12/2014 của UBND tỉnh về việc ban hành bảng giá các loại đất trên địa bàn tỉnh, đơn giá bồi thường, đối với đất nông nghiệp được giao ổn định lâu dài là 158 triệu đồng/sào. Đơn giá hỗ trợ khi thu hồi đất công ích do UBND xã quản lý sẽ chi trả bồi thường chi phí đầu tư vào đất cho người đang sử dụng đất 21.000 đồng/m2 và bồi thường hoa màu trên đất nông nghiệp tạm giao là 9.000 đồng/m2, hỗ trợ cho ngân sách xã là 49.000 đồng/m2.
Người dân thôn An Động, xã Lạc Vệ, huyện Tiên Du kiến nghị tới các cơ quan chức năng. Ảnh: Thanh Thương/TTXVN
Về việc thông tin công dân thôn An Động đã gửi đơn thư đến các cơ quan chức năng nhưng chưa được giải quyết thỏa đáng, ông Nguyễn Minh Khoa, Chánh Thanh tra huyện Tiên Du cho biết, ngay sau khi nhận được đơn đề nghị của người dân thôn An Động về việc thu hồi đất tại dự án Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ Nam Sơn-Hạp Lĩnh, cơ quan chức năng nhanh chóng xác minh, trả lời, giải đáp rõ ràng, cụ thể, có cơ sở, căn cứ, đúng quy định.
“UBND huyện đã ra thông báo về thu hồi đất, quyết định thành lập Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng, quyết định thu hồi đất. Bên cạnh đó, Quyết định về việc thu hồi đất tạm giao, đất chuyên dùng cũng được UBND xã Lạc Vệ niêm yết công khai tại trụ sở và nơi sinh hoạt chung của cộng đồng dân cư nơi có đất bị thu hồi. Từ ngày 25/4-15/5/2019 đã niêm yết công khai số liệu lập phương án bồi thường tại thôn An Động”, Chánh Thanh tra huyện Tiên Du nhấn mạnh.
Đồng thuận để xây dựng, phát triển kinh tế – xã hội
Nói về ý nghĩa của dự án Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ Nam Sơn-Hạp Lĩnh đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương nói riêng và tỉnh Bắc Ninh nói chung, Chủ tịch UBND huyện Tiên Du Nguyễn Đại Đồng khẳng định, đây là khu công nghiệp sạch, thân thiện với môi trường, có hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, ưu tiên ngành nghề sử dụng công nghệ cao, sản phẩm công nghệ cao, điện tử, viễn thông, dược phẩm, công nghệ sinh học, vật liệu mới…
Khi đi vào hoạt động, khu công nghiệp góp phần giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động, tạo động lực cho sự phát triển nhiều ngành nghề sản xuất, kinh doanh khác, đặc biệt là công nghệ cao, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Việc hình thành, thực hiện dự án đã có đầy đủ cơ sở pháp lý và các văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ Trung ương đến tỉnh, huyện, xã.
Chính vì vậy, nhu cầu sử dụng đất ưu tiên cho phát triển công nghiệp cũng như việc tiếp tục thực hiện Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ Nam Sơn-Hạp Lĩnh là vô cùng cấp thiết. Các cấp chính quyền mong muốn người dân đồng tình, ủng hộ vì mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội.
Ông Nguyễn Công Ký, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Tiên Du cho biết, trước tình hình một số người dân thôn An Động phản đối chủ đầu tư thi công Khu công nghiệp, UBND huyện đã ra văn bản yêu cầu chủ đầu tư tạm dừng thi công, thực hiện nhiều lần đối thoại để nắm bắt tâm tư, tình cảm, giải đáp thắc mắc của người dân. Tại buổi đối thoại, sau khi lắng nghe kiến nghị của người dân, cơ quan chức năng đã trả lời rõ ràng, cụ thể. Tuy nhiên, đến nay, một số người dân và chính quyền địa phương vẫn chưa tìm được “tiếng nói chung”.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Tiên Du cho biết, huyện tiếp tục xây dựng kế hoạch, thành lập Tổ công tác tuyên truyền, vận động để nhân dân nhận thức lợi ích và định hướng phát triển Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ Nam Sơn-Hạp Lĩnh, từ đó đồng tình ủng hộ việc xây dựng khu công nghiệp.
Thời gian tới, UBND huyện tiếp tục thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh đó là tuyên truyền, vận động người dân, đồng thời xây dựng phương án, kế hoạch bảo vệ thi công. Theo văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, huyện sẽ phối hợp với ngành chức năng của tỉnh xây dựng kế hoạch bảo vệ thi công trong tháng 11 và đầu tháng 12/2021.
“Khi tổ chức bảo vệ thi công, công dân có hành vi, thái độ cố tình chống đối lực lượng chức năng sẽ xử lý theo đúng quy định pháp luật”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Tiên Du nhấn mạnh.
Phục hồi thị trường lao động trong trạng thái bình thường mới
Thực hiện "mục tiêu kép" vừa kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 vừa khôi phục phát triển kinh tế - xã hội, tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, nhiều giải pháp tăng cường thông tin, cung ứng nguồn lao động, đáp ứng nhu cầu phục hồi sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp trong khu vực, đang được triển khai đồng bộ, kịp thời.
Tăng kết nối cung-cầu
Tăng cường dự báo nhu cầu tuyển dụng, kết nối cung-cầu lao động trên cơ sở sát thực cả về số lượng cần tuyển dụng cũng như nguồn lao động hiện có, nhiều chương trình giới thiệu việc làm, sàn giao dịch việc làm trực tuyến hoặc trực tiếp được các địa phương triển khai đồng loạt trong những tháng cuối năm.
Nhà tuyển dụng tham gia phỏng vấn tuyển dụng trực tiếp tại Phiên giao dịch việc làm trực tuyến của Trung tâm Dịch vụ việc làm Cần Thơ. Ảnh: Thu Hiền/TTXVN
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên Thành phố tiếp tục tổ chức chương trình Tiếp sức người lao động với gói hỗ trợ tìm việc làm "3 trong 1" đến hết tháng 11 gồm: Cung cấp thông tin, giới thiệu việc làm; hỗ trợ tìm nhà trọ với chi phí hợp lý và xét nghiệm SARS-CoV-2 miễn phí trước khi vào làm việc.
Theo thông tin từ Ban Quản lý các Khu chế xuất, Khu Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, đến đầu tháng 11, hơn 1.340/1.400 doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, khu chế xuất đã có thông báo phục hồi sản xuất kinh doanh với trên 216.000 người lao động đăng ký đi làm trở lại.
Còn tại tỉnh Bình Dương, theo ông Nguyễn Lộc Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, để góp phần phục hồi sản xuất, tỉnh tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp về nguồn lao động trong trường hợp thiếu hụt nhân sự, bảo đảm không đứt gãy chuỗi sản xuất; tiếp tục có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động phù hợp tình hình địa phương. Tỉnh cũng tăng cường vai trò hệ thống giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn trong việc phối hợp, liên hệ với các doanh nghiệp có nhu cầu được hỗ trợ, từ đó xây dựng phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động, ký hợp đồng liên kết đào tạo với doanh nghiệp.
Đầu tháng 11, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương và Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Cà Mau ký ghi nhớ chia sẻ thông tin thị trường lao động và kết nối người lao động bị ảnh hưởng dịch COVID-19 quay lại thị trường lao động. Theo đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương làm đầu mối cung cấp thường xuyên nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp; kế hoạch sử dụng lao động gắn với từng giai đoạn hoạt động của doanh nghiệp. Hai trung tâm phối hợp tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tuyến, đóng vai trò cầu nối giữa người tìm việc - việc tìm người; phối hợp đưa lao động tại Cà Mau trở lại Bình Dương làm việc. Trong những tháng cuối năm, nhu cầu tuyển dụng tại tỉnh Bình Dương là khoảng 50.000 lao động.
Cùng thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Long An đã thành lập Tổ vận động, hỗ trợ công dân, người lao động làm việc trên địa bàn tỉnh; thông tin về Kế hoạch phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn để người lao động nắm bắt chính xác và có cơ sở quyết định ở lại làm việc. Tỉnh tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động tại các huyện, thị xã, thành phố. Qua đó thông tin kịp thời nhu cầu tuyển dụng, điều kiện làm việc và chính sách hỗ trợ của doanh nghiệp cũng như các cơ quan chức năng đối với người lao động.
Theo Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Long An Nguyễn Đại Tánh, đơn vị đã có văn bản đề nghị các doanh nghiệp đăng ký nhu cầu tuyển dụng lao động trong những tháng cuối năm 2021 và cả năm 2022. Trên cơ sở này hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các phiên giao dịch việc làm, kết nối trực tiếp với người lao động; mở rộng các phiên giao dịch chuyên đề đến các trường đại học, cao đẳng hay các trường hợp vừa hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương.
Ông Eric Chen, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tainan Enterprises (Việt Nam) ở Khu Công nghiệp cửa khẩu Bình Hiệp - Khu Kinh tế cửa khẩu Long An, cho biết công ty sản xuất, kinh doanh ngành hàng dệt may, hiện có trên 1.000 lao động và đã có đơn hàng đến tháng 3/2022. Diện tích thuê đất trong khu công nghiệp còn rộng và một số dây chuyền của doanh nghiệp vẫn thiếu lao động. Vì vậy, Công ty đang có nhu cầu tuyển thêm 300 - 500 công nhân để nhanh chóng "lấp đầy" các vị trí sản xuất còn trống.
Chăm lo đời sống người lao động
Song song với việc tăng cường dự báo, kết nối người lao động với đơn vị có nhu cầu tuyển dụng, các địa phương và doanh nghiệp cũng nỗ lực quan tâm, chăm lo, tạo sự an tâm cho người lao động ổn định việc làm lâu dài.
Thông tin từ Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương, trên địa bàn tỉnh có hơn 1,2 triệu công nhân, phần lớn là người ngoại tỉnh. Các cấp Công đoàn trong tỉnh đã hoàn thành nhiều thiết chế văn hóa phục vụ người lao động. Bình Dương đã xây dựng nhà ở xã hội, đáp ứng chỗ ở cho trên 180.000 lao động. Tuy nhiên, các dự án nhà ở này vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu của lượng lớn người lao động, nhất là lao động ngoại tỉnh.
Thời gian tới, tỉnh tạo mọi điều kiện về đất đai, vị trí xây dựng, cùng với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp tục xây dựng nhà ở giúp người lao động thực sự an cư, yên tâm gắn bó lâu dài tại Bình Dương. Tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch phối hợp thu hút, đón người lao động từ các tỉnh, thành phố khác có nhu cầu trở lại làm việc tại Bình Dương. Người lao động từ các tỉnh, thành phố trở lại Bình Dương làm việc được ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 nếu chưa tiêm mũi 1 cũng như được đẩy nhanh tiến độ tiêm mũi 2 nhanh chóng, an toàn để đảm bảo đủ điều kiện, sớm trở lại các doanh nghiệp làm việc.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Long An, tỉnh đã quy hoạch 35 khu công nghiệp. Hiện 16 khu công nghiệp đang hoạt động, 19 khu đang giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư. Nếu 19 khu công nghiệp này đi vào hoạt động, Long An có tổng cộng gần 2 triệu công nhân, lao động. Tỉnh đang xây dựng đề án 500 nghìn-1 triệu nhà ở xã hội cho công nhân, trong đó có hạng mục cho thuê và bán.
Ông Nguyễn Thành Thanh - Trưởng ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Long An cho biết, tỉnh đã sớm ưu tiên nguồn vaccine phòng COVID-19 cho công nhân lao động để ổn định sản xuất. Đến thời điểm này, phần lớn công nhân đang là việc tại các doanh nghiệp đã được tiêm đủ hai mũi vaccine. Các địa phương và bản thân từng doanh nghiệp cũng có những chính sách hỗ trợ người lao động như ứng trả lương trước một phần nên đã góp phần "giữ chân" nhiều lao động.
Vì vậy đã có 84% doanh nghiệp trong các khu công nghiệp phục hồi sản xuất, khoảng trên 68% người lao động trở lại làm việc. Để doanh nghiệp yên tâm phục hồi sản xuất, người lao động an tâm làm việc gắn với đảm bảo an toàn phòng dịch COVID-19, tỉnh cũng quy định rõ nhiều nội dung phối hợp để cùng xử lý, tháo gỡ kịp thời khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và người lao động với phương châm "sản xuất phải an toàn, an toàn mới sản xuất".
Về những hoạt động chăm lo đời sống người lao động của tổ chức Công đoàn, lãnh đạo doanh nghiệp, chị Trần Thị Tuyết Nga - phụ trách dây chuyền may của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Victory International (Việt Nam), Khu Công nghiệp cửa khẩu Bình Hiệp - Khu Kinh tế cửa khẩu Long An chia sẻ, thời điểm thực hiện giãn cách để phòng, chống dịch COVID-19, chị và một số lao động ở lại công ty theo phương án sản xuất "3 tại chỗ" và đã nhận được sự động viên, hỗ trợ của tổ chức công đoàn, lãnh đạo doanh nghiệp.
Khu vực ăn uống được trang bị vách ngăn, đảm bảo vệ sinh phòng dịch. Người lao động được ưu tiên tiêm vaccine sớm. Ngoài giờ sản xuất, người lao động còn được tham gia một số hình thức giải trí phù hợp nhưng vẫn đảm bảo giãn cách như "bốc thăm trúng thưởng", giúp thư giãn, thoải mái hơn về tinh thần trong thời gian thực hiện "3 tại chỗ". Trong thời gian thực hiện "3 tại chỗ" cũng như hiện nay, thu nhập của người lao động được công ty đảm bảo nên chị và gia đình rất yên tâm.
Hậu Giang: Diễn tập phòng, chống COVID-19 tại khu công nghiệp Ngày 19/6, tỉnh Hậu Giang tổ chức diễn tập phòng, chống COVID-19 tại khu công nghiệp Tân Phú Thạnh. Các lực lượng thực hiện lấy mẫu xét nghiệm trong buổi diễn tập. Ảnh: Hồng Thái/TTXVN Tình huống giả định là một công ty trong khu công nghiệp có trường hợp công nhân tiếp xúc gần (F1) với ca mắc COVID -19. Cụ thể,...