‘Xác ướp’ khủng long được bảo quản nguyên vẹn hơn 100 triệu năm có trọng lượng gần như tương tự lúc còn sống
Các nhà khoa học cho rằng đây là ‘xác ướp’ khủng long được bảo tồn tốt nhất trên Trái đất. Trên thực tế, nó được bảo quản tốt đến mức lớp da và ruột bên trong vẫn còn nguyên vẹn và không thể gọi nó là một hóa thạch.
Bảo tàng Cổ sinh vật học Hoàng gia Tyrrell ở Alberta, Canada đã giới thiệu mẫu vật quý báu này tại một triển lãm về khủng long, nó hoàn toàn không phải là một bộ xương, ngược lại nó trông giống hệt như một con khủng long đang còn sống.
Các nhà nghiên cứu đã rất ngạc nhiên khi mẫu vật này kể từ khi được phát hiện cho tới nay vẫn còn nguyên lớp da giáp cứng bên ngoài, các khớp xương cũng như một số nội tạng bên trong vẫn được bảo toàn gần như hoàn hảo.
Sinh vật này được phát hiện lần đầu tiên vào năm 2011 khi một thợ mỏ có tên Shawn Funk vô tình phát hiện ra khi đang làm việc.
Trong khi Funk đang đào bới tại khu mỏ ở tỉnh Alberta, miền tây Canada, anh đã rất ngạc nhiên khi thấy một vật thể hết sức kì lạ mà chưa bao giờ nhìn thấy trong suốt 12 năm làm thợ mỏ của mình.
Ngay buổi chiều hôm đó, Funk và người quản lí của mình – Mike Gratton đã quyết định dùng máy xúc để mang vật thể đó lên để xem rốt cục đó là cái gì.
‘Xác ướp’ dài 5,5 m và nặng gần 1,2 tấn thuộc về một con khủng long Nodosaur.
Sau khi lấy được vật thể đó lên họ vẫn không thể chắc chắn là hóa thạch của một con khủng long hay là một khúc gỗ khổng lồ đã bị hóa đá nên anh đã gọi cho nhà chức trách địa phương.
Jak Jakob Vinther, một nhà cổ sinh vật học của Đại học Bristol, cho biết: ‘Tôi chưa bao giờ thấy bất cứ mẫu vật nào hoàn hảo như thế này trước đó’.
Các nhà nghiên cứu đã mất 6 năm và khoảng 7.000 giờ để tiến hành kiểm tra và nghiên cứu mẫu ‘xác ướp’ này trước khi nó được trưng bày tại Bảo tàng Cổ sinh vật học Hoàng gia Tyrrell.
Theo các nhà cổ sinh vật học, đây là loài khủng long tồn tại cách chúng ta hơn 100 triệu năm và là thành viên của một loài và chi khủng long hoàn toàn mới có tên Nodizard.
Đây cũng là một loài khủng long ăn cỏ có nhiều gai nhọn và là anh em họ của khủng long Ankylosaur.
Chúng là khủng long ăn cỏ to lớn đã lang thang trên trái đất từ thời tiền sử, cơ thể của nó được bảo vệ bởi bộ giáp với gai nhọn. Chúng có trọng lượng khoảng khoảng 1,361 tấn khi còn sống và điều đáng ngạc nhiên là ‘xác ướp’ này được thiên nhiên bảo quản hoàn hảo tới mức cân nặng gần như không thay đổi nhiều so với lúc còn sống, xấp xỉ 1,134 tấn.
‘Xác ướp’ này cũng được coi là mẫu hóa thạch đầu tiên thuộc loại này được phát hiện. Thông thường, các mẫu hóa thạch khủng long nói chung chỉ được tìm thấy là xương và răng, rất hiếm khi tìm thấy một mẫu hóa thạch giữ mô mềm và hình dáng hoàn hảo như thế này.
Da, các khớp xương cũng như ruột bên trong ‘xác ướp’ của con khủng long này được bảo quản một cách hoàn hảo và gần như còn nguyên vẹn.
Khi bảo tàng đưa hình ảnh ‘xác ướp’ của con khủng long này lên trang Facebook của họ, một người dùng tò mò đã bình luận: ‘Thức ăn yêu thích của nó là gì?’ ‘Có phải nó có xu hướng bình tĩnh sau đó rít lên và chộp lấy như một con rùa khi bị khiêu khích’, hay ‘Bạn có biết giới tính của nó không?’.
Để đáp lại sự tò mò của mọi người, phía các nhà nghiên cứu cũng không ngần ngại khi hồi đáp:
‘Chúng tôi không biết loại thức ăn yêu thích của nó là gì, nhưng chắc chắn một điều loài khủng long này ưa thích những loại thực vật mọc gần mắt đất vì chúng không thể vươn cổ lên cao. Hi vọng rằng phân tích dạ dày từ mẫu ‘xác ướp’ này có thể sẽ cho chúng ta biết được loại thực vật cuối cùng nó ăn trước khi chết là gì’.
‘Nó có thể là một loài khủng long di chuyển chậm, nhưng chúng tôi không chắc chúng có tính cách hiền lành hay hung dữ, ngoài ra rất khó để xác định được giới tính của chúng trừ khi tìm được trứng ở bên trong’.
Hình ảnh mô phỏng loài khủng long Nodosaur, chúng được cho là sống cách đây khoảng 110-112 triệu năm, ở cuối kỷ Jura tới cuối kỷ Phấn Trắng tại các khu vực mà ngày nay là Bắc Mỹ, châu Âu, châu Á, châu Phi và Nam Cực.
Câu hỏi về việc làm thế nào mà mẫu ‘xác ướp’ khủng long này có thể vẫn còn nguyên vẹn như vậy sau hàng trăm triệu năm cho tới nay vẫn chưa có bất kì câu trả lời nào thỏa đáng, mặc dù theo National Geographic, các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết về cái chết của sinh vật này, đó là chúng có thể là chết đuối khi bị cuốn trôi ra biển trong trận lũ lớn.
ĐỨC KHƯƠNG
Theo Trí thức trẻ
Đêm tại đảo không người của đoàn thám hiểm: Phát hiện manh mối làm sáng tỏ bí ẩn thế kỷ 20
Hành trình giải mã bí ẩn thế kỷ 20 mang tên Amelia Earhart của đoàn thám hiểm do giáo sư Mỹ Robert Ballard dẫn đầu được đích thân National Geographic theo sát ghi hình.
ời ngỏ: Sự kiện 'Nữ hoàng hàng không' Amelia Earhart (1897-1937) đột ngột mất tích cách đây hơn 8 thập kỷ trong hành trình bay vòng quanh thế giới trên chiếc Lockheed Electra 10E hai động cơ cùng hoa tiêu Fred Noonan ( 1893-1937) đã trở thành một trong những bí ẩn lớn nhất thế kỷ 20.
Ở độ tuổi 25 căng tràn hoài bão, Amelia Earhart là người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử lập được những kỳ tích hàng không chưa một ai trên thế giới làm được: Bà là nữ phi công đầu tiên bay một mình ở độ cao 4.267 mét; Là người phụ nữ đầu tiên một mình băng qua Đại Tây Dương; Và cũng là nữ phi công đầu tiên một mình hoàn thành chuyến bay với quãng đường dài 6.870 km từ quần đảo Hawaii đến Mỹ.
Kỷ lục 'Nữ phi công đầu tiên trong lịch sử bay vòng quanh Trái Đất' đã có thể nằm trong tầm tay của Amelia Earhart nếu như không có sự kiện bà đột ngột mất tích trong chính chuyến hành trình này.
'Nữ hoàng hàng không' Amelia Earhart cùng hoa tiêu Fred Noonan trước chuyến hành trình định mệnh. Ảnh: BETTMANN ARCHIVE/GETTY IMAGES
82 năm đằng đẵng trôi qua, cho đến nay, không một ai biết rõ thực hư số phận của 'Nữ hoàng hàng không' Amelia Earhart cùng hoa tiêu Fred Noonan trong ngày 2/7/1937 định mệnh - khi đội Tuần duyên Mỹ USCGC Itasca hoàn toàn mất tín hiệu với chiếc Lockheed Electra 10E mà bà cầm lái.
Bí ẩn số phận nghiệt ngã của Amelia Earhart tưởng chừng đã ngủ say dưới biển xanh sâu thẳm nay bỗng thức giấc khi nhà thám hiểm kỳ cựu người Mỹ Robert Ballard - người có công tìm ra xác 'con tàu không thể đắm' Titanic (năm 1985) - tuyên bố cùng đội của mình lên đường thẳng tiến Thái Bình Dương, quyết tâm giải mã bí ẩn thế kỷ 20 mang tên Amelia Earhart.
Hôm nay ngày 13/8 đánh dấu tròn 6 ngày đội thám hiểm của Robert Ballard đến hòn đảo san hô vòng Nikumaroro không có người ở (Tây Thái Bình Dương) để tìm kiếm manh mối về Amelia Earhart, Fred Noonan và chiếc phi cơ Lockheed Electra 10E.
Mô hình chiếc phi cơ Lockheed Electra 10E do Amelia Earhart cầm lái. Người thực hiện: RICHARD GILLESPIE, THE INTERNATIONAL GROUP FOR HISTORIC AIRCRAFT RECOVERY.
Cuộc thám hiểm do giáo sư Robert Ballard dẫn đầu (dự trù kéo dài khoảng 3 tuần) được đồng tài trợ bởi National Geographic Partners và National Geographic Society. Toàn bộ quá trình thực hiện cuộc thám hiểm này sẽ được đội làm phim của Kênh truyền hình phim tài liệu National Geographic quay lại và phát sóng đặc biệt vào tháng 10/2019.
Sự kiện này đặc biệt thu hút sự chú ý của công chúng Mỹ và những người quan tâm đến Amelia Earhart trên toàn thế giới, đó là lý do National Geographic hứa sẽ thông tin đến độc giả ngay khi đội của Robert Ballard tìm thấy manh mối dù là nhỏ nhất chứng minh đảo Nikumaroro là nơi cuối cùng của nữ phi công và hoa tiêu.
Dưới đây là 'lời hứa' của National Geographic, mời độc giả theo dõi:
Đêm tại đảo không người Nikumaroro...
Trong phòng trung tâm điều khiển tranh tối tranh sáng của tàu E/V Nautilus do Robert Ballard chỉ đạo tĩnh lặng khác thường... Ánh mắt và tâm trí của các chuyên gia tập trung cao độ vào hệ thống màn hình máy tính nhiều màu sắc - cũng nguồn sáng duy nhất của căn phòng.
Họ đang theo dõi hình ảnh truyền từ camera của phương tiện điều khiển từ xa (ROV) mật danh Hercules trong nền nước xanh thẳm của đại dương.
"Chúng tôi đang tìm kiếm vật thể có màu sắc nhân tạo có thể lẫn trong nền đám san hô dưới đảo Nikumaroro. Hercules có thể lặn sâu 4000m." - Robert Ballard thì thầm tiết lộ trong khi mắt vẫn chăm chú theo dõi từng cm trên màn hình máy tính.
Bên trong phòng trung tâm điều khiển của tàu E/V Nautilus. Ảnh: SPENCER SMITH, NATIONAL GEOGRAPHIC
Thứ mà ông hy vọng tìm kiếm được là những mảnh vỡ còn sót lại từ chiếc phi cơ Lockheed Electra 10E.
"Có rất nhiều giả thuyết về nơi mất tích cuối cùng của Amelia Earhart. Có người tin rằng, bà và hoa tiêu hạ cánh xuống quần đảo Marshall, số khác lại cho rằng họ đáp xuống hòn đảo Saipan (thuộc quần đảo Mariana phía tây Thái Bình Dương), thậm chí là ở tiểu bang Mỹ New Jersey ven bờ Đại Tây Dương.
Chúng tôi lại cho rằng phi cơ của Amelia Earhart hạ cánh cuối cùng tại đảo hoang Nikumaroro này. Đó là lý do toàn đội có mặt ở đây." - Nhà thám hiểm tìm ra xác tàu Titanic tự tin nói.
Theo kế hoạch của nhà thám hiểm kỳ cựu Mỹ từng thực hiện 160 cuộc tìm kiếm dưới biển quy mô lớn, đội của ông sẽ chia làm 2 mũi chính:
- Mũi 1: Một nửa đội thám hiểm sẽ cùng những chú chó thính giác nhạy bén (đánh hơi xương người) để truy tìm phần hài cốt còn lại (nếu có) của Amelia Earhart và hoa tiêu Fred Noonan phía trên mặt đất của hòn đảo Nikumaroro.
- Mũi 2: Trong đó có Robert Ballard và đồng trưởng nhóm Allison Fundis trực tiếp thực hiện và chỉ huy các hoạt động tìm kiếm dưới biển, gồm lặn thám hiểm và phân tích hình ảnh/camera từ các phương tiện lặn sâu.
Ảnh: GABRIEL SCARLETT, NATIONAL GEOGRAPHIC
Trưởng nhóm thám hiểm, giáo sư Robert Ballard chăm chú theo dõi hình ảnh thu trực tiếp từ camera của Hercules và đưa ra các chỉ đạo về kỹ thuật từ phòng điểu khiển của con tàu E/V Nautilus.
Con tàu E/V Nautilus mà cả đội thám hiểm lựa chọn được trang bị những thiết bị công nghệ hiện đại nhất, gồm: 1 sonar đa tia gắn trên thân tàu cho phép lập bản đồ địa hình dưới nước, hai ROV với máy ảnh độ nét cao, 1 phương tiện tự động (ASA, về cơ bản là 1 thuyền robot) và nhiều máy bay không người lái khác.
Trước khi lên đường đến đảo hoang, Robert Ballard tiên liệu trước những khó khăn trong hành trình giải mật số phận Amelia Earhart. Bởi, việc tìm kiếm xác phi cơ Lockheed Electra 10E không giống như việc tìm kiếm xác tàu Titanic. Do địa hình ở Nikumaroro không bằng phẳng mà như một cao nguyên ngầm, dốc và hiểm trở.
Manh mối quý giá xuất hiện ngay đêm đầu tiên
National Geographic thông tin, ngay khi đến đảo Nikumaroro, đội của Robert Ballard bắt tay ngay vào triển khai thuyền robot ASA để có được bản đồ địa hình ngầm gần bờ. Sau khi dữ liệu được truyền về, chờ cho đêm xuống, trưởng nhóm tiếp tục thả Hercules để săn tìm vật thể nhân tạo dưới đáy đại dương.
Đêm đầu tiên, Hercules tìm thấy những vật phẩm nhân tạo trôi dạt từ xác con tàu S.S Norwich City (bị đắm trên đảo Nikumaroro ngày 29/11/1929 khiến 11 người thiệt mạng), gồm cánh quạt, nồi hơn...
Ảnh: JESSE GOLDBERG, NATIONAL GEOGRAPHIC
Ảnh trái: Một phương tiện hoạt động từ xa (ROV) có tên Hercules được thả xuống biển ngay đêm đầu tiên từ boong tàu E/V Nautilus. Ảnh phải: Một chiếc thuyền robot (ASV) thả xuống ngay ngày đầu tiên cả đội đến đảo, để lập bản đồ địa hình gần bờ.
Đó không phải là những thứ nhà thám hiểm mong đợi. Tuy nhiên, các vật phẩm từ xác tàu S.S Norwich City vô hình chung mang đến dữ kiện quan trọng:
90 năm đã qua mà các mảnh vỡ và đồ đạc của tàu S.S Norwich City vẫn co cụm/tập trung ở độ sâu từ 100 đến 300m. Bất cứ thứ gì có khối lượng tương tự (như một phần của chiếc máy bay chẳng hạn) đều có thể trượt xuống dốc và nằm yên trên địa hình vốn không bằng phẳng của đảo Nikumaroro.
Thông tin này rất quý giá để truy tìm lời giải đáp cho câu hỏi: "Xác phi cơ có thể trôi được bao xa dưới đáy biển?"
Ảnh: ROB BARREL, NAI'A FIJI
Hòn đảo Nikumaroro, một đảo san hô vòng không có người ở, thuộc Cộng hòa Kiribati. Một số nhà nghiên cứu tin rằng Amelia Earhart và hoa tiêu Fred Noonan đã hạ cánh và mất tại đây.
Còn nhớ, trong thời hạn 12 ngày ngắn ngủi tìm kiếm xác tàu Titanic năm 1985, nhờ tư duy sắc bén của giáo sư Robert Ballard suy được từ việc tìm kiếm 2 xác tàu ngầm nguyên tử của Hải quân Mỹ mà xác tàu huyền thoại Titanic (từng khiến hàng trăm đội tìm kiếm thất bại) đã 'trỗi dậy' giữa bốn bề hoang lạnh sau 7 thập kỷ có lẽ ngủ yên ở độ sâu 4000 m dưới đáy biển Bắc Đại Tây Dương.
Khi đó, Robert Ballard đã thu được bài học đắt giá về tác động của dòng hải lưu đối với các mảnh vỡ khi chìm:
Dòng hải lưu đã mang theo những mảnh vỡ từ những con tàu xuống biển và tạo thành chuỗi mảnh vỡ dài dưới đáy biển. Từ đó, ông suy đoán rằng, việc Titanic bị gãy làm đôi đã để lại mảnh vỡ rơi rớt trong quá trình chìm xuống đáy đại dương. Thay vì tìm kiếm thân tàu Titanic, ông quyết định rà quét đáy biển để tìm các mảnh vỡ (có thể trải rộng hàng km), từ đó tìm thân tàu sau.
Kinh nghiệm và sự quyết đoán hiếm có của nhà thám hiểm hàng hải đã tạo nên kỳ tích thập niên 1980: Tìm thấy xác 'con tàu không thể chìm' Titanic huyền thoại.
Giờ đây, tư duy sắc bén cùng sự quyết đoán đầy bản lĩnh của một nhà thám hiểm hàng hải kỳ cựu đang được tiếp tục áp dụng vào hành trình giải mã số phận bí ẩn của Amelia Earhart, hoa tiêu Fred Noonan cùng xác phi cơ Lockheed Electra 10E.
Cùng đồng hành với National Geographic để đón chờ những tin tốt lành từ đội thám hiểm của giáo sư ông...
Chuyển dịch từ: National Geographic
Theo Helino
Điều gì sẽ xảy ra nếu động vật đã tuyệt chủng như khủng long, voi ma mút hồi sinh? Điểm chung của những sinh vật khổng lồ như khủng long, voi ma mút, chim dodo là gì? Đó là chúng đã tuyệt chủng. Nhưng thế giới sẽ ra sao nếu một ngày những loài vật này... hồi sinh? Ảnh minh họa Hãy tưởng tượng, một ngày nào đó những loài động vật to lớn đã tuyệt chủng ấy hồi sinh, mà nguyên...