‘Xanh hóa’ doanh nghiệp từ áp lực của người tiêu dùng xanh
Tại Hội thảo “Nhận thức của người lao động về tiêu dùng xanh” được tổ chức vào ngày 28/9, Tiến sỹ Hoàng Hồng Hiệp, Quyền Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội vùng Trung Bộ, cho biết: Ở Việt Nam tiêu dùng xanh là một trong những nội dung quan trọng trong Chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2011 – 2020 và tầm nhìn đến 2050.
Vì vậy, tiêu dùng xanh ngày càng được quan tâm nhiều hơn cùng với các hoạt động liên quan đến quá trình sản xuất và tiêu dùng bền vững đối với môi trường.
Người tiêu dùng Thành phố Hồ Chí Minh tham gia hoạt động shopping Marathon – Gia đình Xanh, trong khuôn khổ Lễ phát động Chiến dịch tiêu dùng Xanh năm 2022. Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN
Những trở ngại đối với tiêu dùng xanh
Tiêu dùng xanh là hoạt động mua và sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, không gây hại cho sức khỏe con người và không đe dọa đến hệ sinh thái tự nhiên.
Sản phẩm xanh là các sản phẩm ở những ngành hàng như gia dụng, thực phẩm, mỹ phẩm… được sản xuất từ các nguyên liệu thiên nhiên, hữu cơ hoặc thành phần đơn giản, ít gây hại đến môi trường và sức khỏe con người.
“Doanh nghiệp xanh” là cơ sở làm ra sản phẩm xanh với quy trình sản xuất thân thiện với môi trường, không chứa hóa chất độc hại, tiết kiệm năng lượng.
Còn người tiêu dùng xanh là đối tượng tiêu thụ các sản phẩm xanh.
Được gọi người tiêu dùng xanh là tất cả những ai quan tâm đến môi trường và chỉ mua những sản phẩm thân thiện với môi trường hay thân thiện với tự nhiên, mua sản phẩm có ít hoặc không có bao bì, sản phẩm tạo ra từ những thành phần tự nhiên và quy trình làm ra sản phẩm ít gây ô nhiễm môi trường.
Cụ thể, người tiêu dùng xanh là những người lái loại xe sử dụng ít nhiên liệu và thải ít khói thải ra môi trường hơn; không mua những sản phẩm được tạo ra từ da, lông, thú, thậm chí từ thịt của động vật hoang dã; ủng hộ việc tái chế, tái sử dụng, tái sinh chất thải hoặc mua những sản phẩm sản xuất từ vật liệu được tái chế an toàn.
Sự chọn lựa chính trị của người tiêu dùng xanh là ủng hộ những quy định bảo vệ môi trường của chính quyền.
Hiện tại ở Việt Nam xu hướng tiêu dùng xanh còn gặp nhiều thách thức, trở ngại, nhất là từ phía các doanh nghiệp. Đầu tiên, ý thức trách nhiệm đối với vấn đề bảo vệ môi trường từ phía doanh nghiệp còn hạn chế.
Theo khảo sát của Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh, 70% doanh nghiệp không nghe đến chứng nhận Nhãn xanh Việt Nam; hơn 50% doanh nghiệp không quan tâm đến biến đổi khí hậu; 60% doanh nghiệp không sẵn lòng đầu tư cho sản phẩm xanh…
Nhãn Xanh Việt Nam là tên gọi của chương trình nhãn sinh thái tại Việt Nam được triển khai thực hiện từ năm 2009, với mục tiêu liên tục cải thiện và duy trì chất lượng môi trường sống thông qua việc giảm thiểu sử dụng và tiêu dùng năng lượng, vật liệu cũng như các loại chất thải sinh ra do quá trình sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng các sản phẩm, dịch vụ phục vụ đời sống.
Nhà nước ta đưa ra chính sách phát triển sạch hướng tới sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm thân thiện với môi trường, mặt khác đóng vai trò người tiêu dùng lớn có tác động đến thị hiếu mua sắm và tiêu dùng sản phẩm, kích cầu các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Video đang HOT
Theo quy định, các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm thân thiện với môi trường có gắn Nhãn Xanh Việt Nam sẽ được hưởng những ưu đãi, hỗ trợ về đất đai, vốn; miễn, giảm thuế, phí về bảo vệ môi trường.
Hiện tại, nhiều doanh nghiệp chưa giải quyết thỏa đáng mâu thuẫn giữa mục tiêu lợi nhuận và tăng trưởng xanh, đặc biệt là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa đều thiếu vốn cho đầu tư phát triển sản phẩm xanh.
Bên cạnh đó, mặc dù công nghệ xanh rất phát triển trên thế giới song không dễ được đưa vào áp dụng ở Việt Nam. Doanh nghiệp có thể được chuyển giao công nghệ tiên tiến, hiện đại, nhưng yếu tố con người, trình độ năng lực còn chưa theo kịp.
Việc đầu tư, chi phí ban đầu lớn tác động rất nhiều đến việc tiếp cận công nghệ xanh.
Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, chi phí tài nguyên và mức phát thải trung bình của các doanh nghiệp Việt Nam nhìn chung cao hơn so với mức trung bình của khu vực và thế giới.
Mức sử dụng nước ở nhiều ngành công nghiệp là rất cao và lãng phí. Chẳng hạn, để sản xuất một đơn vị sản phẩm giấy thì ở Việt Nam cần trên 500 m3 nước, gấp 5 lần so với chỉ tiêu của thế giới (xấp xỉ 100 m3/tấn). Nước thải của ngành chế biến thực phẩm cao gấp 3, 4 lần so với thế giới. Chi phí năng lượng trong các ngành công nghiệp cũng tương đối cao: ngành giấy tiêu hao 1.200 kWh và 1.500 kg than/tấn giấy tẩy trắng; ngành thép cần 700.000 kWh/tấn thép thỏi và 25 kWh/tấn gang tinh luyện.
Túi nylon là một trong những loại gây hại nghiêm trọng đến môi trường. Vì tiện lợi và giá thành rẻ, túi nylon được sử dụng trong hầu hết các hoạt động mua bán, đóng gói. Các siêu thị lớn như BigC tiêu thụ 10 tấn/tháng, tại chợ Đồng Xuân (Hả Nội) mỗi hộ kinh doanh sử dụng 200 – 300 túi/ngày.
Trong số các loại bao bì đang được sử dụng ở Việt Nam thì loại túi nylon siêu mỏng có số lượng lưu thông nhiều hơn cả, song lại không có giá trị thu gom, tái chế nên loại túi nylon này đang tràn ngập ở khắp các bãi rác và hầu như không hề phân hủy. Ước tính, mỗi hộ dân ở thành thị đang thải ra khoảng 2-5 túi nylon mỗi ngày, bởi vậy nước ta đang thải ra môi trường 20 – 60 tấn nhựa/ngày chỉ tính riêng cho túi nylon.
Mặc dù tiêu dùng xanh mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng và môi trường sống. Song để các sản phẩm xanh có thể thay thế hoàn toàn các sản phẩm tiêu dùng thông thường gây ô nhiễm thì còn rất nhiều khó khăn. Chúng ta phải là người tiêu dùng xanh và dùng áp lực của mình để buộc các doanh nghiệp “xanh hóa”. Nếu đại đa số người tiêu dùng chọn lựa không mua các sản phẩm làm nguy hại đến môi trường thì nhà sản xuất phải cố gắng để tạo ra những sản phẩm thân thiện với môi trường.
Tạo áp lực đối với các doanh nghiệp
Tại Việt Nam, tiêu dùng xanh đang dần dần trở thành một xu thế mới và nhận thức của người tiêu dùng về tiêu dùng xanh, sản phẩm xanh cũng đã được nâng cao nhờ nền kinh tế ngày càng phát triển và mức sống người dân ngày càng được cải thiện.
Kết quả khảo sát của Nielsen Việt Nam cho thấy, 80% người tiêu dùng nước ta sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm có cam kết xanh và sạch, sản xuất từ những nguyên liệu thân thiện với môi trường. Cụ thể, có tới 80% người tiêu dùng lo ngại về tác hại lâu dài của các nguyên liệu nhân tạo và 79% sẵn sàng trả thêm tiền để mua các sản phẩm không chứa các nguyên liệu không mong muốn. Nielsen Holdings PLC là công ty nghiên cứu thị trường và quảng bá toàn cầu (trụ sở chính đặt tại Mỹ và Hà Lan). Nielsen đang hoạt động ở trên 100 quốc gia.
Trong việc tiêu dùng sản phẩm xanh, đặc biệt tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, nhu cầu đối với thực phẩm VietGap tại các chuỗi siêu thị và các cửa hàng tiện dụng được ước tính vượt quá mức cung. VietGAP là các quy định về thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản ở Việt Nam, bao gồm những nguyên tắc, trình tự, thủ tục hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sản xuất, thu hoạch, sơ chế đảm bảo sản phẩm an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo phúc lợi xã hội, sức khỏe người sản xuất và người sử dụng.
Trước nhu cầu của người tiêu dùng, các công ty bán lẻ lớn cũng đã có các bước thúc đẩy tính bền vững và phát triển thương hiệu của họ xoay quanh các sản ph ẩm thực phẩm có chất lượng cao, an toàn và bền vững.
Trong những năm gần đây, mức độ phổ biến của các loại thực phẩm hữu cơ cũng đã tăng lên do cộng đồng ngày càng quan tâm nhiều tới vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm. Thực phẩm hữu cơ là những loại thực phẩm được sản xuất bằng phương thức canh tác hữu cơ.
Phương thức canh tác này yêu cầu không sử dụng phân bón hóa học, các hóa chất bảo vệ thực vật độc hại, các chất kích thích tăng trưởng. Bên cạnh các loại thực phẩm hữu cơ đã được sản xuất trong nước như các loại rau, gạo và trứng, nhiều loại thực phẩm khác dán nhãn “hữu cơ” như sữa, thịt và hoa quả được nhập khẩu từ nước ngoài.
Đối với các thiết bị điện như tivi, tủ lạnh, máy tính xách tay, điều hòa nhiệt độ, bóng điện… hiện tại có 5 tiêu chí để khách hàng chọn lựa – so sánh giá; dịch vụ; thương hiệu; chương trình khuyến mại; công nghệ (có tiết kiệm điện hay không). Khá nhiều khách hàng quan tâm tới công nghệ tiết kiệm điện của một số thiết bị, đặc biệt là các thiết bị tiêu tốn nhiều điện như điều hòa, tủ lạnh, đèn chiếu sáng. Vì vậy, để duy trì vị trí dẫn đầu hoặc thị phần của mình, các trung tâm điện máy buộc phải quan tâm đến sản phẩm tiết kiệm điện.
Để có lợi thế cạnh tranh trên thị trường, xu hướng “xanh hóa” trong xây dựng thương hiệu ngày càng phổ biến, nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực đầu tư sản xuất nhằm cho ra đời những sản phẩm có yếu tố xanh và sạch, xây dựng thương hiệu xanh gắn với phát triển bền vững. Theo kết quả nghiên cứu của Nielsen Việt Nam, các thương hiệu có cam kết xanh và sạch đều có mức tăng trưởng khá cao, khoảng 4%/năm.
Xu hướng tiêu dùng xanh cũng kéo theo sự phát triển của các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch như Sói Biển, Bác Tôm, Home Food, Hano Farm… nhằm đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm sạch, rõ nguồn gốc của người dân. Nhiều cửa hàng trà sữa, cà phê chuyển sang kinh doanh theo xu hướng xanh bằng cách sử dụng ống hút tre hoặc inox thay cho ống hút nhựa; hạn chế sử dụng các loại nước đóng chai có bao bì khó phân hủy; chỉ sử dụng túi giấy thay vì sử dụng túi nylon… Nhiều siêu thị lớn trên cả nước như Co.opmart, Lotte mart thời gian qua cũng có những động thái giảm thiểu việc sử dụng túi nylon, rác thải nhựa bằng cách sử dụng lá chuối gói rau củ, thực phẩm thay túi nylon; sử dụng, phân phối các sản phẩm bao bì thân thiện với môi trường.
Để tồn tại trong bối cảnh mới, các doanh nghiệp buộc phải chấp hành tốt các quy định về bảo vệ môi trường; chủ động cải tiến quy trình sản xuất, đổi mới công nghệ, phát triển nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, công nghệ sản xuất nhằm tiết kiệm tài nguyên, tiêu hao ít năng lượng; ưu tiên sử dụng nguyên vật liệu đầu vào thân thiện với môi trường. Đặc biệt, các doanh nghiệp luôn phải đặt vấn đề sức khỏe người tiêu dùng là trọng tâm của việc phát triển sản phẩm và có một chiến lược phát triển sản phẩm gắn liền với cam kết bền vững.
Ở chiều ngược lại, theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Tiến Dũng (Trường Đại học Thương mại), những nỗ lực bảo vệ môi trường từ phía doanh nghiệp cũng có tác động tích cực đến xu hướng tiêu dùng xanh của người dân.
Nhằm thúc đẩy việc bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng, các doanh nghiệp cần tạo ra ý định tiêu dùng xanh từ phía người tiêu dùng Việt Nam – tăng cường các biện pháp xúc tiến thương mại (quảng cáo, tuyên truyền) để người tiêu dùng quan tâm hơn về tiêu dùng xanh. Doanh nghiệp phải thông tin chi tiết để người tiêu dùng nhận biết được những lợi ích thiết thực mà sản phẩm có thể mang lại cho cộng đồng, cho môi trường sống.
Bên cạnh đó, tính sẵn có của sản phẩm phải được quan tâm. Doanh nghiệp cần chú trọng đến hoạt động phân phối làm sao để sản phẩm luôn gần gũi, dễ tiếp cận đối với người tiêu dùng cả ở thành thị lẫn nông thôn.
Nông nghiệp xanh - Bài cuối: Phá vỡ các rào cản
Xu hướng phát triển nông nghiệp xanh, thân thiện môi trường đang là hướng đi được nhiều nước trên thế giới lựa chọn.
Thu hoạch rau tại trang trại của gia đình nông dân Nguyễn Văn Công ở xã Đa Quyn, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh (tư liệu): Vũ Sinh/TTXVN
Tại Việt Nam, nhiều địa phương, nhiều mô hình cũng đã và đang trong quá trình chuyển đổi phát triển nông nghiệp xanh, sinh thái theo xu hướng thị trường thế giới cũng như giúp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Chia sẻ về những định hướng cũng như các giải pháp phát triển nông nghiệp xanh, phát thải cac-bon thấp, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với GS. TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng danh dự trường Đại học Nam Cần Thơ.
Ông đánh giá như thế nào về triển vọng và thách thức đối với phát triển nông nghiệp xanh ở Việt Nam hiện nay?
Nông nghiệp xanh có thể hiểu đơn giản là nền nông nghiệp phù hợp với môi trường sinh thái, không phát thải khí nhà kính. Việt Nam hướng tới nền nông nghiệp xanh là cần thực hành nông nghiệp để không phát thải khí nhà kính, không gây ra tác động biến đổi khí hậu.
Sản xuất nông nghiệp cần phải hướng đến chất lượng để giữ môi trường bền vững, chứ không phải mong muốn năng suất phải rất cao như trước đây. Hiệu quả kinh tế mang lại khi áp dụng quy trình "3 giảm 3 tăng", "1 phải 5 giảm" đã rõ, giá thành lúa giảm mà gạo đạt chất lượng gạo sạch, an toàn. Việc áp dụng đồng bộ các quy trình ngoài hiệu quả kinh tế mang lại, còn giúp giảm thiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Hiện phần lớn nông dân không làm nông nghiệp xanh vì đang sử dụng quá nhiều hóa chất, nhất là phân bón hóa học. Khi nông dân lạm dụng phân bón hóa học sẽ gây ra các phản ứng trong đất, biến phân bón hóa học thành các khí nhà kính, gây nên biến đổi khí hậu.
Chẳng hạn, nông dân trồng lúa, hoa màu... bón nhiều phân urê thì sẽ tạo ra nhiều khí NO2. Đây là khí độc, làm cho khí quyển ấm lên, gây biến đổi khí hậu.
Trước tình trạng biến đổi khí hậu, nông dân khắp nơi trên thế giới đang tiến tới áp dụng sản xuất nông nghiệp xanh, sử dụng phân bón vi sinh, hữu cơ thay cho phân hóa học. Việc này sẽ giúp phục hồi tình trạng nguyên thủy của đất với nhiều vi sinh vật, có thể biến khoáng chất trong đất thành chất bổ dưỡng tự nhiên cho cây trồng. Từ đó, sản phẩm của nông dân sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm, đồng thời giúp cho khí hậu không bị biến đổi.
Khi chuyển từ nền sản xuất nông nghiệp đang thâm dụng tài nguyên, lạm dụng hóa chất, sang nền nông nghiệp xanh, thân thiện môi trường vẫn khoảng cách khá xa và còn nhiều rào cản. Theo ông, rào cản lớn nhất là gì?
Rào cản lớn nhất chính là kiến thức khoa học của nông dân. Khi nông dân không nắm được kiến thức thì sẽ rất dễ lạm dụng các hóa chất. Do đó, nông dân cần ý thức được việc sử dụng hóa chất để tăng năng suất, sản lượng cây trồng trong giai đoạn đầu sẽ cho kết quả cao, nhưng càng sau này kết quả sẽ không như mong đợi, thậm chí gây tác hại lên cây trồng, môi trường đất, nước.
Vấn đề quan trọng là cần nâng cao kiến thức cho người nông dân - người đầu tiên tác động vào sản xuất nông nghiệp.
Hiện nông dân đã bắt đầu nhận thấy rằng nguyên liệu của họ được chế biến, xuất khẩu sang các thị trường, chẳng hạn như sang EU và bị trả về do vi phạm về các chất cấm, chất lượng không đảm bảo... Chính đây là điều nông dân cần nhận thấy để thay đổi trong sản xuất.
Bởi, nếu cứ tiếp tục sản xuất theo kiểu cũ thì sản phẩm của họ sẽ không được tiêu thụ.
Mặt khác, tôi cho rằng Nhà nước cần tích cực tuyên truyền để nông dân hướng đến sản xuất nông nghiệp xanh, sạch. Thị trường tiêu thụ cũng cần hướng đến như các nước tiên tiến áp dụng là sản phẩm còn vi phạm về chất lượng thì sẽ không được tiêu thụ.
Theo ông, Nhà nước cần có cơ chế chính sách gì để tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người nông dân hướng đến phát triển nền nông nghiệp xanh?
Cần đưa nông dân vào các hợp tác xã, tổ đoàn kết sản xuất... để cùng sản xuất theo quy trình nông nghiệp sạch. Khi nông dân cùng tham gia sản xuất với quy trình chuẩn thì sản phẩm của họ sẽ được tiêu thụ bởi các tập đoàn, doanh nghiệp lớn với giá cao hơn. Từ đó, nông dân sẽ thấy rằng, làm theo nông nghiệp sạch, nông nghiệp xanh sẽ không bị thua lỗ nhờ giá sản phẩm cao hơn.
Khi liên kết sản xuất, nông dân sẽ được áp dụng những khoa học kỹ thuật mới. Sản xuất nông nghiệp không phát thải, nông dân cũng có thể được thụ hưởng từ việc bán tín chỉ cac-bon. Việc bán tín chỉ cac-bon cũng thu được khoản tài chính cho nông dân nhưng cái được lớn hơn là giúp cho không khí, môi trường nước sạch, phù hợp với sinh thái tự nhiên.
Hiện nhiều doanh nghiệp liên kết với hợp tác xã, nông dân sản xuất nông nghiệp sạch. Nông dân được hướng dẫn sản xuất ngay từ ban đầu với các quy trình kỹ thuật. Doanh nghiệp cũng thu mua nguyên liệu cho nông dân. Nông dân sản xuất sạch thì sản phẩm cũng được xuất khẩu tốt.
Chẳng hạn như những mô hình sản xuất nông nghiệp sạch của Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An. Nông dân liên kết với doanh nghiệp, sản phẩm được đảm bảo về chất lượng theo yêu cầu thị trường thì nông dân cũng hưởng lợi từ thành quả đó. Đây là những mô hình cần được đẩy mạnh, nhân rộng.
Những doanh nghiệp làm được nông nghiệp sạch cần được tuyên truyền, khuyến kích, động viên để doanh nghiệp dẫn dắt nông dân tham gia thị trường nông nghiệp xanh.
Vai trò của doanh nghiệp là chủ đạo. Nhà nước cần có những cơ chế chính sách khuyến kích, thu hút doanh nghiệp đi đầu trong xây dựng nền nông nghiệp xanh để họ mở thị trường. Mở được thị trường, doanh nghiệp sẽ quay trở về vùng nguyên liệu để áp dụng những tiến bộ kỹ thuật để sản xuất nông nghiệp sạch. Từ thị trường, doanh nghiệp sẽ "điều khiển" nông dân sản xuất xanh, sạch.
Cùng với đó, Nhà nước cũng phải có các quy định khắt khe trong việc sử dụng các hóa chất độc hại. Việc buôn bán, sử dụng hóa chất cấm độc hại phải được kiểm tra, kiểm soát và xử phạt thật nặng nếu các cơ quan chức năng phát hiện.
Xin cảm ơn ông!
Nông nghiệp xanh - Bài 3: Giải pháp canh tác hữu cơ Khi hóa chất nông nghiệp đang gây quan ngại ngày càng lớn về tác động đến môi trường và sức khỏe cộng đồng, nhiều quốc gia đang thúc đẩy canh tác hữu cơ như một giải pháp xanh và bền vững. Sản xuất rau thủy canh ăn lá tại hợp tác xã Nông sản hữu cơ Kiên Giang, phường An Bình, thành phố...