Xây cầu nối 3 quốc lộ huyết mạch phía Đông TP HCM
Cầu An Hảo bắc qua nhánh sông Đồng Nai dự kiến dài gần 500 m, rộng 30,5 m với tổng kinh phí trên 700 tỷ đồng.
Một trong những thiết kế cầu An Hảo dự thi đạt giải cao do Sở Xây dựng Đồng Nai tổ chức.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa ký văn bản đồng ý chủ trương xây dựng tuyến đường nối quốc lộ 1A, 51 và 1K đi qua tỉnh Đồng Nai. Tuyến đường huyết mạch phía Đông TP HCM này cùng với cầu An Hảo được bổ sung vào dự án đầu tư xây dựng cầu Đồng Nai mới, theo hình thức BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao), do Tổng công ty xây dựng số 1 làm chủ đầu tư.
Điểm nhấn của các hạng mục bổ sung lần này là cầu An Hảo bắc qua nhánh sông Đồng Nai, kết nối Ngã ba Vũng Tàu qua Cù lao Phố để vào trung tâm TP Biên Hòa. Dự kiến cầu dài 492 m, rộng 30,5 m với tổng kinh phí xây dựng ước tính trên 700 tỷ đồng.
Theo Phó thủ tướng, các hạng mục bổ sung này được giao cho Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các bộ ngành, cơ quan liên quan để thống nhất phương án thiết kế, tài chính, điều chỉnh dự án theo đúng quy định của pháp luật, đồng thời chịu trách nhiệm toàn diện về hiệu quả đầu tư xây dựng.
Con đường nâng cấp nối quốc lộ 1A, 51 qua 1K và đoạn sông xây cầu An Hảo. Ảnh:Hoàng Trường
Ngoài ra, UBND tỉnh Đồng Nai sẽ chịu trách nhiệm bố trí ngân sách địa phương để đầu tư đường dẫn dài khoảng 2,4 km, đoạn từ cầu Bửu Hòa đi quốc lộ 1K, bảo đảm phù hợp với tiến độ xây dựng các hạng mục, phát huy tốt hiệu quả vốn đầu tư.
Video đang HOT
Dự án cầu Đồng Nai mới khởi công xây dựng năm 2008 và thông xe một năm sau đó. Năm 2014, Chính phủ chấp thuận bổ sung 2 hạng mục hầm chui Tam Hiệp và cầu vượt Amata. Hồi tháng 4, chủ đầu tư đưa vào thu phí cầu Đồng Nai trên quốc lộ 1 (TP Biên Hòa) để hoàn vốn cho toàn bộ dự án.
Hoàng Trường
Theo VNE
Tiết lộ bí ẩn đầu tượng Phật trên quả đại bác ở Dốc 47- Biên Hòa (1)
Ai đi qua dốc 47 đều đặt nghi vấn về hình ảnh đầu một tượng Phật được ngự trên hình một "quả đại bác". Nhiều bí ẩn xung quanh hình ảnh này sẽ được PV Người Đưa Tin lần lượt tìm ra lời giải đáp.
Đầu tượng trên "quả đại bác"
Đã gần nửa thế kỷ trôi qua, nhưng đến nay nhiều người dân ở xã Tam Phước, TP. Biên Hòa (Đồng Nai) vẫn không thể hiểu nổi về nguồn gốc của cái tên Dốc 47 cùng với những bí ẩn xung quanh đầu tượng Phật được cho là nằm trên một "quả đại bác" ở đỉnh dốc ấy.
Tượng Phật trên Dốc 47 nhìn từ quốc lộ 51 (ảnh: Hải Đăng)
Nhiều tài xế đi tuyến TP. HCM - Vũng Tàu và ngược lại, luôn xem Dốc 47 là một cột mốc giao thông quan trọng. Hầu như, khi nhắc tới bức tượng Phật nằm trên "quả đại bác" bất cứ tài xế nào khi đi qua khu vực trên cũng đều biết, nhưng khi hỏi về nguồn gốc lịch sử của địa danh này, người ta chỉ đưa ra những giả thuyết hay một câu chuyện huyền bí nào đó mà họ được nghe lại.
Để giải mã những bí ẩn trên, nhóm PV báo Người Đưa Tin đã tiến hành truy tìm nguồn gốc và gặp gỡ những nhân chứng hiếm hoi còn sót lại ở vùng đất này. Theo lời chỉ dẫn của người dân, chúng tôi chỉ có một lối đi duy nhất để lên được chỗ tượng Phật, là đi theo đường mòn ở hướng Bắc.
Gửi xe ở điểm đầu khúc cua Dốc 47, sau một hồi băng qua rừng cây rậm rạp, chúng tôi tới được đỉnh dốc nơi có bức tượng Phật bí ẩn mà người dân ở đây hay gọi là "tượng phật cô đơn". Theo quan sát của chúng tôi, bức tượng này có hình dáng không khác với những lời người dân mô tả trước đó.
Nó là hình ảnh đầu một tượng Phật được đặt trên một "quả đại bác" khổng lồ. Phần đầu tượng Phật được chạm khắc khá hoàn thiện, riêng phần bệ đỡ chỉ là một trụ cột bằng bê tông, cao khoảng 10m, xung quanh trụ có chia ra bốn cánh đều nhau. Các cánh này được xây bằng gạch, có hình dáng to dần khi lên gần đỉnh trụ.
Từ bên dưới quốc lộ 51, khi đi hướng từ Bà Rịa - Vũng Tàu về TP. Hồ Chí Minh, người đi đường hoàn toàn có thể nhìn được mặt trước của bức tượng. Còn khi đi hướng ngược lại, thì do có khúc cua và rừng cây che phủ nên không thể thấy được.
Theo thông tin nhanh của dân địa phương, trước đây, có một con đường mòn băng ngang qua đỉnh đồi, người ta hoàn toàn có thể chạy xe máy lên đến chỗ tượng Phật. Tuy nhiên, thời gian sau đó địa phương phải rào lại một lối đi ở hướng Tây để xây dựng trường học. Chỉ còn duy nhất một lối ở hướng Đông, nhưng sau này một công ty sản xuất giấy mọc lên, đã chắn luôn lối đi đó.
Truy tìm tung tích
Chụp ảnh và ghi nhận xong các thông số kỹ thuật về công trình kiến trúc này, chúng tôi bắt đầu di chuyển sang trụ sở UBND xã Tam Phước (cách Dốc 47 khoảng 1km). Tin tức từ ông Trần Thanh Bạch, Phó Chủ tịch xã Tam Phước cho hay, tuy Dốc 47 nằm trong vùng quản lý của xã, nhưng về nguồn gốc lịch sử của bức tượng Phật ở trên đó thì địa phương không có nắm rõ.
Tượng Phật có kết cấu như đặt trên "quả đại bác" (ảnh: Hải Đăng)
Thấy chúng tôi có nhã ý muốn tìm hiểu nguồn gốc lịch sử của địa phương, vị Phó Chủ tịch này liền vui vẻ, phân công cho một cán bộ chuyên trách, cùng đồng hành trong chuyến đi tìm nguồn gốc cái tên Dốc 47 và tượng Phật ngự trên đó.
Theo đó, người được phân công hỗ trợ cho chúng tôi, tên Đoàn Xuân Hải (một cán bộ mảng Tôn giáo-Dân tộc). Sau khi xem lại sồ sơ lưu trữ, anh Hải cho biết, sau năm 1975, chính quyền xã Tam Phước mới được thành lập. Những tài liệu liên quan cũng mới được thống kê từ sau năm 1975 và không có tài liệu nào ghi nhận sự hiện diện của bức tượng Phật trên Dốc 47.
Anh Hải cho rằng, có khả năng địa danh Dốc 47 cùng với tượng Phật đã có mặt từ trước năm 1975 hàng chục năm trước. Theo lời chỉ dẫn của các cán bộ xã Tam Phước, chúng tôi tìm gặp ông Tư Sên (81 tuổi, tên thật là Huỳnh Văn Sên), một người dân sống lâu năm ở gần Dốc 47.
Ông Sên kể lại: "Trước đây ở cái vùng đồi Dốc 47 này, là một khu vực rừng rậm, không có tên gọi gì cả. Mãi đến năm 1966, chính quyền Việt Nam cộng hòa mới cho xây dựng đường từ Sài Gòn ra Bà Rịa. Con đường này chia cắt ngọn đồi thành hai phần. Thời gian sau đó không lâu, lính cộng hòa đã cho lập hai đồn bốt ở hai bên đỉnh đồi".
"Ngày xưa, khi mới hoàn thành tuyến đường này được đặt tên là quốc lộ 15. Cái tên Dốc 47 cũng xuất hiện từ sau khi đội xây dựng hoàn tất việc đo đạc km quốc lộ. Theo đó, ngọn đồi nằm ngay trụ cây số Km 47, tính từ Chợ Lớn-Sài Gòn, nên người ta đặt cho ngọn đồi này là Dốc 47. Đến năm 1990, tuyến quốc lộ này mới được đổi tên thành quốc lộ 51" - ông Sên cho biết thêm.
Khi chúng tôi đề cập đến sự hình thành của tượng Phật trên Dốc 47, ông Sên kể: "Tôi nhớ là khoảng đầu năm 1974, có một vị có chức sắc (chế độ cũ-PV) cho người lên đỉnh cao nhất của Dốc 47 để xây dựng tượng Phật. Hàng ngày có khoảng mười mấy người thợ lên đó xây dựng. Hồi đó con đường đi lên Dốc tuy không lớn nhưng được cái là có lối mòn, đi thông thoáng chứ không có bít chịt như bây giờ".
"Người đứng ra xây dựng công trình đó thì tôi không biết mặt, nhưng nghe người ta nói, ông ấy là Tỉnh trưởng Biên Hòa. Còn việc chọn Dốc 47 để xây dựng thì tôi nghe mấy người làm ở đó nói nơi đây địa thế thuận lợi. Sau này cũng có người nói xây dựng để trấn an nhưng không biết đúng hay không" - ông Sên chia sẻ.
(Còn tiếp)
Hải Đăng - Hoàng Minh
Theo_Người Đưa Tin
Bơi ra sông gỡ lưỡi câu, bị đuối nước tử vong Chiều ngày 6.10, tại sông Đồng Nai đoạn gần cầu Hóa An thuộc P.Hòa Bình, TP.Biên Hòa (Đồng Nai) đã xảy ra một vụ đuối nước thương tâm, nạn nhân là anh Nguyễn Mạnh Cường (34 tuổi, ngụ Thái Bình). Theo thông tin ban đầu, vào khoảng 15 giờ ngày, anh Cường đang câu cá ở đoạn sông trên thì lưỡi câu bị...