Xả lũ gây hại chủ đập phải chịu trách nhiệm
Sự cố hồ Vực Mấu cho thấy, bảo vệ và sử dụng các hồ thủy lợi phải có nghiệp vụ, người dân chịu thiệt hại do cách quản lý hồ thủy lợi không có trách nhiệm.
ảnh minh họa
Liên quan đến việc xả lũ gây thiệt hại cho người dân, PGS-TS Nguyễn Đình Hòe, Tổng thư ký Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường VN nhìn nhận, đập thủy điện thiếu quy trình xả lũ hợp lý, không quan tâm đến hạ du, mưa to nước về nhiều trong khi có đập còn thiếu cống xả đáy. “ Xả lũ gây hại cho dân hạ du thì chủ đập phải chịu trách nhiệm, không đổ tại ai được. Trước hết phải đền bù thiệt hại cho dân, lỗi ở đâu thiếu sót chỗ nào phải sửa. Không thể năm nay xả chết người, năm sau cũng để xả lũ gây chết người”, ông Hòe nói.
Cũng theo PGS-TS Hòe, việc giao các hồ thủy lợi dung tích nhỏ cho địa phương quản lý khá nguy hiểm, bởi không có nghiệp vụ giám sát, quản lý, dẫn tới thiếu kỹ năng xả nước dần trước khi bão tới. “Siêu bão báo trước mấy ngày, dung tích mưa bao nhiêu đơn vị quản lý cũng nắm được, đáng lý phải tính toán được lượng nước xả là bao nhiêu, như hồ Vực Mấu nếu tiến hành xả dần trước bão thì đã không gây ra nhiều thiệt hại lớn đến vậy”, ông Hòe nhìn nhận.
Thêm vào đó, theo chuyên gia này, việc cho phép các hồ thủy lợi nuôi cá, thủy sản cũng khiến các chủ hồ “ngần ngại” không muốn xả nước.
Video đang HOT
TS Đào Trọng Tứ, cố vấn Mạng lưới sông ngòi Việt Nam nhận định: “Nhìn từ việc xả lũ gây thiệt hại cho dân như Vực Mấu (Nghệ An), Thủy điện Đắk Mi 4 (Quảng Nam)… đơn vị nào cũng nói làm đúng quy trình, chẳng ai chịu nhận sai. Nhưng đúng thế nào thì không ai biết, nên phải có cơ quan độc lập đứng ra đánh giá, xem xét trên một quá trình vận hành chứ không chỉ tính đến thời điểm xả lũ. Để phải xả lũ gây thiệt hại cho dân thì trách nhiệm của đơn vị quản lý vận hành công trình ra sao, yếu tố tác động khách quan thế nào thì phải làm rõ chứ không thể đổ hết lỗi cho tự nhiên”.
Ông Tứ cho rằng qua việc các hồ, đập dồn dập xả lũ như thời gian vừa qua thì cần phải rà soát lại toàn bộ quy trình vận hành các công trình này, để biết liệu còn phù hợp nữa không. Theo thiết kế xây dựng từ vài chục năm trước đây, phần lớn chỉ tính đến lưu lượng dòng chảy tương đương lượng mưa khoảng 300 mm. Còn hiện nay, mưa do ảnh hưởng biến đổi khí hậu đã lên tới 500 – 700 mm thì cho dù làm đúng quy trình thì vẫn có thiệt hại nặng.
“Phần lớn công trình thủy điện hiện nay không có nhiệm vụ chống lũ nên khi mưa to, lũ lớn sẽ không đảm bảo an toàn, buộc phải xả lũ. Đối với công trình thủy điện thì phải xem xét lại câu chuyện chia sẻ rủi ro. Cơ chế này đang được chúng tôi nghiên cứu kiến nghị với cơ quan quản lý nhà nước trong thời gian tới. Khi ngăn nước làm thủy điện chắc chắn sẽ làm thay đổi tự nhiên, tác động đến đời sống, sản xuất trong khu vực rồi, huống chi là những thiệt hại do xả lũ thì không thể thoái thác.
Trong những tình huống này, đơn vị khai thác thủy điện buộc phải có trách nhiệm chia sẻ lợi ích, bù đắp hỗ trợ thiệt hại cho người dân nếu xác định được thiệt hại của họ có tác động từ công trình, chứ không thể có chuyện cứ đổ lỗi cho thiên tai tự nhiên, rồi để mặc họ oằn lưng gánh hậu quả mãi được”, ông Tứ nói.
Theo TNO
Nhấn chìm cả thị xã vẫn 'đúng quy trình'!
Tại cuộc họp báo hôm qua, ông Hồ Ngọc Mai, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thủy lợi Bắc (đơn vị quản lý và khai thác hồ thủy lợi Vực Mấu), thừa nhận việc xả lũ tại hồ Vực Mấu là một trong những nguyên nhân gây ra lũ lớn tại Hoàng Mai, nhưng khẳng định "đúng quy trình".
Thủy điện Đăk Mi 4 xả lũ, ảnh chụp ngày 2.10 - Ảnh: Q.Bình
"Lúc 19 giờ cùng ngày (30.9 - PV), chúng tôi cho xả cửa số 2 khi mực nước trong hồ mới đạt 20,54 m, trong khi theo quy định xả lũ, mực nước đạt 21 m mới xả. Đến 0 giờ ngày 1.10, xả cửa số 4 khi mực nước trong hồ đạt 20,62 m; 0 giờ 24 xả tiếp cửa số 1; 4 giờ 20 xả cửa số 3 và đến 4 giờ 30 phút xả cửa số 5", ông Mai phát biểu tại cuộc họp báo do Sở NN-PTNT tỉnh Nghệ An tổ chức, và khẳng định: "Việc vận hành tràn xả lũ hồ Vực Mấu được thực hiện đúng quy trình. Tuy nhiên, do lượng mưa quá lớn và tập trung trong thời gian ngắn, từ 19 giờ ngày 30.9 đến 5 giờ ngày 1.10 tại hồ đo được 407 mm, đến 18 giờ cùng ngày là 585 mm, đạt tần suất lũ 0,5, tức 200 năm mới xuất hiện một lần, lại xảy ra trong đêm khuya cộng với thủy triều dâng nên lũ thoát chậm và gây ngập lụt". Ông Nguyễn Văn Lập, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Nghệ An, cũng cho rằng việc xả lũ là "bất khả kháng" và "đơn vị quản lý hồ đã vận hành đúng quy trình quy định nên không thể quy trách nhiệm về các thiệt hại do lũ gây ra" cho đơn vị này. Còn quy trình xả lũ như hiện nay đúng hay sai phải có đánh giá chính xác của các chuyên gia, sắp tới Sở sẽ tham mưu cho UBND tỉnh thuê chuyên gia đánh giá lại.
Ông Lê Sĩ Chiến, Phó chủ tịch UBND thị xã Hoàng Mai, cho biết lũ đã khiến 2 người chết, 1 người mất tích, thiệt hại hơn 800 tỉ đồng, trong đó có rất nhiều hộ dân thiệt hại hàng trăm triệu đồng do bị trôi cả đầm tôm, hươu, trâu bò. "Chúng tôi nhận được thông báo xả lũ của Xí nghiệp thủy lợi Quỳnh Lưu lúc 15 giờ ngày 30.9. Các phường xã đều đã phát nguyên thông báo này trên hệ thống loa truyền thanh", ông Chiến nói.
Nước về bao nhiêu... xả bấy nhiêu
"Các thủy điện ở Quảng Nam không có dung tích đón lũ", ông Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam đã đánh giá như vậy sau khi thủy điện Đăk Mi 4 và nhiều hồ chứa khác đồng loạt xả lũ.
Trách nhiệm của chủ hồ chứa là phải theo dõi diễn biến thời tiết để điều hành xả nước, phát điện và xả lũ, sao cho mỗi hồ chứa luôn có sẵn dung tích đón lũ. Nhưng theo dõi đợt lũ vừa rồi, ông Quang khẳng định các thủy điện không đảm bảo dung tích đón lũ, nước về hồ bao nhiêu lại... xả bấy nhiêu. Theo báo cáo, thủy điện Đăk Mi 4 lúc 8 giờ sáng 2.10 xả về sông Vu Gia lưu lượng 200 m3/giây, nhưng chỉ 1 giờ sau lại đăng ký xả 1.800 m3/giây. Thậm chí, lúc 12 giờ ngày 2.10 xả đến 2.744 m3/giây. Sau khi cơ quan chức năng kiến nghị T.Ư can thiệp thì lúc 5 giờ ngày 3.10 mới giảm còn 814 m3/giây và ngày 4.10 xả 898,8 m3/giây.
Không đảm bảo dung tích đón lũ, các hồ thủy điện đã "nói không" với điều tiết lũ trong thời điểm vùng hạ lưu ngập nặng. Số liệu thống kê sau 3 ngày (từ ngày 1 đến 3.10) cũng cho thấy, các thủy điện chỉ lo xả nước để "đảm bảo an toàn hồ chứa". Cụ thể, thủy điện Đăk Mi 4 thông báo xả đến 1.800 m3/giây (chưa kể 97 m3/giây xả phát điện qua sông Thu Bồn) vào sáng 2.10, thời điểm lưu lượng nước về hồ 2.000 m3/giây. Lúc 16 giờ ngày 3.10 lưu lượng nước về hồ hơn 520 m3/giây, xả hơn 480 m3/giây. Lúc 15 giờ cùng ngày, lưu lượng nước về hồ thủy điện A Vương 104,5 m3/giây, nhưng xả 105 m3/giây. Tại thủy điện Sông Tranh 2, lượng nước đổ về hồ luôn gấp hơn 3,6 lần so với lượng nước thoát qua các tổ máy, có thời điểm lên đến 2.200 m3/giây, và họ mở sẵn 6 cửa xả tràn. "Các tỉnh hạ lưu rất bị động, ban quản lý vận hành các hồ chứa thông báo thế nào thì hạ lưu biết thế ấy bởi khi đó mực nước hồ đã gần đầy hoặc qua tràn nên không thể không xả", đại diện Trung tâm phòng chống lụt bão miền Trung - Tây nguyên đánh giá.
Dân không trở tay kịp
Ngày 4.10, PV Thanh Niên có mặt tại vùng trũng thấp của H.Đại Lộc (Quảng Nam), chứng kiến cảnh nhiều nơi chìm sâu trong nước, có nơi ngập đến hơn 1,5 m do thủy điện Đăk Mi 4 vẫn đang tiếp tục xả lũ. Theo dự báo, chiều tối cùng ngày nước lũ lên trên báo động 2. Các học sinh tại Trường THPT Huỳnh Ngọc Huệ đã được nghỉ học.
Trước đó, hôm 2.10, mực nước các sông lên nhanh bất thường khiến người dân H.Đại Lộc hoang mang, tưởng vỡ đập nên tháo chạy lên núi tránh. Theo mô tả của một người dân tại thôn Tân An (xã Đại Lãnh), lũ dâng nhanh đến mức trong vòng 1 phút lên 3 cm. "Địa phương chúng tôi không hề nhận được thông báo nào đề cập việc thủy điện Đăk Mi 4 xả lũ với lưu lượng 2.744 m3/giây. Con số này có được là căn cứ vào tin báo lũ của Trung tâm khí tượng thủy văn Quảng Nam", ông Phạm Thúy, Phó chánh văn phòng UBND H.Đại Lộc khẳng định.
Hôm qua, diễn biến lũ vẫn rất bất thường, càng khiến người dân Đại Lộc thêm lo sợ. Ông Trà Quốc Hùng (62 tuổi, trú thôn Tân An) bức xúc: "Lúc 12 giờ, người của xã đi thông báo dân chuẩn bị trú tránh lũ, thì 13 giờ, nước ở đâu ùa về ngập hết nhà cửa, không trở tay kịp".
Quảng Ngãi: Nhiều tuyến đường tiếp tục bị sạt lở nghiêm trọng Tại Km 175 100 trên tuyến đường Trường Sơn Đông thuộc địa bàn H.Sơn Tây, gần 20 m mặt đường bị nước lũ cuốn trôi, chia cắt hoàn toàn xã Sơn Bua với H.Sơn Tây. Riêng khu tái định cư Nước Vương, xã Sơn Liên bị sạt lở, ăn sâu vào sát nhà của người dân, chính quyền địa phương đã sơ tán nhiều hộ đến nơi ở an toàn. ( Hiển Cừ) Phú Yên: Một người bị lũ cuốn Đến 17 giờ chiều qua cơ quan chức năng vẫn chưa tìm thấy thi thể ông Nguyễn Bá Khoa (54 tuổi, ở thôn Tân Long, xã An Cư, H.Tuy An, Phú Yên) bị lũ cuốn trôi trong khi qua cầu Long Phú. Trong khi đó, thủy điện Sông Ba vẫn xả lũ với lưu lượng 5.500 m3/giây. Lũ trên Sông Ba đã lên mức báo động cấp 2 - 3. ( Đức Huy) Bình Định: Mưa lớn gây sạt lở nhiều nơi Mực nước sông Kôn, sông Hà Thanh hôm qua tiếp tục dâng cao, gây ngập lụt tại một số vùng thuộc H.Tuy Phước và H.Phù Cát. Tại huyện miền núi An Lão, lũ quét khiến các tuyến đường từ xã An Hòa đi xã An Toàn, An Hưng, An Vinh bị sạt lở, ách tắc nhiều đoạn. Ngoài ra còn có 6 đập dâng bị xói lở, 175 đập bổi bị cuốn trôi. Còn tại H.Hoài Ân mưa lớn cũng làm ngập 60 ha lúa vụ 3, trong đó có 10 ha tại xã Ân Phong bị thiệt hại 100%. ( Hoàng Trọng) Hà Tĩnh: 3 người chết và mất tích, 43 người bị thương Hôm qua 4.10, có 3 xã ở H.Khê vẫn còn bị ngập trong nước do thủy điện Hố Hô xả lũ. Sáng cùng ngày, chị Nguyễn Thị Yến (25 tuổi, trú thôn 7, xã Đức Bồng, H.Vũ Quang) trên đường đi chợ về đã bị lũ làm lật thuyền, tử vong tại kênh Đồng Chè, xã Đức Bồng. Chị Yến là nạn nhân tử vong thứ hai do bão số 10 và hoàn lưu sau bão gây nên tại Hà Tĩnh. Tính đến 17 giờ hôm qua 4.10, tỉnh này đang có 1 người bị mất tích và 43 người khác bị thương, thiệt hại kinh tế khoảng 1.169 tỉ đồng. ( Nguyên Dũng) Quảng Nam: Hai người bị lũ cuốn trôi Khoảng 10 giờ ngày 4.10, tại thôn Thanh Vân, xã Đại Cường, H.Đại Lộc (Quảng Nam) xảy ra vụ lật ghe khiến anh Nguyễn Văn Sỹ (37 tuổi, trú thôn Thanh Vân) mất tích. Theo thông tin ban đầu, anh Sỹ cùng anh Lê Đức Khanh (37 tuổi, cùng trú thôn Thanh Vân) chèo ghe qua sông Quảng Huế để cắt cỏ; khi ra khỏi bờ khoảng 100 m thì ghe bị lật do nước chảy xiết. Anh Khanh may mắn được 2 chiếc thuyền máy cứu, còn anh Sỹ bị nước cuốn trôi, đến chiều tối vẫn chưa tìm thấy. Khoảng 13 giờ cùng ngày, trên đường đi học ngang qua khu vực Đập Đá, sông Cổ Cò (xã Điện An, H.Điện Bàn), hai học sinh lớp 4A Trường tiểu học Phan Bôi là em Hà Trần Thu Giang và Nguyễn Phương Nhi đã sẩy chân, bị nước cuốn trôi. Nghe tiếng kêu cứu, anh Trần Bảy tới cứu nhưng chỉ vớt được em Giang; còn em Nhi đã tử vong. Ngoài ra, tại thôn Phú Mỹ (xã Đại Minh, H.Đại Lộc), người dân đã phát hiện thi thể anh Ngô Văn Phương (31 tuổi, trú tại địa phương) chết đuối gần nhà. ( Hoàng Sơn - Hồ Trọng)
Theo TNO
Lũ các sông ở Quảng Nam, Quảng Ngãi tiếp tục lên Sáng 4.10 Trung tâm Phòng chống lụt bão (PCLB) miền Trung - Tây nguyên cho hay trong ngày 3.10 các tỉnh từ Quảng Bình đến Ninh Thuận và khu vực Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, lượng mưa phổ biến từ 30-60mm. Lũ các sông Quảng Nam - Bình Định đang lên Một số trạm có lượng...