Xăng tăng giá 20%, shipper đòi vác xe đạp đi giao cho tiết kiệm
Giá xăng được điều chỉnh thêm gần 1.000 đồng/lít khiến người dân không khỏi ngao ngán, đặc biệt là những người hành nghề vận tải.
Chiều 2/5, liên Bộ Tài chính – Công Thương đã quyết định điều chỉnh giá xăng E5 thêm 985 đồng/lít và RON 95 tăng 956 đồng/lít, với giá bán lẻ tối đa lần lượt ở mức 20.688 đồng/lít và 22.191 đồng/lít.
Đây là mức giá cao nhất kể từ tháng 10/2018. Chỉ sau một tháng rưỡi, giá xăng đã tăng 3 lần liên tiếp và thêm 3.500 đồng/lít.
Giá xăng tăng mạnh tác động trực tiếp đến túi tiền của những người hành nghề vận tải. Ảnh: Hoàng Đông.
Gặp chúng tôi vào một buổi trưa nắng nóng, anh Gia Bảo (26 tuổi, quê Thái Bình) làm shipper đã hơn 2 năm nay, chua chát nói: “Xăng tăng như này mà phí ship thì thấp. Anh ạ, có khi tôi phải vác xe đạp ra đi ship vậy, vừa tiết kiệm lại tập thể dục được luôn”.
Anh Bảo chia sẻ nghề giao hàng là nghề vất vả, lời lãi mỗi đơn chẳng đáng là bao, trong khi công sức bỏ ra và rủi ro lại quá lớn.
Người đàn ông này khẳng định anh sẵn sàng làm một công việc khác nếu mức thu nhập tốt hơn và được đóng bảo hiểm xã hội.
Giá xăng tăng liên tiếp cộng với hóa đơn tiền điện tăng cao vừa qua đã gây áp lực lớn lên giá cước vận tải, giá cả nhiều mặt hàng tiêu dùng.
Trong khi các hãng taxi chưa có thông báo chính thức nào, một số hãng xe công nghệ đang cho thấy biểu hiện của sự tăng giá.
Video đang HOT
Đặt xe ôm trên ứng dụng của Grab đi từ Bệnh viện 198 (Mai Dịch, Cầu Giấy) đến Đại học Thăng Long (Đại Kim, Hoàng Mai) không phải giờ cao điểm, giá cước thông báo là 47.000 đồng. Quãng đường trên dài 10 km, thời gian di chuyển hết 22 phút. Trong khi đó, theo công thức giá được Grab công bố, giá cho chặng đường 10 km là 46.000 đồng. Mức chênh 1.000 đồng này tương ứng 2,5%.
Các hãng vận tải rất có thể sẽ tăng giá cước trong thời gian tới. Ảnh: Quỳnh Trang.
Các hãng hàng không ngay từ đầu năm cũng đã phải tính phương án dự phòng cho trường hợp giá xăng tăng.
Phó tổng giám đốc Viejet,ông Tô Việt Thắng, cho biết hãng có dự phòng phòng vệ rủi ro về giá nguyên liệu. “Chúng tôi đã có phương án sẵn sàng với 30-60% tổng chi phí nguyên liệu trong 3-6 tháng”, ông Thắng cho hay.
Các doanh nghiệp vận tải khác cũng than khó vì áp lực giá xăng tăng. Tuổi Trẻ dẫn lời ông Nguyễn Văn Chánh – Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, cho biết nhiều doanh nghiệp vận tải đang gặp cảnh thua lỗ, phải bán rẻ xe. Lý do một phần từ việc giá xăng dầu và các chi phí tăng trong khi nguồn hàng thiếu, giá cước giảm. Giá nguyên liệu hiện chiếm tới 35% chi phí vận tải hàng hóa.
Không chỉ các ngành kinh tế, cuộc sống người dân cũng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ quyết định điều chỉnh giá xăng. Theo nghiên cứu của các chuyên gia tại Đại học Kinh tế Quốc dân, chỉ riêng 2 đợt điều chỉnh giá xăng dầu trong tháng 4 đã làm chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,41%.
Giá xăng dầu tăng còn đẩy các chi phí trung gian của nền kinh tế, đẩy giá bán đến tay người tiêu dùng. Không ít người cho rằng kể từ khi giá xăng lên, các mặt hàng tiêu dùng khác cũng tăng một cách chóng mặt. Nhiều người dân than phiền cuộc sống của họ đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Chị Thu Hương, kế toán tại một công ty xây dựng tại Hà Đông, chia sẻ: “Giờ ra chợ rất khó lựa đồ, không khéo là hết tiền hoặc cả nhà sẽ bị thiếu thức ăn. Đơn cử bó rau muống đã 15.000 đồng/mớ rồi. Hết điện, giờ xăng lại tăng, chỉ mỗi lương là vẫn giữ nguyên thôi”.
Trước nhiều ý kiến cho rằng việc tăng giá xăng dầu chưa tính đến lợi ích của người tiêu dùng, mới đây Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định giá xăng tăng thấp hơn mức tăng giá thành phẩm thế giới. Mục đích nhằm hỗ trợ đời sống người dân, doanh nghiệp, giúp điều hành kinh tế vĩ mô.
Theo Zing.vn
Giá xăng, giá điện tăng làm 'nóng' họp báo Chính phủ thường kỳ
Nhiều câu hỏi liên quan đến giá xăng và giá điện tăng thời gian vừa qua được đại diện các cơ quan báo chí đề cập tại phiên Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2019 diễn ra tại Hà Nội chiều 4/5.
Trả lời các câu hỏi liên quan về giá xăng, giá điện tăng thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh: Đối với giá điện, trước khi có quyết định tăng giá, Bộ Công Thương đã gửi báo cáo đánh giá tác động lên Chính phủ. Báo cáo đã nêu tăng giá ảnh hưởng như thế nào đến các mặt hàng khác, CPI, GDP... "Xét đề xuất của EVN, Bộ Công Thương phối hợp các bộ ngành liên quan trình Chính phủ phương án tăng giá điện. Sau khi Thủ tướng có ý kiến phê duyệt, Bộ Công Thương mới ban hành quyết định tăng giá", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2019.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng cho biết, hiện Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban điều hành giá của Chính phủ đã yêu cầu đánh giá thêm tác động gián tiếp của tăng giá điện.
Thứ trưởng Hải cũng nhắc lại ý kiến của Tổng cục Thống kê vẫn khẳng định việc tăng giá điện đảm bảo kiểm soát CPI trong tháng 4, đảm bảo mục tiêu kiềm chế lạm phát cả năm mà Chính phủ trình Quốc hội.
Nói về việc nhiều khách hàng bức xúc với việc hóa đơn tiền điện tháng 4/2019 tăng cao, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết đã yêu cầu EVN tiếp nhận xử lý giải đáp đầy đủ các khiếu nại thắc mắc, trong trường hợp do lỗi ngành điện thì phải xin lỗi và khắc phục. "EVN cần đẩy mạnh tuyên truyền về việc điều chỉnh giá điện, mục đích ý nghĩa của việc tính giá điện bậc thang. Yêu cầu EVN làm tốt dịch vụ khách hàng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu khách hàng", Thứ trưởng Hải nhấn mạnh.
Về vấn đề tăng giá điện, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết: "Đây là vấn đề mà người dân rất quan tâm, trong phiên họp Chính phủ hôm nay cũng đề cập đến vấn đề này. Chúng ta đều biết, nền kinh tế hiện nay là nền kinh tế thị trường. Chúng ta không thể bao cấp và bù lỗ từ ngân sách mãi được. Chúng ta điều chỉnh là phải tính toán đến các yếu tố và cả chỉ số CPI. Vừa qua, đúng là dư luận đánh giá về bậc thang 6 nấc tính giá tiền điện. Quan điểm chung là phải tiến tới một thị trường với sự quản lý nhà nước. Như vậy, việc điều chỉnh giá điện là cần thiết, nhưng phải có căn cứ, có khoa học, có minh bạch đánh giá tác động đầu vào hợp lý để công khai".
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Thủ tướng đã giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan để báo cáo Chính phủ trong tháng 6/2019 toàn bộ kết quả liên quan đến phương án tính toán, xác định như thế nào để đảm bảo sự minh bạch, khách quan.
"Chúng ta cũng phải thấy rằng, chúng ta tăng trưởng GDP 6,5-7%, trong khi nhu cầu sử dụng điện luôn luôn tăng trưởng 2 con số. Đây là vấn đề quan tâm đặc biệt của Thủ tướng liên quan đến điện năng cho sản xuất, phát triển kinh tế, an sinh xã hội...", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Vừa qua, giá xăng cũng đã tăng gần 1000 đồng một lít tùy loại. Đây là lần tăng thứ 3 liên tiếp.
Với giá xăng dầu, theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, hiện nay mặt hàng xăng dầu được điều hành theo kinh tế thị trường có định hướng của Nhà nước, nghĩa là ngân sách không bỏ tiền ra để điều hành xăng dầu. Tuy nhiên, trong Nghị định 83 của Chính phủ đã đưa ra Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (BOG), theo đó mỗi lít xăng, dầu nhập khẩu vào Việt Nam sẽ trích ra 300 đồng đưa vào Quỹ. Quỹ này được dùng để chi sử dụng trong các dịp lễ, Tết, các khoảng thời gian nhạy cảm... mà giá xăng, dầu thế giới tăng cao sẽ lấy ra bù vào.
Trong thời gian vừa qua, giá xăng dầu trên thế giới tăng rất cao, 4 tháng đầu năm 2019 giá dầu thô biến động tăng cao, ngày 23/4 vừa qua đã đạt mức cao nhất trong 6 tháng gần đây, tăng 28,85-32% so với đầu năm 2019. Giá thành phẩm xăng dầu tháng 3 so với tháng 4/2019 cũng tăng 8,5% và liên Bộ Công Thương-Tài chính đã phải sử dụng đến Quỹ BOG. Có thể thấy, vừa rồi giá xăng dầu vẫn tăng nhưng nếu không sử dụng Quỹ sẽ còn tăng nhiều hơn.
Việc sử dụng Quỹ BOG giúp cho việc điều hành kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát CPI, chỉ số GDP cả năm đồng thời đảm bảo hài hoà lợi ích của 3 bên: Người dân, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và Nhà nước. Chính vì thế, thời gian vừa qua khi giá xăng dầu thế giới biến động mạnh ta đã phải chi sử dụng Quỹ BOG rất nhiều.
"Từ 1/1/2018 chúng ta đã đưa xăng E5 RON92 vào thay thế cho xăng RON92. Năm 2018, xăng E5 RON92 đã tiêu thụ 3,118 triệu m3 tương đương khoảng 42% lượng xăng tiêu thụ trên toàn quốc. Tuy nhiên 3 tháng đầu năm 2019 theo số liệu báo cáo, lượng xăng E5 RON92 tiêu thụ khoảng 740.000 m3 tương đương khoảng 38% tổng lượng xăng, như vậy là có giảm.
Về việc kinh doanh xăng E5, hiện nay mức thuế bảo vệ môi trường với xăng E5 RON92 được tính bằng 95,1% mức thuế so với xăng khoáng RON92. Tôi đồng tình rằng mức này chưa hợp lý nhưng ta không thể tính cơ học như vậy mà phải đánh giá dựa trên mức độ khí thải xăng E5 thải ra. Còn hiện nay ta chỉ đang so sánh mức thuế của xăng bình thường là 4.000 đồng/lít, thuế xăng E5 chỉ 3.800 đồng/lít như vậy không thể khiến người dân lựa chọn xăng E5 được khi họ còn nhiều băn khoăn về chất lượng xăng E5, kiểu "chưa bốc bằng" xăng khoáng", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.
Thứ trưởng Hải cũng cho biết, Bộ Công Thương đánh giá rất cao sự phối hợp của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc tuyên truyền người dân sử dụng xăng E5. Trên thế giới đã sử dụng đến xăng E10, E20 mà ta xăng E5 còn chưa đạt 40%. Sáng nay họp Ban Chỉ đạo Điều hành giá, chúng tôi cũng đưa ra việc này và đề xuất các cấp có thẩm quyền sửa về thuế môi trường với xăng E5 tạo sự cách biệt về giá giữa 2 loại xăng để khuyến khích người dân sử dụng.
Thứ trưởng cũng đưa ra đề nghị Bộ NN&PTNT quy hoạch các vùng để phát triển xăng E5, Bộ GTVT phối hợp các nhà sản xuất kinh doanh xe để người dân an tâm sử dụng loại xăng E5.
Hoàng Dương
TheoVietQ.vn
Bộ Công an sẽ xử nghiêm cán bộ công an sai phạm trong vụ gian lận thi cử "Chúng tôi đang tiếp tục điều tra những vi phạm của các cá nhân (nếu có) trong vụ gian lận thi cử vừa qua. Với những sai phạm liên quan đến cán bộ ngành công an, quan điểm của Bộ là bất cứ cán bộ công an có sai phạm về pháp luật nếu phát hiện đúng sẽ nghiêm khắc xử lý", Thứ...