Xã hội phi tiền mặt: Hành trình chỉ mới bắt đầu
Theo nhận định của Visa, thanh toán không tiếp xúc đang tăng trưởng khả quan tại Việt Nam với mức tăng tăng 44%/tháng trong khoảng từ tháng 7/2017 đến tháng 5/ 2018 mặc dù thị trường chỉ mới làm quen với công nghệ này gần đây. Dù vậy, tính đến cuối quý I/2018, tiền mặt và séc chiếm đến 90% chi tiêu cá nhân tại Việt Nam.
Châu Á – Thái Bình Dương đang dẫn đầu về cải tiến và ứng dụng các kênh thanh toán hàng hóa và dịch vụ mới theo hướng số hóa. Thanh toán trực tuyến đang tăng trưởng nhanh, dù vậy, chúng ta vẫn còn cách xa thời điểm mà tiền mặt không còn xuất hiện trong ví của người tiêu dùng. Hành trình tiến tới xã hội phi tiền mặt mở ra cơ hội rất lớn cho những đột phá trong lĩnh vực thanh toán.
Không hề quá lời khi nói rằng Châu Á – Thái Bình Dương có một phẩm chất vượt trội về thanh toán phi tiền mặt. Độ chấp nhận thanh toán phi tiền mặt của khu vực tăng nhanh hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới.
Tại các thị trường Châu Á mới nổi, thanh toán phi tiền mặt tăng trưởng với tốc độ 22%. Trong khi đó, theo nhận định của Visa, thanh toán không tiếp xúc đang tăng trưởng khả quan tại Việt Nam mặc dù thị trường chỉ mới làm quen với công nghệ này gần đây. Một nghiên cứu của Visa đã cho thấy rằng thanh toán không tiếp xúc qua thẻ Visa ở Việt Nam đã tăng 44%/tháng trong khoảng từ tháng 7/2017 đến tháng 5/2018.
Những nền kinh tế phát triển trong khu vực cũng nhanh nhạy không kém trong việc nắm bắt những phương thức thanh toán mới. Ví dụ, tại Australia, thanh toán không tiếp xúc hiện chiếm 2/3 giá trị thanh toán tại các điểm chấp nhận thẻ.
Cuộc thảo luận về thanh toán phi tiền mặt tại Châu Á, đặc biệt là tại Trung Quốc đề cập khá nhiều đến các ví điện tử cho phép người dùng thanh toán hàng hóa và dịch vụ thông qua một ứng dụng trên điện thoại thông minh. Tuy nhiên, các loại hình và phương thức thành toán phi tiền mặt lại thay đổi theo từng thị trường. Thanh toán bằng mã QR không phải ở vị thế độc tôn bởi vì công nghệ kết nối không dây trong giao dịch ngân hàng hay thẻ trả trước cũng đang có ưu thế nhất định.
Các chính phủ trong khu vực đã nhanh chóng nhận ra rằng họ cần hỗ trợ và xúc tiến các phương thức thanh toán mới này, và phản hồi bằng cách tạo ra các giải pháp hiện đại để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Có lẽ một trong số những ví dụ thuyết phục nhất là sáng kiến thành lập Unified Payments Interface (UPI) của chính phủ Ấn Độ. Đây là một nền tảng cho phép người tiêu dùng sử dụng một ứng dụng điện thoại thông minh để thực hiện thanh toán thông qua bất kỳ ngân hàng nào tham gia vào mạng lưới. Được triển khai vào tháng 4/2016, UBI đã ký kết với 97 ngân hàng và xử lý các giao dịch với tổng trị giá 270 tỷ rupee (tương đương 4 tỷ đô la).
Tiền mặt vẫn là vua
Video đang HOT
Mặc dù đạt nhiều bước tiến, vẫn còn một còn đường dài phía trước để cả khu vực thật sự tiến đến cái gọi là xã hội phi tiền mặt. Giữa cơn sốt những lời tán dương dành cho các giải pháp thanh toán số hóa, tiền mặt vẫn là phương thức thống lĩnh trong thanh toán hàng hóa ở hầu hết các quốc gia trong khu vực.
Số liệu do Visa cung cấp tính đến quí I/2018 cho thấy tiền mặt và séc chiếm đến 55% chi tiêu cá nhân trong khu vực. Tại Việt Nam, con số này ước tính lên tới 90%. Bất chấp sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, thanh toán bằng tiền mặt khi nhận hàng vẫn chiếm tới 89% các giao dịch mua hàng trực tuyến tại quốc gia này.
Ngoài ra, thách thức còn nằm ở chỗ thiếu một sự nhất quán về các loại hình thanh toán phi tiền mặt trong khu vực. Ví dụ, chúng ta có thể dễ dàng thanh toán bằng mã QR tại Trung Quốc nhưng sẽ gặp khó khăn để tìm thấy giải pháp này tại Úc. Điều này cho thấy tăng trưởng hiện chỉ mới giới hạn trên nền tảng khách hàng nội địa.
Việc triển khai công nghệ thanh toán phi tiền mặt tại Châu Á vẫn gặp phải những thách thức khi hoạt động trên bình diện xuyên quốc gia và tuân thủ luật pháp địa phương. Mặc dù tăng trưởng của các ví điện tử ở Châu Á đang là hiện tượng, chỉ một vài doanh nghiệp có thể cung cấp dịch vụ cho người dùng ở hơn một quốc gia, chưa nói đến phạm vi quốc tế.
Tương lai tươi sáng
Thực tế sử dụng tiền mặt phổ biến là một thách thức, nhưng Châu Á – Thái Bình Dương cũng đứng trước những triển vọng phấn khởi đến từ những giải pháp ứng dụng số hóa trong thanh toán.
Các giải pháp mới luôn gắn với trực tuyến. Gần đấy nhất, HSBC đã trở thành ngân hàng nước ngoài đầu tiên tại Trung Quốc tạo điều kiện cho khách hàng sử dụng điện thoại thông minh để thanh toán học phí du học. Trong thời gian tới, một số ngân hàng ngay sau khi duyệt hồ sơ vay thẻ tín dụng sẽ giao thẻ trực tiếp vào ví điện tử của khách hàng, thay vì qua đường bưu điện.
Một khi các thách thức về phát triển những hệ thống có thể hoạt động xuyên quốc gia và các đơn vị tiền tệ khác nhau được giải quyết, các công ty và nhà cung cấp dịch vụ thành công của khu vực sẽ ở vào vị thế hoàn hảo để xuất khẩu công nghệ và vươn lên dẫn đầu thế giới.
Các chính phủ và những nhà làm chính sách đang tích cực hành động để thúc đẩy việc chuyển đổi sang xã hội phi tiền mặt. Ví dụ tại Indonesia, quốc gia này đang muốn hướng tới khối lượng giao dịch thương mại điện tử trị giá 130 tỷ đô la vào năm 2020. Chính phủ Úc đã đệ trình khống chế mức trần 10.000 đô la Úc (khoảng 7.500 đô la Mỹ) trong giao dịch tiền mặt khi thanh toán hàng hóa và dịch vụ kể từ tháng 7/2019.
Chính phủ Việt Nam cũng hướng tới một xã hội phi tiền mặt với mục tiêu giảm tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán thấp hơn 10% và tăng tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản ngân hàng lên 70% vào năm 2020.
Mặc dù triển vọng tươi sáng, Châu Á – Thái Bình Dương chỉ mới bắt đầu hành trình hướng tới xã hội phi tiền mặt.
Theo : Tri Thức Trẻ
Sàn diễn kết hợp địa điểm du lịch: Xu hướng mới của thời trang Việt?
Thay thế cho sàn catwalk hình chữ T truyền thống, các nhà thiết kế, tổ chức bắt đầu hành trình mới khai phá yếu tố thời trang kết hợp quảng bá các địa điểm du lịch nổi tiếng.
Những năm gần đây, làng thời trang Việt có sự phát triển nhất định về mặt tư duy. Bên cạnh việc sáng tạo những bộ sưu tập trình diễn, các nhà thiết kế, đơn vị tổ chức cũng chú trọng hơn về mặt hình thức. Thay vào sàn catwalk chữ T truyền thống là hàng loạt ý tưởng độc, lạ nhằm mang đến cái nhìn hút mắt hơn cho khán giả.
Các nhà thiết kế bắt đầu mang đến những bộ sưu tập trình diễn trong những không gian lớn, gắn liền với địa điểm du lịch nổi tiếng. Tiên phong cho ý tưởng mới mẻ này là Đỗ Mạnh Cường vào năm 2017 với show diễn Life in Color tại Phú Quốc. Năm 2018, anh tiếp tục tạo nên dấu ấn mới khi mang bộ sưu tập Xuân - Hè về với vùng đất Lăng Cô của xứ Huế mộng mơ.
Trong khi đó, nhà thiết kế Lê Thanh Hoà lại mang hình ảnh của ánh mặt trời đến với Vịnh Hạ Long, một trong những kỳ quan của Việt Nam được thế giới công nhận.
Sàn diễn ấn tượng của Đỗ Mạnh Cường vào tháng 5 vừa qua tại Lăng Cô, Huế
Video clip tóm lượt show diễn Xuân - Hè 2018 của Đỗ Mạnh Cường:
Ngày 16/6, nhà thiết kế Chung Thanh Phong cũng mang bộ sưu tập riêng trình diễn trên tầng 49 của toà nhà Bitexco với điểm nhìn bao quát TP.HCM. Đây cũng là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng của du khách khi đến với nơi đây.
Show diễn của Lê Thanh Hoà trên du thuyền tại Vịnh Hạ Long.
Mới đây, đạo diễn Long Kan tiết lộ, anh và ê-kíp cũng sẽ có một show diễn hoành tráng trên đỉnh Bà Nà, một địa điểm du lịch nổi tiếng của TP. Đà Nẵng.
"Tôi từng mơ ước một lần được chạm vào mây. Khi mặt trời xuống dần, mây như một làn sương khói thuần khiết tràn xuống ôm trọn đỉnh Bà Nà. Với địa hình độc đáo giữa thiên nhiên vốn được mệnh danh là đường lên tiên cảnh, Bà Nà được chọn làm điểm xuất phát đầu tiên của hành trình thời trang, nơi khởi điểm đầy ấn tượng cho sự thăng hoa của chuỗi chương trình", nam đạo diễn cho biết. Anh cũng bật mí show diễn này mang chất lãng mạn, nhẹ nhàng như dạo bước trên mây được miêu tả trong các câu chuyện thần thoại", nam đạo diễn tiết lộ.
Không gian của đỉnh Bà Nà với mây bao phủ như chốn thần tiên được chọn làm sàn diễn thời trang
Trước đó, Long Kan từng đảm nhận vai trò đạo diễn cho các show diễn của nhà thiết kế Hoàng Hải như: Ngôn ngữ hoa (2016, De Hanoi À Paris (2017 và gần đây nhất là Les Étoiles De Cannes - Những ngôi sao Cannes tại thành phố Cannes, Pháp.
Show diễn này của Long Kan là sự mở đầu cho hành trình mang tên Fashion Voyage mà anh dự định đưa các nhà thiết kế, thương hiệu thời trang nổi tiếng đến những không gian thiên nhiên, kiến trúc độc đáo, ấn tượng tại Việt Nam và thế giới.
Anh mong muốn mang đến một trải nghiệm mới về phong cách trình diễn thời trang giữa không gian thoáng đạt, sàn diễn linh hoạt, truyền tải thông điệp thời trang của các nhà mốt theo xu hướng qua mỗi chủ đề, điểm đến khác nhau.
Đạo diễn Long Kan dự kiến thực hiện từ 2 chương trình mỗi năm, giới thiệu từ 3 - 5 BST của những nhà thiết kế khác nhau trong mỗi chuyến hành trình. Show diễn mở màn có tên gọi A walk to the sky, diễn ra vào ngày 14/7 tới đây.
Khi thời trang kết hợp với việc quảng bá những địa điểm du lịch nổi tiếng sẽ tạo nên diện mạo mới cho các nhà thiết kế lẫn BST trình diễn. Khán giả nhờ đó cũng cảm nhận cái đẹp theo cách "đã mắt" hơn.
Với sự xuất hiện ngày càng nhiều của những sàn diễn độc đáo như thế, thời trang Việt đang có sự chuyển mình nhất định để tạo nên những giá trị mới. Tuy nhiên, các nhà sản xuất show diễn cũng đối diện không ít vấn đề như: "đội" kinh phí, nhân lực, trang thiết bị,... khi quyết định tổ chức show diễn ở xa những trung tâm lớn có đầy đủ điều kiện như TP.HCM hay Hà Nội.
Ngoài ra, việc tổ chức các show diễn ngoài trời, gắn với các địa điểm du lịch cũng bị ảnh hưởng nhất định bởi thời tiết, đặc biệt trong mùa mưa đang diễn ra.
Theo phunuonline.com
Minh Ngọc: Hành trình trong mơ của cô gái khiến bộ tứ 'điêu đứng' tại The Voice 2018 TV Show 6 giờ trước Ngay từ vòng Giấu mặt, dáng dấp một diva tương lai đã ẩn hiện trong cả giọng hát và hình ảnh của Minh Ngọc. Vượt qua hàng loạt thử thách để đặt chân vào vòng Liveshow 1, dáng dấp ấy ngày càng hiện rõ hơn. Công chúng có quyền mong chờ vào điều đó. Ngay từ khi cover ca khúc Never Enough ở...