Xây 4 thủy điện “siêu nhỏ”: Đề nghị phải hỏi ý kiến người dân!
Ngoài tiền trồng rừng thay thế, Sở NNPTNT tỉnh Quảng Nam còn đề xuất với UBND tỉnh buộc các doanh nghiệp xây dựng 4 thủy điện ở huyện Nam Trà My phải bồi thường tiền rừng.
Ảnh hưởng rừng tự nhiên
Ngày 13.7, Sở NNPTNT tỉnh Quảng Nam cho biết, 4 dự án thủy điện Trà Linh 1, Tăk Lê, Nước Lah và Trà Leng trên địa bàn huyện Nam Trà My ảnh hưởng tổng diện tích dự án ảnh hưởng là 144ha. Trong đó đất quy hoạch rừng phòng hộ 2,44ha; đất quy hoạch rừng sản xuất: 57,66ha; rừng gỗ tự nhiên 26,18ha; rừng hỗn giao tre nứa và cây gỗ nhỏ 6,28ha; rừng trồng 11,49ha; đất trống, nương rẫy của người dân sản xuất 16,15ha. Ngoài ra còn có 5,11ha rừng tự nhiên nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng. Trong 4 dự án thuỷ điện, có 1 dự án không ảnh hưởng đến rừng tự nhiên là Tăk Lê. 3 dự án còn lại là Trà Linh 1, Nước Lah và Trà Leng ảnh hưởng đến rừng tự nhiên, gồm tổng diện tích là 37,57ha.
Thủy điện Sông Tranh 2 (ở huyện Bắc Trà My giáp ranh với Nam Trà My) lúc tích nước đã nhấn chìm nhiều nhà dân, cây cối của người dân dọc lòng hồ. Ảnh: T.H
Theo ông Lê Minh Hưng – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Nam, đây là 4 dự án thủy điện ít ảnh hưởng đến rừng nhất nên mới để lại, các dự án ảnh hưởng rừng nhiều đã bị loại. “60ha rừng bị ảnh hưởng sẽ yêu cầu các doanh nghiệp phải trồng rừng thay thế với số tiền khoảng 6 tỷ đồng” – ông Hưng cho biết thêm.
Sở NNPTNT còn đề xuất với lãnh đạo tỉnh buộc các doanh nghiệp phải bồi thường tiền rừng theo quy định nhằm bổ sung công quỹ, ước tính mỗi hécta khoảng 1 tỷ đồng đối với rừng giàu. Nếu 4 thủy điện này được chấp thuận, các doanh nghiệp phải bỏ ra vài chục tỷ đồng bồi thường rừng. Việc làm này mới triển khai từ giữa năm 2017 nhằm mục đích tránh những dự án lớn lợi dụng đất rừng để đầu tư. Ông Hưng lý giải: “4 thủy điện này nếu triển khai ảnh hưởng đến rừng có hai loại, nếu thủy điện nào khoan ống dưới lòng đất thì không ảnh hưởng đến rừng, còn dự án nào bắt ống thủy lực trên mặt đất thì ảnh hưởng đến rừng. Nhưng diện tích 60ha nằm trong quy hoạch rừng đã bị thiệt hại bởi 4 dự án thủy điện trên”.
Tỉnh Quảng Nam có tổng cộng 47 dự án chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. Trong đó, chuyển mục đích cho các công trình thuỷ điện là 18 dự án; chuyển mục đích cho hoạt động khai thác khoáng sản là 4 dự án; chuyển mục đích cho hoạt động du lịch là 1 dự án; chuyển mục đích cho xây dựng khu công nghiệp là 1 dự án… Tổng diện tích rừng chuyển mục đích sử dụng sang mục đích khác là 1.837,79ha, trong đó rừng đặc dụng 86,39ha; rừng phòng hộ 903,91ha và rừng sản xuất 847,49ha.
Video đang HOT
Phải hỏi ý kiến dân!
Ông Lê Minh Hưng cho biết thêm: “Việc ảnh hưởng đến 60ha này là do các dự án thuỷ điện mới chỉ được xem xét ảnh hưởng đến tài nguyên rừng ở các lưu vực, chứ chưa có hồ sơ tuyến đường dây đấu nối nên chưa xác định được toàn bộ mức độ ảnh hưởng. Nếu xây dựng đường dây 110kV thì chắc chắn rừng còn mất”. Vị lãnh đạo Sở NNPTNT cho rằng, cả 4 thủy điện nên kéo chung một đường dây. Việc này, Sở đề nghị Sở Công Thương phải tổ chức họp với các sở, ban ngành liên quan để thẩm định rõ hơn về đường dây 110kV của 4 thủy điện ở Nam Trà My.
Còn ông Hồ Thanh Bá – nguyên Bí thư Huyện ủy Nam Trà My cho hay: “Theo tôi, khi triển khai xây dựng 4 thủy điện này cần phải tính toán cụ thể, rõ ràng, lợi hay hại và đặc biệt phải có lợi cho dân, cho huyện thì ai cũng đồng tình. Khi xây dựng phải đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu, nhất là giải tỏa đền bù, đất sản xuất của người dân, phát triển kinh tế phải kết hợp dân sinh, xã hội. Bây giờ, tôi cũng không dám nói đến việc không cho làm, nhưng khi làm phải đảm bảo về môi trường và an ninh trật tự. Tôi đề nghị phải tổ chức họp dân ở các vùng nơi có thủy điện để lấy ý kiến người dân”.
Trước đó, ông Huỳnh Khánh Toàn – Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Nam đã ký Tờ trình số 3363 gửi HĐND tỉnh Quảng Nam đề nghị bổ sung xây dựng 4 dự án thủy điện tại huyện nghèo Nam Trà My gồm: Trà Linh 1, Tăk Lê, Nước Lah, Trà Leng với tổng công suất 78,8 MW, tổng diện tích khoảng 144ha, trong đó đất lâm nghiệp 60,1ha, không ảnh hưởng đến đất lúa, đất sản xuất của người dân.
Theo Danviet
Lại xin đổi rừng lấy 4 thủy điện siêu nhỏ?
Những năm qua, hàng chục thủy điện ở Quảng Nam được xem là một trong những nguyên nhân chính gây nên sự xáo trộn đời sống của rất nhiều người dân. Vậy nhưng, tỉnh này vừa tiếp tục đề xuất cho xây dựng thêm 4 thủy điện. Nếu được làm, ngoài việc "nuốt" thêm rừng, các dự án này sẽ góp thêm mối nguy cho cuộc sống người dân vùng hạ lưu...
Quảng Nam được xem là "xứ sở" thủy điện ở miền Trung với hơn 30 dự án thủy điện được quy hoạch "phủ sóng" khắp 10 huyện miền núi của tỉnh với tổng công suất 1.580MW.
Rừng đổ xuống để xây dựng Thủy điện Sông Bung 4. Ảnh: N.C
Loại 2, xin thêm 4...
Việc xây dựng thủy điện là bổ sung thêm nguồn điện cho quốc gia, nhưng đi kèm với việc đó đã có hàng ngàn ha đất rừng, hàng ngàn ngôi nhà của người dân vùng bị ảnh hưởng phải di dời. Chưa dừng lại ở đó, hằng năm đến mùa mưa, lũ, người dân vùng hạ du phải gồng mình chống chịu với "lũ thủy điện" từ trên thượng nguồn ùn ùn đổ về gây ngập nhà cửa, cuốn trôi hoa màu của người dân. Thế nhưng số lượng thủy điện trên địa bàn tỉnh này vẫn chưa dừng lại.
Ông Huỳnh Khánh Toàn - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Nam vừa ký Tờ trình số 3363 gửi HĐND tỉnh Quảng Nam đề nghị bổ sung xây dựng 4 dự án thủy điện tại huyện nghèo Nam Trà My gồm: Trà Linh 1, Tăk Lê, Nước Lah, Trà Leng, với tổng công suất 78,8 MW, tổng diện tích đất khoảng 144ha, trong đó đất lâm nghiệp 60,1ha, không ảnh hưởng đến đất lúa, đất sản xuất của người dân.
Hoa màu của người dân hư hạ do thủy điện xả lũ. Ảnh: T.H
Theo tờ trình, hiện trên địa bàn tỉnh có 34 dự án thủy điện vừa và nhỏ với tổng công suất 425,9MW. Qua rà soát, UBND tỉnh Quảng Nam đã loại 2 dự án thủy điện nhỏ Hà Ra và Bông Miêu. Hiện đã có 32 dự án thủy điện vừa và nhỏ được quy hoạch, tổng công suất hơn 450MW, trong đó 11 công trình đã phát điện (công suất thiết kế 140 MW).
Cũng theo đề xuất của UBND tỉnh Quảng Nam, tiếp tục loại 2 thủy điện Nước Xa (tại xã Trà Mai, huyện Nam Trà My, công suất 1,2MW) và thủy điện Ag Rồng (xã A Tiêng, huyện Tây Giang, với công suất là 1MW). Đồng thời, UBNDtỉnh xin bổ sung vào quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh 4 dự án thủy điện nằm trên địa bàn huyện Nam Trà My là: Trà Linh 1 (công suất 26,2MW), Tăk Lê (11,6MW), Nước Lah (11MW) và Trà Leng (30MW), tổng công suất là 78,8MW.
Địa phương rất mừng (?)
Trao đổi với phóng viên Báo NTNN, ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch huyện miền núi Nam Trà My bày tỏ phấn khởi khi có 4 thủy điện sắp được xây dựng trên địa bàn. Ông Bửu cho biết: Việc tỉnh đề nghị HĐND tỉnh phê duyệt bổ sung vào quy hoạch thêm 4 thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn huyện là rất đúng như yêu cầu của huyện và người dân. Vì đây là thủy điện vừa và nhỏ, đảm bảo không chiếm đất rừng nhiều, không ảnh hưởng đến người dân (không có người dân nào bị giải tỏa di dời-PV), nước sử dụng chạy máy phát điện không nhiều và được chảy về hết Sông Tranh; nhà máy sử dụng công nghệ thế năng, năng lượng sạch nên rất có lợi.
"Việc xây dựng thủy điện này không những giúp người dân ở huyện có điện để dùng mà còn cung ứng điện cho lưới điện quốc gia, đóng góp phát triển kinh tế địa phương. Toàn huyện hiện chỉ có 30% số dân có điện để dùng, nếu 4 dự án thủy điện vừa và nhỏ này được xây dựng sẽ nâng số dân được sử dụng điện lên tới 70%. Tôi rất đồng tình việc bổ sung xây dựng 4 dự án thủy điện này tại địa bàn..." - ông Bửu nói.
Ông Nguyễn Hồng Quang - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: "Tổng vốn 4 thủy điện vừa và nhỏ Trà Linh 1, Tăk Lê, Nước Lah, Trà Leng tại huyện Nam Trà My do các doanh nghiệp đầu tư khoảng 2.700 tỷ đồng, bình quân 1MW khoảng 30 tỷ đồng".
Ông Huỳnh Khánh Toàn cho rằng: "Bổ sung 4 thủy điện tại Nam Trà My nhằm mục đích phát triển kinh tế, xã hội và cung cấp điện cho sản xuất, sinh hoạt của người dân địa bàn. Vì đây là thủy điện vừa và nhỏ, nên cũng ít ảnh hưởng đến môi trường, đất rừng tại Nam Trà My...".
Về tác động của các dự án thủy điện mà tỉnh xin bổ sung, bà Lê Thị Tuyết Hạnh - Phó Giám đốc Sở TNMT tỉnh Quảng Nam cho biết: "Tất cả các thủy điện lớn, nhỏ trên 2MW khi đánh giá tác động môi trường, chỉ có Bộ TNMT vào đánh giá thôi, Sở chỉ là thành viên tham gia những việc nhỏ. Còn số liệu diện tích đất, rừng bị mất do thủy điện xây dựng trên địa bàn tỉnh, nếu muốn con số cụ thể phải rà soát kiểm tra lại mới có được...".
Còn ông Vũ Văn Thẩm - Chủ tịch Hội ND tỉnh Quảng Nam cho biết: "Tôi cũng đã đi khảo sát cả 4 khu vực để xây dựng, thấy nếu làm cũng không có ảnh hưởng gì đến người dân khu vực. Nhưng dù có là thủy điện vừa hay nhỏ đi chăng nữa cũng cần phải xem xét và đánh giá tác động môi trường. Cứ nói không ảnh hưởng đến tác động môi trường thì cũng không đúng, tất cả đều có ảnh hưởng hết...".
Theo Danviet
Quảng Nam đề nghị xây thêm 4 nhà máy thủy điện 4 dự án thủy điện có công suất 78,8 MW, tổng diện tích khoảng 144 ha được đề xuất xây dựng ở huyện Nam Trà My. Ông Huỳnh Khánh Toàn, Phó chủ tịch UBND Quảng Nam vừa ký tờ trình gửi HĐND tỉnh, đề nghị bổ sung 4 dự án thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn Nam Trà My. Huyện Nam...