Xác lợn chết ‘đầu độc’ suối Cao Bằng
UBND H.Hòa An ( Cao Bằng) vừa yêu cầu cơ quan công an và các lực lượng chức năng khẩn trương truy tìm và xử lý thủ phạm vứt xác lợn chết bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường, khiến người dân tại xã Ngũ Lão bức xúc.
Xác lợn chết được vứt dọc đường Quốc lộ 3 đoạn qua địa phận xã Ngũ Lão, H.Hòa An – Ảnh: Cao Bắc
Qua phản ánh trong dư luận và xác nhận từ chính quyền địa phương xã Ngũ Lão, H.Hòa An, ngày càng có nhiều xác lợn chết vứt bỏ bên đường hoặc ném xuống các con suối trên địa bàn. Gần đây nhất, ngày 1.9, trên đoạn đường QL 3 đi qua xã Ngũ Lão, người dân địa phương đã phát hiện 7 xác lợn chết trong quá trình phân hủy bốc mùi xú uế. Trong đó, có đến 4 xác lợn chết trương phềnh dưới con suối Củn, theo hướng chảy về TP.Cao Bằng.
Khẳng định số lợn chết không phải là lợn được nuôi tại địa phương, anh Nguyễn Văn Đ., sinh sống trên địa bàn xã Ngũ Lão, phản ánh: tình trạng xác lợn chết vứt bừa bãi dọc QL 3 đã được phát hiện nhiều lần. Mỗi lần như vậy, người dân đều thông báo với chính quyền địa phương, nhưng vẫn chưa thể tìm ra thủ phạm.
Cũng theo thông tin từ anh Đ., tình trạng xác lợn chết vứt trộm bữa bãi bắt đầu xuất hiện khi khu vực đầu nguồn suối Củn có nhiều điểm thương lái tập kết lợn để tắm, cho ăn, trước khi chờ xuất bán sang Trung Quốc.
Video đang HOT
“Có thể trong quá trình vận chuyển, lợn bị chết do bệnh, ốm nên thương lái vứt trộm xuống lòng đường hoặc quẳng xuống suối. Ngoài ra, dòng nước suối Củn hiện bị ô nhiễm nặng nề bởi nguồn chất thải từ các bãi tắm lợn xả thẳng ra suối, theo dòng chảy về TP.Cao Bằng”, anh Đ. nói.
Ngoài anh Đ., nhiều người dân lo lắng xác lợn chết, chất thải xả bừa bãi ra suối có thể là nguồn phát tán bệnh dịch cho đàn gia súc tại địa phương cũng như địa bàn suối Củn chảy qua.
Ông Nguyễn Hữu Thao, Phó chủ tịch UBND H.Hòa An xác nhận có tình trạng xác lợn chết bị vứt bừa bãi ở địa bàn xã Ngũ Lão, nhưng chưa thể xác minh được nguồn gốc.
Theo ông Thao, trong các trường hợp phát hiện lợn chết không rõ nguyên nhân bị vứt lại trên địa bàn dân cư, cơ quan thú y đều có mặt để thu gom xử lý tiêu hủy và phun thuốc khử trùng làm vệ sinh môi trường, ngăn chặn các bệnh dịch có thể phát tán, lây lan.
“Dựa theo phản ánh từ người dân địa phương, chúng tôi đã trực tiếp yêu cầu cơ quan công an vào cuộc điều tra nguồn gốc cũng như thủ phạm vứt xác lợn chết bừa bãi để xử lý theo quy định của pháp luật”, ông Thao thông tin.
C.Bắc – H.Phan
Theo Thanhnien
Bùn than 'đe dọa' sông suối vùng lũ Quảng Ninh
Nguy cơ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do lượng bùn và đất khổng lồ từ các khai trường than ồ ạt chảy xuống các khe suối, sông rồi trôi thẳng ra vịnh Hạ Long.
Dòng suối Xi măng tại P.Hà Tu, TP.Hạ Long bị bùn đất vùi lấp kín - Ảnh: P.H.S
P.Hà Khánh, TP.Hạ Long là nơi được xác định có nhiều khe, mương nước nối từ khai trường thuộc các mỏ than của Công ty than Thành Công, Hòn Gai... Sau trận mưa lụt, các dòng nước này vẫn ào ào chảy nhưng đục ngầu bởi than và bùn đất.
Tại kênh thoát nước qua cầu Hóa Chất 2, thuộc khai trường Công ty than Hòn Gai, PV ghi nhận dòng nước đang cuồn cuộn chảy đen ngòm, váng dầu nổi dày đặc trên mặt nước. Trên đoạn mương, ngay sát chân cầu, nhiều máy hút đang hút nước có lẫn than phun lên bờ, chờ khô để xúc lên sàng lấy than bán.
Ông Nguyễn Văn Hà (ở khu 4, P.Hà Khánh) cho biết con kênh này chảy thẳng ra sông Cửa Lục. Người dân tổ chức vớt và hút than ngay từ hôm xảy ra trận mưa lụt bởi lượng than từ trên khai trường được nước mưa cuốn xuống kênh quá lớn.
Cùng chung tình trạng như trên, suối Xi măng nối từ Công ty than Hà Tu (P.Hà Tu, TP.Hạ Long) từ nhiều ngày nay trở thành bể chứa than cùng bùn đất. Có mặt tại con suối này chiều 5.8, PV ghi nhận toàn bộ khu vực giáp từ suối đổ ra vịnh Hạ Long đã bị bùn đất cùng than phủ dày lên cao tới vài mét biến nơi đây như một đại công trường. Người dân mặc kệ bùn đất dày đặc, rác thải ngập ngụa vẫn hút than từ lòng suối lên. Nhà có điều kiện thì dùng máy hút, nhà nghèo thì dùng xảo đãi lấy than đem bán.
Trong khi đó, mặc dù nước đã rút nhưng hậu quả do nhiều ngày ngập lụt nên người dân không chỉ đối mặt với việc mất mát, hỏng hóc tài sản mà còn đối phó với ô nhiễm, dịch bệnh. Tại khu vực tổ 7 và tổ 9, P.Cao Thắng, đi đâu cũng thấy hình ảnh hàng đống đồ đạc bị hỏng hóc vất chỏng chơ ven đường.
Chị Nguyễn Thị Oanh, giáo viên một lớp tư thục ở khu 9 vừa xúc bùn đất từ trong nhà đổ ra ngoài đường vừa nói: "Nước tràn hết vào lớp học; bàn ghế, dụng cụ... ngập trong nước hỏng hết. Với tình hình này phải cả tháng dọn dẹp, khắc phục mới hoạt động trở lại được".
Trao đổi với PV Thanh Niên chiều 5.8, ông Đặng Huy Hậu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, cho biết tình trạng than cùng bùn đất vùi lấp các dòng suối, sông và các cửa sông giáp vịnh Hạ Long đang diễn ra tại nhiều khu vực, gây ô nhiễm môi trường là có. Tỉnh cũng đã khảo sát và có hướng giải quyết, trước mắt sẽ nạo vét để khơi thông dòng chảy. Đồng thời xử lý ô nhiễm tại các dòng chảy này. Tuy nhiên, do hiện đang huy động toàn lực để khắc phục hậu quả liên quan đến người dân nên chưa thể xử lý ngay được.
Phạm Hải Sâm
Theo Thanhnien
Hàng chục nóc nhà ở Điện Biên vẫn chìm nghỉm trong nước Ông Lò Văn Hoàn, Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo, Điện Biên cho biết, tính đến sáng nay (5/8), tại xã Phú Nhung, huyện Tuần Giáo vẫn còn có 10 nhà dân chìm sâu trong nước. Do lũ rút chậm nên cuộc sống sinh hoạt người dân gặp nhiều khó khăn. Mặc dù trên địa bàn không còn xảy ra mưa to, lũ...