Xa thương, gần thường
Chị nhìn qua chồng, thấy anh đang vô tư say giấc, lại nhớ cái câu ngày xưa mẹ hay nói “gần nhau thì thấy bình thường, xa nhau mới thấy tình thương dạt dào”, quả là chẳng sai.
Anh chị cưới nhau sau bốn năm yêu đương mặn nồng. Không phải mối tình sinh viên nào cũng kết thúc có hậu như hai người, ngày nên duyên cả hai đều đắm chìm trong hạnh phúc.
Chị bằng lòng khi ở bên anh. Anh không phải là người tài giỏi hay có vẻ ngoài cuốn hút, nhưng lại là người thương chị hết mực. Với chị, như vậy là quá đủ. Tiền bạc cố gắng thì sẽ làm ra, còn tình cảm không phải cứ cố là thành.
Khi chị vừa sinh con bé đầu lòng, công việc gặp trục trặc buộc anh nghỉ làm. Anh vật vờ thất nghiệp rồi làm bán thời gian với những công việc thời vụ. Chị phải nghỉ dạy để buôn bán kiếm tiền, chăm lo cho gia đình.
Lúc con bé chưa được một tuổi, anh vui mừng thông báo được nhận vào làm đúng chuyên môn ở một công ty nọ, lương khá cao. Có điều, anh phải vào công tác tận trụ sở đóng ở trong Nam.
Chị khóc sưng mắt nhưng không thể giữ chồng khư khư ở nhà vì những ích kỷ đàn bà. Anh vỗ về chị, cố gắng vì cuộc sống sau này của con cái. Chị chấp nhận sống cảnh xa chồng, vợ một nơi chồng một nẻo. Mỗi năm, anh về nhà vào dịp giỗ bố hoặc Tết. Lúc nào cũng vội vội vàng vàng. Thời gian bên nhau cứ tính bằng giây bằng phút.
Hai mẹ con sống trong căn nhà thuê cũ kỹ, mùa mưa nước ngập vào phòng. Mỗi khi nghe tin trời bão, anh lại đứng ngồi không yên. Anh nhờ người này, người kia ghé qua xem hai mẹ con chị như thế nào. Chị hiểu nỗi lòng anh nên càng thương anh hơn.
Video đang HOT
Có bận, nhớ anh quá, chị lấy áo quần anh ra mặc để tìm một chút hơi của chồng. Con bé lên hai đã biết nhớ bố, thấy chị mặc đồ của anh, nó reo lên, mẹ đóng vai bố kìa. Chị ôm con, mắt rưng rưng chẳng nói nên lời.
Anh nhớ vợ con, nhiều lần gọi điện nghe chị khóc cũng không cầm được nước mắt. Mỗi tối, vợ chồng con cái ôm điện thoại nói chuyện cả tiếng đồng hồ. Hai người lại động viên nhau, cố gắng thêm một thời gian nữa để anh kiếm vốn cứng cáp, sẽ về quê làm ăn.
Anh đi làm ăn xa như vậy được năm năm. Khi chị mang thai đứa thứ hai, cũng là lúc công ty anh mở chi nhánh ở ngoài này.
Hôm anh thông báo sẽ về hẳn, chị cứ đi ra đi vào, bồn chồn cứ như con gái chưa chồng hồi hộp chờ hẹn của bạn trai. Chị dọn dẹp nhà cửa, sắm thêm vài bộ quần áo, sắm lại cái bộ ga nệm mới, nhà cửa tươm tất chờ anh.
Bao năm qua, hai vợ chồng xa cách quá lâu. Chị mở tiệc mừng anh về, mời cả hai bên gia đình nội ngoại. Mấy anh chồng và chị dâu cứ đùa, anh về, chị trẻ ra thêm vài tuổi. Chị bẽn lẽn ngượng ngùng, bắt gặp ánh mắt nồng nàn anh dành cho mình như thuở mới yêu.
Thế mà, anh ở nhà chưa được một tháng, chị đã cảm thấy bức bối, khó chịu. Anh sống một mình, quen với nếp ăn ở bừa bộn, lại không giúp vợ việc nhà chỉ nằm khểnh xem tivi. Chẳng như ngày trước, mỗi lần có dịp về thăm vợ con, anh đều bảo chị ngồi yên, để anh làm hết tất thảy.
Chị càm ràm một hồi, ngày mai đã thấy anh đưa về một người giúp việc. Anh mở rộng quen biết để làm ăn nên đi sớm, về muộn. Cơm canh nhiều bữa nguội tanh, chị ngồi bên mâm cơm đợi mà lòng dạ bứt rứt. Chẳng thà, cứ như ngày trước, hai mẹ con ăn cơm, vắng người có buồn nhưng không có cảm giác bất an chờ đợi như thế này. Để đến lúc về, anh chân nọ đá chân kia, rồi nằm vạ vật ở bất cứ nơi nào có thể.
Lâu lắm, kể từ lúc về nhà, anh chẳng nói một câu nhớ nhung yêu thương gì với chị. Nhiều lúc nhìn anh bây giờ, chị lại thấy nhớ anh của thời gian trước, anh của những ngày xa chị.
Chị bần thần, quen xa chồng, quen yêu chồng qua những nhớ nhung xa cách, giờ gần nhau lại thấy thường đến chán là sao.
Theo VNE
Đồng cam cộng khổ
Sự cảm thông, yêu thương, chia sẻ lúc khó khăn sẽ làm cho tình cảm vợ chồng bền chặt theo năm tháng.
Chị Nguyễn Thị Giang (khu phố 5, phường Tân Hưng Thuận, quận 12, TP HCM) cho rằng suốt đời chị không thể nào quên được cảm giác của buổi trưa một ngày cuối tháng 4-2009. Trên đường đi làm về, chồng chị bị tai nạn giao thông. "Nhận được tin anh đang cấp cứu ở bệnh viện trong tình trạng nguy kịch, tôi cảm thấy bầu trời như đổ sập trước mắt mình. Tôi cố gắng định thần lại, gửi 2 con cho hàng xóm rồi chạy vội vào bệnh viện với anh" - chị nhớ lại.
Hạnh phúc trong khó khăn
Chị Giang và anh Tuấn đều nghèo khó. Rời quê Hà Tĩnh vào làm công nhân ở Cần Thơ, chị gặp và xây dựng gia đình với anh Tuấn. Sau đó, vợ chồng lên
TP HCM tìm việc. Chị làm công nhân may, anh làm thợ hồ. Tuy ở nhà trọ, thu nhập chỉ đủ ăn nhưng gia đình luôn rộn rã tiếng cười.
Khi chị sinh bé gái thứ hai, không có người trông con, gửi nhà trẻ thì bé bị bệnh liên miên nên anh Tuấn quyết định để vợ nghỉ ở nhà, vừa trông con vừa đưa đón đứa lớn đi học. Từ đó, mọi chi tiêu, sinh hoạt của 4 miệng ăn đều gói ghém từ tiền lương của anh.
"Một chiếc xe ba gác máy cán ngang người làm anh bị đứt ruột non, thủng dạ dày, một chân bị gãy dập nhiều đoạn, hôn mê, tính mạng bị đe dọa. Bệnh viện yêu cầu đóng tiền tạm ứng 20 triệu đồng nhưng tôi không có một đồng trong túi. Tôi chạy về vay mượn khắp nơi. Phải trải qua 2 cuộc phẫu thuật, điều trị hơn 1 năm, anh mới dần hồi phục. Chi phí điều trị hơn 100 triệu đồng đều vay mượn từ bạn bè, người quen" - chị Giang nhớ lại.
Khi phẫu thuật xong lần 1, thương vợ vừa phải chăm sóc chồng ở bệnh viện vừa lo cho 2 con nhỏ ở nhà, lại phải chạy vạy kiếm tiền đóng viện phí, tiền nhà, tiền sữa cho con..., anh Tuấn bàn với chị xin ra viện điều trị ngoại trú. Về nhà, anh vừa điều trị vừa trông con cho vợ đi làm. Để linh động thời gian chăm sóc chồng con, chị Giang xin làm giúp việc nhà theo giờ. Khi sức khỏe chồng ổn hơn, chị bắt đầu "cày" suốt tuần để kiếm tiền trả nợ. Thời gian làm việc mỗi ngày của chị bắt đầu từ 7 giờ đến 20-21 giờ.
Anh Tuấn tâm sự: "Giờ sức khỏe đã hồi phục, tôi có thể đi làm để đỡ đần cho vợ con. Nếu không có tình yêu thương, sự chăm sóc tận tình của vợ, có lẽ tôi đã không qua khỏi. Trải qua khó khăn, tôi càng cảm phục, yêu thương vợ và quý trọng gia đình mình hơn".
Vợ chồng anh Tuấn - chị Giang cùng mẹ chồng và con gái út
May mà kịp nhận ra...
Bốn tháng trước, đang làm việc ở Angola, nhận được tin con trai đầu chết đuối, anh L.H.T (khu phố 1, phường 10, quận Tân Bình, TP HCM) bị sốc đến nỗi tóc bạc trắng, không thể tự ra sân bay về nước, người anh rể phải bỏ dở công việc để đưa về. T. kể vì kinh tế khó khăn, anh để lại vợ và 3 con ở quê để sang nước bạn làm công nhân xây dựng. Mới làm việc được 1 năm thì anh nghe tin con gặp nạn khi về quê ngoại ăn đám giỗ.
Quá đau đớn, T. cho rằng vợ anh là người có lỗi trong cái chết của con vì biết bé nghịch ngợm nhưng không theo sát trông nom. Anh không nói chuyện, không nhìn mặt vợ cả tháng trời. Khi bình tâm lại, nhìn vợ, anh giật mình bởi sự tiều tụy, hốc hác của chị.
"Lúc đó, tôi chợt hiểu ra sự mất mát ấy không phải chỉ của riêng tôi mà còn của cả vợ mình nữa. Có thể cô ấy đau đớn hơn cả tôi. Ngoài nỗi đau mất con, cô ấy còn ân hận vì sự bất cẩn của mình. Tôi cũng nhận ra rằng những lúc khó khăn này mới thật sự cần đến sự cảm thông, yêu thương của người bạn đời. Cũng may là tôi kịp nhận ra, nếu không thì không biết tình trạng gia đình sẽ đi về đâu?" - anh T. tâm sự.
Theo VNE