Xác định loại ốc biển gây ngộ độc tại Ninh Thuận
Sáng 31.12, Sở Y tế Ninh Thuận có thông báo kết quả phân tích mẫu ốc gây ngộ độc chết người xảy ra tại thôn Lạc Tân 2, xã Phước Diêm, huyện Thuận Nam (Ninh Thuận) vào ngày 15.12.
Ốc bùn răng cưa gây ngộ độc
Theo kết quả phân tích của Viện Hải dương học Nha Trang, loài ốc này có tên Ốc bùn răng cưa (tên khoa học: Nassarius papilosus); độc tố tetrodotoxin trong loài ốc này là độc tố thần kinh cực mạnh, có trọng lượng phân tử thấp.
Do cấu trúc hóa học khá đặc biệt nên độc tố tetrodotoxin không hề phân hủy, biến tính trong quá trình xử lý ở nhiệt độ cao khi chế biến nên chúng tồn tại trong các sản phẩm thức ăn đã được chế biến, xào nấu; thậm chí kể cả sản phẩm cấp đông, đóng hộp.
Như Thanh Niên Online đưa tin, vào sáng 15.12, anh Nguyễn Văn Quý (30 tuổi, thôn Lạc Tân 2) bắt được 14 con ốc bùn răng cưa ở vùng biển Phước Diêm đưa về nhà luộc chín cho cả nhà cùng ăn.
Bé Nguyễn Thị Ánh Liên (6 tuổi, con anh Quý) chỉ ăn 1 con và sau đó khoảng 30 phút, có hiện tượng nôn ra máu, tay chân co giật, tê lưỡi, toàn thân tím tái, dẫn đến tử vong.
Ông bà ngoại bé Liên là Trần Văn Dí (48 tuổi), Mai Thị Hoa (47 tuổi) và chị Trần Thị Thanh Xuân (28 tuổi, mẹ bé Liên) sau khi ăn vào có biểu hiện tương tự, được người nhà đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Ninh Thuận và đã bình phục.
Tin, ảnh: Thiện Nhân
Video đang HOT
Theo Thanhnien
Điểm mặt những món ăn gây hại ngày Tết
Tết dương lịch và Tết Nguyên đán sắp đến gần. Vào những ngày này, người tiêu dùng được nghỉ ngơi, ăn uống. Tuy nhiên, không phải món ăn ngày Tết nào cũng có lợi cho sức khỏe.
Ô mai, mứt càng có màu sặc sỡ càng độc hại
Các loại ô mai và mứt là những món ăn truyền thống, không thể thiếu trong các dịp lễ Tết. Tuy nhiên, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến cáo, ngày Tết không nên chọn các loại ô mai, xí muội nhuộm phẩm màu là hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc, nhất là các sản phẩm có màu sắc sặc sỡ, lạ mắt vì màu sắc đó là do người sản xuất sử dụng phụ gia như chất bảo quản, chất tạo ngọt, chất tẩy nấm mốc, chất tẩy trắng, sát trùng... để phòng thối rữa, chống chảy nước, mốc, rất độc hại cho người ăn. Chỉ nên mua ô mai tại những cơ sở sản xuất uy tín, có nguồn gốc xuất xứ, thời hạn sử dụng, thành phần... rõ ràng.
Ô mai, mứt càng nhiều màu càng độc hại. Ảnh minh họa
Phó giáo sư Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội) cũng khuyên các bà nội trợ nên tránh loại mứt, ô mai có màu sắc rực rỡ vì dễ bị dùng phẩm màu công nghiệp, chứa nhiều kim loại nặng. Tuyệt đối không chọn mứt có màu sắc không nguyên gốc (như mứt bí nên chọn màu trắng, còn mứt bí các màu thì không nên mua).
Ông cũng khuyên người tiêu dùng không nên ăn nhiều mứt, đặc biệt những người tiểu đường, béo phì, người già, trẻ em, phụ nữ mang thai, vì chúng chứa nhiều đường. Người bình thường ăn nhiều mứt dễ sình bụng, mất cảm giác đói. Những loại mứt hoa quả, tuy giàu khoáng chất nhưng trong quá trình làm khô, rửa sạch, xào... đã bị phân hủy, và dễ sinh nấm mốc. Một số loại rau củ quả thanh nhiệt, làm mát nhưng chế biến thành mứt sẽ có tác dụng ngược, gây nội nhiệt hoặc phát sinh mụn nhọt do chất ngọt cao.
Giò chả chứa nhiều chất gây hại
Trước đây các cơ quan chức năng đã phát hiện được một số cơ sở dùng một loại bột làm giò chả để giữ được lâu hơn mà ăn thấy dai giòn, được gọi là chất "phụ gia" có màu trắng tinh, không mùi, dạng bột. 10kg thịt làm chả chỉ cần khoảng 100gr phụ gia. Chất phụ gia này được mua ở chợ Đồng Xuân với giá 120.000 - 130.000 đồng/kg, rất thuận tiện để thay hàn the.
Giò chả chứa nhiều chất phụ gia gây hại
Để tìm hiểu chất phụ gia này, PV đã đến chợ Đồng Xuân hỏi mua loại phụ gia để làm giò chả thì được một chủ cửa hàng giới thiệu hai loại: Superbind K70 là hỗn hợp polyphosphate của Đức tạo độ giòn, dai, tăng khả năng giữ nước và loại Acid Sorbic, Potassium Sorbate của Nhật Bản, chống nhớt, chống mốc, dùng làm chất bảo quản, kéo dài thời gian sử dụng. Cả hai chất phụ gia này đều không có chữ tiếng Việt và không thấy ghi cơ quan chuyên môn nào cấp phép sử dụng.
Đặc biệt, khá nhiều cơ sở dùng khuôn inox để làm giò, chả. Theo giải thích của các nhà khoa học, trong quá trình làm giò, những nguyên liệu gồm thịt, mộc nhĩ, nấm hương, muối tiêu và nhiều loại gia vị khác được trộn lẫn và đưa vào khuôn. Nếu người làm không cẩn thận, không dùng khuôn giò inox đảm bảo chất lượng và sử dụng lớp lót bên trong để ngăn cách tiếp xúc giữa inox và giò thì các hợp chất bên trong bề mặt của thành khuôn inox sẽ phai ra ngấm vào thức ăn và giò chả.
TS. Đoàn Đình Phương - Phó Viện trưởng Viện Khoa học vật liệu - cho biết: "Hiện nay, đối với các vật liệu mạ inox, để tạo giá thành rẻ hơn nữa, nhà sản xuất có thể sử dụng các chất mạ kém chất lượng, pha tạp nhiều chất hoặc không mạ lớp đồng. Các chất mạ thường dùng là kim loại nặng, nếu trong quá trình sử dụng những chất đó thôi ra ngấm vào thức ăn, lâu ngày, có thể tạo nên sự tích tụ kim loại nặng trong cơ thể, gây hại cho sức khoẻ. Thậm chí có thể dẫn đến các bệnh nguy hiểm như gan, ung thư...".
Măng tươi, mang khô đều "ngậm" hóa chất
Chị Hồng, chủ một cơ sở sơ chế măng le ở xã Đắk Yă, huyện Mang Yang - Gia Lai, là người thường xuyên cung cấp măng đi một số tỉnh, thành. Chị tiết lộ loại măng này dù luộc hay sấy khô buộc phải có hóa chất mới bảo quản được lâu. Đối với măng khô, sau khi luộc thật chín thì mang đi ép rồi cho vào lò sấy. "Măng le mọc trong rừng tự nhiên nên không nhiễm thuốc trừ sâu nhưng một số cơ sở làm ăn chụp giựt, làm nhanh để bán được hàng nhiều thường cho thêm hóa chất bảo quản là lưu huỳnh trong quá trình chế biến" - chị Hồng cho biết.Không chỉ măng khô, măng tươi cũng được một số cơ sở sản xuất dùng phẩm màu công nghiệp trong quá trình xử lý.
Măng ngâm tẩm hóa chất gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng
Theo chị Hồng, để chế biến măng le luộc, trước hết phải luộc thật chín rồi ngâm nước lạnh một đêm thì măng sẽ chua tự nhiên nhưng thường có màu vàng nhạt hoặc hơi nâu, không "bắt mắt" người sử dụng. Vì vậy, các cơ sở sản xuất thường pha thêm phẩm màu công nghiệp rẻ tiền khi ngâm để măng có màu vàng tươi, đẹp mắt.
Chi cục QLTT đã bắt được hàng loạt vụ măng khô, măng tươi tẩm ướp, sấy lưu huỳnh bị thu giữ ở Thanh Hóa. Bác sĩ Phi - Trưởng bộ môn Dinh dưỡng của Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho biết lưu huỳnh là chất dùng để chống ẩm mốc, có thể dùng ở dạng xông hơi hay tẩm ướp. Nếu xông, tẩm với hàm lượng cao sẽ rất hại cho sức khỏe do lưu huỳnh khi bị ôxy hóa sẽ sinh ra chất độc có thể làm tổn thương các tế bào trong cơ thể con người; nếu ăn nhiều có thể ngộ độc như say, nôn, ói... hoặc tích lũy lâu dài trong cơ thể sẽ gây ung thư.
Bác sĩ Phi khuyên muốn ăn măng tươi thì trước hết cần phải rửa bằng nước sạch nhiều lần, luộc thật chín, sau đó tiếp tục rửa lại bằng nước sạch để giảm bớt độc chất.
Ngộ độc rượu Tết
Theo TS. Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai, hằng năm vào dịp Tết Nguyên đán tỷ lệ bệnh nhân ngộ độc rượu gia tăng. Số ca ngộ độc rượu tăng lên là do người dân uống quá nhiều rượu, đặc biệt là rượu không có nguồn gốc rõ ràng. Có trường hợp rượu pha bằng cồn công nghiệp, uống vào có thể gây chết người.
TS Phạm Duệ khẳng định, uống nhiều rượu có thể gây tử vong. Dù rượu có nhãn hay không có nhãn đều gây hại khi uống quá nhiều. Nhưng rượu có nhãn mác, nơi xuất xứ, thành phần... được ghi rõ ràng thì nguy cơ ngộ độc thấp hơn.
Các bệnh thường gặp khi nghiện rượu như rối loạn tâm thần, hoang tưởng, sơ gan... Riêng rượu kém chất lượng, pha bằng cồn công nghiệp (methanol), có thể gây chết người.
Vị giám đốc trung tâm nhớ lại trường hợp trước đây, có trường hợp uống rượu nhưng trong rượu có thuốc sâu gây ngộ độc và tử vong.
Ông Duệ cũng chỉ ra cho thuốc trừ sâu vào rượu làm cho rượu đậm đặc hơn sau khi nấu. Mặc dù, không chết người ngay nhưng nó làm cho người uống bị tai biến động mạch tĩnh, ảnh hưởng sức khỏe.
Theo Nguoitieudung
Bí quyết ăn hải sản không bị ngộ độc Hải sản là đồ ăn ngon, giàu đạm, tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên nếu ăn hải sản không đúng cách có nguy cơ gây các bệnh nguy hiểm như giun sán, dị ứng và rất dễ bị ngộ độc. Biểu hiện ngộ độc là: đau quặn ruột, vã mồ hôi, tiêu chảy, cảm giác như nghẹt thắt lồng ngực, tiết nước dãi,...