Xắn tay áo “lao” vào trồng nấm mọc tua tủa, thu 30 triệu/tháng
Sau khi về hưu, cô Sái Thị Sinh (SN 1962) tại thôn Bình Chương 1, xã Đình Lập, huyện Đình Lập ( Lạng Sơn) đã gây dựng cơ sở trồng nấm sò đảm bảo được khách hàng tin tưởng lựa chọn. Nấm sò đã mang lại cho gia đình cô Sinh thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm.
Đối với nhiều người, về hưu là để nghỉ ngơi sau thời gian dài làm việc, cống hiến nhưng với cô Sái Thị Sinh thì đây lại là thời gian cô được thỏa sức với với đam mê.
Những bịch nấm sò chi chít mầm nấm trắng phau tại trại nấm của cô Sinh.
Phóng viên Dân Việt có dịp ghé thăm trại nấm của gia đình cô Sái Thị Sinh trong một ngày đầu thu mát mẻ khi cô đang tất bật với công việc thu hái nấm để giao cho khách. Đi sâu vào trong, PV Dân Việt thấy hàng nghìn mô nấm mọc lên chi chít búp nấm mập ú, trắng tựa như bông trông rất bắt mắt.
Gặp gỡ chúng tôi, không phải là một Bí thư Đảng ủy xã quần áo chỉnh tề, đi giày cao gót mà là bà nông dân đúng chất với đôi ủng cao ngang đầu gối, chiếc áo tối màu cùng chiếc kéo cắt nấm, bấm kêu tanh tách. Cô Sinh vui vẻ mời chúng tôi vào thăm trang trại nấm đầy tâm huyết của mình.
Cô Sinh cho biết: Trước đó, cô từng công tác tại UBND xã Đình Lập với vị trí Bí thư Đảng ủy xã. Sau thời gian dài làm việc, cống hiến hết mình thì cô cũng đến tuổi được nghỉ ngơi. Khi có quyết định “về vườn” vào năm 2016, cô cũng bắt tay ngay vào hiện thực hóa ý tưởng đã ấp ủ từ lâu trong thời gian khi còn đang công tác.
Gia đình cô Sinh đã đầu tư xây trại nấm với diện tích hơn 1.000m2, số vốn đầu tư ban đầu trên 1 tỷ đồng.
Tay vừa thoăn thoắt bấm từng chùm nấm trắng phau, cô vừa tâm sự: Cô đến với nghề trồng nấm như một cái duyên. Sau khi tham gia xong các buổi tập huấn, cô cũng mua phôi trồng thử 4 – 5 bầu thử nghiệm. Nhận thấy cây nấm sò phù hợp và khá dễ trồng nên từ đó cô đã nuôi dần ý tưởng và đợi khi được nghỉ ngơi sẽ hiện thực điều đó. Cô đã mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà xưởng để trồng nấm sò. Nhận thấy trồng nấm đem lại giá trị kinh tế, lúc đó gia đình cô trồng thêm hơn 200 bầu nấm sò nữa để bán.
Video đang HOT
“Sau khi nghỉ hưu, tháng 7/2016 tôi bắt đầu hiện thực hóa ý tưởng là mở 1 cơ sở trồng nấm sò đảm bảo chất lượng đưa ra thị trường phục vụ khách hàng. Tôi đã mạnh dạn phá một phần diện tích đồi vải và thông của gia đình để đầu tư xây trại nấm với diện tích hơn 1.000m2, số vốn đầu tư ban đầu trên 1 tỷ đồng”, cô Sinh nói.
Nghề trồng nấm không chỉ đòi hỏi kiến thức, kinh nghiệm mà còn phải luôn tìm tòi, lấy uy tín, chất lượng làm đầu, nhờ vậy mà trại nấm của gia đình cô thu đến đâu đều bán hết đến đó.
Để giảm thiểu ảnh hưởng của yếu tố thời tiết, môi trường, cô Sinh đã xây dựng trại cố định, đảm bảo cho nấm được trồng trong nhà có tường bao quanh, mái che chắc chắn, hệ thống chiếu sáng và độ ẩm phù hợp.
“Ban đầu tôi cũng gặp không ít khó khăn bởi nấm cũng là 1 loại cũng đòi hỏi khá nghiêm ngặt các yêu cầu kỹ thuật trong các khâu, từ chuẩn bị phôi bịch, nuôi trồng cho đến thu hoạch và bảo quản. Tuy nhiên, trong quá trình công tác tại xã, tôi thường xuyên vận động bà con đồng thời tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt – trong đó có trồng nấm sò nên cũng nắm được ít nhiều kiến thức cơ bản trồng và chăm sóc loại nấm này,” cô Sinh cho hay.
Tuy nhiên, khi đã trồng được nấm, sản phẩm làm ra đẹp mắt, đảm bảo chất lượng rồi thì cô lại lo tìm đầu ra. Cô Sinh kể: Những ngày đầu, cô đem biếu người quen ăn thử và mang ra chợ chào hàng với các khách buôn, dần dần khách quen và tin tưởng nên nhiều người tìm đến nhà đặt mua.
Theo cô Sinh, trồng nấm không quá khó, lại phù hợp với thị hiếu, công chăm sóc chủ yếu là tưới nước sạch để đảm bảo các bầu nấm không bị bệnh. Bên cạnh đó, để có được những cây nấm tươi ngon thì phải hiểu và nắm chắc, thường xuyên theo dõi thời tiết, thời gian sinh trưởng của cây nấm để có biện pháp chăm sóc, thu hái hợp lý. Trong quá trình thực hiện, bên cạnh kinh nghiệm trồng nấm đã có, cô còn thường xuyên lên mạng học hỏi thêm.
Sau gần 3 năm thực hiện, cô Sinh đã nâng tổng số bầu nấm của gia đình lên 34.000 bầu nấm sò.
Với kinh nghiệm 3 năm trồng nấm sò, cô Sinh cho biết: “Mỗi lần thu hoạch nấm xong, tôi phải làm vệ sinh sạch sẽ phần miệng bịch, rồi dùng nắp đậy bịt đầu bịch lại để hãm sự sinh trưởng của các tai nấm. Nếu không làm vậy, nấm sẽ tiếp tục ra đến khi hết chu kỳ của một bịch phôi nấm, mà cây nấm lại không to, năng suất thấp. Do đó, quá trình nuôi phôi, thu hoạch phụ thuộc phần lớn vào kinh nghiệm cũng như kỹ thuật của người trồng”.
Nhờ đó đến nay, sau gần 3 năm thực hiện, cô Sinh đã nâng tổng số bịch nấm của gia đình lên 34.000 bịch, một năm xoay vòng 2 lần, mỗi lần 17.000 bầu. Mỗi năm, gia đình cô bán ra thị trường khoảng 7 – 8 tấn nấm, với giá bán từ 30.000 đồng – 40.000 đồng/kg, gia đình cô thu về trên 300 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Mô hình trồng nấm sò không chỉ đem lại thu nhập cao cho gia đình cô Sinh mà còn giúp tạo việc làm theo mùa vụ cho 7 – 8 lao động tại địa phương.
Chia sẻ bí quyết, kinh nghiệm để có sự thành công như ngày hôm nay, cô Sinh bộc bạch: “Đã xác định làm việc gì cũng phải có đam mê, sự tâm huyết và lòng kiên trì. Nghề trồng nấm cũng vậy, không chỉ đòi hỏi giàu kiến thức, kinh nghiệm mà còn phải luôn tìm tòi, lấy uy tín, chất lượng làm đầu, nhờ vậy mà trại nấm của gia đình tôi thu đến đâu đều bán hết đến đó”.
Thành công từ mô hình trồng nấm của cô Sái Thị Sinh đã mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân xã Đình Lập. Năm 2018, từ nguồn vốn phát triển sản xuất của chương trình nông thôn mới, xã hỗ trợ 330 triệu đồng cho gia đình cô Sinh để tiếp tục nhân rộng mô hình trồng nấm.
Theo Danviet
"Phát sốt" với giá cao, mít Thái "leo" lên đồi núi xứ Nghệ
Giống mít Thái siêu sớm đang được người tiêu dùng quan tâm và săn lùng trên thị trường cả nước nói chung, Nghệ An nói riêng. Ở huyện miền núi Con Cuông (Nghệ An), một số hộ trồng loại mít này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, đem về thu nhập ổn định cho gia đình.
Trước đây, nông dân tỉnh Nghệ An chủ yếu trồng giống mít truyền thống (mít dai, mít mật), sau khoảng 4 - 5 năm mới cho thu hoạch. Với mong muốn cung ứng ra thị trường sản phẩm mít quanh năm, thời gian qua, nhiều gia đình ở huyện Con Cuông đã mạnh dạn đưa giống mít Thái siêu sớm vào trồng, kết quả thu lại hơn cả mong đợi.
Người dân trồng mít Thái mang lại hiệu qua kinh tế cao. Ảnh: Mỹ Hà.
Bà Trần Thị Hương, một trong những hộ nông dân trồng mít Thái siêu sớm ở huyện Con Cuông nói: "Không như những giống mít khác, mít Thái siêu sớm ít xơ, múi giòn, vị ngọt đậm và thơm nên giá bán khá cao, từ 20.000 - 30.000 đồng/kg. Hiện, gia đình tôi có hơn 50 cây, bình quân mỗi cây cho 5 - 10 quả".
Là người tiên phong đưa cây mít Thái về trồng tại địa phương, chị Hà Thị Anh ở thôn Tân Dân, xã Bồng Khê cho biết: "Năm 2017, gia đình tôi nghiên cứu và tìm hiểu giống mít Thái rồi quyết định ra Học viện Nông nghiệp Việt Nam (Hà Nội) để mua 100 cây mít Thái, mỗi cây giống giá 50.000 đồng. Trên diện tích 2.800 m2 trước đây chỉ trồng cây ngắn ngày, tôi đã trồng 100 gốc mít, hiện đang đến kỳ thu hoạch".
"Giống mít Thái siêu sớm trồng sau khoảng 18 tháng là cho thu hoạch, sản lượng tăng dần từ năm thứ hai trở đi. Mỗi cây mít Thái siêu sớm chỉ cao khoảng 2 - 3m nhưng đã cho khoảng 5 - 8 quả/cây; mỗi quả nặng từ 3 - 5kg. Mặc dù mới năm thứ 2, nhưng gia đình tôi đã thu được hàng chục triệu đồng" - chị Hà Thị Anh cho biết thêm.
Giống mít Thái siêu sớm trồng sau khoảng 18 tháng bắt đầu cho thu hoạch; trung bình mỗi cây cho từ 5 - 10 quả. Ảnh: Mỹ Hà.
Anh Nguyễn Văn Tấn ở thôn Lam Trà, xã Bồng Khê cũng đang trồng gần 100 cây mít Thái. Anh Tấn cho biết: "Trồng mít không tốn nhiều chi phí, kỹ thuật chăm sóc như cây nhãn, cây cam nhưng đòi hỏi phải thường xuyên tưới nước, bón phân và theo dõi để phòng trừ các loại sâu đục thân, đục quả" .
Để cây mít cho năng suất cao và chất lượng tốt, sau mỗi lần thu hoạch quả phải cắt bỏ bớt cành thừa, cành nhỏ và yếu để cây nhận đủ ánh sáng giúp quả to và ngọt. Ngoài ra, nên tỉa bỏ những quả đầu cành, chỉ giữ lại những quả ôm thân và gần gốc để đạt chất lượng tốt nhất.
Để tránh sâu bệnh gây hại, người dân dùng bao bọc lại cẩn thận từng quả mít. Ảnh: Mỹ Hà.
"Muốn mít cho năng suất cao và chất lượng, năm đầu ra quả, chỉ giữ tối đa khoảng 3 - 4 quả/cây. Khi cây đã trưởng thành, số quả có thể tăng lên nhiều hơn. Đặc biệt, mít Thái siêu sớm trồng càng lâu năm múi sẽ càng có vị ngọt đậm, thơm ngon" - anh Tấn cho biết thêm.
Vườn mít Thái 100 cây của gia đình chị Hà Thị Anh ở thôn Tân Dân, xã Bồng Khê đang cho thu hoạch.
Hiện, trên địa bàn xã Bồng Khê có 5 hộ trồng tập trung từ 50 -100 cây; còn lại chủ yếu trồng xen canh cùng nhiều loại cây ăn quả khác. Mặc dù cây mít Thái đang cho hiệu quả kinh tế cao, nhưng cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần thận trọng, không nên ồ ạt mở rộng diện tích nhằm tránh tình trạng cung vượt cầu, rớt giá.
Theo Danviet
Lạng Sơn: Ông Kời rời nhà lên rừng "ở ẩn" trồng toàn cây thơm nức Là người tiên phong "bỏ nhà" lên rừng khai phá đất trồng rừng, đến nay ông Lăng Văn Kời (thôn Giao Thủy, xã Tân Văn, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn) sở hữu hơn 20ha đồi rừng trồng nhiều loại cây như hồi, sở, keo, bạch đàn, mỡ, thông... cho ông thu nhập hơn nửa tỷ mỗi năm. Với sự cố gắng, nỗ...