Xẩm tàu điện – văn hóa một thời của đường phố Hà Thành
Nét văn hóa độc đáo của phố cổ Hà Nội sẽ được tái hiện tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam từ ngày 26 – 28/10.
Hát xẩm là một loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian độc đáo có từ lâu đời tại các tỉnh miền Bắc với hai thể loại chính là Xẩm chợ và Xẩm cô đầu. Riêng tại Hà Nội còn có một dòng Xẩm rất đặc trưng mà không đâu có là Xẩm tàu điện.
Xẩm tàu điện ra đời và tồn tại gắn liền với tàu điện Hà Nội từ khi xuất hiện cho đến khi ngừng hoạt động (1900 – 1992). Trạm tàu điện nằm ở Bờ Hồ, từ đó tỏa đi các tuyến Yên Phụ, chợ Bưởi, chợ Mơ, Cầu Giấy, Hà Đông, Vọng nối nông thôn với nội thành. Những chuyến tàu điện đến và đi đã trở thành không gian diễn xướng lý tưởng cho xẩm – loại hình âm nhạc đường phố độc nhất vô nhị. Mỗi khi đến trạm tàu điện hay ngồi trên các toa tàu, người ta lại được nghe các nghệ sĩ cất giọng hát trầm bổng tha thiết cùng tiếng nhị, tiếng phách đồng hành trên mọi tuyến đường. Suốt gần một thế kỷ tồn tại, Xẩm tàu điện đã trở thành món ăn tinh thần và lưu dấu ấn sâu sắc trong lòng người dân Hà Thành. Tàu điện không còn, như một quy luật, xẩm cũng vắng bóng lui về dĩ vãng.
Hát xẩm đầu thế kỷ 20. Ảnh: ST.
Chương trình “Xẩm tàu điện – Văn hóa đường phố Hà Thành” giới thiệu đến khán giả trong và ngoài nước loại hình xẩm này với những nét độc đáo khác biệt với xẩm truyền thống từ ca từ, nhạc cụ đến trang phục của người biểu diễn. Thông qua chia sẻ của những nhà nghiên cứu, nghệ nhân hát xẩm và sự tham gia của NSƯT Hoàng Anh Tú, nghệ sĩ nhí Thanh Thanh Tấm cùng các khách mời nổi tiếng như: NSƯT Thanh Ngoan, NSƯT Thế Dân…, nhiều làn điệu Xẩm tàu điện từng làm nức lòng hàng triệu lượt thính giả – khách đi tàu xưa sẽ được biểu diễn như: Lỡ bước sang ngang, Vui nhất Hà thành, Mục hạ vô nhân, Anh khóa, Chân quê, Trăng sáng vườn chè, Lơ lửng con cá vàng… Bên cạnh đó còn có các bài Xẩm quảng cáo bán hàng như T ăm tre, T huốc cam Hàng Bạc, T huốc ho bà lang Trọc, D ầu cù là… với vần điệu và ca từ dí dỏm.
Nghệ sĩ xẩm và êkíp biểu diễn theo tiếng tàu điện leng keng (bật loa đài phát). Sau mỗi tiết mục, các nghệ sĩ nghỉ ngơi tại chỗ và giao lưu, trò chuyện cùng khán giả về nguồn gốc và ý nghĩa của Xẩm cũng như Xẩm tàu điện. Các nghệ sĩ biểu diễn ngẫu hứng, có thể theo yêu cầu của khán giả hoặc mời khán giả lên giao lưu.
Huy Phạm
Video đang HOT
Theo VNE
'Giáo sư Nộm' kiếm tiền triệu với xe hàng rong
"Tách... Tách... Tách..." nghe tiếng kéo vang lên, người dân phố cổ Hà Nội lại kéo nhau ra chờ được ông Hào làm cho đĩa nộm. 30 năm, ông lão 70 tuổi miệt mài đẩy xe hàng rong và coi đây là thú vui hơn là vì tiền bạc.
16h hàng ngày, ông già tóc bạc, dáng người đậm, đeo kính lại rong ruổi xe nộm dọc khu phố cổ. Trên tay ông lão 70 tuổi này là chiếc kéo to đập lưỡi vào nhau kêu tanh tách thay tiếng rao. Nghe tiếng kéo, người dân kéo nhau ra kiên nhẫn chờ ông làm cho đĩa nộm ăn chơi. Cứ như vậy, công việc bán hàng của ông Lưu Văn Hào (Lò Sũ, Hà Nội) kéo dài đến 1-2h sáng, suốt 30 năm nay.
Quen thuộc với tiếng kéo rao và hương vị nộm xưa, các "fan" gọi ông Hào là "ông Nộm" hay "giáo sư Nộm". Nghe cái tên đó, ông lão móm mém cười hiền rồi gật gù khoái chí. Đợi khách thưởng thức xong đĩa nộm, ông lại thong thả dắt chiếc xe có gắn tủ đựng đồ trộn nộm rong ruổi. Tiếng kéo lại vang lên lách tách...
Tối nào ông Hào cũng đi bán nộm tới 1-2h sáng. Ảnh: Bình Minh.
7h sáng, trong căn nhà thuê ở sâu trong con ngõ nhỏ trên phố Lò Sũ, vợ chồng ông Hào bắt đầu tất bật chuẩn bị đồ cho buổi đi chợ chiều. Trước đó, Bà Dung (vợ ông Hào) dậy từ 4h sáng ra chợ tự tay chọn nguyên liệu. Trong khoảng sân nhỏ, bà Dung bận rộn rán thịt bò, nhặt rau thơm còn ông Hào cặm cụi nạo 10 kg đu đủ. Mọi công đoạn hoàn tất vào buổi trưa để ông ngủ giấc dài tới chiều trước khi đi bán hàng.
Vừa luôn tay làm việc, ông Hào vừa cởi mở, từ tốn trò chuyện. Năm 1972 sau khi "về một cục" từ Viện Lao Trung ương, ông ở nhà chơi dài vài năm. Thất nghiệp, ông Hào chẳng biết làm gì để nuôi vợ và hai đứa con. Gia đình ông có cửa hàng bánh kẹo trên phố Hàng Đường nhưng sau đó, bố ông bán đi chia cho mỗi con một ít. Vợ chồng ông Hào mua được căn nhà nhỏ trong ngõ nhưng nhà nước thu hồi để xây đình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, gia đình ông chuyển đi nơi khác.
Trước khi đến với nghề bánh kẹo, bố ông Hào làm nộm bán. Quê Bình Lục (Hà Nam) nổi tiếng với những nghề phụ như thêu, làm bánh kẹo và làm nộm, bố ông lên Hà Nội mang theo "kế sinh nhai" này. Ông Hào kể, ngày ấy, món nộm được xem là thứ quà vặt dân dã mà ngon. Khách ăn không chỉ là người lao động, còn cả nhà giàu. Người bán nộm thời đó cũng chỉ nghĩ kiếm đủ bữa và không giấu giếm nghề. Họ thường đứng trước các cổng trường bán cho học sinh.
Ông Hào chuẩn bị nộm cho khách. Mỗi đĩa nộm này có giá 30.000 đồng. Ảnh: Bình Minh.
Nhắc đến món nộm ngày xưa, ông Hào cho biết, khác bây giờ rất nhiều. "Món nộm hồi đó được chế biến bằng má bò, da bò, thậm chí da trâu bởi lương thực hiếm hoi. Mua được cái đầu bò, thợ làm nộm sẽ chế món ăn từ phần thịt lọc ra. Nguyên liệu làm nộm là những thứ rất rẻ".
Khi mới làm nộm, ông Hào phải theo học mất nửa tháng. Ban đầu vợ chồng ông chỉ mong thu về đủ vốn để có tiền mua nguyên liệu cho buổi chợ sau chứ chưa hy vọng lãi lời. Mới bán nên ông chưa có nhiều khách, lắm hôm bán không hết, đu đủ và rau thơm phải bỏ đi.
Từ một công chức nhà nước quần áo chỉnh tề, ông Hào chuyển sang bán hàng rong. "Lúc đầu tôi xấu hổ lắm, không dám đi qua phố Hàng Đường nơi mình sống trước kia vì sợ gặp người quen, họ sẽ chê cười. Tôi cũng chẳng dám rao vì ngại nên cầm theo cái kéo. Mãi tới vài năm sau khi bắt đầu sống được với nghề nộm, tôi mới tự tin", ông Hào tâm sự.
Những ngày mới vào nghề, bàn tay ông chi chít những vết đứt khi nạo đu đủ. Mỗi khi làm công đoạn này, ông phải đặt sẵn bông băng bên cạnh. Lâu dần, ông băng tay trước những chỗ hay đứt. Sau này, ông tự sáng chế ra đồ bảo hộ cho 10 ngón tay. Lúc nạo nộm, hai bàn tay của ông được đeo ngón cao su, nhôm.
Để đu đủ luôn giòn, dai, ông Hào giữ lạnh đu dủ ở nhiệt độ nhất định. Sau khi nạo, ông rửa đu đủ cho hết nhựa rồi vắt ráo nước. Thịt bò được luộc trước khi ngâm tẩm với các gia vị, hương liệu rồi cho vào rán. Gân bò cũng được rán kỹ trước khi dùng với đu đủ. Theo "giáo sư nộm", món nộm ngày xưa được ngâm tẩm với nhiều vị thuốc bắc và khi có khách mới nạo đu đủ rồi trộn cùng rau, gia vị.
Chia sẻ về nghề, ông tâm huyết: "Quan trọng nhất khi làm nộm là khâu vệ sinh, sau mới tới tẩm ướp. Món này ăn cả thịt chín lẫn rau sống dễ bị đau bụng nên cần phải cẩn thận. Mình làm không kỹ sẽ dễ khiến khách bị đau bụng".
Bán nộm đã 30 năm, đến giờ ông Hào có lượng khách hàng lâu đời và thu nhập ổn định. Tuy nhiên để có được khoản lãi hơn 1 triệu đồng mỗi buổi đi bán, vợ chồng ông Hào phải mất 15 tiếng chuẩn bị mỗi ngày. Mỗi đĩa nộm của ông được bán giá 30.000 đồng. Hiện, mỗi ngày xe nộm rong của ông Hào bán được 10 kg đu đủ và 20 kg thịt bò.
Suốt nhiều năm đi bán rong, ông chưa từng bị ai chê ăn nộm đau bụng và hiện mới chỉ gặp hai trường hợp quỵt tiền. Có cậu bé ngày còn đi học ăn nộm không trả tiền, nhiều năm sau gặp lại, cậu dẫn theo cả bạn gái tới ăn và xin phép được trả tiền lần ăn chịu trước đây. Không ít nhóm khách ăn một mạch hết 500.000 đồng tiền nộm. Cũng có lần, thấy khách bỏ lại nhiều, sợ nộm của mình không ngon, ông Hào hỏi và được biết, vì đã ăn nhiều món no nên đôi bạn không ăn được hết.
Đôi tay của ông Nộm được 'mặc áo giáp'. Ảnh: Bình Minh.
"Tôi nhớ mãi hình ảnh một Việt kiều Pháp đã lớn tuổi, sau khi ăn nộm xong, ông ấy trịnh trọng đưa tiền cho tôi bằng hai tay. Ông ấy bảo 'lâu lắm tôi mới được ăn món ngon đúng hương vị ngày xưa như thế này", "giáo sư Nộm" chia sẻ.
Lúc về Pháp, vị Việt kiều ấy đặt mua hơn 10 đĩa nộm để mời bạn bè bên đó. Sau này người khách này biên thư về cho ông Hào nói rằng có người bạn của ông ấy đã khóc khi món nộm gợi nhớ về hương vị Hà Nội. Họ đều xa Hà Nội đã nhiều năm, được ăn món ngày xưa, ai cũng bùi ngùi nhớ quê.
Giờ, con cái đã trưởng thành và kinh tế khá giả, vợ chồng "ông Nộm" chẳng còn áp lực về kinh tế. Nhưng nếp thức khuya, dậy sớm làm nộm vẫn được vợ chồng ông Hào giữ gìn. Không muốn thuê cửa hàng hay người giúp, hai ông bà muốn tự mình làm, phần vì muốn thảnh thơi, phần vì cẩn thận.
Cậu con út của ông Hào cũng muốn tiếp tục công việc của bố và dự định sẽ mở cửa hàng bán nộm. Còn "giáo sư Nộm" vui vẻ khoe: "Tôi tự tin với nghề bán nộm rong và tự hào với công việc của mình".
Theo VNE
Chật hẹp tương đối... Chỉ 2m² cũng đủ để làm chỗ ở và làm việc cho một họa sĩ già trong khu phố cổ.Thời sinh viên, tôi sống trong một căn hộ ở thủ đô một nước Đông Âu, diện tích 18m² tính cả các công trình phụ. Phòng chính 3x4m làm văn phòng làm việc vào ban ngày, đêm xuống lại kéo đi văng ra hoặc...