Xăng kém chất lượng ở đâu ra?
Sáng qua 1.1.2012, cửa hàng xăng dầu Mai Dịch, đơn vị bị phát hiện bán xăng không đạt chất lượng, bất ngờ đóng cửa.
Ông Vũ Văn Hạnh, Phó giám đốc Sở Khoa học – Công nghệ (KH-CN) Hà Nội, cho hay hiện cơ quan chức năng vẫn tiếp tục lấy mẫu để kiểm tra các cây xăng nghi vấn tại Hà Nội và chưa có kết luận xử lý cây xăng Mai Dịch. Theo ông Hạnh, cây xăng nghỉ bán hàng là do bị gián đoạn nguồn cung.
Như Thanh Niên đã đưa tin, ngày 30.12, Cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa (Bộ KH-CN) đã thông báo về việc phát hiện mẫu xăng RON 92 tại cửa hàng xăng dầu Mai Dịch (thuộc Công ty CP sản xuất dịch vụ xuất khẩu Từ Liêm), địa chỉ Km số 9 đường Hồ Tùng Mậu, Q.Cầu Giấy (đường 32 vào khu đô thị Mỹ Đình) không đạt chất lượng theo QCVN1:2009/BKHCN. Ngoài các chỉ tiêu chất lượng không đạt như: hàm lượng ô xy thực tế 8,8% khối lượng, cao hơn quy định 3 lần; hàm lượng nước 366pp, đáng chú ý là mẫu xét nghiệm còn cho thấy hàm lượng methanol chiếm 15,8% thể tích (nguyên nhân làm hàm lượng ô xy cao). Các hàm lượng này chưa được đăng ký và chấp nhận của Bộ KH-CN.
Cửa hàng xăng dầu bán xăng kém chất lượng đóng cửa do bị cắt hợp đồng đại lý – Ảnh: Lê Quân
Trả lời Báo Thanh Niên, ông Vương Đình Dung, Tổng giám đốc Công ty xăng dầu quân đội (Petec), cho rằng nguyên nhân gây cháy xe hàng loạt thời gian qua có thể là tổng hợp nhiều yếu tố cộng lại, nhưng pha methanol vào trong xăng đúng là làm hở các gioăng cao su trong bộ phận kỹ thuật xe, hỏng cao su trong động cơ… Ông Dung xác nhận, cửa hàng xăng dầu Mai Dịch là một đại lý lớn của Petec. Ngày 30.12, ngay sau khi cơ quan chức năng có kết quả thông báo mẫu xăng lấy từ cửa hàng này không đạt chất lượng, ngày 31.12, Petec đã cắt hợp đồng với cây xăng này và tạm dừng cung cấp xăng. Từ ngày 1.1.2012, cây xăng Mai Dịch không còn là đại lý của Petec.
Theo ông Dung, Petec đã yêu cầu Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường I (Tổng cục Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng) lấy toàn bộ mẫu xăng đã cung cấp cho các cây xăng thuộc hệ thống cùng ngày với mẫu của cây xăng Mai Dịch đưa đi kiểm nghiệm. Kết quả, ngoại trừ cây xăng Mai Dịch, tất cả đều đạt yêu cầu theo QCVN, không pha chế và không có chất phụ gia.
Cũng theo ông Dung, đây không phải là lần đầu tiên cây xăng trên có biểu hiện làm ăn gian dối. Trước đó, cây xăng này đã bị người dân phản ánh bán xăng kém chất lượng và Petec đã cảnh cáo. Tuy nhiên việc người dân muốn biết cây xăng này gian dối bằng cách nào, xăng kém chất lượng ở đâu ra, thì vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng.
Video đang HOT
Hôm qua, ông Trần Văn Vinh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng, cũng cho biết chưa phát hiện thêm mẫu xăng nào bất thường ngoài mẫu xăng lấy từ cây xăng Mai Dịch. Cho đến thời điểm này, các mẫu xăng được lấy tại một số cây xăng ở tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội, Đà Nẵng mà chủ nhân của các xe đã đổ xăng trước khi xe bị cháy nổ và đem kiểm nghiệm tại Trung tâm tiêu chuẩn – đo lường – chất lượng đều đạt chất lượng theo tiêu chuẩn cho phép, không có acetone và metanol.
Quảng Trị tổng kiểm tra hoạt động buôn bán xăng dầu Trước tình trạng ô tô, mô tô liên tục cháy nổ tại nhiều địa phương trong cả nước, làm chết và bị thương nhiều người, gây thiệt hại về tài sản của nhà nước và người dân, mới nhất là vụ cháy xe ô tô Ford Escape trên đường Nguyễn Trãi (TP.Đông Hà) làm hai người bị bỏng nặng chiều 31.12.2011 (Thanh Niên đã thông tin), UBND tỉnh Quảng Trị vừa có công văn yêu cầu kiểm tra, thắt chặt hoạt động buôn bán xăng dầu trên địa bàn (do có nhiều thông tin cho rằng xăng dầu hiện nay có vấn đề). Theo đó, giao Sở KH-CN tỉnh chủ trì phối hợp với Công an tỉnh và các ban ngành liên quan tổ chức kiểm tra chất lượng xăng dầu trên địa bàn trước trong sau dịp tết Nguyên đán; xử lý nghiêm các tổ chức đơn vị, cá nhân bán xăng dầu ra thị trường không đảm bảo chất lượng; báo cáo với UBND tỉnh trước ngày 31.1.2012. Nguyễn Phúc
Thêm 2 vụ cháy xe nghiêm trọng
Chiều 1.1, một vụ cháy xe gắn máy nguy hiểm đã xảy ra trên đường Song Hành thuộc địa bàn P.Tân Hưng Thuận, Q.12, TP.HCM. Theo thông tin ban đầu từ cơ quan công an, khoảng 14 giờ cùng ngày, anh H.Q.Danh (SN 1974, ngụ Q.Tân Phú) điều khiển xe gắn máy do Trung Quốc sản xuất, chở vợ đang lưu thông đến địa điểm trên thì đột nhiên bốc cháy dữ dội. Anh Danh vội vứt xe, cùng vợ bỏ chạy thoát thân. Theo anh Danh, chiếc xe này anh mua cách đây 4 năm với giá 6,5 triệu đồng. Qua kiểm tra ban đầu, cơ quan công an xác định có nhiều khả năng xe bị chập điện gây cháy.
Khoảng 19 giờ ngày 1.1, một người đàn ông dắt xe máy biển số 61H1-9435 đến cây xăng số 570 đường 30 Tháng 4, P.Rạch Dừa, TP.Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu) để đổ xăng. Khi chủ xe vừa mở yên lên để chuẩn bị đổ xăng thì phát hiện xe bốc cháy. Ngay sau đó, nhân viên cây xăng đã nhanh chóng đẩy xe này ra xa các trụ bơm, đồng thời dùng bình cứu hỏa dập tắt ngọn lửa. Theo nhân viên cây xăng, xe bốc cháy là loại xe Wave do Trung Quốc sản xuất. Vụ cháy chỉ làm hỏng một phần nhựa dưới yên xe.
Theo Thanh Niên
Liên tiếp các vụ cháy nổ xe: Tầm ngắm ở xăng không đúng quy chuẩn
Thời gian gần đây, người dân lo lắng rất nhiều khi hàng loạt xe máy, ô tô thuộc nhiều hãng xe bốc cháy khi đang đi hay dừng đỗ, trong nhà hay ngoài phố... Điều này dẫn đến một suy luận: Không phải lỗi kỹ thuật mà là nhiên liệu có vấn đề?
Suy luận này không phải không có căn cứ khi gần đây tại TP Hồ Chí Minh có hơn 11 doanh nghiệp bị rút giấy phép kinh doanh vì bán xăng kém chất lượng ra thị trường.
Ngoài ra, các vụ cháy xe không còn tập trung vào một nhãn hiệu Honda mà đã xuất hiện cả ở các thương hiệu khác như SYM, Yamaha, Loncin... và cả ở các mẫu xe ô tô.
Trong các vụ cháy xe máy, những điểm nghi vấn tập trung vào nguồn phát lửa (điện cao áp, ăc quy) và vật liệu cháy (xăng, nhựa, cao su, tạp chất ở cổ ống xả...). Và đến thời điểm này, việc sử dụng xăng kém chất lượng đã trở thành một trong những mối nghi vấn hàng đầu của các vụ cháy, khi mà các hãng sản xuất đồng loạt công bố các yếu tố kỹ thuật vẫn trong điều kiện an toàn.
Ảnh minh họa
Xăng kém chất lượng - có thể hiểu là xăng không đạt các quy định về chỉ số octal trong xăng. Ví dụ như xăng A95 nhưng thực tế chỉ đạt tiêu chuẩn của xăng A92, 90 hoặc thậm chí là 85. Nhưng đây chỉ là những gian lận về thương mại, không thể hiểu là có yếu tố tác nhân gây cháy. Vấn đề kém chất lượng ở đây, đáng lưu ý nhất, là xăng bị pha thêm phụ gia, thủ phạm được nhắc đến nhiều nhất phải kể đến cái tên: Methanol. Loại phụ gia này khi pha vào xăng không làm thay đổi nhiều lắm công năng của xe, hoặc nếu có thì người tiêu dùng cũng khó mà phát hiện ra được.
Xăng pha thêm methanol với mục đích trục lợi cá nhân khiến người bán không màng đến sự nguy hiểm cho cộng đồng hay sự bất ổn xã hội mà nó mang lại. Một lít methanol trên thị trường hiện có giá khoảng 11.000đ, nếu pha vào xăng với tỉ lệ khoảng 20-30%, người bán có thể lãi từ 4.000 đồng/lít trở lên, tùy loại xăng mà họ bán ra cho người tiêu dùng, mà quan trọng là người dân không thể phát hiện được nếu sử dụng loại xăng pha này.
Khi dùng xăng pha methanol, nguy cơ cháy nổ tăng lên rất nhiều bởi methanol là một loại dung môi hòa tan cực mạnh, có thể ăn mòn các ống gioăng tại các chi tiết máy, các đường ống cao su dẫn nhiên liệu... Chính điều này dẫn đến rò rỉ nhiên liệu, chảy tràn ra ngoài. Và nếu tia lửa điện (đầu bugi, các mối nối dây điện bị hở...) hay nguồn nhiệt lớn như cổ ống xả, việc bắt cháy là không thể tránh khỏi.
Hiện tại, khi mà các vụ cháy xe máy không còn khu biệt tại một hãng xe nhất định mà xảy ra với rất nhiều hãng xe, kể cả xe mới lẫn xe cũ, lý do dẫn đến hỏa hoạn càng được tập trung vào nhiên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Chính vì thế, trong khi các cơ quan chức năng chưa đưa ra được kết luận cuối cùng về nguyên nhân các vụ cháy nổ xe, người tiêu dùng nên chủ động sử dụng nhiên liệu từ những đại lý xăng dầu lớn, có uy tín về chất lượng, tránh các nguồn cung cấp xăng dầu không đảm bảo, không đủ độ tin cậy để đảm bảo an toàn cho chính mình và người thân.
Methanol là một loại cồn công nghiệp (có công thức hoá học CH3OH, còn gọi là methyl alcohol), là một chất lỏng, trong suốt, dễ bay hơi, cùng trọng lượng riêng với xăng. Ngoài ra, một số luồng thông tin còn đặt nghi vấn vào chất Ethyl acetate (có công thức hóa học C2H5COOCH3) cũng là một chất dung môi dễ hòa tan, không màu, có mùi hoa quả ngọt... Nhưng chất phụ gia này được loại trừ khả năng pha trong xăng bởi giá thành của nó hiện tại vào khoảng hơn 30.000đ/lít, nếu pha vào xăng thì không mang lại hiệu quả kinh tế cho người bán.
Việt Hưng
Theo Dân trí