Xây 6 thủy điện trên sông Hồng: Chắc chắn tác động đến môi trường
Đó là khẳng định của Vụ trưởng Vụ Giám sát và thẩm định đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về dự án xây dựng 6 thủy điện trên sông Hồng của doanh nghiệp Xuân Thiện (Thaigroup) của bầu Thụy
Dự án do Công ty TNHH Xuân Thiện, thành viên Tập đoàn ThaiGroup (trước là Tập đoàn Xuân Thành, do ông Nguyễn Đức Thụy làm Chủ tịch HĐQT). Dự án trị giá khoảng 24.500 tỷ đồng, lập tuyến giao thông từ Hà Nội lên phía bắc, xuôi xuống một số vùng biển, nạo vét 288 km đường sông và kết hợp làm thủy điện.
Dự án giao thông đường thuỷ xuyên Á nêu trên dự tính kết nối, nâng cấp hai tuyến vận tải thủy từ Hải Phòng – Việt Trì (Phú Thọ) với Hà Nội – Lạch Giang (Nam Định). Để đảm bảo mục tiêu giao thông quy mô lớn, chủ đầu tư đề xuất sẽ xây dựng 6 đập thuỷ điện và âu tàu để nâng mực nước cho tàu trọng tải lớn qua lại. Đây là các công trình thuỷ điện cấp II kiểu tuabin trục ngang cột nước thấp. Tổng công suất thiết kế khoảng 228 MW, cung cấp 912 triệu kWh một năm.
Đồng thời, Xuân Thiện sẽ xây dựng 7 cảng dọc tuyến: cảng Phố Mới, Apatit, Quý Xa (Lào Cai), cảng Văn Phú (Yên Bái), cảng Ngọc Tháp, Cổ Tiết (Phú Thọ), cảng phía Bắc (Hà Nội). Địa điểm xây dựng thuộc các tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai và Hà Nội.
Xuân Thiện cho rằng siêu dự án có sẽ mở ra một tuyến vận tải thuỷ thông suốt giữa miền núi và đồng bằng.
Trả lời về dự án này, ông Nguyễn Xuân Tự, Vụ trưởng Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết đây mới là dự án sơ khai ban đầu đề xuất và dừng ở mức báo cáo Thủ tướng cho phép chủ đầu tư tiếp tục nghiên cứu dự án.
Video đang HOT
“Muốn đầu tư dự án còn phải qua ít nhất hai bước nữa. Trước hết là các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đề xuất dự án. Sau khi phê duyệt đề xuất dự án xong, cơ quan nhà nước có thẩm quyền lập báo cá nghiên cứu khả thi và cơ quna nhà nước có thẩm quyền phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi. Khi đó nhà đầu tư mới được đầu tư. Với các nhà đầu tư, chúng ta khuyến khích các đề xuất sáng kiến của họ, nhưng không có nghĩa một khi đề xuất là anh được lựa chọn làm nhà đầu tư. Quá trình chọn nhà đầu tư phải qua quy định của Luật Đấu thầu, theo quy định của Nghị định 15 về PPP”, ông Tự cho hay.
Ông Tự khẳng định: “Chúng tôi nhận thấy dự án chắc chắn có tác động đến môi trường, nhưng ảnh hưởng như thế nào, trong quá trình thực hiện như nạo vét lòng sông, xây đập thủy điện, các âu tàu… thì phải có đánh giá tác động môi trường chi tiết và Bộ TN&MT phối hợp với các bộ, ngành có liên quan thẩm định báo cáo này”.
Theo ông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã bước đầu báo cáo Chính phủ. Dự án này kéo dài từ Lào Cai suốt dọc sông như vậy, ảnh hưởng khá nhiều đến Đồng bằng châu thổ sông Hồng. Và đặc biệt cần tính rất kỹ vấn đề thủy văn, thủy lợi, vấn đề xói lở hai bờ sông ra sao, xây dựng những đập dâng nước ở vị trí nào, địa chất ra sao, vấn đề mua bán điện thế nào… tất cả những vấn đề đó còn bỏ ngỏ.
“Tất cả những vấn đề như vậy hiện nay dự án mới đề xuất ý tưởng ban đầu. Những vấn đề môi trường mà nhà báo quan tâm là hoàn toàn chính đáng và chỉ có thể giải quyết được ở giai đoạn sau”, ông Tự nói.
Theo_NDH
6 thủy điện trên sông Hồng nằm ngoài quy hoạch!
Trong khi Bộ Xây dựng và một bố bộ ngành khác khẳng định, đề xuất xây dựng 6 nhà máy thủy điện quy mô nhỏ trên sông Hồng của Công ty TNHH Xuân Thiện, Ninh Bình chưa có trong quy hoạch. Một số chuyên gia hàng đầu về thủy lợi cũng lo ngại việc này sẽ gây ảnh hưởng lớn đến lưu vực sông này.
Bày tỏ quan điểm về chủ trương Dự giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng kết hợp thủy điện theo hình thức Hợp đồng BOO của Công ty TNHH Xuân Thiện, Bộ NN&PTNT cho rằng, phải làm rõ tác động của dự án đến ngập lụt thượng lưu, khả năng thoát lũ, bồi lắng trước công trình, xói sau công trình, an toàn hệ thống đê điều, tiêu thoát nước, lấy nước của hệ thống công trình thủy lợi hai bên bờ sông; tác động đến mất cân bằng bùn cát vùng hạ du do lượng bùn cát giữ lại khi có công trình; tác động đến mất đất nông nghiệp, đất rừng, di dân tái định cư khi xây dựng công trình. Ngoài ra, dự án còn phải phù hợp với quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông, quy hoạch phát triển điện lực.
Còn đại diện Bộ Xây dựng cho biết, các nhà máy thủy điện thuộc Dự án dự kiến đầu tư chưa có trong Quy hoạch phát triển diện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 được phê duyệt tại Quyết định số 1208/QĐ-TTg ngày 21/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ.
Thủy điện trên sông Hồng không có trong quy hoạch
Bên cạnh đó, việc xây đựng đập dâng nước và âu tàu kết họp nhà máy thủy điện có nhiều tác động đến môi trường, dòng chảy, hệ sinh thái bên bờ sông Hồng, ảnh hưởng trực tiếp đến thủy lợi, tiêu thoát lũ... Vì vậy, cần đề ra các phương án giải quyết những phát sinh thực tế, đảm bảo quyền lọi cho địa phương trong phạm vi dự án và quyền lợi của nhà đầu tư.
Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam đánh giá, phạm vi và quy mô dự án rất lớn và phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực và các địa phương. Tuy nhiên, do dự án chưa có trong các quy hoạch chuyên ngành liên quan như: điều chỉnh bổ sung quy hoạch giao thông vận tải đường thủy nội địa, quy hoạch thủy lợi, tiêu thoát lũ, sử dụng nguồn nước mặt sông Hồng, quy hoạch phòng chống lũ và đê điều, nhu cầu sử dụng đất và quy hoạch sử dụng đất, các dự án thủy điện chưa được phê duyệt quy hoạch bậc thang phát triến thủy điện trên sông Hồng.
Vì vậy, đề nghị chủ đầu tư cần hoàn thiện hồ sơ bổ sung, hiệu chỉnh quy hoạch ngành có liên quan và trình cấp có thẩm quyền xem xét khả năng bổ sung, điều chỉnh các quy hoạch chuyên ngành theo quy định.
Trong khi đó, các chuyên gia thủy lợi hàng đầu Việt Nam cũng cho rằng, cần thật cẩn trọng và không nên "động" vào sông Hồng.
Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, GS. TS Vũ Trọng Hồng bày tỏ, tôi cho rằng nếu động vào sông Hồng, nhiều vấn đề quan trọng chưa chắc các nhà khoa học đã tính được. Trước đây, để tính những diễn biến của dòng sông cổ này khi làm thủy điện Hòa Bình, người ta đã phải lập chương trình để chạy, xem thử việc làm thủy điện Hòa Bình thì dòng sông Hồng có bị thay đổi độ dốc không.
Đến khi có kết luận độ dốc không thay đổi mới làm nhưng bây giờ thì sông Hồng đã dốc rồi. Bộ NN&PTNT đã lên tiếng lòng sông tụt xuống 1m .
Như vậy, nếu chúng ta làm tiếp mấy cái đập nữa, lòng sông sẽ tụt xuống bao nhiêu? Khi lòng sông tụt xuống, hai bên bờ bị phá, cửa sông bị phá, nước biển xâm lấn vào thì xâm nhập mặn sẽ tác động tới cả vùng đồng bằng sông Hồng như Thái Bình, Nam Định, hậu quả là khôn lường.
"Tôi cho rằng đừng đặt câu hỏi về cái lợi hôm nay mà phải đặt những câu hỏi về cái mất để tính cho cả trăm năm sau.
Bài học đã có rồi, đó là khi Trung Quốc làm thủy điện ở thượng nguồn thì chúng ta đã khổ vì phụ thuộc nguồn nước rồi. Nếu bây giờ chính chúng ta lại làm thủy điện, chắc khó lường được các hậu quả xảy ra", GS Vũ Trọng Hồng cho biết.
Chủ tịch Hội đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam Phạm Hồng Giang cũng cho rằng, việc làm các đập thủy điện trên sông Hồng sẽ gây ngập lụt diện rộng, bài toán này cần được tính đến. Đặc biệt, nếu xây đến 6 nhà máy thủy điện thì lượng phù sa về đồng bằng sông Hồng sẽ cạn kiệt.
Theo_An ninh thủ đô
Nhiều dự án BT, BOT trong thẩm quyền Bộ Giao thông mắc lỗi Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, qua thanh tra đã phát hiện một số vi phạm, thiếu sót đặc biệt trong công tác quản lý các dự án BOT, BT. Bộ Giao thông vận tải chưa theo dõi, kiểm tra chặt chẽ việc sử dụng dự phòng phí của Nhà đầu tư (ảnh minh họa) Đơn cử, tại Dự...