Xây dựng đề án thu phí trên các tuyến đường đầu tư bằng Ngân sách
Triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc thu phí đường cao tốc thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, Bộ GTVT vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan xây dựng Đề án thu phí trên các tuyến đường đầu tư bằng ngân sách nhà nước, đặc biệt là một số dự án có yêu cầu cấp bách.
Cao tốc La Sơn-Tuý Loan là 1 trong những tuyến đường đầu tư bằng Ngân sách Nhà nước được đề xuất thu phí. Ảnh: VGP/PT.
Chỉ thu phí với tuyến đường người dân được lựa chọn
Bộ GTVT giao Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam nghiên cứu nội dung đề xuất của Bộ Tài chính về việc thu phí đường cao tốc thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, căn cứ quy định pháp luật hiện hành và nhu cầu thực tiễn để phân tích, đánh giá và có ý kiến giải trình các nội dung đề xuất của Bộ Tài chính.
Viện Chiến lược chủ trì, Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp xây dựng đề án thu phí trên các tuyến đường đầu tư bằng ngân sách nhà nước, đặc biệt là một số dự án có yêu cầu cấp bách như: đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Trung Lương, tuyến La Sơn – Túy Loan và 6 dự án thành phần đầu tư công trên tuyến cao tốc Bắc-Nam phía đông; đề xuất với Bộ GTVT phương án triển khai thực hiện.
Bộ GTVT cũng yêu cầu các Ban Quản lý dự án (QLDA) 7, Ban Thăng Long và Ban QLDA đường Hồ Chí Minh phối hợp với Viện Chiến lược, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cung cấp hồ sơ dự án và chỉ đạo các đơn vị tư vấn dự án trong việc cung cấp thông tin, dữ liệu về các dự án theo yêu cầu của Viện Chiến lược; chỉ đạo các đơn vị tư vấn báo cáo bổ sung trong trường hợp thông tin dữ liệu dự án chưa đầy đủ, chưa đảm bảo theo yêu cầu của Viện Chiến lược.
Các nguyên tắc thu phí đường cao tốc được Bộ GTVT xác định là chỉ thu phí đối với các đường cao tốc khi đường cao tốc này nối 2 điểm mà có đường quốc lộ do ngân sách nhà nước đầu tư để người dân có quyền lựa chọn; việc thu phí được thực hiện tại trạm thu phí trên tuyến đường cao tốc.
Mức phí phải phù hợp với chất lượng dịch vụ, nhưng không vượt quá lợi ích thu được và khả năng chi trả của người sử dụng đường cao tốc.
Trước đó, tại Thông báo số 275, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá việc triển khai thu phí tuyến cao tốc TPHCM – Trung Lương là hết sức cần thiết và yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, cùng Bộ GTVT khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng tại Văn bản số 1100/VPCP-CN ngày 23/4/2020, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 12/8/2020, bảo đảm tuân thủ đúng quy định của pháp luật hiện hành về quản lý, sử dụng tài sản công và các quy định của pháp luật có liên quan.
Tại Thông báo số 1100, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Tài chính và Bộ GTVT xây dựng báo cáo của Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc bổ sung khoản phí sử dụng đường cao tốc thu qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư theo đúng quy định của Luật Phí và lệ phí.
Chỉ thu phí đối với các đường cao tốc khi đường cao tốc này nối 2 điểm mà có đường quốc lộ do ngân sách nhà nước đầu tư để người dân có quyền lựa chọn. Ảnh: VGP/PT
Video đang HOT
Không lãng phí nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông
Tại Đề án gửi Bộ Tài chính vào ngày 12/8, Bộ GTVT cho biết, trong hệ thống đường cao tốc do Nhà nước đầu tư hiện nay, chỉ có tuyến cao tốc TPHCM – Trung Lương đã từng thực hiện thu phí sử dụng đường bộ thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc giai đoạn từ năm 2011 đến ngày 31/12/2018. Từ ngày 1/1/2019 đến nay, đường cao tốc TPHCM – Trung Lương đã tạm dừng thu phí.
Sau khi tạm dừng thu phí, lưu lượng phương tiện trên đường cao tốc tăng đột biến, nên nhiều phương tiện vi phạm đi vào làn dừng khẩn cấp, ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Theo ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ GTVT, nếu tiếp tục tổ chức thu phí sử dụng đường bộ trên đường cao tốc TPHCM – Trung Lương, số phí dự kiến thu được trong năm 2020 là 880 tỷ đồng, chi phí tổ chức thu dự kiến là 6% số phí thu được (khoảng 52,8 tỷ đồng, với giả định giữ nguyên mức phí 1.000 đồng/km/PCU, tăng trưởng doanh thu 10%/năm, dự báo trên cơ sở số thu phí cao tốc TPHCM – Trung Lương giai đoạn 2014-2018).
Như vậy, giá trị dự kiến còn lại nộp ngân sách nhà nước tại tuyến cao tốc TPHCM – Trung Lương dài 40 km là 827,2 tỷ đồng/năm, tương đương khoảng 20,6 tỷ đồng/km đường cao tốc/năm.
Về nguyên tắc thu phí các tuyến đường Nhà nước đầu tư, Bộ GTVT lấy dẫn chứng, với cao tốc TPHCM – Trung Lương, người tham gia giao thông có quyền lựa chọn tham gia giao thông trên đường song hành là Quốc lộ 1 (không phải trả phí sử dụng đường cao tốc) hoặc trả thêm phí sử dụng đường cao tốc để tham gia giao thông trên đường cao tốc, hưởng dịch vụ sử dụng đường bộ chất lượng cao hơn. Vì thế, việc thu phí sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí không bị trùng với phí sử dụng đường bộ thu trên đầu phương tiện.
Tương tự, nếu thực hiện thu phí sử dụng đường bộ thông qua trạm thu phí đối với tuyến cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên (64 km) và tuyến cao tốc TPHCM – Trung Lương (40 km), hằng năm sẽ thu được khoảng 2.142 tỷ đồng.
Trong tương lai, khi các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư hoàn thành đưa vào sử dụng và được triển khai thu phí, thì số thu được sẽ rất lớn. Cụ thể, nếu thực hiện thu phí trên các tuyến Lạng Sơn – cửa khẩu Hữu Nghị (43 km), Mỹ Thuận – Cần Thơ (24 km), La Sơn – Túy Loan (66 km), Cam Lộ – La Sơn (102 km), dự kiến hằng năm thu thêm được tổng số 4.841 tỷ đồng.
Theo Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình đường bộ Việt Nam (VARSI), việc không tiếp tục tổ chức thu phí đã gây lãng phí trong quản lý sử dụng tài sản nhà nước, mất nguồn thu ngân sách phục vụ công tác quản lý vận hành, duy tu, bảo trì thường xuyên tuyến TPHCM – Trung Lương, cũng như mất nguồn thu đóng góp ngân sách phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.
Trong khi đó, hiện số tiền phí sử dụng đường bộ thu được hằng năm khoảng 9.000 tỷ đồng và ngân sách nhà nước cấp thêm khoảng 3.000 tỷ đồng chưa đủ đáp ứng nhu cầu bảo trì hệ thống đường bộ do Nhà nước quản lý; không có kinh phí cho đầu tư xây dựng mới đường bộ.
“Với định mức bảo trì rất cao, việc bảo trì 123 km cao tốc miễn phí (thời điểm tháng 9/2019) và khoảng 200 km (sau khi tuyến La Sơn – Túy Loan đưa vào khai thác cuối năm 2020) đang là một gánh nặng lớn đối với ngân sách nhà nước”, Bộ GTVT cho hay.
Thúc đẩy tiến độ thu phí không dừng: Bảo đảm hài hòa các lợi ích
Những vướng mắc về nguồn vốn, cơ chế đầu tư, công nghệ thu phí và thanh toán, cộng với thói quen sử dụng tiền mặt của người dân khiến các dự án thu phí tự động không dừng bị chậm tiến độ.
Để bảo đảm tiến độ hoàn thành vào cuối năm 2020 như phương án xin gia hạn mà Bộ Giao thông - Vận tải đã báo cáo Chính phủ, các cơ quan, đơn vị liên quan đang còn rất nhiều việc phải làm và sẽ chỉ thành công khi hài hòa được lợi ích của các bên.
Áp dụng thu phí không dừng sẽ góp phần hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông tại trạm thu phí. Trong ảnh: Trạm thu phí trên đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Ảnh: Khuê Diệp
Tiến độ chậm, lượng người sử dụng ít
Chính phủ từng chốt ngày 31- 12-2019 phải hoàn thành dự án thu phí tự động không dừng tại các trạm thu phí đường bộ. Tuy nhiên, dự án đã bị chậm tiến độ và Bộ Giao thông - Vận tải phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin gia hạn đến ngày 31-12-2020.
Đề cập nguyên nhân chậm tiến độ, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, môi trường và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) Tô Nam Toàn cho rằng, trước hết là do hình thức thu phí tự động không dừng còn rất mới cả về công nghệ, mô hình quản lý và hình thức triển khai. Thứ hai, đại bộ phận người dân vẫn có thói quen sử dụng tiền mặt dẫn đến lượng người sử dụng dịch vụ hạn chế. Ngoài ra, các vướng mắc về nguồn vốn, cơ chế đầu tư và doanh thu các dự án BOT (tư nhân đầu tư xây dựng, vận hành khai thác một thời gian rồi chuyển giao cho Nhà nước) bị sụt giảm thời gian qua đã khiến nhà tài trợ tín dụng lo ngại.
Ông Hồ Trọng Vinh, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thu phí tự động VETC (đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng) thông tin, qua gần 5 năm triển khai, tính đến nay, VETC mới dán thẻ E-tag (thẻ thu phí tự động không dừng) cho hơn 830.000 xe trên tổng số khoảng 3,5 triệu xe trên toàn quốc. Tuy nhiên, ngay trong những xe đã dán thẻ cũng có nhiều xe không sử dụng dịch vụ. Tiến độ dán thẻ như vậy là rất chậm, chưa đạt được mục tiêu.
Đề cập tới việc chưa dán thẻ E-tag cho xe ô tô cá nhân của mình, anh Nguyễn Quang Hưng (số 191 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng) cho rằng, quy định hiện hành chưa bắt buộc chủ xe phải dán thẻ. Ngoài ra, nếu chủ phương tiện đã dán thẻ, nộp tiền, mặc dù cả tháng không đi qua trạm thu phí nhưng hệ thống vẫn tự động trừ 10.000 đồng/tháng. Số tiền này không đáng kể nhưng theo anh Nguyễn Quang Hưng, đấy là sự vô lý.
Còn chị Nguyễn Phương Thảo (số 262 Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân) cho biết, đã dán thẻ E-tag cho ô tô của mình từ hai năm nay nhưng nhiều lần đi vào làn thu phí tự động không dừng, chị luôn nhận được câu trả lời: Thẻ chưa kích hoạt, cần liên hệ với ngân hàng. "Khách chỉ biết mua thẻ, việc kết nối thanh toán là của chủ đầu tư và các bên liên quan, tại sao lại đùn đẩy trách nhiệm cho khách hàng? Trong khi đó, nhiều trạm dù có làn không dừng nhưng xe dán thẻ đi vào lại vướng xe không dán thẻ đang chờ trả tiền nên xảy ra ách tắc...", chị Nguyễn Phương Thảo cho hay.
Chỉ rõ lợi ích từng chủ thể
Hiện giai đoạn I của dự án thu phí tự động không dừng đã hoàn thành 40 trạm trên toàn quốc. Trong ảnh: Trạm thu phí số 1 trên tuyến quốc lộ 5. Ảnh: Tuấn Khải
Hiện giai đoạn I của dự án thu phí tự động không dừng đã hoàn thành 40 trạm trên toàn quốc. Theo kế hoạch của VETC và Tổng cục Đường bộ Việt Nam, dự kiến, tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và Cầu Giẽ - Ninh Bình sẽ đưa vào vận hành thu phí tự động không dừng từ cuối tháng 5-2020 và tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng từ tháng 6-2020. Các trạm thuộc giai đoạn II của dự án (33 trạm) cũng đang được các đơn vị liên quan tập trung triển khai.
Khẳng định ủng hộ chủ trương thu phí không dừng, song Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cho rằng, hình thức này tiện lợi nhưng triển khai chậm. Các cơ quan quản lý dường như đang lạm dụng các giải pháp hành chính và tập trung vào công nghệ nhiều hơn mà chưa quan tâm đến vấn đề thị trường. Đứng ở góc độ thị trường, người bán dịch vụ nên đưa ra một số hình thức để người dùng lựa chọn chứ không phải áp đặt một hình thức. Trong đó, phải tính cả lợi ích bên bán và bên sử dụng dịch vụ.
Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đề xuất nên nghiên cứu 2 phương thức: Trả trước như đang làm và trả sau. Trả sau thì có hình thức ký hợp đồng, thông báo tài khoản, xe đi qua được đánh dấu và doanh nghiệp vận tải sẽ thanh toán. Làm cách này, doanh nghiệp vận tải cũng có giấy tờ để hạch toán chi phí đầu vào.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền nhấn mạnh, đơn vị cung cấp dịch vụ phải có giải pháp để một tài khoản có thể sử dụng trên tất cả hệ thống cao tốc, quốc lộ và không phải mất các chi phí liên quan khác khi sử dụng. Phải để bản thân các chủ xe thấy được lợi ích khác biệt giữa thu phí không dừng và một dừng để lựa chọn. Việc xử lý tiền trả trước của các chủ phương tiện đã mua thẻ cũng cần được làm rõ. Nếu những vấn đề trên chưa được giải quyết thì người dân vẫn chọn sử dụng tiền mặt.
Theo Phó Tổng Giám đốc VETC Hồ Trọng Vinh, thói quen sử dụng tiền mặt trong nhân dân chưa thể thay đổi được ngay mà phải có lộ trình. Bên cạnh đó, Bộ Giao thông - Vận tải và Tổng cục Đường bộ Việt Nam cần có quy định không cho xe không dán thẻ đi vào làn không dừng để khách hàng thấy được quyền lợi khi sử dụng thẻ là hầu như không bị ách tắc tại các trạm thu phí. VETC cũng đang nghiên cứu giải pháp liên kết với ngân hàng để phục vụ cho việc thanh toán của khách hàng được thuận lợi, an toàn.
An Phú khơi dậy sức dân chăm lo xây dựng địa phương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) do Thủ tướng Chính phủ phát động đến nay đã 10 năm. Đây là một chủ trương lớn, có tầm chiến lược của Đảng và nhà nước. Xác định công tác tuyên truyền, vận động là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong việc tổ chức, thực hiện chương trình xây...