Xã hội còn không biết xếp hàng, còn lâu mới đến được văn minh
Chúng ta đừng mơ về một xã hội văn minh, nếu như văn hóa xếp hàng còn không được tôn trọng như hiện nay.
Cuối tháng 1/2019, tỷ phú Bill Gates xếp hàng, chờ tới lượt mua đồ tại cửa hàng thức ăn nhanh tại Seattle (Mỹ). Món đồ một trong những người giàu nhất thế giới mua có giá trị vào khoảng 7,68 USD.
Một nhân viên của công ty Microsoft chứng kiến cảnh trên, chụp ảnh lại và tự hào đăng tải trên mạng xã hội kèm chú thích: “Khi bạn sở hữu khoảng 100 tỷ USD, điều hành quỹ từ thiện lớn nhất thế giới và xếp hàng chờ mua burger, khoai tây chiên, Coca tại Dick’s như tất cả chúng ta”.
Hình ảnh tỷ phú Bill Gates xếp hàng mua đồ ăn nhanh.
Theo thống kê từng được công bố, mỗi giây tỷ phú Bill Gates kiếm được 250 USD, tương đương mỗi phút kiếm được 15.000 USD, 1 ngày ông kiếm được 20 triệu USD.
Trong khi đó, việc xếp hàng mua món đồ chưa tới 8 USD có thể khiến một trong những tỷ phú giàu nhất thế giới tốn vài phút cho tới hàng chục phút. Vậy mà ông vẫn vui vẻ làm, không khó chịu, không sốt ruột, không chen ngang.
Ngày 12/6/2015, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đứng xếp hàng 30 phút tại một trung tâm ăn uống ngoài trời để mua cánh gà rán.
Tuân thủ nghiêm ngặt việc xếp hàng trở thành nét văn hóa đặc trưng của người Anh. Dù là ở sân vận động Wimbledon hay ở ga Waterloo, người dân xứ sở sương mù vẫn xếp hàng dài chờ tới lượt.
Tờ BBC từng đăng tải thông tin, trong đợt bạo động ở London năm 2011 những kẻ chôm đồ tại các tiệm cũng tuân thủ nguyên tắc “ai đến trước lĩnh trước”.
Xếp hàng trở thành thói quen của người dân ở những nước phát triển. Ở nơi đó, nếu một người vô tình chen ngang ngay lập tức bị coi như kẻ vô văn hóa.
Họ gặp phải sự phản ứng thẳng thẳn và quyết liệt của những người xung quanh và người bán hàng sẽ lập tức từ chối phục vụ họ. Họ sẽ lập tức bị cô lập và cảm thấy xấu hổ vì hành động của mình.
Vậy mà, sáng 12/10/2019, gã đàn ông tại Thanh Xuân (Hà Nội) không xếp hàng, ngang nhiên chen lên rút tiền sớm tại một cây ATM.
Khi bị người phụ nữ nhắc nhở, anh ta liền quay lại đánh đập, chửi bới với những lời lẽ thô tục. Kèm theo đó, anh ta thốt lên câu nói của những kẻ chả là cái gì nhưng lại luôn nghĩ mình là cái rốn của vũ trụ: “ Mày có biết tao là ai không?”.
Video: Bị nhắc nhở vì không chịu xếp hàng, gã đàn ông lao vào đánh tới tấp người phụ nữ
Sự kiện trên chỉ là một trong số trong số những ví dụ để chứng minh người Việt rất kém ý thức trong việc xếp hàng.
Một ví dụ tiêu biểu khác là vào cuối tháng 11/2018, đội tuyển Việt Nam gặp Myanmar trong khuôn khổ AFF Cup. Cổ động viên của nước bạn xếp hàng trật tự tới mua vé.
Video đang HOT
Khi xem hình ảnh này, các cổ động viên chân chính của đội tuyển Việt Nam không khỏi thấy chạnh lòng và xấu hổ. Bởi cảnh tượng quen thuộc tại những nơi bán vé bóng đá ở Việt Nam là cảnh chen lấn, xô đẩy, thậm chí có nhiều kẻ còn đạp đổ cả hàng rào để xông vào bên. Họ cư xử như những kẻ cướp, đầu đường xó chợ.
Hay các phụ huynh học sinh chẳng những không xếp hàng mà còn làm đổ cổng các trường học để lao vào nộp hồ sơ cho con. Những con người này chọn trường mà họ cho là sẽ giáo dục con họ tốt nhất. Vậy bản thân họ dạy con điều gì từ hành động trên?
Hình ảnh người dân chen lấn, xô đẩy để có bằng được tấm vé xem đội tuyển Việt Nam thi đấu.
Thời bao cấp, khi mọi thứ còn khó khăn, người dân từng rất có ý thức xếp hàng. Mọi người xếp hàng chờ tới lượt lấy thực phẩm, thuốc men…Ai đến trước nhưng có việc phải đi, họ để lại cục gạch hay một cái gì đó giữ chỗ, lát sau quay lại đứng đúng vào vị trí đó, người đến sau cũng rất tôn trọng.
Thế nhưng, khi xã hội phát triển, văn hóa xếp hàng lại không được tôn trọng. Khắp nơi, chúng ta chứng kiến cảnh chen lấn, xô đẩy, thậm chí là tranh giành vị trí. Người đến sau lại ngang nhiên chen ngang hàng, tìm vị trí tốt nhất.
Thậm chí, những kẻ chuyên xen ngang lại là những người ăn mặc rất sang trọng, lịch sự và ra dáng “có tiền”. Họ tự cho mình cái quyền được đứng lên trên người khác.
Không xếp hàng, đó không chỉ là thói quen mà nó còn là biểu hiện của sự ích kỷ, tự lợi, cái gì cũng muốn hơn thiên hạ nhưng lại không muốn bỏ công sức.
Khi lưu thông trên đường, gặp đèn đỏ cũng phải cố len lên trước, thậm chí chấp nhận cả việc lấn hết sang làn ngược chiều. Những kẻ này sẵn sàng đánh đổi của tính mạng của mình, tìm mọi cách len lên, miễn sao là đứng trước người khác, có đôi khi là chỉ vài bước chân.
Văn hóa xếp hàng không những không được tôn trọng ở ngoài đường phố, mà ngay trong những cơ quan công quyền.
Chúng ta không lạ với những người đến sau nhưng cố tình len lên trước khi làm thủ tục hồ sơ. Những kẻ này phớt là mọi quy tắc ứng xử, mọi ánh mắt khó chịu của những người xung quanh, miễn sao là được việc.
Không xếp hàng, đó không chỉ là thói quen mà nó còn là biểu hiện của sự ích kỷ, tự lợi, cái gì cũng muốn hơn thiên hạ nhưng lại không muốn bỏ công sức.
Từ đó, nó dẫn tới những tệ nạn lớn hơn như đút lót, hối lộ. Đi làm thủ tục tại các cơ quan hành chính, việc đầu tiên không phải là tìm chỗ xếp hàng mà mắt trước mắt sau tìm ra người có thể biếu xén tiền, thậm chí là quỵ lụy để có thể được mời vào làm trước.
Tới các bệnh viện thì việc đầu tiên là tìm bác sĩ hay cô y tá nào đó để nhờ vả, mua chuộc miễn sao tránh việc phải xếp hàng.
Thậm chí ngay cả trong việc tới viếng đám tang – nơi mà lẽ ra sự thành kính phải được đặt lên hàng đầu, người ta vẫn cố tình tìm cách để được vào viếng trước, mặc kệ rất nhiều người đứng xếp hàng từ trước.
Chen lấn, xô đẩy, vượt rào là những hành động thường thấy ở những nơi công cộng tại Việt Nam.
Một xã hội mà văn hóa xếp hàng được thực hiện tốt là biểu hiện của sự bình đẳng, nơi đó, những nguyên tắc chung được mọi người tôn trọng, không phân biệt là ai và không có ngoại lệ nào.
Không có văn hóa xếp hàng là biểu hiện của một xã hội thiếu minh bạch, thiếu sự công bằng và văn minh. Một xã hội mà kẻ côn đồ, trơ trẽn lại có thể ngang nhiên đứng trên những người hiền lành, hiểu lý lẽ và biết tôn trọng người khác.
Văn hóa xếp hàng còn thể hiện tính kỷ luật. Một xã hội mà mạnh ai nấy làm, chen lấn, xô đẩy cũng sẽ là một xã hội luộm thuộm, ngẫu hứng, không tuân thủ quy tắc, luật lệ, không có ý thức về sự công bằng.
Việc không xếp hàng cũng thể hiện sự ngẫu hứng, vô kỷ luật, vô nguyên tắc của người Việt. Để có được điều mình muốn, họ không ngại dùng thủ đoạn để đứng lên trên người khác, kể cả việc bẻ cong pháp luật.
Chẳng phải ngẫu nhiên mà việc xếp hàng được nâng lên thành một thứ văn hóa. Thậm chí, nó còn được coi là biểu hiện của một xã hội hiện đại, văn minh, công bằng và thượng tôn pháp luật.
Thế nên, chúng ta đừng mơ về một xã hội văn minh, nếu như văn hóa xếp hàng còn không được tôn trọng như hiện nay.
Độc giả có đồng tình với quan điểm tác giả bài viết? Hãy bày tỏ ý kiến của mình TẠI ĐÂY hoặc gửi trong ô bình luận ở bên dưới.
MỘC LAN
Theo VTC
Cũ và mới chuyện văn hóa xếp hàng
Ý thức xếp hàng của người dân Hà Nội đang có nhiều chuyển biến tích cực.
Dưới tác động của thời gian, văn hóa xếp hàng của người Hà Nội tốt lên hay xấu đi phụ thuộc nhiều vào các yếu tố xã hội, cách người dân nhận thức, tiếp thu, xử lý với những thông tin họ tiếp nhận bên ngoài cuộc sống.
Chuyển biến trong nhận thức
Vào sáng hay chiều, khoảng giờ cao điểm, trên những tuyến đường có mật độ giao thông lớn, người dân Thủ đô lại phải gồng mình chống chọi với cảnh tắc đường. Trong bức tranh hỗn loạn đó, người điều khiển ô tô, xe máy chen lấn, thậm chí lao lên vỉa hè để di chuyển, tiến về phía trước với mong muốn thoát khỏi cảnh khói bụi, ngột ngạt. Tuy nhiên điều này có thể khiến nạn tắc đường trở nên trầm trọng hơn.
Vấn đề về ý thức, văn hóa xếp hàng chưa tốt cũng được nhiều người dẫn chứng ở những địa điểm công cộng khác. Trạm đổ xăng, thay vì xếp hàng, ai cũng cố lách đến gần cột xăng mà ít khi quan tâm người đứng trước đang chờ đến lượt. Tại bến xe, hành khách tranh giành nhau từng chỗ như đánh trận, nhất là vào các dịp lễ.
Người dân xếp hàng chờ mua vé tại Bến xe Mỹ Đình. Ảnh: Phạm Hùng
Từ câu chuyện hiện nay, soi chiếu dưới góc độ lịch sử, theo nhiều chuyên gia, văn hóa xếp hàng của người dân đã có nhiều đổi thay. Trước đây, khi cuộc sống khó khăn, nghề nông, lao động thủ công còn phổ biến, nhiều người cảm thấy không cần phải xếp hàng.
Bởi lúc đó, không gian và thời gian dường như rộng rãi, cuộc sống chậm, không gấp gáp. Những năm tháng bao cấp, việc xếp hàng đã có trật tự, văn hóa. Những người đến sớm chỉ cần đặt vật gì đó "làm tin" thì coi như người đó đến trước, được mua trước, nhận hàng trước. Hình ảnh ấy rất văn minh dù thời đó kinh tế còn khó khăn.
Tuy nhiên, so sánh như vậy không có nghĩa trong cuộc sống hiện nay, văn hóa xếp hàng hoàn toàn mờ nhạt. Cùng với sự tiến bộ của nền văn minh đô thị trong đời sống người dân, việc xếp hàng cũng dần trở thành thói quen. Giờ đây, đa số người Việt đã có tâm lý khá thoải mái khi xếp hàng ở nơi công cộng.
Hình ảnh xếp hàng đã dần đi vào tâm thức. Ở Hà Nội, chúng ta cũng nhận thấy những cảnh tượng văn minh ở địa điểm công cộng như rạp chiếu phim (rạp quốc gia, hệ thống CGV), quán ăn (cửa hàng bún cá ở Nguyễn Thái Học, phở Bát Đàn) hay bệnh viện, trường học. Ở đó, người dân từ già đến trẻ đều ngay ngắn xếp hàng. Người dân đã có nhiều chuyển biến trong ý thức nhưng để văn hóa xếp hàng thực sự hình thành, trở thành thói quen, đi vào cuộc sống vẫn vấp phải nhiều rào cản.
Thực hiện nếp sống văn minh
"Nhìn từ câu chuyện ở đất nước Nhật Bản, năm 2011, sau thảm họa kép động đất, sóng thần ở Nhật Bản, cả thế giới gần như hoàn toàn bị thuyết phục bởi tinh thần của người Nhật. Lúc đó, hình ảnh dòng người kiên nhẫn xếp hàng, trong đó có một cậu bé bản lĩnh và kiên cường, đứng chờ nhận hàng cứu trợ. Đây được xem như biểu tượng cho ý thức kỷ luật, tôn trọng cộng đồng. Để nâng cao ý thức cho mọi người dân về thực hiện nếp sống văn minh, ứng xử văn hóa nơi công cộng, trong đó có văn hóa xếp hàng, chúng ta cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở từ trong các tổ tự quản, công đoàn cơ quan, trường học để mọi người, mọi tầng lớp Nhân dân cùng nhau thực hiện tốt nếp sống văn minh." - PGS. TS Nguyễn Hoàng Ánh - Giảng viên cao cấp Đại học Ngoại Thương
Phân tích về văn hóa xếp hàng của người Hà Nội nói riêng và người Việt Nam nói chung, PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh - giảng viên trường Đại học Ngoại Thương chia sẻ: "Người Việt hay sốt ruột, thích hưởng lợi ngay là vì không tin sẽ được đối đãi công bằng. Chúng ta có tính tập thể lớn, trong đó bao gồm văn hóa thứ bậc, có nghĩa là người này được ưu tiên hơn người kia. Đồng thời, người Việt có văn hóa ngại rủi ro, trọng quan hệ, dẫn tới không tin nhau, không tin sự công bằng và biểu hiện rõ ràng nhất là việc không xếp hàng".
Tăng cường giáo dục
Ở Việt Nam, người dân khi thấy người nào đó chen lấn, phá vỡ trật tự này thì thường chọn cách im lặng, mặc kệ, coi như không phải việc của mình. Cứ như thế hành vi xấu này cứ lặp đi lặp lại, diễn ra nhiều nơi.
Do đó, theo anh Phạm Văn Chung (Hai Bà Trưng, Hà Nội): "Hiện nay, khi người dân chưa tự nguyện xếp hàng ở nơi công cộng, ở các điểm này cần có bảng quy định, cử nhân viên trực tiếp hướng dẫn, yêu cầu người dân phải đứng theo thứ tự, trật tự. Việc này có ý nghĩa rất quan trọng trong ổn định trật tự ở nơi công cộng, địa điểm đông người. Hình thức xử phạt, thậm chí cần về xử lý hành chính đối với những người cố tình chen lấn, gây rối, ảnh hưởng đến những người khác".
Bàn luận về văn hóa xếp hàng, anh Nguyễn Văn Ninh - du học sinh tại Anh cho biết: "Ngay cả ở phương Tây - nơi nhiều người cho là văn minh, mỗi lần Black Friday (ngày mua hàng giảm giá) lại thấy cảnh tượng người ta chen lấn, xô đẩy nhau để hưởng khuyến mãi. Vì vậy, đứng trước sự khan hiếm, lề lối chuẩn mực thật khó được duy trì.
Do đó, sự thay đổi về nhận thức là quá trình lâu dài. Để lên kế hoạch cho sự thay đổi đó cần rất nhiều cố gắng. Chúng ta đang phải giáo dục một con người từ nhỏ về ý thức xếp hàng trong khi xung quanh đứa trẻ đó vẫn xảy ra hiện tượng đi ngược lại. Cho nên, chuyện để có văn hóa xếp hàng cần thời gian và cũng cần kiên trì".
Ngoài ra, theo cô giáo Nguyễn Mai Hương - Trường Tiểu học Tây Sơn (Hà Nội): "Ở Hà Nội, còn rất nhiều vụ việc liên quan đến văn hóa xếp hàng bị lên án như vụ hàng nghìn người dân chen lấn, xô đẩy nhau rồi trèo rào vào Công viên nước Hồ Tây tắm miễn phí, leo qua rào để mua vé xem đá bóng tại Sân vận động Mỹ Đình... Vì vậy theo tôi, để xây dựng văn hóa xếp hàng, nên lồng ghép nội dung này vào bài giảng để giáo dục trẻ em từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Xây dựng chuyên đề giáo dục nếp sống văn minh, thanh lịch cho học sinh".
Câu chuyện xếp hàng có thể sẽ vẫn còn là một câu chuyện dài. Nhưng có lẽ ai trong chúng ta cũng thừa nhận đó là một hành động dù nhỏ nhưng thật sự mang lại những lợi ích rất lớn cho cá nhân và cộng đồng. Văn hóa xếp hàng còn là biểu hiện của một xã hội công bằng, văn minh.
Khi xếp hàng, chúng ta đang tôn trọng quyền lợi của mình và mọi người trong mối quan hệ của xã hội. Khi mọi người đều tuân theo một trật tự sẽ giúp mọi việc trở nên dễ dàng, nhanh chóng, thuận tiện hơn với tất cả những ai cùng tham gia. Ngược lại, việc xếp hàng bị lãng quên hoặc bị phủ nhận bằng một thái độ khó chịu, mọi việc sẽ trở nên xáo trộn và mọi thứ sẽ chậm lại, hoặc xấu đi.
"Xếp hàng là một hành vi, một ứng xử văn minh trong xã hội hiện đại. Bài học "Lê Nin trong hiệu cắt tóc" được dạy nhiều năm ở trường phổ thông Việt Nam. Bài học đó là ai đến trước sẽ hưởng quyền phục vụ trước, không phân biệt vị thế hay đẳng cấp xã hội. Bài học đó là thực hành văn minh trong tính tự giác, tự nguyện.
Theo tôi, để hình thành văn hóa xếp hàng, chính quyền phải có trách nhiệm đầu tiên trong việc này. Mọi việc phải song hành, vừa tạo nên một môi trường, một hoàn cảnh sống thuận lợi vừa giáo dục, tuyên truyền và thực thi pháp luật. Chúng ta đang rất khó khăn để xoay chuyển tâm lý và hành vi xã hội.
Người đứng đầu đâu chỉ là chuyện nêu gương, mà phải là người đi đầu trong việc thượng tôn pháp luật. Hành vi chen lấn khi xếp hàng xem ra là nhỏ nhưng nó là nhân phẩm chung của quốc gia. Làm sao trên truyền thông thế giới hiện đại không xuất hiện dòng chữ: Người Việt không biết xếp hàng." - Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ
"Ở Việt Nam, 2 trường hợp xếp hàng tương đối tốt là dưới áp lực của sự kiểm soát và trong đám đông có chung một loại cảm xúc thiêng liêng. Tuy nhiên, khi đứng trước lợi ích và rời khỏi sự kiểm soát, lập tức trở thành đám đông hỗn loạn dẫn đến việc biểu hiện xấu khi ra nước ngoài và khiến lòng tự trọng dân tộc bị xúc phạm. Do vậy, cần những trí thức tinh hoa, những trí thức ưu tú dẫn dắt xã hội. Đồng thời, công tác giáo dục phải bắt đầu từ kỷ luật, sau đó sẽ rèn được tự giác. Đặc biệt, mỗi người phải tự giáo dục mình về niềm tin và lòng tự trọng." - PGS.TS Ngô Văn Giá - nguyên Trưởng khoa Viết văn - Báo chí, Đại học Văn hóa
Theo kinhtedothi
'Triệu like' cho ý thức xếp hàng của người dân chờ ra khỏi hầm giữ xe chung cư Một hình ảnh đẹp đang được cộng đồng mạng chia sẻ cho thấy ý thức xếp hàng của người dân được tuân thủ răm rắp. Văn hóa xếp hàng cùng nhiều câu chuyện dở khóc dở cười từng là chủ đề được nhiều người tranh luận gay gắt. Bỏ qua những lời nhận xét về việc thiếu ý thức, thiếu văn hóa khi...