Xây dựng khối đại đoàn kết, phát huy dân chủ xã hội
Góp ý vào dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội, đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội và các tổ chức chính trị – xã hội cho rằng, dự thảo được chuẩn bị công phu, sát thực tiễn và hàm lượng trí tuệ cao.
Tuy nhiên, một số ý kiến kiến nghị, dự thảo cần quan tâm hơn nữa đến việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy dân chủ xã hội.
Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội phối hợp với Công đoàn các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội tặng quà cho công nhân bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long. Ảnh: Ngọc Ánh
Thành ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Bùi Huyền Mai:
Nâng cao chất lượng đội ngũ công nhân lao động Thủ đô
Để hiện thực hóa mục tiêu trong dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội không thể thiếu vai trò to lớn của giai cấp công nhân. Tuy nhiên, dự thảo chưa đề cập đến giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ công nhân lao động Thủ đô. Do vậy, tôi đề xuất cần đưa thêm vấn đề này vào nhằm đáp ứng sự phát triển kinh tế – xã hội của thành phố giai đoạn 2020-2025. Điều này xuất phát từ các quan điểm:
Thứ nhất, sự lớn mạnh của đội ngũ công nhân lao động Thủ đô là điều kiện tiên quyết bảo đảm thành công cho phát triển kinh tế – xã hội của thành phố Hà Nội. Thứ hai, đội ngũ công nhân lao động Thủ đô phải gắn kết hữu cơ với xây dựng, phát huy sức mạnh của liên minh giai cấp công – nông, đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Thành ủy, nằm trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thứ ba, việc xây dựng đội ngũ công nhân Thủ đô lớn mạnh phải gắn kết chặt chẽ với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô, hội nhập kinh tế quốc tế.
Thứ tư, cần đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ mọi mặt cho công nhân, không ngừng trí thức hóa cho công nhân… Thứ năm, việc xây dựng đội ngũ công nhân, viên chức, lao động Thủ đô lớn mạnh là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và nỗ lực vươn lên của bản thân mỗi công nhân, sự tham gia đóng góp tích cực của người sử dụng lao động; trong đó, sự lãnh đạo của Thành ủy và quản lý của UBND thành phố Hà Nội có vai trò quyết định.
Video đang HOT
Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội Lê Kim Anh:
Quan tâm đến văn hóa gia đình và giáo dục gia đình
Dự thảo Báo cáo chính trị đã đánh giá đúng tầm mức, vai trò của các tổ chức chính trị – xã hội nói chung và hoạt động của Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội nói riêng. Tuy nhiên, để phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố đề xuất bổ sung trong dự thảo Báo cáo chính trị nội dung: “Chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho phụ nữ, hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện, thực hiện tốt bình đẳng giới. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, phát huy tiềm năng của đội ngũ nữ lãnh đạo, quản lý, nữ cán bộ khoa học, nữ trí thức, nữ doanh nhân… trong sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô trong giai đoạn mới. Phát huy vai trò tổ chức Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp làm nòng cốt trong công tác phụ nữ thành phố”.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh xã hội phát triển và hội nhập, nhiều vấn đề tác động tới văn hóa, tới gia đình. Vì vậy, cần đặc biệt quan tâm đến văn hóa gia đình và giáo dục gia đình, nghiên cứu bổ sung nội dung về vai trò của các tầng lớp nhân dân; trong đó có thanh niên, phụ nữ, người cao tuổi… trong việc phát huy các giá trị văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh, nhất là truyền thống văn hóa tốt đẹp của gia đình Thủ đô.
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn:
Làm rõ hơn vai trò của Mặt trận Tổ quốc
Tại nội dung đánh giá Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội, dự thảo Báo cáo chính trị đã đề cập tương đối đầy đủ về hoạt động của Mặt trận Tổ quốc với những kết quả nổi bật trong nhiệm kỳ qua. Đó là việc thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua, hoạt động giám sát, phản biện xã hội…
Từ thực tế hoạt động và qua công tác phòng, chống dịch Covid-19 cho thấy, nhân dân Thủ đô rất tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, các cấp ủy, chính quyền… trong việc quan tâm xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, tôi đề nghị dự thảo Báo cáo chính trị cần làm rõ hơn vị trí của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp. Dự thảo mới chỉ đề cập tới “các tổ chức thành viên”, vốn là các tổ chức chính trị – xã hội, nghề nghiệp, chưa đề cập tới các “cá nhân tiêu biểu”. Do đó, dự thảo cần được bổ sung để phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận và các tổ chức chính trị – xã hội trong tuyên truyền, vận động, đoàn kết, tập hợp các tầng lớp nhân dân.
Tại nội dung đánh giá về công tác tôn giáo, sau cụm từ “phát huy vai trò của các chức sắc tôn giáo, những người có uy tín…” nên bổ sung cụm từ “nhà tu hành, chức việc các tôn giáo” bởi đây cũng là đối tượng có vai trò quan trọng mà công tác tôn giáo luôn phải hướng tới…
Hà Nội thảo luận, thông qua dự thảo văn kiện Đại hội trình Bộ Chính trị
Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội tổ chức Hội nghị 25 nhằm thảo luận, thông qua các dự thảo văn kiện sẽ trình Bộ Chính trị tháng 9 tới.
Sáng 20/8, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVI tổ chức Hội nghị lần thứ 25 nhằm xem xét, thảo luận, thông qua các văn kiện trình Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố, nhiệm kỳ 2020-2025.
Hội nghị có sự tham dự của đại diện một số cơ quan Trung ương; các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Thành ủy viên; thủ trưởng các sở, ban, ngành, tổ chức, cơ quan, đơn vị; bí thư các quận, huyện, thị ủy và đảng ủy trực thuộc Thành ủy Hà Nội.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ
Ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố, Trưởng Tiểu ban Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Phó Trưởng Tiểu ban Văn kiện - Trưởng ban Biên tập Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Ngô Thị Thanh Hằng; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc; Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn cùng chủ trì hội nghị.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ, cho biết, Hội nghị lần này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thảo luận và thông qua toàn bộ các văn kiện trình Đại hội, là nội dung quyết định sự thành công của Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố, quyết định sự phát triển của Thủ đô giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030 và năm 2045.
Do vậy, sau Hội nghị này, tiếp thu ý kiến của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, Ban Thường vụ Thành ủy sẽ chỉ đạo hoàn thiện các dự thảo văn kiện để báo cáo, xin ý kiến Bộ Chính trị, dự kiến vào ngày 19/9.
Thông tin tại Hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, 100% chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở, các tổ chức cơ sở đảng và các đảng bộ cấp trên cơ sở trực thuộc Thành ủy đã tổ chức xong đại hội nhiệm kỳ đại hội 2020-2025.
Về một số nội dung cần tập trung thảo luận, đặc biệt đối với dự thảo chương trình hành động, Bí thư Thành ủy cho biết, Ban Thường vụ Thành ủy thấy cần thiết tiếp tục duy trì 8 chương trình công tác lớn của Thành ủy nhiệm kỳ 2015-2020, nhưng với nội hàm mới, mục tiêu mới, định hướng lớn và các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, phù hợp trong giai đoạn 2021-2025, đã được nêu trong Dự thảo Báo cáo chính trị trình Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố.
Đồng thời, Tiểu ban Văn kiện, Ban Thường vụ Thành ủy đề xuất bổ sung một chương trình công tác về "Chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị, phát triển kinh tế đô thị" để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, phát triển các đô thị vệ tinh, sớm hoàn thành mục tiêu đưa 5 huyện thành quận trong nhiệm kỳ, gắn với chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị, góp phần thiết thực xây dựng thành phố xanh, ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Hội nghị lần thứ 25 Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hà Nội khóa XVI.
Góp ý kiến tại Hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, qua tiếp thu ý kiến tại Đại hội các đảng bộ trực thuộc Thành ủy và 3 Hội nghị lấy ý kiến, dự thảo lần 5 Báo cáo chính trị Đại hội XVII thành phố đã được rà soát, lược bỏ các nội dung trùng lặp, bổ sung những nội dung mới chưa được đề cập; nội dung được biên tập theo hướng ngắn gọn, súc tích hơn, chất lượng được nâng lên.
Về tổng thể, các ý kiến đều nhất trí với mục tiêu tổng quát của Đại hội: Đến năm 2025, xây dựng Đảng bộ thành phố có năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cao và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu; phát triển nhanh và bền vững thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, GRDP/người đạt 8.300-8.500 USD;
Phấn đấu đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố xanh-thông minh-hiện đại; phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế; hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa thủ đô; GRDP/người đạt 12.000-13.000 USD. Đến năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững, là thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế,GRDP/người đạt 36.000 USD.
Một số ý kiến nhấn mạnh, điểm nổi bật của Dự thảo Báo cáo chính trị lần này là thành tố "gương mẫu" được đưa lên vị trí đầu tiên. Tinh thần đổi mới, tính chất hiệu triệu được thể hiện rõ nét hơn. Chủ đề đại hội là: "Gương mẫu xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy ý chí, phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo và hội nhập quốc tế; xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại".
Chủ đề này phù hợp với tinh thần và quyết tâm xây dựng Thủ đô xứng đáng là trái tim của cả nước, trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế. Việc đưa thành tố "gương mẫu" vào vị trí đầu tiên cũng chính là thể hiện quyết tâm chính trị, tinh thần gương mẫu, đi đầu của Đảng bộ thành phố Hà Nội trong nhiệm kỳ mới.
Góp ý thêm cho Dự thảo Báo cáo chính trị, ông Nguyễn Văn Nam, Bí thư Quận ủy Hai Bà Trưng, đề nghị trong khâu đột phá cùng với cơ chế chính sách cần tăng cường phân cấp. Theo Bí thư quận Hai Bà Trưng, việc phân công, phân cấp trong quản lý kinh tế, xã hội có việc chưa phù hợp và còn chồng chéo trong phân công, chậm được điều chỉnh tháo gỡ. HĐND đi giám sát ở các quận huyện đã nhiều lần có ý kiến, tại nhiều hội nghị Ban Chấp hành cũng có ý kiến, đặc biệt vấn đề mua sắm tài sản công.
Nhiều ý kiến cũng bày tỏ việc nhấn mạnh yếu tố "đổi mới, sáng tạo và hội nhập quốc tế" trong dự thảo hoàn toàn phù hợp với định hướng phát triển, vai trò, vị trí của Thủ đô, có tính khích lệ, quy tụ để hiện thực hóa đối với toàn bộ đảng viên, nhân dân thành phố.
Tuy nhiên, ông Dương Đức Tuấn, Thành ủy viên, Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm, vẫn cho rằng nên bổ sung thêm cụm từ "phát triển", tức là "đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, phát triển và hội nhập quốc tế". Vì 5 năm tới của nhiệm kỳ 2020-2025, với một mục tiêu trung hạn thời kỳ 5 năm và dài hạn mục tiêu này, thì nội hàm về sự phát triển của thủ đô để hoàn chỉnh về đô thị, nông thôn ngoài đô thị và cấu trúc thành phố thủ đô ở tầm cao thì không thể thiếu được cụm từ phát triển.
Thay vì diễn ra trong 1 ngày, Hội nghị lần thứ 25 của Thành ủy Hà Nội bế mạc sau nửa ngày làm việc liên tục, với 15 lượt ý kiến đóng góp vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII.
Làm rõ hơn về mô hình chính quyền đô thị Góp ý vào dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội, nhiệm kỳ 2020-2025, một số ý kiến đặc biệt quan tâm tới hiệu lực điều hành của chính quyền các cấp. Đặc biệt, trong bối cảnh sắp tới Hà Nội sẽ thực hiện thí điểm quản lý theo mô hình...