Xác định lại thiệt hại vụ ông Tất Thành Cang bán rẻ cổ phiếu cho Nguyễn Kim
Cho rằng thiệt hại trong việc ông Tất Thành Cang bán rẻ 9 triệu cổ phiếu cho Nguyễn Kim chưa chính xác, VKSND TP.HCM đã trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung.
Viện KSND TP.HCM vừa trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung đối với vụ án liên quan đến bị can Tất Thành Cang (nguyên Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM, nhiệm kỳ 2015 – 2020) và 18 bị can.
Theo Viện KSND TP.HCM, lý do trả hồ sơ là yêu cầu cơ quan CSĐT xác định lại thiệt hại trong vụ án.
Trước đó, ông Cang và 18 đồng phạm bị truy tố về các tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí”, “tham ô tài sản”, xảy ra tại Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC, 100% vốn nhà nước), Công ty CP phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco, công ty con của IPC) và Công ty CP Khu công nghiệp Hiệp Phước.
Ông Tất Thành Cang
Theo điều tra, Công ty Sadeco có vốn góp của các cổ đông Nhà nước gồm: Công ty IPC, Công ty TNHH MTV đầu tư xây dựng Tân Thuận (Công ty Tân Thuận), Văn phòng Thành ủy TP.HCM và các tổ chức khác. Bên cạnh đó, Sadeco có cổ đông chiến lược là Công ty Nguyễn Kim.
Năm 2015, khi duyệt đề án tái cơ cấu, UBND TP yêu cầu Công ty IPC đang chiếm tỷ lệ sở hữu vốn 44% tại Sadeco, không được giảm thêm tỷ lệ sở hữu vốn. Nhưng IPC bỏ qua yêu cầu này của cơ quan chủ quản.
Công ty IPC đã trình UBND TP.HCM phương án tăng vốn điều lệ và giảm tỷ lệ sở hữu của IPC tại Sadeco từ 44% xuống 28,8%.
Với chủ trương chấp thuận của ông Tất Thành Cang, IPC đã tiến hành giảm sở hữu vốn tại Sadeco từ 44% xuống còn 28% thông qua việc phát hành cổ phiếu cho Công ty Nguyễn Kim không qua đấu giá.
Video đang HOT
Từ đó, tỷ lệ sở hữu của nhóm cổ đông Nhà nước tại Sadeco giảm từ 62,8% xuống chỉ còn 41% (trong đó tỷ lệ sở hữu vốn của IPC từ 44% giảm xuống chỉ còn 28,8%), trong khi Công ty Nguyễn Kim chiếm tỷ lệ chi phối tại Sadeco là hơn 54% vốn điều lệ.
Công an xác định, trong vụ án vì có sự chấp thuận về mặt chủ trương của cựu Phó Bí thư Tất Thành Cang mà các đơn vị liên quan đã bán chỉ định 9 triệu cổ phiếu Sadeco với giá rẻ, từ đó Công ty Nguyễn Kim thâu tóm doanh nghiệp Nhà nước.
Cơ quan điều tra chỉ ra rằng, sai phạm trong việc bán rẻ 9 triệu cổ phiếu đã gây thiệt hại 940 tỷ đồng. Ông Tất Thành Cang có trách nhiệm chính trong thiệt hại này.
Vì sao ông Phạm Nhật Vinh bị truy nã?
Ông Phạm Nhật Vinh đã cùng các thành viên HĐQT Công ty Sadeco biểu quyết thống nhất chọn Công ty Nguyễn Kim làm cổ đông chiến lược, bán rẻ cổ phần không thông qua đấu giá.
Kết luận điều tra của Công an TP.HCM xác định ông Tất Thành Cang cùng các đồng phạm đã gây thiệt hại cho Công ty Sadeco 940 tỷ đồng trong phi vụ bán 9 triệu cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim, với giá 40.000 đồng/cổ phần.
Công ty Sadeco là công ty con của Công ty Tân Thuận (IPC), với tỷ lệ góp vốn của IPC là 74,8%.
Sai phạm của Phạm Nhật Vinh
Ngày 26/3/2015, IPC bán đấu giá vốn góp tại Sadeco. Công ty Eximland là nhà đầu tư đã mua trúng đấu giá hơn 5,2 triệu cổ phần (chiếm 30,8% vốn điều lệ của Sadeco) với giá 26.100 đồng/cổ phần.
Tháng 9/2016, Công ty Nguyễn Kim do ông Phạm Nhật Minh làm Tổng giám đốc đã mua lại toàn bộ cổ phần của Eximland tại Sadeco với giá 55.000 đồng/cổ phần. Ông Vinh đồng thời cũng là thành viên HĐQT của Sadeco.
Ông Phạm Nhật Vinh, Tổng giám đốc Công ty Nguyễn Kim.
Vốn điều lệ của Sadeco tại thời điểm tháng 10/2016 là 170 tỷ đồng (tương ứng với 17 triệu cổ phần), trong đó vốn của IPC chiếm 44%, vốn của Thành ủy chiếm 16,7%, nhóm Nguyễn Kim chiếm 30,8% và các cổ đông khác chiếm 8,5%.
Theo quy định, khi tăng vốn và chuyển nhượng quyền mua cổ phần của IPC, vốn Văn phòng Thành ủy tại Sadeco thì phải thực hiện đấu giá.
Tuy nhiên, các cá nhân liên quan tại Thành ủy, Văn phòng Thành ủy, IPC và Sadeco bao gồm ông Phạm Nhật Vinh đã đồng ý phát hành 9 triệu cổ phần cho cổ đông chiến lược là Công ty Nguyễn Kim với giá 40.000 đồng/cổ phần không thông qua thẩm định giá và đấu giá.
Cụ thể, ngày 10/11/2016, Công ty Nguyễn Kim gửi công văn cho Sadeco đề nghị xác lập mối quan hệ đối tác chiến lược thông qua hình thức tham gia mua cổ phần để trở thành cổ đông chiến lược, hợp tác đầu tư Dự án Khu dân cư Rạch Chiếc và Dự án Khu phức hợp căn hộ thương mại 79B Lý Thường Kiệt (phường 8, quận Tân Bình, TP.HCM). Trong khi đó, Công ty Nguyễn Kim không phải là chủ đầu tư 2 dự án này và không có năng lực thực hiện dự án.
Mặc dù Đại hội đồng cổ đông Sadeco thống nhất thông qua phương án tăng vốn điều lệ là phát hành cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 1:1, giá dự kiện là 20.000 đồng/cổ phần.
Tuy nhiên, tại cuộc họp ngày 2/8/2017, các thành viên HĐQT Sadeco lại giao cho ban điều hành Sadeco tính toán phương án tăng vốn điều lệ, Công ty Nguyễn Kim trở thành cổ đông chiến lược và chọn Công ty cổ phần chứng khoán TP.HCM (HSC) thực hiện thẩm định giá. Thành viên HĐQT tham gia và ký biểu quyết gồm 7 người, trong đó có Phạm Nhật Vinh.
Ngày 5/10/2017, ông Tề Trí Dũng (Tổng giám đốc, thành viên HĐTV IPC, Chủ tịch HĐQT Sadeco) ký hợp đồng chiến lược với Công ty Nguyễn Kim, phát hành 9 triệu cổ phần để tăng vốn điều lệ và bán toàn bộ cho Nguyễn Kim với giá 40.000 đồng/cổ phần.
Ngày 19/10/2017, Công ty Nguyễn Kim đã thanh toán đủ 360 tỷ đồng. Giá bán này đã gây thất thoát cho cho Sadeco hơn 940 tỷ đồng, dẫn đến thiệt hại tương ứng cho nhóm cổ đông Nhà nước.
Cơ quan điều tra xác định ông Phạm Nhật Vinh phạm vào tội Vi phạm quy định về quản lý tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí theo Điều 219 Bộ luật Hình sự. Song, hiện ông Vinh đã xuất cảnh đi nước ngoài và đến nay chưa ghi nhận thông tin nhập cảnh trở lại.
Do đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã ra quyết định truy nã toàn quốc và đề nghị Cục Đối ngoại (Bộ Công an) thực hiện các thủ tục truy nã quốc tế với ông Vinh.
Vai trò của ông Tất Thành Cang
Thời điểm Sadeco chuyển nhượng cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim, ông Cang giữ chức vụ Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM.
Ngày 16/5/2017, sau khi nhận được tờ trình số 1148 (xin chủ trương về phương án phát hành cổ phần để tăng vốn điều lệ tại Sadeco), ông Cang đã tổ chức họp với Văn phòng Thành ủy. Sau cuộc họp này, ông Cang có bút phê "Đồng ý" vào tờ trình trên.
Ông Tất Thành Cang bị đề nghị truy tố về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí. Ảnh: N.A.
Căn cứ vào ý kiến đồng ý của Tất Thành Cang, nhóm đại diện quản lý vốn Thành ủy đã biểu quyết đồng ý phương án bán 9 triệu cổ phần với giá 40.000 đồng/cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim.
Việc ông Cang bút phê "Đồng ý" tại Tờ trình 1148, với giá phát hành cổ phần là 40.000 đồng/cổ phần cho một cổ đông là vi phạm pháp luật, gây thất thoát cho Sadeco hơn 940 tỷ đồng.
Trong đó, ông Cang phải chịu trách nhiệm 157 tỷ đồng (tương ứng phần vốn sở hữu của Văn phòng Thành ủy TP.HCM tại Công ty Sadeco 16,7%).
Truy nã là việc cơ quan điều tra ra một quyết định truy tìm tung tích, bắt giam trở lại đối với người vi phạm pháp luật hình sự, khi có dấu hiệu bỏ trốn khỏi nơi cư trú, hoặc nơi thi hành án, đến một địa bàn khác, với các thủ đoạn khác nhau như thay đổi tên gọi, thay đổi hình dáng, thông tin cá nhân... để trốn tránh pháp luật.
Cơ quan điều tra, người đứng đầu cơ quan điều tra trực tiếp thụ lý vụ án có thẩm quyền ra quyết định truy nã bị can, bị cáo và có nhiệm vụ phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan trong quá trình truy nã tội phạm.
Công dân Việt Nam, phạm tội tại Việt Nam, thông thường sẽ áp dụng phạm vi truy nã trên toàn quốc. Trong trường hợp có căn cứ hoặc bị nghi ngờ có dấu hiệu bỏ trốn ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, cơ quan điều tra cùng với các cơ quan có thẩm quyền, phối kết hợp với Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) hoặc các quốc gia mà Việt Nam tham gia ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp, để thực hiện việc bắt và dẫn độ người phạm tội về nước để xét xử.
Đề nghị truy tố bị can Tất Thành Cang cùng đồng phạm Ngày 12/1, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh cho biết đã hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố bị can Tất Thành Cang (nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh) về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí". Các bị...