Xây dựng dữ liệu tài nguyên nước để lập quy hoạch Đồng bằng sông Cửu Long
Cần thiết phải đánh giá hiện trạng trong quy hoạch, cụ thể, phải phân vùng quy hoạch cho đúng và phân bổ nguồn nước phù hợp với thực tế để lập quy hoạch Đồng bằng sông Cửu Long.
Một nhánh sông ở Đồng bằng sông Cửu Long Ảnh: TTXVN
Cần sớm xây dựng thông tin, dữ liệu về tài nguyên nước phục vụ lập quy hoạch Đồng bằng sông Cửu Long là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành tại buổi báo cáo về việc chuẩn bị xây dựng thông tin, dữ liệu về tài nguyên nước phục vụ lập Quy hoạch Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Cục Quản lý Tài nguyên nước diễn ra vào ngày 14/8, tại Hà Nội.
Theo Thứ trưởng Lê Công Thành, Cục Quản lý Tài nguyên nước đóng vai trò là “ nhạc trưởng”, chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch, tổng hợp số liệu, dữ liệu cụ thể hóa và chi tiết hơn. Trong kế hoạch mà Cục xây dựng cần chỉ ra được những điểm quan trọng, mường tượng rõ nét hơn quy hoạch tài nguyên nước phục vụ cho phát triển kinh tế – xã hội Đồng bằng sông Cửu Long.
Trình bày tổng quan về nội dung tài nguyên nước trong quy hoạch Đồng bằng sông Cửu Long, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh cho biết: Khoản 8 Điều 27 Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 7/5/2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch quy định phương hướng khai thác, bảo vệ tài nguyên nước lưu vực sông trên lãnh thổ vùng gồm ba nội dung chính.
Cụ thể là định hướng phân vùng chức năng của nguồn nước; định hướng các giải pháp bảo vệ nguồn nước, phục hồi nguồn nước bị ô nhiễm hoặc bị suy thoái, cạn kiệt để bảo đảm chức năng của nguồn nước; định hướng các giải pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra.
Đối với tình hình thực hiện quy hoạch tổng thể Đồng bằng sông Cửu Long do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thực hiện, sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới theo dự án Sinh kế phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thì Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ thực hiện hợp phần quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long của ngành.
Báo cáo nêu rõ: Những thách thức liên quan đến lĩnh vực tài nguyên nước Đồng bằng sông Cửu Long như lũ và ngập lụt vùng thượng nguồn, xâm nhập mặn ở vùng ven biển; biến đổi khí hậu và nước biển dâng; sụt lún mặt đất; áp lực gia tăng dân số và phát triển kinh tế-xã hội; phòng chống lũ và môi trường nước và cấp nước…
Theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước và luật sửa đổi, bổ sung liên quan đến Luật Quy hoạch, nội dung quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh, nguồn nước liên tỉnh gồm các nội dung phân bổ nguồn nước, bảo vệ tài nguyên nước và phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra.
Để phục vụ cho việc lập quy hoạch Đồng bằng sông Cửu Long, Cục Quản lý Tài nguyên nước đề xuất Tổng cục Khí tượng Thủy văn cung cấp thông tin liên quan đến nhóm dữ liệu về khí tượng, thủy văn, hải văn; Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam cung cấp các thông tin, số liệu quan đến nhóm dữ liệu thượng nguồn; Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước quốc gia cung cấp thông tin số liệu về nhóm dữ liệu nước dưới đất; Cục Biến đổi khí hậu cung cấp thông tin, số liệu liên quan đến nhóm dữ liệu về biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Video đang HOT
Cục Quản lý Tài nguyên nước sẽ chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương để thu thập dữ liệu về các loại hình tác hại do nước gây ra.
Ông Tống Ngọc Thanh, Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước quốc gia, nhấn mạnh: Nghị định số 37 chỉ nêu phương hướng, vì thế trong quá trình triển khai phải tính toán tới điều kiện và trình độ phát triển kinh tế xã hội của địa phương cho phù hợp.
Với tư cách là cơ quan quản lý về tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần thể hiện vai trò trong thẩm định nội dung quy hoạch tài nguyên nước; phải quản lý được đầu nguồn, làm trọng tài trong việc phân bổ nguồn nước.
Chính vì vậy, cần thiết phải đánh giá hiện trạng trong quy hoạch, cụ thể, phải phân vùng quy hoạch cho đúng và phân bổ nguồn nước phù hợp với thực tế. Đặc biệt, cần tính toán tổng lượng tiềm năng nguồn nước vùng quy hoạch.
Ngoài ra, cần đánh giá hiện trạng và khai thác xả thải vào nguồn nước; xác định nguồn nước dự phòng phục vụ nhu cầu sử dụng nước cho sinh hoạt.
“Đối với Đồng bằng sông Cửu Long cần lưu ý tác động của biến đổi khí hậu, khai thác thượng nguồn và nguồn nước trong nội địa. Tiếp theo là dự báo nhu cầu sử dụng nước cần chính xác bởi đây là nội dung quan trọng để có quy hoạch, phân bổ nguồn nước đúng và phù hợp” ông Tống Ngọc Thanh nhấn mạnh.
Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam, Viện Khoa học Tài nguyên nước cũng đã đóng góp ý kiến để việc tổng hợp số liệu, dữ liệu tài nguyên nước phục vụ quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long có hiệu quả./.
Theo Diệu Thúy/TTXVN
Kỹ sư miệt vườn Đồng Tháp sáng chế thiết bị tưới thông minh
Với mong muốn giúp người dân đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng, cả nước nói chung giảm đối đa chi phí sản xuất và nhân công lao động, anh Ngô Hùng Thắng ở xã Tân Khánh Trung (huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) đã chế tạo ra hệ thống điều khiển thiết bị tưới vườn vô cùng thông minh được ứng dụng từ công nghệ "trí tuệ nhân tạo".
Anh Thắng bên vòi phun nước được thiết kế "ẩn" dưới đất, khi phun nước vòi này sẽ tự nâng lên và trở về vị trí cũ khi làm xong nhiệm vụ (Ảnh: Huỳnh Xây)
Hàng loạt tính năng mới, không ai ngờ tới
Qua nhiều người giới thiệu, phóng viên Báo điện tử Dân Việt đã tìm được gặp anh Thắng khi anh vừa nghiên cứu thành công hệ thống điều khiển thiết bị tưới vườn thông minh. Theo anh Thắng, đây là hệ thống điều khiển thiết bị tưới vườn hiện đại nhất, có nhiều công dụng hơn các hệ thống tưới vườn đang có trên thị trường.
"Tưới nước đóng vai trò rất quan trọng trong trồng trọt, thường thì người dân mất rất nhiều thời gian, công sức và tiền của cho công việc này. Theo đó, hiện nay trên thị trường có nhiều thiết bị tưới thủ công hay bán tự động giúp người dân nhưng vẫn chưa mang lại lợi ích toàn diện, chưa thật sự mang lại hiệu quả cao trong giai đoạn hiện nay" - anh Thắng nói.
Anh Thắng giải thích thêm, một số thiết bị tưới nước hiện nay được điều khiển từ xa bằng điện thoại di động thông qua sóng sms hay internet thường "bó tay" ở một số điều kiện bất lợi như: hụt nước sẽ không bơm được, vòi phun lộ thiên gây khó khăn cho việc làm cỏ và ảnh hưởng đến quá trình thu hoạch, thiết bị đo độ ẩm nền đất bị hư hao theo thời gian, người dân mất thời gian theo dõi cũng như điều khiển thiết bị...
Về hệ thống điều khiển thiết bị tưới vườn hiện đại của anh Thắng (được đặt tên là sản phẩm Smart Viet HT- 8917) sẽ khắc phục được tất cả các nhược điểm trên. Sản phẩm tự động ghi nhận độ ẩm, thực hiện công việc bơm nước tưới khi đất khô và dừng khi đất có đủ độ ẩm (đang tưới gặp trời mưa thiết bị sẽ tạm dừng hoạt động).
Thiết bị xử lý trung tâm thuộc hệ thống điều khiển thiết bị tưới vườn thông minh của anh Thắng (Ảnh: Huỳnh Xây)
Nếu không muốn hệ thống tưới tự động, người dân có thể điều khiển tưới theo các chế độ riêng (chỉ tưới sương, chọn lếp tưới, vô hiệu hoá các lếp không cần tưới, chỉ tưới ban ngày hoặc chỉ tưới ban đêm,...) thông qua ứng dụng được cài đặt một lần duy nhất trên điện thoại.
Chưa dừng lại ở đó, hệ thống điều khiển thiết bị tưới vườn của anh Thắng còn có chế độ bù nước khi mực nước dưới sông thấp, tự động bơm nước từ trong vườn ra sông vào mùa lũ, trời mưa to kéo dài. Ngoài ra, hệ thống này còn có thể cảnh báo mực nước dưới ao, sông (nơi cung cấp nước) thấp, động cơ sắp hư hỏng, bị rò điện, có chế độ chống trộm (khi có kẻ trộm hệ thống bật còi, đèn và thông báo vụ việc đến người dân thông qua ứng dụng trên điện thoại)...
Ứng dụng từ công nghệ "trí tuệ nhân tạo"
Tham quan mô hình thử nghiệm của anh Thắng, phóng viên thấy hệ thống điều khiển thiết bị tưới vườn này rất cần thiết và tiện dụng cho người dân ở ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung. Như vòi phun nước trong vườn cây ăn trái được thiết kế "ẩn" dưới mặt đất, khi phun nước vòi này sẽ tự nâng lên và trở về vị trí cũ khi làm xong nhiệm vụ. Cách làm này tạo sự thông thoáng cho khu vườn, người dân có thể đi lại phát cỏ hay thu hoạch hoa quả mà không bị ảnh hưởng.
Anh Thắng thông tin: "Theo tính toán, hệ thống điều khiển thiết bị tưới vườn thông minh của tôi có thể giảm đến 70% chi phí so với những thiết bị đang có trên thị trường trong khi họ ít tính năng hơn. Ngoài ra, hệ thống này cũng giúp người dân giảm thêm 70% chi phí lao động, chủ vườn chủ động được thời gian nhàn rổi để làm được nhiều việc khác, hay đi xa không cần phải bận tâm về vấn đề tưới nước".
Trước đây, anh Thắng từng là ông chủ của một công ty chuyên kinh doanh điện thoại. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, anh quyết định giải thể. Trở về nhà sinh sống, anh cảm thấy cha mẹ làm vườn tốn quá nhiều công sức, thời gian nên anh dần bắt tay vào nghiên cứu hệ thống điều khiển thiết bị tưới vườn thông minh như trên.
Nơi lấy nước và thoát nước trong hệ thống điều khiển thiết bị tưới vườn thông minh của anh Thắng (Ảnh: Huỳnh Xây)
3 năm qua, trong quá trình nghiên cứu, sửa chữa nâng cấp sản phẩm của mình, anh Thắng còn tìm đến nhiều hội quán (mô hình tập hợp nông dân hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh chỉ có ở Đồng Tháp) để tìm hiểu về yêu cầu, sở thích sử dụng của người dân về thiết bị tưới vườn để về hoàn thiện theo yêu cầu, sở thích đó.
"Hệ thống này gồm khâu và làm rất cực khổ. Thí dụ như cái vòi phun nước, để nó có thể nằm âm dưới đất, tôi phải nghĩ nhứt đầu cả năm trời mới ra ý tưởng và phải mất rất lâu để nhờ vài đơn vị thiết kế. Tương tự, thiết bị đo độ ẩm đất, thiết bị xử lý trung tâm và ứng dụng cài đặt trên điện thoại để người dân quan sát, theo dõi khu vườn không biết bao lần sửa chữa rồi. Đến thời điểm hiện tại, tổng chi phí đầu tư cho dự án này đã trên 300 triệu đồng" - anh Thắng nói về thời gian khó khăn khi nghiên cứu sản phẩm trên.
Dù chưa ra mắt chính thức nhưng nhiều đơn vị ở ĐBSCL đã có ý ký hợp đồng mua hệ thống điều khiển thiết bị tưới vườn thông minh của anh Thắng. Theo kế hoạch, đến đầu năm 2020 tới, anh Thắng sẽ chính thức thành lập doanh nghiệp, tiến tới ra mắt, thương mại hoá sản phẩm Smart Viet HT - 8917. Khi sản phẩm ra mắt, anh Thắng tự tin người dân sẽ thích sản phẩm của mình vì nó có thiết kế nhỏ gọn với nhiều tính năng nổi bật, đáp ứng được yêu cầu thực tế của người dân, với cách lắp đặt, vận hành một cách đơn giản, dễ nhất, chính xác nhất.
"Tôi ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo vào nó và tích hợp nhiều tính năng. Nó làm được gần như mọi thứ theo yêu cầu theo từng loại cây trồng đã được thiết lập trước một lần duy nhất của người sử dụng trên ứng dụng điện thoại. Nó như một con robot, chỉ khác ở chỗ là nó không di chuyển được thôi" - anh Thắng cho biết" - anh Thắng thông tin.
Anh Ngô Hùng Thắng là 1 trong 63 gương mặt nhà nông tiêu biểu của cả nước được bình chọn và trao tặng danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019". Lễ tôn vinh và trao danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019" sẽ diễn ra trọng thể tại thủ đô Hà Nội vào trung tuần tháng 10.2019.
Theo Danviet
Gồng mình ứng phó thiên tai Khu vực Tây Nguyên mưa lũ đang gây ra nhiều nguy cơ mất an toàn đối với người dân. Còn tại Đồng bằng sông Cửu Long, tình trạng sạt lở, thời tiết cực đoan vẫn đang diễn biến phức tạp. Kịp thời cứu dân vùng mưa lũ Từ đêm 6 và sáng 7-8 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có mưa lớn, trong...