Xây chợ rồi… bỏ hoang
Thời gian qua, các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) “đua nhau” xây dựng khu chợ, trung tâm thương mại trong khi chưa đánh giá được công năng, dẫn đến nhiều chợ xây xong bỏ hoang, gây lãng phí tiền tỷ…
Xây chợ vì chạy theo tiêu chí nông thôn mới !
Năm 2009, sau khi được chọn là một trong 22 xã điểm nông thôn mới (NTM) của tỉnh Sóc Trăng, chợ Long Hưng (Xã Long Hưng, huyện Mỹ Tú) được rót ngân sách đầu tư cơ sở vật chất thực hiện các tiêu chí, trong đó có tiêu chí thứ 7 về xây dựng chợ.
Chợ Long Hưng gần như không có người vào họp chợ
Theo đó năm 2012, chợ xã Long Hưng được thi công với kinh phí lên đến hàng chục tỷ đồng, trong đó riêng tiền bồi thường để giải phóng mặt bằng trên 10 tỉ đồng. sau khi hoàn thiện hạ tầng, như: đường, điện, nước, nhà lồng chợ đã xây dựng hoàn chỉnh nhưng hầu như bị bỏ trống, chỉ có vài hộ thuê kinh doanh, các tiểu thương còn lại không “mặn mà”. Khu đất dự kiến sẽ bán cho các hộ dân xây dựng khu nhà ở thương mại vẫn không thấy ai vào mua, cỏ mọc um tùm…
Theo nhiều người dân địa phương, những năm trước chợ cũ này được họp phía bên kia sông, hình thành nên khu dân cư đông đúc, buôn bán rất sầm uất. Tuy nhiên từ khi xây dựng chợ mới, mặc dù rộng rãi, cơ sở vật chất hiện đại hơn nhưng tiểu thương lại không vào buôn bán vì không có người mua.
Ông Võ Văn Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Long Hưng, cho biết: “Hiện xã Long Hưng đã đạt 14/19 tiêu chí, còn lại 5 tiêu chí, xã phấn đấu trong năm 2014 sẽ hoàn thành cơ bản các tiêu chí còn lại. Chợ nông thôn đã có rồi, nhưng còn nhiều bất cập vì khó thu hút tiểu thương vào đây buôn bán, bởi theo tập quán người dân chỉ quen mua bán ở khu chợ cũ…”
Cũng để đạt tiêu chí xây dựng NTM xã Mỹ Thuận (huyện Mỹ Tú) cũng đầu tư xây dựng chợ Mỹ Thuận với kinh phí gần 500 triệu đồng, tuy nhiên xây dựng xong nhiều năm nay bỏ trống.
Video đang HOT
Chợ Tư Sáng ở xã Tân Tiến- TP Vị Thanh- xây xong rồi bỏ hoang
Ở Hậu Giang, chợ Tư Sáng (ấp Tư Sáng, xã Tân Tiến, TP Vị Thanh), cũng được đầu tư để đạt tiêu chí NTM. Mặc dù được công nhận là xã NTM, bởi lúc đầu chợ này cũng có vài người, nhưng đến nay số tiểu thương vào đây buôn bán đang “vơi” dần. Theo lãnh đạo xã Tân Tiến, vị trí để quy hoạch chợ được địa phương tính toán tương đối “đắc địa”, thuận tiện cho việc giao lưu, buôn bán giữa địa phương và các vùng lân cận, nằm ngay con sông Nước Đục, thuận tiện cho việc giao thương cả đường bộ lẫn đường sông. Hiện, chợ chỉ mới xây phần nhà lồng chính, lối vào chỉ có một đường nhỏ ngăn khu chợ biệt lập, phía dưới bờ sông chưa được đầu tư, nên người dân vẫn còn mua bán tự phát.
Bà Nguyễn Thị Tuyết, người dân sống gần chợ, cho hay: “Khi xây dựng chợ ai cũng hồ hởi vì có chỗ buôn bán che mưa che nắng, rộng rãi thoáng mát. Nhưng được vài ngày chả thấy ai vào bán, người mua chẳng thấy đâu…”, bà Tuyết cho biết thêm: Đi chợ ở đây chủ yếu là mua mấy thứ lặt vặt, như tôm cá, rau, đồ dùng hàng ngày, còn mua các thứ quan trọng hơn thì chạy ra chợ lớn ở phường 7 mấy hồi, chỉ có hơn 5km à, mua gì chả có…
Do tập quán hay do quy hoạch thiếu đồng bộ ?
Khảo sát tại Sóc Trăng hiện có trên 10 khu chợ xây dựng xong nhưng chưa phát huy hết công năng, thậm chí nhiều chợ bỏ hoang cơ sở vật chất đang xuống cấp nặng. Chẳng hạn như chợ xã Thuận Hưng (huyện Mỹ Tú) với kinh phí xây dựng trên 350 triệu đồng nhưng nay cũng chỉ có lèo tèo vài hộ vào buôn bán, tiện thể ở luôn. Còn ở huyện Mỹ Xuyên có chợ xã Viên Bình từ nguồn vốn Chương trình 135 cho đồng bào dân tộc Khmer, địa phương đầu tư xây dựng chợ với số tiền trên 300 triệu đồng, nhưng nay chỉ có vài ba hộ vào buôn bán.
Tương tự, còn có những khu chợ xây dựng hàng tỉ đồng như ở chợ xã An Hiệp, hay chợ Bưng Tróp A của huyện Châu Thành, được xây dựng năm 2007 với số tiền trên 1 tỉ đồng. Vậy mà thời gian qua là chỗ phơi chứa lúa của người dân (!?). Hỏi han người dân địa phương, ai cũng xót của khi thấy cơ sở vật chất của khu chợ vẫn trong tình trạng “trơ gan cùng tuế nguyệt”, rất hoang phí…
Chợ phường 8 TP Sóc Trăng lèo tèo một vài người mua, bán
Ngay tại TP Sóc Trăng mà có tới 4 cái chợ xây dựng với kinh phí hàng tỉ đồng, thời gian đầu chỉ vài người đến buôn bán, nhưng rồi cũng bỏ đi, như: chợ phường 8 được đầu tư xây dựng với kinh phí trên 600 triệu đồng, chợ Nhâm Lăng phường 5 được đầu tư với số tiền trên 675 triệu đồng, xây dựng xong nhà lồng chợ bỏ trống từ nhiều năm nay, chợ đang xuống cấp nghiêm trọng. Ở phường 4 có chợ Sung Đinh được đầu tư xây dựng trên 2 tỉ đồng, hay chợ Khánh Hùng ở phường 2 xây dựng trên 1,3 tỉ đồng, nhưng các ki-ốt, lô sạp không ai đến buôn bán. Trao đổi với một số tiểu thương và người dân ở khu vực thành phố Sóc Trăng, đại đa số người dân không đồng tình khi phường nào cũng xây chợ nhưng không ai vào mua, nhiều người dân còn kiến nghị cơ quan chức năng tại địa phương nên quy hoạch một cách cụ thể, 2 hay 3 phường xây dựng một chợ, tùy thuộc vào khoảng cách dân cư và nhu cầu mua bán của người dân cũng như tiểu thương…
Năm 2012, UBND huyện Lai Vung (Đồng Tháp) đồng ý cho đầu tư kinh phí để xây dựng nhà lồng chợ Bách hóa Lai Vung trong khu vực mở rộng chợ thị trấn Lai Vung. Tuy nhiên công trình đã hoàn thành hơn 9 tháng qua, song đến nay vẫn chưa sử dụng được vì cơ sở vật chất bị xuống cấp sụp lún nhiều. Trao đổi qua điện thoại, ông Hồ Thanh Phương, Chủ tịch UBND huyện Lai Vung cho biết: “Bước đầu xác định nguyên nhân sụp lún do kết cấu nền hạ yếu và thiết kế không đảm bảo. Sau khi xảy ra như vậy, địa phương đã đề nghị Trung tâm Kiểm định chất lượng công trình Đồng Tháp xác định rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân trong việc xảy ra sụp lún nhà lồng chợ bách hóa để quy trách nhiệm cụ thể. Dự kiến sẽ có kết quả cuối tuần này…
Trong khi đó, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Sở Công thương Hậu Giang đưa ra quan điểm: “Xây dựng chợ là điều cần thiết, nhưng một số nơi còn mang tính chủ quan, nóng vội. Để hệ thống chợ phát huy hiệu quả và thực sự là nơi giao thương, mua bán của người dân, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hôi phát triển thì chính quyền địa phương cần xây dựng chợ theo quy hoạch. Theo đó, chợ phải thực sự xuất phát từ nhu cầu và phù hợp với phong tục, tập quán của người dân địa phương. Nếu bỏ qua 3 nguyên tắc này, thì chợ sẽ không phát huy được hiệu quả như mong muốn, hoặc sẽ mai một dần…”
Phạm Tâm- Bạch Dương
Theo Dantri
Hà Nội: Chợ Thành Công thành trung tâm thương mại, tiêu thương phản đối
Bắt đầu từ ngày 13-14/10 khi chủ dự án Trung tâm thương mại Thành Công cho triển khai máy móc thiết bị thăm dò địa chất tại đây. Cùng thời điểm này, Ban quản lý chợ cũng họp với đại diện một số ngành kinh doanh, thông báo kế hoạch chuyển các sạp hàng sang khu tạm trên đường Nguyên Hồng gần đó để thực hiện xây dựng.
Tiểu thương phản đối chuyển chợ Thành Công.
Trước đó, chủ trương chuyển đổi chợ Thành Công - khu chợ nổi tiếng giữa lòng quận Ba Đình, phục vụ hàng vạn dân suốt mấy chục năm nay - thành trung tâm thương mại từng được Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội chấp thuận từ năm 2008. Tuy nhiên kể từ đó đến nay, do phía cơ quan quản lý và chủ đầu tư chưa có động thái cụ thể nên bà con tiểu thương vẫn buôn bán theo mô hình truyền thống suốt 6 năm qua.
"Thực tế Ban quản lý chợ chưa tổ chức bất kỳ một cuộc họp nào về việc này. Họ mới chỉ mời tổ trưởng, tổ phó các ngành hàng lên hoàn tất thủ tục hợp đồng chứ không đề cập gì đến việc xây trung tâm thương mại", một tiểu thương cho biết.
Ngoài việc phải chuyển đi trong vòng một tháng, điều khiến các tiểu thương lo lắng nhất là không biết cụ thể kế hoạch xây dựng và chuyển đổi của ban quản lý và chủ đầu tư ra sao? Việc sắp xếp vị trí kinh doanh, giá thuê mặt bằng ở trung tâm thương mại mới sẽ như thế nào?... "Nếu xây chợ tốt hơn thì tại sao bên quản lý không họp công khai, cho tiểu thương biết chủ đầu tư, biết việc xây chợ như thế nào? Chúng tôi giờ bán hàng mà như đánh trận giả", chị Chu Thị Liên - chủ quầy rau quả cảm thán.
Bên cạnh nỗi lo mưu sinh cho bản thân và gia đình, nhiều người còn ái ngại rằng chợ Thành Công sẽ theo gót những mô hình trung tâm thương mại chuyển đổi đang "chết yểu" như chợ Cửa Nam, chợ Hàng Da, chợ Mơ... hiện nay. Chị Trương Khánh Vân, chủ sạp đồ khô cho rằng sau khi chuyển đổi, tiểu thương ở chợ cũ sẽ phải "chui hết xuống hầm": "Như ở chợ Mơ, phải bước đến 21 bậc thang mới xuống được sạp hàng đầu tiên. Cả chợ chỉ có 3 lối thoát hiểm thì ai dám xuống mua?".
Tuy nhiên, theo chị Vân, các tiểu thương tại đây cũng rất mong muốn chợ được cải tạo, nâng cấp nên sẵn sàng bàn bạc với cơ quan quản lý và chủ đầu tư. Mô hình mà họ muốn theo đuổi là chợ Ngọc Hà (cũng trên địa bàn quận Ba Đình). Theo đó, việc xây dựng được thực hiện cuốn chiếu, xây một nửa, nửa còn lại vẫn có thể kinh doanh.
Trao đổi với VnExpress, bà Đặng Thị Bích Hằng - Trưởng ban Quản lý chợ Thành Công xác nhận việc chủ đầu tư là một tập đoàn kinh doanh bất động sản lớn đang tiến hành khảo sát địa chất và yêu cầu di chuyển sang chợ tạm đối với tiểu thương. Riêng vấn đề tuyên truyền, vận động, bà khẳng định đã thực hiện suốt nhiều năm qua nhưng không có kết quả.
"Bản thân tôi cũng thấy thời gian qua, việc chuyển đổi mô hình chợ sang trung tâm thương mại chưa hiệu quả, dẫn đến sự lo lắng của tiểu thương nơi đây. Tuy nhiên đây là chủ trương của thành phố, mong muốn xây dựng dự án chợ - trung tâm thương mại làm điểm nhấn vừa đẹp và đảm bảo nhiều yếu tố cho khu vực Ba Đình", Trưởng ban Quản lý chợ Thành Công cho hay.
Cũng theo bà Hằng, trong nhiều cuộc họp với chủ đầu tư, bà cũng đã nêu các ý kiến phản hồi của các tiểu thương. Tuy nhiên, phía doanh nghiệp khẳng định khi thực hiện dự án này sẽ rút kinh nghiệm từ các trung tâm thương mại khác để đảm bảo hiệu quả cao hơn.
Trong khi đó, trao đổi với VnExpress ngày 16/10, lãnh đạo quận Ba Đình cho biết đã nắm được tình hình tại chợ Thành Công và cam kết sẽ sớm có câu trả lời thỏa đáng cho tiểu thương và dư luận.
Theo VnExpress
Tiểu thương Hà Nội kêu cứu, phản đối xây trung tâm thương mại Từ đêm 15-10, hàng trăm tiểu thương chợ Thành Công (Q.Ba Đình, Hà Nội) căng băng rôn tại cổng chợ "kêu cứu, phản đối" xây dựng chợ thành trung tâm thương mại. Băng rôn tại cổng chợ Thành Công - Ảnh: Xuân Long. Theo một số tiểu thương chợ Thành Công, trong những ngày gần đây một số đơn vị đưa máy móc,...