Xác định lại giới tính được thay tên, kết hôn
Quyền xác định lại giới tính được luật hoá trong Bộ luật Dân sự giúp cho những người chưa định hình được giới tính một cách chính xác có được sự bảo vệ của pháp luật.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Phạm Thành Trung (văn phòng Luật sư Quốc tế, Hà Nội) cho hay, cá nhân có quyền xác định lại giới tính, điều đó đã được quy định trong luật.
Vấn đề “xác định lại giới tính” đang được dư luận hết sức quan tâm sau khi UBND tỉnh Bình Phước có quyết định thu hồi và hủy bỏ 2 quyết định xác định lại giới tính cho anh Phạm Văn Hiệp (39 tuổi, ngụ thị trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước). Vậy tại Việt Nam, luật nào quy định về việc xác định lại giới tính của công dân?
Điều 36 trong Bộ luật Dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2005 đã cụ thể hoá quyền xác định lại giới tính. Quyền xác định lại giới tính được luật hoá trong Bộ luật Dân sự giúp cho những người chưa định hình được giới tính một cách chính xác có được sự bảo vệ của pháp luật. Gần đây, Nghị định 88/2008/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành ngày 5/8/2008 đã cụ thể hoá sự ghi nhận này.
Từ góc độ pháp lý, có thể thấy đây là một quyền nhân thân có điều kiện. Thể hiện ở chỗ, một người chỉ được quyền yêu cầu xác định lại giới tính của mình khi họ có khuyết tật bẩm sinh về giới tính hoặc giới tính chưa được định hình chính xác. Khi và chỉ khi đáp ứng được một trong hai điều kiện trên họ mới có quyền yêu cầu y học xác định lại giới tính chính xác.
Một người chuyển giới từ nữ sang nam đang làm việc tại Trung tâm Bảo vệ quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới ICS (bên phải) – Ảnh: T.Mận/ Pháp luật Việt Nam.
Có sự khác nhau thế nào giữa “ chuyển đổi giới tính” và “xác định lại giới tính” từ góc độ quy định của pháp luật?
Chúng ta thấy, cụm từ “xác định lại giới tính” nhằm trả lại giới tính thực cho những người bị khuyết tật bẩm sinh về giới tính hoặc giới tính chưa được định hình chính xác đã nói lên rất rõ ràng và là yếu tố để phân biệt với khái niệm “chuyển đổi giới tính” được thực hiện theo ý thích của con người, trái với quy luật của tạo hoá.
Về mặt y khoa, để xác định lại giới tính cũng sẽ được gọi chung là “can thiệp y tế”, chứ không phải bất cứ khái niệm khác.
Vậy Bộ luật Dân sự quy định cụ thể ra sao về quyền nhân thân của người xác định lại giới tính?
Điều 36 Bộ luật Dân sự đã một mặt bảo vệ quyền nhân thân con người khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định pháp luật. Bên cạnh đó nó cũng điều chỉnh thực tế đang diễn ra là việc chuyển đổi giới tính một cách tuỳ tiện.
Video đang HOT
“Cá nhân có quyền xác định lại giới tính. Việc xác định lại giới tính của một người được thực hiện trong trường hợp người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ về giới tính.
Việc xác định lại giới tính được thực hiện theo quy định của pháp luật”.
Nguyên tắc xác định lại giới tính cụ thể ra sao?
Khuyết tật bẩm sinh về giới tính là những bất thường ở bộ phận sinh dục của một người ngay từ khi mới sinh ra, biểu hiện ở một trong các dạng như nữ lưỡng giới giả nam, nam lưỡng giới giả nữ hoặc lưỡng giới thật
Giới tính chưa được định hình chính xác là những trường hợp chưa thể phân biệt được một người là nam hay nữ xét cả về bộ phận sinh dục và nhiễm sắc thể giới tính .
Trích Điều 2 Khoản 1,2 NĐ 88/2008/NĐ-CP về xác định lại giới tính.
Điều 36 Bộ luật Dân sự và Nghị định 88/2008/NĐ-CP về xác định lại giới tính đã được Chính phủ ban hành đã quy định rất cụ thể về việc này.
Để xác định lại giới tính, quy trình can thiệp y tế có thể tiến hành được càng sớm càng tốt theo quan điểm của y học và cho phép tiến hành cả với những người dưới 16 tuổi theo quy định của pháp luật (Mục a Khoản 1 Điều 7 NĐ 88).
Khoản 1 Điều 1 Nghị định 88 khẳng định việc xác định lại giới tính là một quyền nhân thân có điều kiện và chỉ được thực hiện “đối với người có khuyết tật bẩm sinh về giới tính hoặc giới tính chưa được định hình chính xác”. Cá nhân nào không đáp ứng đủ những điều kiện trên thì không được phép xác định lại giới tính.
Pháp luật Việt Nam tuyệt đối nghiêm cấm việc chuyển đổi giới tính đối với những người đã hoàn thiện về giới tính (Khoản 1 Điều 4 NĐ88). Việc nghiêm cấm này nhằm ngăn chặn những hành vi chuyển đổi giới tính phục vụ cho các quan niệm tâm sinh lý lệch lạc, băng hoại đạo đức hoặc vì các mục đích khác (trốn tránh trách nhiệm pháp lý, gian lận trong thể thao…).
Trường hợp xác định lại giới tính cho người chưa đủ 6 tuổi thì cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó phải có đơn đề nghị; trường hợp xác định lại giới tính cho người đủ 06 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi thì trong đơn đề nghị phải có chữ ký của cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó
Sau khi “xác định lại giới tính” công dân có được pháp luật bảo vệ?
Theo quan điểm của pháp luật, những người có khuyết tật bẩm sinh về giới tính hoặc giới tính chưa được định hình chính xác, trước và sau được xác định giới tính đều hoàn toàn bình đẳng về quyền nhân thân với các công dân khác.
Họ có quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền được tôn trọng bí mật đời tư như quy định tại Điều 37 và 38 Bộ luật Dân sự. Xác định lại giới tính lại là một vấn đề mang tính cá nhân, tương đối nhạy cảm, nên bí mật về các thông tin liên quan đến người được xác định lại giới tính sẽ được pháp luật tuyệt đối bảo vệ, trừ những trường hợp đặc biệt, bất khả kháng do pháp luật quy định.
Bất kỳ hành vi tiết lộ thông tin về việc xác định lại giới tính của người khác hoặc phân biệt đối xử đối với người đã xác định lại giới tính sẽ chịu các chế tài theo quy định của pháp luật.
Thông tin của người xác định lại giới tính chỉ được công bố trong trường hợp có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu cung cấp hồ sơ phục vụ cho việc kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố và xét xử liên quan đến việc này.
Họ có được quyền thay đổi họ tên và lý lịch?
Cùng với việc ghi nhận quyền được xác định lại giới tính, Bộ luật Dân sự năm 2005 cũng bảo đảm cho người đã được xác định lại giới tính quyền được thay đổi họ tên để phù hợp với hoàn cảnh thực tại (Mục e Khoản 1 Điều 27).
Theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 88 và Khoản 2 Điều 37 Nghị định số 158 ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch thì việc xác định lại giới tính thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện.
Trong Nghị định 88/2008/NĐ-CP cũng dành hẳn một chương để đề cập tới các vấn đề liên quan đến hộ tịch của người sau khi đã xác định lại giới tính. Cụ thể, cơ quan có thẩm quyền đăng ký hộ tịch có trách nhiệm căn cứ vào Giấy chứng nhận y tế (do cơ sở khám, chữa bệnh đã thực hiện việc can thiệp y tế xác định lại giới tính cấp) để giải quyết việc đăng ký hộ tịch cho người đã xác định lại giới tính.
Theo sự dẫn chiếu của Nghị định 88, thẩm quyền, thủ tục cho người đã được xác định lại giới tính sẽ được thực hiện theo quy định tại các Điều 36,37,38 của Nghị định 158/2005/NĐ-CP về đăng ký và quản lý hộ tịch. Người đã xác định lại giới tính sẽ được thay đổi và công nhận giới tính, được thay đổi họ tên phù hợp giới tính trên các giấy tờ hộ tịch. UBND cấp quận, huyện có thẩm quyền tiến hành các thủ tục cải chính này
Việc lập gia đình của người xác định lại giới tính được quy định ra sao?
Sau khi đã được xác định lại giới tính để trở lại sống với giới tính thật và đơn nhất (hoặc nam, hoặc nữ) của mình, người đã xác định lại giới tính sẽ có quyền được tự do kết hôn như mọi công dân khác theo quy định của Bộ luật Dân sự (Điều 39) và Luật Hôn nhân và Gia đình (Điều 9).
Pháp luật cũng công nhận và bảo hệ quyền được nuôi con nuôi của cá nhân hoặc vợ chồng những người này.
Xin cảm ơn ông!
Trên thế giới và Việt Nam, ước tính cứ 2000 trẻ em sinh ra, thì ít nhất có 1 trẻ có bộ phận sinh dục không phù hợp với bộ nhiễm sắc thể, dẫn đến khuyết tật bẩm sinh về giới tính. Và, đa phần những người không may bị khuyết tật bẩm sinh về giới tính đều có nhu cầu xác định lại giới tính, để có thể được sống thực giới tính của mình.
Theo quy trình ở đa số quốc gia cho phép phẫu thuật chuyển đổi giới tính, trước khi phẫu thuật cần trải qua kiểm tra cuộc sống thực (Real Life Test) để xem có thực sự phù hợp để tiến hành phẫu thuật chuyển đổi giới tính và có xác nhận của bác sĩ tâm lý. Nếu người chuyển giới ở Việt Nam muốn phẫu thuật ở nước ngoài cũng không tìm được bác sĩ xác nhận ở Việt Nam. Mặt khác, việc đi phẫu thuật ở nước ngoài khi trở về cũng không dễ bởi hải quan không chấp nhận giấy tờ vẫn là nam mà cơ thể là nữ.
Trích Nghiên cứu “Người chuyển giới ở Việt Nam – những vấn đề thực tiễn và pháp lý”của Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường
Theo 24h
Thu hồi quyết định chuyển giới đầu tiên ở VN
Quỳnh Trâm - cô gái đầu tiên ở VN được công nhận giới tính nữ sau khi đổi giới
Đã ban hành quyết định chuyển giới từ "anh" thành "chị", sau đó lại thu hồi vì... trái luật!
Ngày 21/1, UBND tỉnh Bình Phước cho hay đã có công văn đề nghị Sở Tư pháp tỉnh tham mưu thu hồi và hủy bỏ 2 quyết định xác định lại giới tính cho anh Phạm Văn Hiệp (39 tuổi, ngụ thị trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước) từ nam sang nữ và thay đổi tên cho anh Phạm Văn Hiệp thành "chị" Phạm Lê Quỳnh Trâm do UBND huyện Chơn Thành ban hành trước đó.
Theo UBND tỉnh Bình Phước, các quyết định của UBND huyện Chơn Thành công nhận anh Phạm Văn Hiệp là công dân đầu tiên của Việt Nam chuyển giới từ anh thành "chị" là trái luật.
Công văn cũng yêu cầu cơ quan chức năng xử lý theo quy định những cán bộ, công chức đã trực tiếp tham mưu và giải quyết vụ việc đầu tiên trên.
Được biết tháng 4/2008, Phạm Văn Hiệp sang Thái Lan thực hiện thay đổi giới tính. Đến năm 2009, Hiệp làm thủ tục gửi đến cơ quan chức năng huyện Chơn Thành xin xác định lại giới tính, thay đổi tên và được chấp thuận.
Theo 24h
VN: Công nhận người chuyển giới đầu tiên Xinh đẹp, tự tin, duyên dáng và trí thức là điều đầu tiên mà người đối diện có thể nhìn thấy ở Quỳnh Trâm - cô gái đầu tiên ở Việt Nam được công nhận giới tính nữ sau phẫu thuật chuyển đổi giới tính. Tuy nhiên, nếu không được trực tiếp nghe những lời bộc bạch của Trâm thì khó ai biết...