Xã họp khẩn vì cát tặc
Từ xã, huyện thị đến tỉnh đều có lực lượng quản lý, kiểm tra khoáng sản trên sông nhưng cát tặc vẫn hoành hành trên các tuyến sông lớn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam khiến dư luận bức xúc.
Ngày 16/1, Chủ tịch thị xã Điện Bàn – ông Trần Úc đã tổ chức cuộc họp khẩn với lãnh đạo các xã, phường trên địa bàn nằm ven các tuyến sông Vu Gia, Thu Bồn, Sông Yên… nhằm chấn chỉnh lại công tác quản lý khoáng sản vì trong thời gian qua “cát tặc” lộng hành trên những tuyến sông qua địa bàn.
Tàu hút cát trái phép bị Đội Cảnh sát đường thủy bắt giữ trên sông Thu Bồn vào ngày 13/1
Mỗi đêm, hàng chục tàu thuyền hút cát trái phép trên đoạn sông Thu Bồn chảy qua các xã, phường trên địa bàn thị xã Điện Ban như Điện Phong, Điện Trung, Điện Thọ, Điện Phương…
Theo báo cáo của tổ kiểm tra liên ngành của thị xã Điện Bàn, liên tục nhiều năm qua, các cơ quan chức năng địa phương đã rất chú trọng truy quét kiểm tra, xử lý tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Thu Bồn nên việc khai thác cát trái phép giảm mạnh.
Theo đó, năm 2011 địa phương xử lý tới 149 trường hợp; năm 2017 chỉ còn xử lý 62 trường hợp với tổng số tiền phạt nộp ngân sách lên trên 3 tỉ đồng.
Tuy nhiên trên thực tế, tình hình khai thác cát trái phép trên sông Thu Bồn đạon chảy qua thị xã Điện Bàn không giảm mà diễn biến phức tạp, gây mất an ninh trật tự; đặc biệt vào những ngày đầu năm 2018 khi giá cát xây dựng trên thị trường đăng tăng cao, tình trạng “cát tặc” vẫn lộng hành trên các tuyến sông.
Thị xã Điện Bàn họp khẩn để xử lý cát tặc lộng hành vào chiều 16/1
Điển hình, khuya ngày 13/1, Đội Cảnh sát đường thủy (thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Nam) tuần tra, phát hiện và bắt giữ 5 tàu đang hút cát lậu trên sông Thu Bồn đoạn chảy qua thị xã Điện Bàn (Báo Dân trí đã đưa tin “Phục kích” nhiều ghe hút cát lậu trong đêm mưa lạnh).
Đó là các tàu của ông Hứa Văn Dũng, Hứa Văn Phúc (trú xã Duy Thu, huyện Duy Xuyên); Tăng Minh, Ngô Minh Sơn (trú phường Điện An, thị xã Điện Bàn) và tàu của ông Ngô Ngọc Kiêm (trú phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng).
Video đang HOT
Trước đó, cuối năm 2017, hàng loạt tàu khai thác cát trái phép trên sông Thu Bồn đoạn chảy qua xã Điện Phong (thị xã Điện Bàn) cũng bị Đội Cảnh sát đường thủy bắt giữ, xử phạt.
Ông Phạm Ngọc Anh – Phó trưởng phòng TN-MT thị xã Điện Bàn cho rằng, vấn nạn khai thác cát trái phép bùng phát là do các điểm chốt chặn không hoạt động vào ban đêm, nên cát tặc lợi dụng thời điểm này hoành hành. Ông Anh cũng cho hay, sau một thời gian ngừng hoạt động, đóng cửa, đến nay nhiều bến bãi không đủ điều kiện hoạt động trở lại, tiếp nhận nguồn cát do tàu hút trái phép cung cấp.
Một thành viên trong tổ kiểm tra liên ngành của thị xã Điện Bàn nêu nhiều bất cập như do lực lượng kiểm tra, chốt chặn mỏng, đa phần sử dụng người cao tuổi, không chuyên môn nghiệp vụ, giám sát kiển tra trên sông, nên hiệu quả không cao. Nhiều người tuổi lớn, gặp mưa lạnh không đủ sức khỏe đảm đương nhiệm vụ trên sông nước nên cát tặc lợi dụng cơ hội này tăng cường hút cát trộm.
Còn lãnh đạo Công an thị xã Điện Bàn cho rằng, nguyên nhân cát tặc lộng hành là do các chốt chặn hoạt động không hiệu quả.
Tại cuộc họp của thị xã Điện Bàn, nhiều ý kiến khẳng định hoạt động của tổ chốt chặn trên sông không hiệu quả, tốn kinh phí nhà nước.
Ông Trần Úc – Chủ tịch thị xã Điện Bàn cho rằng, thời gian qua chính quyền các xã đã buông lỏng quản lý, có dấu hiệu bao che cho các bến bãi hoạt động không phép, dẫn đến khai thác cát trái phép diễn ra rầm rộ.
Vì vậy, theo ông Úc cần kiện toàn tổ liên ngành, công khai số điện thoại của lãnh đạo tổ lên website của thị xã; mua thêm ca-nô tuần tra, đặt thêm điểm chốt chặn, tịch thu máy và ống hút cát gắn trên tàu, buộc các chủ mỏ thả phao xác định vị trí mỏ, xử phạt tàu hút cát không đúng giờ theo quy định của tỉnh Quảng Nam.
Ngoài ra, ông Úc giao cho công an tăng cường lực lượng bổ sung đội kiểm tra lưu động, hàng quý họp giao ban 1 lần, các địa phương cung cấp đội bảo vệ để theo dõi…
Ngày 17/1, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam – ông Huỳnh Khánh Toàn đã có văn bản yêu cầu Sở TN-MT chủ trì phối hợp với Công an tỉnh, Sở GTVT, Cục Thuế tỉnh, UBND huyện Đại Lộc, Duy Xuyên và thị xã Điện Bàn tổ chức kiểm tra, xác minh, làm rõ các trường hợp vi phạm để xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật; đồng thời, làm rõ các hành vi bảo kê, bao che, tiếp tay (nếu có) của cán bộ, chiến sĩ thuộc cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang ở địa phương trong việc khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn.Đặc biệt, UBND tỉnh giao Công an tỉnh chỉ đạo các lực lượng cảnh sát kinh tế, cảnh sát môi trường, cảnh sát giao thông phối hợp với Sở TN-MT, Sở GTVT, UBND các địa phương triển khai các biện pháp nghiệp vụ để ngăn ngừa và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực khoáng sản và lĩnh vực khác có liên quan.Ngoài ra, UBND tỉnh cũng yêu cầu xử lý kiên quyết các ghe, thuyền không có đăng ký, đăng kiểm; các ghe, thuyền có gắn máy hút cát, sỏi, sạn và các ghe, thuyền vận chuyển cát, sỏi, sạn ngoài giờ quy định của UBND tỉnh.Đối với Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, Duy Xuyên và thị xã Điện Bàn; lãnh đạo tỉnh yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm đối với cán bộ, công chức thuộc các phòng, ban và UBND xã, phường, thị trấn trong việc buông lỏng thực thi nhiệm vụ để xảy ra tình trạng khai thác, sử dụng khoáng sản trái phép (nếu có).
Công Bính
Theo Dantri
Tàu thuyền rầm rộ hút cát trên sông Hương bất chấp lệnh cấm
Thừa Thiên Huế cấm tàu thuyền không được khai thác cát về đêm nhưng cát tặc vẫn hoạt động rầm rộ trên sông Hương.
Thời gian qua, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành nhiều văn bản và triển khai giải pháp trên thực địa nhằm tăng cường quản lý việc khai thác cát sỏi trên sông Hương. Nhưng tình trạng cát tặc "rút ruột" dòng sông này vẫn chưa được ngăn chặn triệt để.
Ông Nguyễn Đắc Trường - Phó giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Thừa Thiên Huế cho hay, việc khai thác cát trái phép đang diễn ra nhiều nơi trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là sông Hương vào ban đêm. Trong khi đó, hiện tỉnh chỉ cấp phép cho 3 doanh nghiệp khai thác cát ở bãi bồi Lương Quán (Thủy Xuân, TP Huế); 2 doanh nghiệp khai thác cát ở mỏ cát xã Thủy Bằng (thị xã Hương Thủy).
Hạ lưu sông Hương. Ảnh: Võ Thạnh.
Cát tặc hoạt động ban đêm
Theo quy định của nhà chức trách Thừa Thiên Huế, tàu thuyền không được khai thác cát về đêm; chỉ được khai thác, vận chuyển cát từ 6h sáng đến 17h chiều.
Tỉnh này cũng cấm các phương tiện công suất lớn hơn 24 CV và xà lan vận chuyển cát, sỏi lưu thông trên sông Hương, đoạn từ cầu Dã Viên đến Cồn Hến; các phương tiện công suất nhỏ hơn hoặc bằng 24CV chỉ được lưu thông từ 6h đến 17h.
Tuy nhiên, ông Trần Văn Chung (62 tuổi, thôn Ngọc Hồ, phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà) và nhiều người dân địa phương khác bức xúc cho biết, đêm nào cũng có tàu thuyền đến khu vực gần nhà ông hút cát trái phép, cứ 20h đêm, tàu khai thác bắt đầu hoạt động.
"Thay vì hút cát giữa lòng sông, nhiều tàu thuyền vào ngay gần bờ hoạt động. Phía trước nhà máy nước Vạn Niên, nơi cung cấp nước sạch cho cả thành phố Huế cũng bị cát tặc đục khoét, gây ô nhiễm môi trường" ông Chung nói.
Ông Võ Đăng Thái - Phó chủ tịch phường Thủy Biều (TP Huế) thông tin, tại bãi bồi Lương Quán có 3 doanh nghiệp được UBND tỉnh cấp phép khai thác cát với diện tích 6,3 ha, độ sâu từ 3,7 - 4, 5 m. Vừa qua, người dân địa phương nghi ngờ độ sâu khai thác của các doanh nghiệp không đúng với thực tế cấp phép, kiến nghị lên phường và phường đã gửi báo cáo đến Sở Tài nguyên Môi trường đề nghị vào cuộc.
Theo ông Thái, vào ban đêm, nhiều tàu thuyền ở nơi khác thường đến hút cát trái phép rầm rộ trên đoạn sông thuộc địa bàn phường khiến người dân phường Thủy Biểu bức xúc.
"Chúng tôi nắm được thực tế, nhưng việc ngăn chặn rất là khó khăn. Vừa qua, sau nhiều nỗ lực, phường đã bắt giữ được 3 tàu đang khai thác cát trái phép vào rạng sáng", ông Thái thông tin.
Xà lan hoạt động dưới chân đồi Vọng Cảnh. Ảnh: Võ Thạnh.
Cảnh sát gặp khó
Khu vực hạ lưu sông Hương đoạn qua xã Phú Thanh (huyện Phú Vang) và xã Hương Phong (thị xã Hương Trà) không có doanh nghiệp nào được cấp giấy phép khai thác cát. Nhưng theo phản ảnh của nhiều người dân địa phương cũng như quan sát thực tế, hàng ngày đều có thuyền khai thác cát hoạt động ở khu vực gần đập ngăn mặn Thảo Long.
Tàu thuyền hút cát trên giữa sông Hương đoạn qua phường Thủy Biều. Ảnh: Võ Thạnh.
Trung tá Lê Viết Sơn - Phó phòng cảnh sát giao thông đường thủy Thừa Thiên Huế cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2017, đơn vị đã bắt giữ 34 tàu thuyền khai thác cát trái phép, xử phạt hơn 130 triệu đồng.
Theo ông Sơn, việc ngăn chặn cát tặc trên sông Hương gặp rất nhiều khó khăn, do cát tặc hoạt động ngày càng tinh vi, thường bố trí người cảnh giới trên bờ báo cho nhau để trốn chạy nếu phát hiện lực lượng chức năng. Hơn nữa, cát tặc thường hoạt động vào ban đêm, khu vực khai thác nằm ở vùng sâu, vùng xa.
"Cảnh sát đường thủy lực lượng mỏng nên khó bố trí khép kín địa bàn. Phương tiện ca nô tốn rất nhiều nhiên liệu gây khó khăn trong công tác chuyên môn, mặt khác đi ca nô dễ bị cát tặc phát hiện và trốn chạy", ông Sơn nói.
Võ Thạnh
Theo VNE
"Chỉ múc cát lên lấy tiền, có điều kiện tôi cũng múc" "Giá cát liên tục tăng mạnh, tạo ra lợi ích kinh khủng. Chỉ múc cát lên lấy tiền, nói thật tôi có điều kiện tôi cũng đi múc" - Phó trưởng Ban Dân nguyện của UB Thường vụ Quốc hội Đỗ Văn Đương phát biểu tại Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ, giải pháp tăng cường quản lý khai thác, kinh...