Xây dựng ‘kênh khô’ thay thế kênh đào Panama do hạn hán
Ngày 10/4, Panama đã công bố kế hoạch xây dựng “kênh khô” để vận chuyển hàng hóa giữa Thái Bình Dương và Đại Tây Dương do mực nước ở kênh đào Panama ngày càng giảm gây ảnh hưởng đến hoạt động đường thủy tại đây.
Tàu thuyền di chuyển qua Kênh đào Panama tại Pedro Miguel. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Theo giới chức Panama, dự án Kênh khô đa phương thức sẽ sử dụng các cơ sở hạ tầng hiện có như các tuyến đường bộ, đường sắt, các cảng, sân bay và khu vực miễn thuế. Do đó, dự án không cần bất kỳ khoản đầu tư nào. Tổng thống Panama Laurentino Cortizo cũng đã công bố sắc lệnh đơn giản hóa thủ tục vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ qua eo đất này.
Giám đốc Viện kế hoạch phát triển nhà nước Panama Guillermo Salazar cho rằng dự án nhằm mục đích bổ sung cho kênh đào Panama và giải quyết các vấn đề mà người sử dụng kênh phải đối mặt.
Tuyến đường thủy liên đại dương này là nơi trung chuyển của khoảng 6% thương mại hàng hải toàn cầu, nhưng hạn hán do biến đổi khí hậu và hiện tượng El Nino đã buộc chính quyền địa phương phải hạn chế số lượng tàu đi qua. Hiện mỗi ngày có 27 tàu đi qua kênh đào Panama, giảm so với 39 tàu trước đây. Điều này đã gây ra tình trạng ùn tắc giao thông với một số ngày ghi nhận hơn 100 tàu xếp hàng chờ để được đi vào tuyến đường thủy dài khoảng 80 km. Để tránh bị chậm trễ, một số tàu đã trả thêm đến 4 triệu USD ngoài phí thông thường để được đi qua kênh đào.
Trong nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào kênh đào Panama, một số nước trong khu vực cũng đang lên kế hoạch cho giải pháp thay thế. Hồi tháng 12/2023, Mexico đã công bố một tuyến đường sắt xuyên đại dương được coi là giải pháp thay thế cho kênh đào. Honduras hồi tháng 2 năm nay cũng đã nêu ra một dự án đầy tham vọng về tuyến đường sắt chở hàng giữa Thái Bình Dương và Đại Tây Dương dù nước này hiện thiếu nguồn tài chính để xây dựng.
Không giống như kênh đào Suez, kênh đào Panama là kênh nước ngọt phụ thuộc vào lượng nước từ những cơn mưa lưu trữ trong 2 hồ nhân tạo vốn cũng là nguồn cung cấp nước ngọt quan trọng, nên dễ bị ảnh hưởng trước tình trạng hạn hán. Kênh đào Panama, chủ yếu do khách hàng ở Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc sử dụng, có hệ thống âu tàu để nâng và hạ tàu. Do đó, cứ mỗi tàu đi qua kênh đào này, 200 triệu lít nước ngọt sẽ đổ ra biển.
Vận chuyển hàng hóa qua kênh đào Suez tiếp tục giảm mạnh
Phóng viên TTXVN tại Trung Đông dẫn số liệu mới nhất do nền tảng PortWatch của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cung cấp cho biết, khối lượng hàng hóa vận chuyển qua kênh đào Suez của Ai Cập trong tuần kết thúc ngày 13/2 giảm tới 55% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi khối lượng vận chuyển qua Mũi Hảo Vọng ở Nam Phi tăng gần 75%.
Tàu thuyền di chuyển trên kênh đào Suez của Ai Cập. Ảnh: Nguyễn Tùng/PV TTXVN tại Ai Cập
Trong thời gian qua, các cuộc tấn công của lực lượng Houthi tại Yemen nhằm vào các tàu thuyền thương mại trên Biển Đỏ đã khiến các công ty vận tải biển chủ chốt phải chuyển hướng khỏi tuyến hàng hải quan trọng này.
Các công ty buộc phải chọn tuyến đường vận chuyển dài hơn và đắt đỏ hơn để hạn chế rủi ro cũng như thiệt hại do các cuộc tấn công của Houthi gây ra.
Lâu nay, kênh đào Suez là tuyến đường biển ngắn nhất kết nối châu Á với châu Âu, chiếm tới 12% tổng khối lượng vận chuyển hàng hóa toàn cầu, góp phần thúc đẩy thương mại thế giới. Việc các công ty vận tải biển phải định tuyến lại hoạt động vận chuyển hàng hóa của mình tránh kênh đào Suez, theo đánh giá của Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD), đang gây tổn thất lớn về kinh tế và môi trường, cũng như tạo thêm áp lực đối với các nền kinh tế đang phát triển.
Đối với Ai Cập, doanh thu sụt giảm mạnh của kênh đào Suez cũng đang tạo ra thách thức lớn trong bối cảnh quốc gia này đang phải vật lộn với những khó khăn kinh tế. Đầu tháng này, Chủ tịch Cơ quan quản lý kênh đào Suez, ông Osama Rabie, cho biết doanh thu của kênh đào trong tháng 1 vừa qua giảm gần một nửa, từ 804 triệu USD trong tháng 1/2023 xuống còn 428 triệu USD. Lượng tàu quá cảnh qua kênh đào Suez trong tháng 1 chỉ đạt 1.362 tàu, giảm 36% so với cùng kỳ năm ngoái. Việc mất đi hàng trăm triệu USD doanh thu mỗi tháng từ kênh đào Suez, nơi vốn tạo nguồn thu ngoại tệ chính cho Ai Cập, khiến quốc gia Bắc Phi này càng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh lạm phát đang ở mức cao kỷ lục, gánh nặng nợ chồng chất, cộng thêm những ảnh hưởng nặng nề từ cuộc chiến ở Dải Gaza.
Trong một tuyên bố đưa ra hôm 22/2, người phát ngôn của IMF, bà Julie Kozack, cho biết IMF đang tích cực đàm phán về gói hỗ trợ toàn diện cho Ai Cập. Hai bên đã nhất trí về các nội dung chính của thỏa thuận hỗ trợ tín dụng để đáp ứng các nhu cầu tài chính cũng như sự ổn định tài chính và kinh tế vĩ mô của Ai Cập.
Doanh thu từ kênh đào Suez giảm mạnh do các cuộc tấn công của Houthi ở Biển Đỏ Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi ngày 19/2 cho biết doanh thu từ kênh đào Suez đã giảm 40%-50% kể từ đầu năm 2024 tới nay, do các cuộc tấn công của lực lượng Houthi ở Yemen nhằm vào các tàu di chuyển qua Biển Đỏ. Tàu thuyền chuẩn bị di chuyển qua Kênh đào Suez, Ai...