Xăng tăng kỷ lục, cước vận tải rục rịch phá… kỷ lục
Liên quan tới việc xăng tăng giá, các công ty taxi đang lên kế hoạch điều chỉnh giá cước theo giá xăng. Theo nhận định, giá taxi có thể nhích thêm từ 3 tới 5%, tương đương giá tăng khoảng 600 đồng tới 1000 đồng/cây số.
Taxi: Tăng ngay trong tuần tới
Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội vận tải cho hay xăng tăng chủ yếu tới taxi. Ông Hùng nói xăng tăng 6% , điều đó làm cho chi phí vận tải đội lên.
Theo ông Hùng thì việc tăng bao nhiêu thì tùy điều kiện của địa phương, của doanh nghiệp, nhưng các doanh nghiệp cố gắng tính toán cho cẩn thận vì tăng giá là con dao hai lưỡi. Nếu tăng không thỏa đáng, chộp giật thì sẽ làm mất thị phần vận tải.
Dự kiến giá Taxi sẽ tăng từ 600 đồng tới 1000 đồng/cây số ngay trong tuần sau
“Theo tính toán của tôi, nếu giá tăng 6% thì chi phí đầu vào sẽ tăng 3 tới 4% thôi. Ngoài ra, việc tăng giá còn phải điều chỉnh lại bảng giá cước nữa.Các dịch vụ ăn theo ngành vận tải như phụ tùng vận tải sẽ tăng và còn nhiều ngành nghề khác sẽ tăng nên tôi khuyến cáo anh em cố gắng tăng không quá mức 5% thôi là hợp lý”, ông Hùng nói.
Còn vận tải hàng hóa và hành khách, ông Hùng nhận định các phương tiện này dùng dầu diesel là chính, nhưng dầu diesel tăng không nhiều chỉ mức 300 đồng thì đúng chưa tác động lớn tới chi phí ngành vận tải. Mặt khác, theo giải thích của ông Hùng vận tải hành khách và hàng hóa hiện nay đang ế, cung đang vượt cầu hàng hóa ít.
“Bởi vậy, ngành vận tải hàng hóa và hành khách cũng đang lấn cấn lắm nhưng tôi chắc là muốn tăng nhưng không dám tăng.Theo tôi giá dầu có tăng nhưng chưa đến ngưỡng để vận tải hành khách và hàng hóa điều chỉnh. Vì dầu tăng chút ít nhưng muốn tăng giá thì phải tiến hành thủ tục đổi giá vé. Việc này có khi còn tốn kém hơn”, ông Hùng nhận định.
Còn ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội, nói với PV Dân trí rằng giá cước taxi sẽ được điều chỉnh ngay trong tuần tới này với tăng từ 600 đồng tới 1000 đồng/km. Việc tăng giá xăng này dự kiến mỗi xe taxi sẽ bị thiệt hại vào khoảng 500 nghìn đồng tới 1 triệu do phải mất từ một buổi cài lại bảng cước.
Tuy nhiên theo ông Bình, việc không tăng giá là không thể tránh khỏi bởi giá xăng tăng sẽ khiến mỗi lái xe mất thêm từ 900 nghìn đồng đến 1,5 triệu đồng tiền xăng/tháng. Đây là khoản tiền lớn so với thu nhập của tài xế nên muốn bù đắp thì không thể không tăng giá.
“Xem lại Quỹ bình ổn”
Video đang HOT
Bộ Tài chính đã nêu ra 3 lý do để tăng giá xăng dầu. Thứ nhất, giá xăng dầu hiện có giảm nhưng vẫn ở mức cao. Thứ hai, do Quỹ bình ổn giá đã hết. Thứ ba, giá trong nước hiện đang thấp hơn giá của các nước có chung biên giới với VN từ 2.000 – 5.000đ/lít, dẫn đến tình trạng buôn lậu rất phức tạp.
Về giải thích xăng tăng vì giá bán đang cao hơn giá cơ sở và quỹ bình ổn giá đã hết nên phải tăng giá xăng, theo ông Hùng không thuyết phục.
“Quan điểm tôi là giá cơ sở, trong khi giá thế giới liên tục giảm, giảm tới 130 ngày thì người dân đang hy vọng giá bán lẻ sẽ giảm nhưng lại ngược lại, tăng đột ngột. Tôi nghĩ rằng, liên bộ cũng buông lỏng trong việc tính giá cơ sở. Giá cơ sở có nhiều ẩn số cần phải làm rõ, như hao hụt xăng dầu như thế nào, và chi phí vận chuyển từ Singapore về VN như thế nào còn là ẩn số, cho nên cần phải xem lại’, Chủ tịch Hiệp hội vận tải đặt vấn đề.
Bên cạnh đó, ông Hùng cũng đặt câu hỏi Quỹ bình ổn giá là do dân góp nhưng lại giao cho doanh nghiệp. Việc này sẽ dẫn tới những nghi vấn sử dụng quỹ bình ổn giá của doanh nghiệp xăng dầu như thế nào.
Trong phiên họp báo Chính phủ, trước những nghi ngại về Quỹ bình ổn giá xăng dâu, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết, trong quá trình điều hành giá, liên Bộ luôn cố gắng đảm bảo tính công khai minh bạch. Bà Mai cũng thông tin thêm, thời gian tới, dự kiến sẽ công bố về tình trạng Quỹ bình ổn một cách công khai để cơ quan báo chí và nhân dân giám sát và đóng góp ý kiến.
TP.HCM: Tăng cũng khóc, không tăng cũng mếu
Sáng 30/3, hãng taxi Vinasun đã chính thức có thông báo sẽ không tăng giá cước taxi sau đợt tăng giá xăng sốc vừa qua. Ông Tạ Long Hỷ, Giám đốc Taxi Vinasun cho biết: “Đây là 1 quyết định khó khăn của chúng tôi sau nhiều lần cân nhắc, bàn bạc. Bởi nếu chúng tôi tăng cước sẽ làm đội giá nhiều dịch vụ khác, đẩy gánh nặng cho người dân và xã hội”.
Với tư cách là Chủ tịch Hiệp hội Taxi TPHCM, ông Tạ Long Hỷ rất bức xúc về quyết định tăng giá xăng đang khiến gánh nặng chi phí hoạt động của các doanh nghiệp taxi tăng thêm nặng nề. Ông cho biết: “Tuần trước báo chí liên tục đưa tin giá xăng dầu thế giới giảm, doanh nghiệp cũng đang trông chờ giá trong nước giảm. Ai ngờ đùng cái lại tăng, mà lại tăng quá cao”.
Ông Võ Thanh Tùng, đại diện hãng Happy Taxi cũng than phiền về việc xăng tăng giá bất ngờ và mức tăng quá cao ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp kinh doanh vận tải vì giá xăng chiếm đến 35% chi phí giá cước. Tuy nhiên, trước quyết định không tăng giá của các hãng lớn, Happy Taxi cũng cố cầm cự theo.
Đại diện hãng Taxi Mai Linh cũng cho biết công ty rất khó khăn trước tình cảnh chi phí hoạt động đội lên cao vì giá xăng, nhưng tới thời điểm này thì hãng vẫn đang cố gắng kìm giá.
Dù nhiều hãng taxi khác chưa có thông báo chính thức sẽ điều chỉnh giá hay không, nhưng có lẽ với quyết định không tăng giá của Vinasun, các hãng khác cũng sẽ “án binh bất động”. Bởi thị trường taxi TPHCM đang có sự canh tranh rất quyết liệt.
Còn với ngành vận tải hàng hóa thì đặc trưng là hợp đồng vận tải đàm phán theo kỳ, theo tháng nên các doanh nghiệp cũng đang ráo riết đàm phát lại giá hợp đồng với khách hàng. Tuy nhiên, đến nay thì vẫn chưa có doanh nghiệp nào chính thức công bố sẽ tăng giá cước vận tải.
Ông Tạ Long Hỷ cho biết: “Đáng lý ra tới thời điểm này doanh nghiệp taxi phải tăng giá cước thêm 1.000 đồng/km mới cân bằng được mức lãi như cuối năm ngoái. Bởi đầu năm nay đã bắt đầu thu phí bảo trì đường bộ trên đầu phương tiện rất cao lương tối thiểu tăng cũng khiến chi phí nhân công, bảo hiểm tăng nhiều nay xăng lại tăng giá như thế này khiến giá thành mỗi km cước tăng cao so với thời điểm cuối năm ngoái”.
Tuy nhiên, dù muốn hay không thì các doanh nghiệp cũng ngần ngại trước quyết định tăng giá cước. Ngoài việc chia sẻ với khách hàng, một nguyên nhân lớn khác khiến các doanh nghiệp taxi quyết định không tăng giá là tình hình kinh doanh taxi trên địa bàn TPHCM hiện đang khó khăn.
Theo số liệu của Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TPHCM thì sản lượng vận chuyển năm 2012 của taxi TPHCM chỉ bằng 94% so với năm 2011. Do đó, nếu tăng thêm giá cước vào lúc này, các doanh nghiệp đều lo ngại sẽ “ế khách”.
Theo ông Thái Văn Chung, Tổng Thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM thì nhiên liệu chiếm đến 45%-50% chi phí hoạt động của các doanh nghiệp vận tải hàng hóa. Do đó, đợt tăng giá này tác động khá lớn đến các doanh nghiệp.
Theo Dantri
Xăng tăng giá kỷ lục: "Chính phủ không vì lợi ích cục bộ của doanh nghiệp!"
Người phát ngôn Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, việc điều hành giá xăng dầu là vì lợi ích chung của toàn xã hội, của nền kinh tế. Quyết định tăng giá vào ngày 28/3 đã được tính toán kỹ lưỡng về sức tác động.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam (ảnh: BD).
Thẩm lậu xăng dầu qua biên giới không phải nguyên nhân tăng giá!
Phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3 diễn ra chiều nay trở nên "nóng" hơn với đông đảo sự tham dự của báo giới, dồn dập các câu hỏi liên quan đến vấn đề quyết định tăng giá xăng dầu đột ngột ngày 28/03.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, việc chênh lệch mặt bằng giá trong nước so với các nước có cùng chung biên giới, gây thẩm lậu không phải là lý do chính dẫn đến quyết định tăng giá xăng dầu.
Người phát ngôn Chính phủ cho hay, việc tăng giá lần này chủ yếu là do giá xăng dầu đang bán trên thị trường thấp hơn giá cơ sở. Trong khi đó, Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã được sử dụng hết, không còn công cụ nào hỗ trợ. Nếu tiếp tục giữ nguyên giá thì sẽ chỉ còn cách phải dùng ngân sách bù vào.
"Chúng ta đã thống nhất là sẽ không thể bao cấp mãi được" - Bộ trưởng Đam nói.
Cũng có mặt tại phiên họp báo, đại diện Bộ Tài chính, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho hay, theo tính toán của cơ quan chủ quản, trước thời điểm 20h ngày 28/03, giá cơ sở để tính giá xăng dầu đang thấp hơn giá hiện hành theo các mức cụ thể: xăng là 1.430 đồng/lít, diesel là 362 đồng/lít, dầu hỏa 480 đồng/lít và dầu ma-zút 807 đồng/kg. Do vậy, liên Bộ đã quyết định điều chỉnh giá đúng bằng mức chênh lệch trên.
Ngoài ra, liên Bộ cũng đã tính đến mức thuế nhập khẩu. Hiện tại, mức thuế nhập khẩu áp đối với các mặt hàng xăng là 12%, diesel 8%, dầu hỏa, dầu ma zút là 10%, suất thuế này thấp hơn barem thuế hiện hành là 20%.
Trước báo giới, Bộ trưởng Vũ Đức Đam nói, "Chính phủ khẳng định, điều hành giá xăng dầu theo đúng quy định, bảo đảm an ninh năng lượng và vì lợi ích chung của cả nền kinh tế - xã hội, của đất nước chứ không vì lợi ích cục bộ của một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu".
Sẽ công khai tình trạng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu
Bộ trưởng cũng đề cập đến một thực tế, đó là "khi giá giảm thì mọi người vui vẻ nhưng nếu giá tăng thì sẽ phức tạp, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, đến sản xuất".
Theo lời Bộ trưởng, trước khi đi đến quyết định tăng giá, cả 3 Bộ bao gồm Bộ Tài chính, Bộ Công thương và Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã cùng ngồi với nhau để tính toán kỹ lưỡng về tác động của chính sách này đến lạm phát.
Tuy nhiên, ông cũng nhận xét rằng, ở Việt Nam, " tính toán như vậy nhưng thực tế phụ thuộc vào tâm lý người tiêu dùng".
Hồi tháng trước, trong bối cảnh giá thế giới tăng mạnh, Chính phủ vẫn kiên quyết không tăng giá mà yêu cầu sử dụng Quỹ bình ổn do lo ngại ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện nay, "đến lúc tăng thì phải tăng".
Theo nhận định của Văn phòng Chính phủ, trong tháng này, lạm phát đã được kiềm chế, thị trường giá cả tương đối ổn định.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 giảm 0,19% so tháng trước, là tháng có chỉ số giảm sau 7 tháng tăng liên tiếp. So với tháng 12/2012, mức tăng CPI hiện ở 2,39%, được đánh giá là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ 4 năm qua.
Cũng về nội dung này, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết, trong quá trình điều hành giá, liên Bộ luôn cố gắng đảm bảo tính công khai minh bạch. Thời gian tới, dự kiến sẽ công bố về tình trạng Quỹ bình ổn một cách công khai để cơ quan báo chí và nhân dân giám sát và đóng góp ý kiến.
Theo ANTD
Cháu bé thứ 2 vụ cả nhà bị tưới xăng thiêu sống đã chết Sáng 21/3, tin từgia đìnhnạn nhân cho biết, cháu Trần Thị Ngọc (5 tuổi, nạn nhân vụ tưới xăng phóng hỏa khiến cả gia đình 6 người bị bỏng nặng) đã chết, và là người thứ 3 tử vong sau vụ việc. Cháu Ngọc đã trút hơi thở cuối cùng vào rạng sáng ngày 21/3, tại Viện bỏng quốc gia ( Hà Nội),...