Xây dựng đô thị thông minh nên “liệu cơm gắp mắm”
Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến, kinh nghiệm quốc tế chỉ ra rằng TPHCM không nên xây dựng đô thị thông minh giống mô hình có sẵn nào vì điều kiện khác xa nhau. Thay vào đó, thành phố nên xuất phát từ thực tiễn nhu cầu quản lý, phù hợp với khả năng và tình hình tài chính.
Chiều 18/4, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cùng lãnh đạo UBND TPHCM đã có cuộc gặp gỡ với cộng đồng công nghệ thông tin – viễn thông để chung sức xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh.
Ông Phạm Đức Long – Tổng giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT)
Tại đây, ông Phạm Đức Long – Tổng giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) – cho rằng TPHCM muốn triển khai đề án đô thị thông minh nhanh chóng, hiệu quả thì phải huy động nguồn lực nhiều doanh nghiệp tham gia.
Theo ông Long, triển khai đô thị thông minh là quá trình dài, do vậy thành phố cần thống nhất kế hoạch tổng thể. Từng dự án phải xác định cụ thể cái gì cần làm trước vì thực tế có những quốc gia đã triển khai đô thị thông minh một thời gian nhưng chưa có kết quả. Ngoài ra, thành phố nên tận dụng việc được thí điểm cơ chế chính sách đặc thù để triển khai đề án.
Trong khi đó, ông Phí Anh Tuấn – Phó Chủ tịch Hội tin học TPHCM – mong muốn chính quyền thành phố có chính sách, cơ chế cho các doanh nghiệp công nghệ thông tin, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia vào các đơn hàng của thành phố khi xây dựng đô thị thông minh.
TS Đinh Đức Anh Vũ – Trưởng Ban Đại học, ĐHQG TPHCM
TS Đinh Đức Anh Vũ – Trưởng Ban Đại học, ĐHQG TPHCM – cho biết hiện nay Việt Nam đang và sẽ thiếu đội ngũ kỹ sư làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Do đó, cần có sự phối hợp giữa các trường đại học với doanh nghiệp và Nhà nước để đào tạo, đảm bảo nguồn nhân lực trong lĩnh vực này.
Trước lo ngại về đội ngũ nhân lực lĩnh vực công nghệ thông tin, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng một trong những hạn chế hiện nay chính là thành phố chưa thống kê được năng suất lao động trong lĩnh vực này.
Theo Bí thư Nhân, hiện nay thành phố có khoảng 80.000 người làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông, chiếm 1,86% lao động của thành phố. Trong khi đó, giá trị xuất khẩu phần cứng và phần mềm khoảng 9 tỷ USD, chiếm 25% giá trị xuất khẩu của thành phố. Đây là tín hiệu vui nhưng ngành công nghệ thông tin thành phố cần cố gắng, phát huy hơn nữa vì vẫn còn tiềm năng.
Bên cạnh đó, người đứng đầu Đảng bộ TPHCM đề nghị các đơn vị chức năng sớm thống kê cụ thể, đánh giá chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân trao đổi cùng các đại biểu bên lề buổi gặp gỡ
Video đang HOT
Trước những kiến nghị của doanh nghiệp trong quá trình xây dựng đô thị thông minh, Bí thư Nhân cho biết thành phố rất hoan nghênh. Theo ông, nếu doanh nghiệp có năng lực thì có thể hợp tác với thành phố trong nhiều lĩnh vực. Thành phố có thể đặt hàng hoặc tổ chức đấu thầu.
“Doanh nghiệp TP có khả năng thì tham gia cùng thành phố xây dựng đô thị thông minh, nhiều đơn vị thì tổ chức đấu thầu. Chúng ta cố gắng học tập kinh nghiệm nước ngoài nhưng phải là sản phẩm người Việt”, ông Nhân nói.
Trong một số hạng mục trụ cột của mô hình đô thị thông minh, Bí thư Nhân cho biết thành phố sẽ phối hợp với Đại học Quốc gia TPHCM xây dựng mô hình mô phỏng về kẹt xe, ngập nước…
Theo Bí thư Nhân, khu vực đô thị sáng tạo được thành lập từ 3 quận Thủ Đức, Quận 2, Quận 9 sẽ là đô thị thông minh đầu tiên của TPHCM với nhiều lợi thế về hạ tầng, nhân lực, nền tảng công nghệ thông tin.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết TPHCM xây dựng đô thị thông minh phù hợp điều kiện và tình hình tài chính của thành phố
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết, một số quốc gia xây dựng đô thị thông minh có lời khuyên rằng TPHCM không nên áp dụng theo một mô hình nào bởi vì có nhiều sự khác xa nhau.
Theo ông Tuyến, một số quốc gia giàu có và hệ thống hạ tầng đã hoàn chỉnh nên rất thuận lợi xây dựng đô thị thông minh. Trong khi đó, TPHCM chưa hoàn chỉnh về hạ tầng nên không thể làm giống mô hình quốc tế.
“Kinh nghiệm chung là phải xuất phát từ thực tiễn nhu cầu quản lý của thành phố, xây dựng những tiêu chí để trở thành đô thị thông minh, phù hợp với khả năng của mình vì tài chính thành phố có giới hạn”, ông Tuyến nói.
Bên cạnh đó, ông Tuyến cho biết đang bàn bạc với ngành giáo dục để đưa nội dung xây dựng đô thị thông minh vào chương trình ngoại khóa của học sinh để thế hệ trẻ có nhận thức và hành động sớm, phục vụ cho phát triển đô thị thông minh của thành phố.
Quốc Anh
Theo Dantri
HĐND TPHCM họp bất thường mở "nút thắt" cho TP phát triển
Kỳ họp bất thường khóa IX của HĐND TPHCM diễn ra từ 15/3 sẽ xem xét, thông qua một số đề án thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM như chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức; thu hút nhân tài; điều chỉnh mức thu phí bảo vệ môi trường; tăng mức phí đỗ ô tô trên đường.
Sáng 15/3, HĐND TPHCM khóa IX khai mạc kỳ họp thứ bảy (kỳ họp bất thường). Kỳ họp này kéo dài 1,5 ngày với 2 chuyên đề quan trọng là cải cách hành chính - "nâng cao sự hài lòng của người dân và tổ chức về dịch vụ hành chính công trên địa bàn thành phố" và triển khai thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.
HĐND TPHCM họp bất thường (kéo dài 1,5 ngày) để mở "nút thắt" cho TP phát triển
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết kỳ họp bất thường với nhiều nội dung quan trọng là xem xét quyết định các vấn đề chủ trương đầu tư 2 dự án nhóm A, chương trình cải cách hành chính, quyết định biên chế số người làm việc trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp và hội đặc thù năm 2018.
Đặc biệt, đại biểu HĐND TPHCM sẽ thảo luận, quyết định các tờ trình đề án triển khai Nghị quyết 54 của Quốc hội.
Do đó, bà Quyết Tâm đề nghị đại biểu tham gia đầy đủ cuộc họp, đóng góp ý kiến để kỳ họp có quyết định đúng hợp lòng dân. Từ đó, tạo động lực mới phát triển thành phố, hoàn thành nhiệm vụ kinh tế, xã hội thành phố.
Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm nhấn mạnh tầm quan trọng của kỳ họp bất thường
Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến báo cáo các đề án của UBND TPHCM thực hiện cơ chế đặc thù.
Về đề án điều chỉnh tăng mức thu phí tạm sử dụng lòng đường đỗ ô tô, ông Tuyến cho biết việc điều chỉnh là cần thiết vì hiện nay thành phố đang áp dụng vé lượt với mức giá rất thấp (5.000 đồng/lượt) và lạc hậu. Mức phí thấp, ô tô đậu lâu cũng gây kẹt xe.
Theo ông, mức giá mới tính theo giờ, trung bình là 30.000 đồng/giờ và cứ sau 1 giờ thì tăng giá (cao nhất là 40.000 đồng/giờ). Mức giá mới cao hơn 20% so với mức giá tại các trung tâm thương mại. Những xe ứng dụng công nghệ thông tin mới được đỗ xe dưới lòng đường.
Đề án thứ hai là điều chỉnh mức đóng phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp. Theo ông Tuyến, cách tính phí cũ quy định 1,5 triệu đồng/năm không đảm bảo sự công bằng cho các doanh nghiệp, cơ sở... xả thải.
Do đó, quy định mức phí mới sẽ tính theo hướng số tiền nộp phí tỷ lệ thuận với lưu lượng nước thải ra môi trường. Cụ thể, trường hợp xả thải dưới 5m3/ngày đêm sẽ tính mức cũ là 1,5 triệu đồng/năm, trường hợp cao hơn sẽ tính theo hệ số k.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến báo cáo các tờ trình các đề án thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP
Ông Tuyến cho biết đề án chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc khu vực quản lý Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập là sự cần thiết. Hiện năng suất lao động của thành phố cao gấp 2,7 lần năng suất lao động bình quân cả nước, năng suất phục vụ của cán bộ, công chức thành phố cao hơn 1,5 lần cả nước.
Tuy nhiên, hiện nay thực tế tổng mức thu nhập của cán bộ, công chức được áp dụng chung cho cả nước, chưa tương xứng vào năng suất lao động và mức chi phí sinh hoạt tại đô thị. Theo đề án, năm 2018, mức tăng thu nhập cao gấp 0,6 lần so với tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ.
Tại kỳ họp, các đại biểu HĐND TPHCM sẽ thảo luận, quyết định nhiều vấn đề quan trọng
Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết đề án về chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học và lao động sáng tạo trẻ về công tác ở các sở, ban, ngành, các khu công nghệ cao của thành phố sẽ góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ sự tăng tốc phát triển của thành phố.
Theo đề án, thành phố sẽ trợ cấp ban đầu 100 triệu đồng cho các chuyên gia, nhà khoa học là giáo sư, phó giáo sư. Các đối tượng còn lại được trợ cấp 80 triệu đồng.
Đối với lao động sáng tạo trẻ, sau khi được tuyển dụng và hoàn thành thời gian tập sự sẽ được bổ nhiệm ngạch công chức/chức danh nghề nghiệp viên chức và xếp lương theo quy định; được hưởng phụ cấp tăng thêm bằng 100% mức lương được xếp.
UBND TPHCM cũng trình 2 dự án đầu tư công nhóm A sử dụng ngân sách thành phố. Thứ nhất, dự án xây dựng Rạp xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ quy mô 2.000 chỗ ngồi, tổng mức đầu tư 1.491 tỷ đồng. Thời gian thực hiện từ 2018-2022.
Thứ hai là dự án bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư để xây dựng khu liên hợp thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc, quy mô 180ha tại quận 2, tổng số hộ dân bị di dời là 900 hộ. Tổng mức đầu tư dự án là hơn 8.000 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ 2018-2022.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với Chủ tịch HĐND TPHCM bên lề kỳ họp
Ông Trần Vĩnh Tuyến cũng báo cáo kế hoạch biên chế công chức trong cơ quan tổ chức hành chính và tổng số người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập và các hội đặc thù năm 2018.
Tổng số biên chế đề xuất năm 2018 là 132.321 người, giảm 5.608 biên chế so với năm 2017. Trong đó, biên chế hành chính là 12.345 người, giảm 252 biên chế so với năm 2017 và vượt 3.635 biên chế so với quy định Trung ương giao năm 2018. Biên chế trong đơn vị sự nghiệp giảm 5.356 so với năm 2017 và theo đúng số liệu biên chế Trung ương giao.
Theo ông Tuyến, do áp lực công việc tại thành phố lớn nên chưa giảm biên chế hành chính ngay. Do đó, trong năm 2018, thành phố giảm 2% (252 người) và sau đó có lộ trình giảm dần theo đúng số lượng biên chế Trung ương giao.
Chiều nay, các đại biểu sẽ tham gia thảo luận, thông qua chương trình cải cách hành chính và thảo luận về các tờ trình của UBND TPHCM về thực hiện Nghị quyết 54.
Bài: Quốc Anh
Ảnh: Nguyễn Quang
Theo Dantri
2018, TPHCM tiếp tục ứng ngân sách trên 1.000 tỷ đồng cho metro số 1 Hiện các Bộ vẫn chưa thống nhất cơ quan nào thay mặt Chính phủ trình Quốc hội việc thay đổi tổng mức đầu tư dự án tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) và Bộ Tài chính chưa xem xét tạm ứng vốn trung hạn cho thành phố. Do đó, năm 2018, TPHCM sẽ phải tiếp tục ứng vốn ngân sách...