‘Xã hội sẽ bất hạnh nếu thầy chỉ dạy như máy’
“Ai đã bước vào nghề giáo thì đừng ham làm giàu. Tôi rất đau lòng khi một bộ phận giáo viên không còn hứng thú với công việc, dạy qua loa, hình thức”, Hiệu trưởng ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) Lê Kim Long chia sẻ nhân ngày 20/11.
- Là người gắn bó với bục giảng nhiều năm, đào tạo nhiều thế hệ học trò thành đạt, ngày 20/11 nào có ý nghĩa nhất đối với thầy?
- Tôi tốt nghiệp năm 1978, một năm sau đi dạy, tính ra đã có 33 năm trong nghề. Tôi nhớ năm đầu tiên mới tốt nghiệp được sinh hoạt 20/11 với một lớp tại chức mà người trẻ bằng tuổi tôi, người già nhất thì gấp đôi tuổi, nhưng buổi lễ rất vui, tình cảm. Năm 2009, tôi tổ chức ngày 20/11 với học sinh chuyên Hóa, có cả học sinh và phụ huynh cùng tham dự, rất ý nghĩa.
Có một kỷ niệm đặc biệt khiến tôi phải rơi nước mắt. Đó là một cô giáo dạy cấp 1, chồng mất khi hai con trai một đứa mới 3 tuổi và một đứa 5 tuổi. Hai em sau này đều học khối phổ thông chuyên Hóa do tôi dạy và em lớn đã đạt nhì Hóa quốc gia. Mẹ các em mang đến nhà tôi một bao gạo 30 kg biếu, nói đó là gạo do chị cấy. Với tôi không có món quà nào ý nghĩa và thành tâm như thế, nó xuất phát từ tấm lòng nên rất đáng trân trọng.
Bên cạnh những món quà bày tỏ lòng tri ân đối với thầy cô thì cũng có món quà được tặng với mục đích khác, đòi hỏi người thầy phải có bản lĩnh. Tôi từng từ chối nhiều món quà do người ta tặng khi nó không xuất phát từ cái tâm.
Thầy Lê Kim Long cho rằng xã hội sẽ bất hạnh khi giáo viên chỉ làm như cái máy, dạy không hứng thú, qua loa. Ảnh: HT.
- Hiện nay nghề giáo không còn được xã hội xem trọng như xưa, bằng chứng là ít học sinh giỏi thi vào sư phạm và một số thầy cô chưa thể hiện tốt vai trò của mình, thầy nghĩ sao về điều này?
- Thời xưa và nay có nhiều khác biệt. Xưa giáo viên ra trường được dìu dắt chi tiết, có hai năm thực tập, nay nhà quản lý thả cho các em tự bơi. Sức ép đòi các em nhập cuộc ngay lập tức, thậm chí làm hợp đồng dạy luôn xem có giỏi không mới nhận chính thức, nhưng các em chưa bao giờ dạy thì sao giỏi được?
Sinh viên khi vào nghề giáo phải chấp nhận thách đố to lớn – tạo ra sản phẩm là con người, mà con người thì không được sai, sai sẽ rất nguy hiểm. Thế nên trách nhiệm người đi trước là phải uốn nắn, hướng dẫn, dìu dắt, tạo cơ hội cho giáo viên trẻ để họ bình tĩnh nhập cuộc.
Cái tâm, cái tầm của người thầy nằm ở khâu chuẩn bị, còn khi dạy là chỉ diễn những gì mình đã chuẩn bị sẵn. Khi giáo viên bỏ tâm, tài và sức để chuẩn bị thật chi tiết thì bài giảng trên lớp sẽ hay. Đó là tố chất mà tôi muốn nhấn mạnh với các học trò, giáo viên.
Kinh tế nước ta là nền kinh tế nhiều thành phần, dưới sự ảnh hưởng đó, người thầy cũng phân hóa. Tuy nhiên, có người thế này và cũng có người thế khác, không thể từ một vài hiện tượng để suy ra bản chất.
Video đang HOT
- Thầy nghĩ thế nào khi nhiều người cho rằng nếu giáo viên mà nghèo quá thì không thể là tấm gương tốt cho học sinh, các em sẽ e ngại khi lựa chọn con đường trở thành nhà giáo?
- Tôi nhớ trước đây có thầy giáo mà chỉ nhìn người ta đã lắc đầu chê, rằng không có tướng đứng trên bục giảng. Nhưng khi thầy vào lớp dạy, chỉ cần cất tiếng là cả lớp yên lặng lắng nghe. Như vậy phong cách người thầy không ở hình thức bên ngoài, mà phụ thuộc vào năng lực và bản lĩnh bên trong.
Đã bước vào nghề giáo thì mình phải sống phong lưu, đừng ham làm giàu, bởi nếu mong làm giàu thì không tránh khỏi việc chạy theo đồng tiền. Giới giáo viên chuyên có câu: “Đã giỏi thì phải giàu, mà không giàu thì không giỏi” – đây chỉ là sự biện minh cho việc dạy thêm của một số thầy cô.
- Là hiệu trưởng của trường ĐH Giáo dục, đào tạo đội ngũ giáo viên cho cả nước, theo thầy, người giáo viên hiện nay cần đạt được tiêu chuẩn gì?
- Người thầy có sự phân tầng như mới ra trường, đứng lớp nhiều năm, dạy giỏi hay dạy khỏe. Tuy nhiên, để là người thầy tốt thì trước hết cần có chuyên môn. Người thầy phải có đủ kiến thức dạy tốt, dạy giỏi nhưng phải điều hành được lớp. Khi tôi còn trẻ mới ra trường, học trò ồn, quát nó chẳng nghe, nay chỉ cần “hừ” một cái nó đã ngồi im. Như vậy càng có kinh nghiệm nhiều năm, kỹ năng quản lý lớp càng tốt hơn.
Ngoài ra, người thầy còn phải là người dẫn dắt các em vào ngôi nhà kiến thức. Tôi rất đau lòng khi hiện nay, xã hội tác động làm một bộ phận giáo viên không còn hứng thú với công việc, chỉ dạy qua loa, hình thức cho xong. Một bất hạnh lớn cho xã hội khi giáo viên chỉ làm việc như cái máy.
Giáo viên thì cũng có đội ngũ phục vụ ở vùng xa, đồng bằng hoặc trường quốc tế. Để giảng được ở các trường tốp trung, cao thì người thầy phải có tiếng Anh giỏi, tâm lý tốt, chuyên môn cao, phương pháp sư phạm hay và kỹ năng điều hành lớp linh hoạt.
Tôi tâm đắc câu nói “Kinh nghiệm là ngọn đèn pha soi sáng con đường ta đã đi qua còn lý luận và lý thuyết là ngọn đèn pha soi sáng con đường ta sẽ đi qua”. Như vậy phải trang bị kiến thức đủ, cộng với sự tìm tòi, học hỏi của giáo viên mới đi lên được.
- Đầu vào không cao so với một số trường khác, nhưng sư phạm đòi hỏi sản phẩm đạt chất lượng cao nhằm tránh để lại hậu quả cho cả thế hệ. Điều này tạo áp lực gì cho các trường sư phạm hiện nay, thưa thầy?
- Đào tạo hiện nay phải đáp ứng nhu cầu xã hội, nhưng tôi băn khoăn nhu cầu đó cần hiểu cụ thể như thế nào? Ở nước ta, có nhiều em học xong đại học đi làm công nhân, nhưng cũng có em sang nước ngoài làm nghiên cứu sinh. Các trường đại học thường chỉ đáp ứng một “khúc” của nhu cầu.
Ở ĐH Giáo dục, chúng tôi chú trọng đáp ứng nhu cầu giáo viên trung bình – khá. Sinh viên năm thứ nhất đến năm thứ ba được gửi học ở trường ĐH Khoa học Tự nhiên và trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn. Các em được học với các nhà khoa học đầu đàn.
Khi chúng tôi chưa đào tạo theo mô hình tín chỉ, sinh viên được học riêng một lớp sư phạm nhưng nay lựa chọn tín chỉ, sinh viên các ngành đều học chung, các em bình đẳng trong học và thi. Vì vậy, sinh viên của chúng tôi phải nỗ lực không ngừng để nắm bắt nội dung yêu cầu của nhà khoa học tương lai.
Cũng từ khi đào tạo theo tín chỉ, từ năm thứ hai chúng tôi đã cho sinh viên đăng ký học nghiệp vụ sư phạm để có sự chuẩn bị tốt hơn. Cùng với chuyên môn, các em còn được trang bị về nghiệp vụ giảng dạy, và khi đi thực tập sẽ tự tin hơn nhiều.
Tóm lại, khi đào tạo, các trường phải hướng đến mục tiêu đào tạo người giỏi để các em ra trường xin được việc làm, có thu nhập cao.
Trong hội thảo khoa học tri thức thủ đô với việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam, bà Nguyễn Thị Bình, nguyên phó chủ tịch nước cho rằng, người thầy phải biết yêu người, yêu nghề để có thể giáo dục học sinh bằng chính nhân cách của mình, có khả năng sư phạm của một nhà giáo dục chuyên nghiệp để tổ chức, hướng dẫn, giúp học trò tìm kiếm, chiếm lĩnh tri thức và phát triển năng lực tư duy độc lập, sáng tạo. Vai trò của người thầy là căn cứ quan trọng để hoạch định chiến lược phát triển giáo dục nhưng vấn đề giáo viên lại chưa một lần được giải quyết thấu đáo.
Thu nhập từ lương, phụ cấp không đủ đảm bảo một cuộc sống tươm tất, nhiều giáo viên ở trường công phải “tự cứu” mình bằng cách dạy thêm dẫn đến việc dạy thêm tràn lan. Tình trạng xuống cấp về đạo đức và văn hóa trong xã hội gây nhiều tác động tiêu cực đến trường học mà ngay cả giáo viên cũng bị lây nhiễm. Do vậy, vị thế của nghề thầy và người thầy bị hạ thấp trong thang giá trị xã hội. Trong cuộc điều tra gần đây thì 40-60% giáo viên phổ thông bày tỏ ý kiến nếu được chọn lại sẽ không làm nghề dạy học, còn học sinh khá, giỏi thì không thi vào trường sư phạm.
“Trước thực trạng đáng lo ngại đó cần tập trung sửa đổi chính sách đối với nhà giáo và cải cách công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, từ đó nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, làm cho các thầy cô đáp ứng yêu cầu về phẩm chất, năng lực và có thu nhập từ lương, phụ cấp cao hơn mức thu nhập trung bình trong xã hội”, nguyên phó chủ tịch nước nói.
Theo VNE
Nữ sinh trường Đoàn Thị Điểm gây bất ngờ cho Phó thủ tướng
"Đất nước Việt Nam có ba điều gì làm em tự hào nhất?" là câu hỏi của Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khi về trường Đoàn Thị Điểm dịp 20/11. Câu trả lời của 2 nữ sinh khiến ông bất ngờ và cho 10 điểm.
Sáng 17/11, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân dự lễ kỉ niệm 30 năm ngày nhà giáo Việt Nam tại trường phổ thông Đoàn Thị Điểm (khu đô thị Bắc Cổ Nhuế - Chèm, Từ Liêm, Hà Nội). Phó thủ tướng gửi lời cảm ơn và chúc mừng đến các thầy cô nhân ngày nhà giáo Việt Nam.
Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Phó Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đến dự và chúc mừng thầy cô trường Đoàn Thị Điểm. Ảnh: Hoàng Thùy.
"Những ngày này, lãnh đạo Đảng, nhà nước và địa phương đều đến các trường để khẳng định rằng đất nước Việt Nam 4.000 năm nay đều cần đến thầy cô, 90 triệu dân Việt Nam cần một triệu thầy cô và các em học sinh cần các thầy cô", Phó thủ tướng nói.
Theo Phó Thủ tướng, trường Đoàn Thị Điểm có truyền thống 15 năm dạy tiểu học, 7 năm trung học, tuy thời gian chưa dài nhưng đã đạt được nhiều thành quả. Học sinh lớp bé cần xem các anh chị học tập như thế nào để phấn đấu.
"Nhớ thời chúng tôi, phòng học không ở trên cao mà ở dưới thấp. Mỹ ném bom miền Bắc nên trường phải dời về Thái Nguyên. Lớp đào xuống đất sâu 1,5m để học, máy bay ngày nào cũng bay qua đầu. Mỗi tối đi ngủ, sáng hôm sau chúng tôi dậy lo nhất là không tìm ra lọ mực vì đó là thứ quý giá nhất với học trò thời chiến. Còn bây giờ các em dậy chỉ lo không thuộc bài, phải không?", Phó thủ tướng cười tâm sự.
Phó thủ tướng bất ngờ vì câu trả lời rất chính xác của Trần Hồng Huệ Chi về xuất khẩu gạo của Việt Nam đứng đầu thế giới. Ảnh: Hoàng Thùy.
Bất ngờ đặt câu hỏi: "Đất nước Việt Nam có ba điều gì làm em tự hào nhất?", Phó thủ tướng nhận được câu trả lời của em Trịnh Mai Chi (lớp 9A2). Chi bày tỏ, ba điều mà em tự hào nhất là truyền thống yêu nước của dân tộc, đạo hiếu - truyền thống uống nước nhớ nguồn và sự phát triển của nền kinh tế đất nước.
Đánh giá câu trả lời xuất sắc, đáng nhận điểm 10, Phó Thủ tướng căn dặn, nếu nhân dân ta không có đoàn kết dân tộc, chia sẻ ngọt bùi, quyết tâm giữ gìn đất nước 4.000 năm qua thì không có Việt Nam như hôm nay. Chỉ có truyền thống yêu nước đó mới giữ được đất nước, đánh đuổi ngoại xâm.
Phó thủ tướng phân tích, cách đây 100 năm cứ 100 người Việt Nam thì 95 người không biết đọc, nay 100 người có 96 người biết đọc, biết viết. Từ một dân tộc không biết chữ nay đã phổ cập được trung học cơ sở, đó là nhờ công của người thầy.
"Người Việt Nam thường hỏi tại sao có mình? Đó là nhờ cha mẹ sinh ra, nuôi dạy và được quê hương đùm bọc. Còn uống nước nhớ nguồn là nhắc các em phải nhớ ơn thầy cô", Phó thủ tướng nói.
Phó thủ tướng gửi tặng trường Đoàn Thị Điểm bức tranh. Ảnh: Hoàng Thùy.
Riêng về ý kinh tế Việt Nam phát triển, Phó thủ tướng mời em Trần Hồng Huệ Chi (lớp 6A1) lấy ví dụ thể hiện rõ nhất. Chi cho rằng, xuất khẩu gạo đứng đầu thế giới là ví dụ tốt nhất thể hiện nền kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển. Phó thủ tướng phải thốt lên "Huệ Chi là bất ngờ lớn nhất của ngày hôm nay".
Sau cuộc trao đổi thú vị với học sinh, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khuyến khích trường Đoàn Thị Điểm cần tiếp tục chú trọng giáo dục truyền thống, đạo đức cho học sinh và mong muốn học sinh phải cố gắng để luôn là niềm vui, tự hào của bố mẹ, thầy cô.
"Cám ơn các thầy cô đã hết lòng vì học sinh, chúc các thầy cô luôn tự hào về nghề nghiệp, không ngừng phấn đấu để làm tấm gương cho học sinh về đạo đức, về tự học, về sự sáng tạo", Phó thủ tướng nói.
Trong năm học qua, THCS Đoàn Thị Điểm có 33 học sinh đoạt giải trong cuộc thi học sinh giỏi cấp thành phố, 4 em giành giải trong cuộc thi toán châu Á Thái Bình Dương, 3 học sinh đoạt giải cuộc thi hùng biện tiếng Anh quốc tế, 6 học sinh có huy chương trong cuộc thi toán tuổi thơ toàn quốc, 3 em đạt cấp quốc gia môn tiếng Anh qua Internet, một học sinh của trường được cử tham gia hội thảo quốc tế về quyền trẻ em tại Srilanka và Thái Lan.... Kết quả thi đại học của trường THPT Đoàn Thị Điểm đạt thứ 14 của Hà Nội và 110 cả nước.
Theo VNE
Vinh danh các nhà giáo Đại học Quốc gia TPHCM ngày 16-11 đã tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11). Dịp này, Đại học Quốc gia TPHCM đã vinh danh và trao tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân cho GS-TS Ngô Văn Lệ (Khoa Nhân học - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM), trao tặng danh...