Xác định thai quá ngày sinh và cách xử trí
Thai quá ngày sinh là trường hợp thai nhi ở trong tử cung của bụng người mẹ khi mang thai quá 294 ngày, tương ứng với quá 42 tuần tuổi tính từ ngày đầu của kỳ kinh nguyệt cuối cùng nhưng chưa được sinh ra đời.
Trường hợp này có nhiều nguy cơ gây nên nguy hiểm cho thai nhi và ảnh hưởng đến sức khỏe người mẹ.
Tính ngày sinh dự đoán
Cách tính ngày sinh dự đoán của sản phụ khi mang thai thường căn cứ vào ngày bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt cuối cùng của thai kỳ. Theo đó, nếu tính theo dương lịch, ngày sinh dự đoán là ngày đầu của kỳ kinh cuối cùng cộng với 9 tháng và 7 ngày; ví dụ ngày 1/2/2018 là ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối, cộng thêm 9 tháng là ngày 1/11, cộng thêm 7 ngày nữa là ngày 8 tháng 11, vậy ngày 8 tháng 11 là ngày sinh dự đoán.
Thực tế có một số phụ nữ thường nhớ ngày âm lịch, nếu tính theo âm lịch cũng theo cách tương tự, ngày sinh dự đoán là ngày đầu của kỳ kinh cuối cùng cộng với 9 tháng và 15 ngày; ví dụ ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối âm lịch là ngày 1/2, cộng thêm 9 tháng và 15 ngày nữa là ngày 16/11 là ngày sinh dự đoán; sở dĩ có sự chênh lệch số ngày giữa dương lịch và âm lịch là do số ngày trong một tháng của ngày âm thường ít hơn ngày dương.
Đồng thời cũng có thể tính ngày sinh dự đoán dựa vào chu kỳ kinh nguyệt theo cách lấy ngày đầu của kỳ kinh cuối cùng trừ 3 tháng trở về trước cộng thêm 7 ngày; ví dụ nếu kỳ kinh cuối là ngày 1/12, trừ đi 3 tháng trở về trước rồi cộng 7 ngày sẽ ra ngày 8 tháng 9; đây là một cách để tính 40 tuần mang thai.
Bên cạnh đó, thời gian mang thai thường được quyết định bởi thời gian trưởng thành của thai nhi với thời gian ngắn của chu kỳ kinh nguyệt theo tỷ lệ: phụ nữ đang mang thai có kỳ kinh 3 tuần/lần, thời gian mang thai 40 tuần trừ 1 tuần còn 39 tuần; phụ nữ đang mang thai có kỳ kinh 4 tuần/lần, thời gian mang thai 40 tuần; phụ nữ đang mang thai có kỳ kinh 5 tuần/lần, thời gian mang thai 40 tuần cộng 1 tuần thành 41 tuần.
Thai quá ngày sinh là thai quá 294 ngày (42 tuần tuổi) tính từ ngày đầu của kỳ kinh nguyệt cuối cùng
Ngoài ra, có thể tính ngày sinh dự đoán dựa vào ngày thụ thai, thời gian phản ứng có thai và thời gian thai cử động. Cách tính ngày sinh dự đoán dựa vào ngày thụ thai rất đơn giản nếu nhớ được cụ thể ngày có quan hệ dẫn đến thụ thai bằng cách lấy ngày có quan hệ dẫn đến thụ thai cộng thêm 38 tuần.
Video đang HOT
Nếu dựa vào thời gian phản ứng có thai, thông thường phản ứng này sẽ bắt đầu có khoảng sau khi tắt kinh 6 tuần, cần ghi lại để tính ngày sinh dự đoán bằng cách lấy ngày phản ứng có thai cộng thêm 34 tuần.
Nếu dựa vào thời gian thai cử động, thời gian này thường bắt đầu vào cuối tháng thứ 4, đầu tháng thứ 5; tính ngày sinh dự đoán bằng cách lấy ngày thai bắt đầu cử động cọng thêm 20 tuần.
Bên cạnh đó, việc siêu âm thai sớm ngay từ khi bắt đầu có thai cũng giúp xác định được ngày sinh dự đoán một cách chính xác, nhất là trong những tháng đầu tiên của thai kỳ; nếu siêu âm trễ hơn, xác suất tính ngày sinh dự đoán dễ có sai sót.
Xác định thai quá ngày sinh
Một thai kỳ bình thường và thai nhi khỏe mạnh sẽ kéo dài trong khoảng thời gian từ 37 đến 41 tuần, nếu trẻ được sinh ra trong thời gian này được xem là trẻ sơ sinh đủ tháng. Trường hợp sản phụ mang thai kéo dài quá lâu đến 42 hoặc 43 tuần mà chưa sinh có thể gọi là thai quá ngày sinh hay thai quá tháng cần phải đặc biệt lưu ý. Theo đó, thai quá ngày sinh là thai ở trong tử cung của bụng người mẹ quá 294 ngày hay quá 42 tuần tính từ ngày đầu của kỳ kinh nguyệt cuối cùng. Vì vậy phải theo dõi sát các trường hợp sản phụ mang thai từ sau 41 tuần hay 287 ngày trở lên để phát hiện sớm các nguy cơ, đặc biệt là tình trạng suy thai vì bánh nhau thoái hóa nên thai dễ bị suy, ngạt và có thể tử vong do thiếu dinh dưỡng; đồng thời thai quá ngày sinh thường to nên dễ gây tai biến khi sinh đẻ.
Thực tế nếu đã đến ngày sinh dự đoán nhưng sản phụ mang thai vẫn chưa thấy dấu hiệu chuyển dạ sắp sinh, không nên quá lo lắng vì có thể tính ngày sinh dự đoán không đúng, do đó cần xem lại nhưng nếu đã xác định rõ quá ngày sinh hơn 1 tuần, tốt nhất nên đi khám bác sĩ để theo dõi sự phát triển và an toàn của thai nhi bằng siêu âm và các kiểm tra khác.
Nếu tình trạng diễn biến tốt, có thể đợi thêm vài ngày để sinh đẻ tự nhiên nhưng nếu phát hiện thấy dấu hiệu bất thường đe dọa đến sức khỏe cũng như tính mạng của sản phụ và thai nhi, có thể chỉ định mổ lấy thai để bảo đảm an toàn. Ngoài ra có thể sử dụng biện pháp kích thích khởi động chuyển dạ bằng một số loại thuốc để giúp tạo nên cơn co tử cung gây chuyển dạ sinh thường được gọi là sinh đẻ chủ động.
Nguyên nhân thai quá ngày sinh và nguy cơ ảnh hưởng
Theo các nhà khoa học, hiện nay chưa xác định được rõ ràng nguyên nhân dẫn đến tình trạng thai quá ngày sinh.
Tuy nhiên trên thực tế ghi nhận được một số yếu tố làm tăng nguy cơ thai quá ngày sinh gồm: sản phụ mang thai con so tức là có đứa con đầu lòng, thai nhi có giới tính nam, sản phụ đã từng mang thai có thai kỳ quá ngày sinh và béo phì…
Không phải tất cả các trường hợp thai quá ngày sinh đều nguy hiểm, tuy nhiên một số nguy cơ ảnh hưởng có thể xảy ra thường gặp như: thai chết lưu, thai quá to, hội chứng thai già tháng, nước ối giảm và giảm oxy đến thai nhi, tăng nguy cơ mổ lấy thai…
Biện pháp xử trí can thiệp
Việc xử trí can thiệp được thực hiện từ sự theo dõi các yếu tố có liên quan như: theo dõi chỉ số nước ối bằng siêu âm, tình trạng thiểu ối là dấu hiệu của biểu hiện suy tuần hoàn nhau thai – thai nhi và thai nhi thiếu oxy, kỹ thuật siêu âm nên thực hiện cách nhau 48 giờ vì nước ối thường thay đổi sau mỗi 48 giờ; soi ối để phát hiện nước ối lẫn phân su là biểu hiện thường gặp ở thai quá ngày sinh; thực hiện monitoring bằng test không đả kích (non stress test) từ 2 đến 3 ngày một lần, nếu test không đáp ứng, phải làm test có đả kích (stress test) còn gọi là test núm vú.
Nếu không có dấu hiệu suy thai, tiến hành gây chuyển dạ theo quy trình thực hiện của các phương pháp gây chuyển dạ đã được quy định; nếu test đả kích có biểu hiện dấu hiệu suy thai, cần tiến hành mổ lấy thai; lưu ý cần đánh giá chỉ số Bishop để tiên lượng việc gây chuyển dạ thành công, việc gây chuyển dạ bằng cách bấm ối và truyền oxytocin tĩnh mạch.
Việc mổ lấy thai được thực hiện trong các trường hợp suy thai, các trường hợp có kèm theo nguyên nhân sinh khó khác như có vết mổ lấy thai cũ, thai có ngôi mông, sản phụ lớn tuổi, điều trị vô sinh…
Sau khi trẻ được sinh ra từ các trường hợp thai quá ngày sinh, trẻ phải được chăm sóc thận trọng bằng cách ủ ấm, làm thông đường hô hấp, cho vitamin K1 và theo dõi chặt chẽ sự phát triển của trẻ…
Lời khuyên của thầy thuốc
Theo các nhà khoa học, có khoảng 80% trẻ sơ sinh không chào đời đúng ngay vào ngày sinh dự đoán mà thường là sớm hơn, một số trường hợp thai nhi ở lâu hơn trong tử cung người mẹ.
Điều cần quan tâm là tất cả phụ nữ mang thai đều phải đến các cơ sở chăm sóc sức khỏe để khám thai định kỳ nhằm kịp thời phát hiện những bất thường trong quá trình mang thai, trong đó có cả trường hợp thai quá ngày sinh nhằm xác định cụ thể, có biện pháp xử trí can thiệp kịp thời và phù hợp, bảo đảm sự an toàn cho cả mẹ và con.
Khi đã quá ngày sinh dự đoán nhưng sản phụ mang thai vẫn chưa có dấu hiệu chuyển dạ, phải đi khám để xác định, đồng thời theo dõi cử động của thai nhi.
Lưu ý đi khám bác sĩ ngay khi có bất kỳ một dấu hiệu bất thường nào, đặc biệt là triệu chứng đau bụng, ra máu và ra nước ở âm đạo, thai nhi cử động quá yếu hay quá mạnh so với bình thường.
Tình trạng sức khỏe của thai nhi sẽ được đánh giá bằng nhiều phương tiện kỹ thuật cần thiết và việc tái khám đúng lịch hẹn rất quan trọng để theo dõi tình trạng của thai nhi nhằm có biện pháp chủ động can thiệp phù hợp, kịp thời như giúp chủ động chuyển dạ hoặc chỉ định mổ lấy thai.
BS. Nguyễn Võ Hinh
Theo Sức khỏe & Đời sống
Cứu sống thành công sản phụ mang thai lần thứ 3 bị vỡ tử cung, thai nhi ngưng thở
Các bác sĩ cứu sống thành công sản phụ mang thai lần thứ 3 ở tuần 39 bị vỡ tử cung, thai nhi khi đưa ra khỏi bụng mẹ đã ngưng thở.
Sáng 15/6, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình cho biết, các bác sĩ vừa cứu thành công sản phụ bị vỡ tử cung khi đang mang thai ở tuần thứ 39.
Theo đó, vào lúc 15h ngày 14/6, chị Hoàng Thị Hòa (25 tuổi, trú xã Phù Hóa, huyện Quảng Trạch) được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình trong tình trạng bị choáng, nghi do vỡ tử cung.
Các bác sĩ chẩn đoán chị Hòa bị vỡ tử cung. Sản phụ đang mang thai lần thứ 3, ở tuần thứ 39, có vết mổ cũ 2 lần. Các bác sĩ khoa Sản của bệnh viện đã hội chẩn và tiến hành mổ cấp cứu khẩn cấp.
Cứu sống thành công sản phụ mang thai lần 3 bị vỡ tử cung, thai nhi ngưng thở. Ảnh: Người lao động
Theo các bác sĩ, quá trình phẫu thuật cho thấy, ổ bụng của sản phụ bị vỡ hoàn toàn, thai đã nằm ngoài tử cung nên phải tiến hành lấy thai. Khi lấy thai ra ngoài thì cháu bé không thở, không có nhịp tim. Các bác sĩ lập tức tiến hành hồi sức tích cực cho bé và mẹ và thực hiện thành công ca mổ.
Hiện sức khỏe của cả mẹ và con đã ổn định và đang được chăm sóc đặc biệt tại bệnh viện.
Theo saostar
Đột nhập khoa sản để tận mắt chứng kiến quá trình vượt cạn xem có đáng sợ như lời đồn Đối với các mẹ chưa sinh con hay với những người chưa từng bước chân vào khoa sản thì chuyện vượt cạn dường như rất đáng sợ. Cùng đột nhập vào khoa sản để chứng kiến tận mắt xem có đáng sợ như các mẹ vẫn kể? Đối với những người phụ nữ thì lần đầu tiên mang thai là một trải nghiệm...