Xa hoa, lộng lẫy chỉ là vỏ bọc thôi, ai mê phim cung đấu sẽ ngã ngửa vì những sự thật này!
Những cực nhọc, cay đắng mà các diễn viên như Tôn Lệ, Lâm Tâm Như, Phạm Băng Băng phải chịu đựng đằng sau loạt phim hậu cung đình đám khiến ai cũng phải bất ngờ.
Nếu là fan của dòng phim cổ trang Hoa ngữ, khán giả sẽ khó lòng bỏ qua những dự án khai thác đề tài cung đình lộng lẫy, xa hoa. Mỗi năm, làng phim Hoa ngữ có hàng chục dự án xoay quanh đề tài này được phát sóng. Dù đề tài trùng lặp, nội dung không mới lạ nhưng mẫu số chung là những bộ phim này đều được đón chờ nồng nhiệt.
Dương Mịch trong phim “ Cung tỏa tâm ngọc”.
Hoành tráng, đầu tư lớn có thể kể đến Võ Tắc Thiên, Cung tỏa tâm ngọc, Hậu cung Chân Hoàn truyện, Cung tâm kế, Mỹ nhân tâm kế… Lẹt đẹt nhưng vẫn thu hút sự quan tâm cũng có thể nêu tên những tác phẩm như Đại Đường vinh diệu, Nữ y Minh phi truyện. Dòng phim cung đình – cung đấu đã trở thành đặc sản cho làng giải trí Hoa ngữ. Thậm chí, nhiều diễn viên từ vô danh đã một bước thành sao chỉ vì may mắn góp mặt trong một dự án cung đấu ăn khách nào đó.
Phạm Băng Băng trong siêu phẩm “Võ Tắc Thiên”.
Nhưng nếu chỉ nhìn bề ngoài, khán giả khó lòng tưởng tượng được chuyện các người đẹp đình đám như Lâm Tâm Như, Phạm Băng Băng, Châu Đông Vũ… đã phải thực hiện loạt cảnh quay trong những bộ phim này như thế nào. Và khi sự thật giấu sau lớp áo lộng lẫy của họ bị rơi xuống, chắc hẳn là ai cũng sẽ há hốc mồm ngạc nhiên.
Dở khóc dở cười vì phục trang
Bất cứ diễn viên nào, muốn đóng tốt vai được giao cũng phải có sự nghiên cứu, tìm tòi về nhân vật. Nhưng khác với dòng phim hiện đại, phim cung đấu đòi hỏi nhiều hơn thế. Dù là đóng vai hoàng hậu, phi tần hay cung nữ, các diễn viên đều phải khoác lên mình trang phục nặng nề gồm nhiều lớp áo quấn lấy nhau. Ngày mưa hay lạnh giá sẽ chẳng có vấn đề gì, nhưng nếu quay phim trong mùa hè nóng bức, lớp váy áo nặng nề trở thành dụng cụ “tra tấn” kinh hoàng. Nếu không cẩn thận làm nhòe lớp trang điểm, các cô gái sẽ khiến cho lịch trình quay phim bị gián đoạn vì phải mất thời gian make up lại từ đầu.
Đó là chưa kể đến tóc giả, mũ miện cầu kỳ nặng nhiều kg. Nhưng nếu chịu cực mà lên phim xinh đẹp, rực rỡ, ắt hẳn cũng chẳng mấy ai phiền lòng. Đằng này đã nhọc công hóa trang nhưng cuối cùng lại bị khán giả “ném đá” tưng bừng, chắc chỉ có mỗi Quan Hiểu Đồng mới thấu hiểu cảnh oan trái này. Trong phim truyền hình Phượng Tù Hoàng, Quan Hiểu Đồng đã trở thành đề tài bàn tán, chế giễu của cư dân mạng chỉ vì kiểu tóc và cách trang điểm khiến cô chẳng khác nào một chiếc máy may.
Quan Hiểu Đồng nhận phải nhiều chỉ trích vì kiểu tóc giống hệt bàn máy may.
Với dự án Võ Tắc Thiên – Võ Mỵ Nương truyền hình, Phạm Băng Băng có trải nghiệm nhớ đời khi mặc hoàng bào nặng 25kg. Theo thông tin từ nhà sản xuất, bộ áo có giá 500.000 NDT (khoảng 1,7 tỷ đồng) được thêu hình rồng 3D và chỉ xuất hiện vài phút trên màn ảnh nhỏ. Tuy nhiên, để có được vẻ lộng lẫy, chỉnh chu đúng ý Phạm Băng Băng, đội ngũ thiết kế đã huy động 26 nhân công làm việc trong vòng 3 tháng. Dẫu vậy, đây vẫn chưa phải là thành tích khiến người hâm mộ xuýt xoa nhất. Phạm Băng Băng cũng tiết lộ rằng, phim Võ Tắc Thiên có đến 1.000 bộ trang phục, trong đó có tới 260 bộ được may bằng cách thủ công. Tính cho đến thời điểm hiện tại, chưa có đoàn phim nào vượt mặt Võ Tắc Thiên vì độ đầu tư cho trang phục. Nhưng cái gì cũng có giá trị của nó, nhờ nhọc công sắp xếp như thế nên Võ Tắc Thiên đã thành công vang dội, trở thành mốc son trong hành trình hoạt động nghệ thuật của Phạm Băng Băng – người đã bỏ tiền sản xuất bộ phim bom tấn này.
“Võ Tắc Thiên” có đến 1000 bộ trang phục, trong đó 260 bộ là được làm bằng phương pháp thủ công.
Bỏ qua chuyện quần áo, đầu tóc, giày dép cũng là vấn đề khiến các đoàn làm phim nhiều phen mệt mỏi. Vì mỗi lần quay phim liên quan đến đời Thanh, các cô gái đều phải mang những đôi giày hoa bồn cực khó di chuyển, vậy nên trước khi bấm máy, ekip sản xuất đều thông báo trước tình hình và bắt các diễn viên phải tập đi giày cho đến khi thành thục.
Tôn Lệ có trải nghiệm nhớ đời với giày hoa bồn.
Video đang HOT
Tôn Lệ kể rằng, thời điểm đóng phim Hậu cung Chân Hoàn truyện, cô đã rất hoang mang vì phải di chuyển uyển chuyển và múa may điêu luyện trên đôi giày này. Tự tập đi một mình không được, Tôn Lệ đành mời thầy giáo về nhà hướng dẫn riêng cho mình. Cứ khi nào không có lịch làm việc, Tôn Lệ lại tập đi giày với thầy giáo. Dai dẳng đến hơn 1 tháng, bà xã Đặng Siêu mới có thể vượt qua thử thách khó khăn. Nếu xem trên màn ảnh nhỏ, khán giả sẽ khó lòng thấy được điều này. Để có được những bước đi nhẹ nhàng, thanh thoát, dàn diễn viên Hoa ngữ đã tốn không ít mồ hôi, công sức.
Ngậm đắng nuốt cay vì “tai nạn”
Tai nạn trên phim trường là chuyện xảy ra quá đỗi bình thường, bất cứ một diễn viên nào cũng từng ít nhiều bị trầy xước do quá nhập tâm vào vai diễn của mình. Ở dòng phim cung đấu, có những tai nạn xảy đến vô cùng hi hữu, đến mức người gặp sự cố dù biết là không may nhưng cũng phải “ngậm đắng nuốt cay”, nhắm mắt bỏ qua mọi chuyện.
Lâm Tâm Như và Châu Kiệt trong “Hoàn Châu Cách Cách”.
Điển hình có trường hợp của Lm Tâm Như trong Hoàn Châu Cách Cách, nữ diễn viên chia sẻ rằng cảnh quay khiến cô bị ám ảnh nhất chính là việc Châu Kiệt (vai Nhĩ Khang) bắt Lâm Tâm Như (vai Hạ Tử Vi) phải hôn lưỡi mình. Thời điểm đó, các nụ hôn trong phim cổ trang đều diễn ra khá nhẹ nhàng, đơn thuần chỉ là chạm môi hay hôn lên má, vậy nên yêu cầu hôn lưỡi của Châu Kiệt đã khiến Lâm Tâm Như bị sốc. Bà xã của Hoắc Kiến Hoa còn nói thêm, cô bị sốc khi Châu Kiệt đòi thực hiện cảnh hôn này với hình thức cưỡng hôn. Cho đến tận bây giờ, mỗi lần nhắc đến Châu Kiệt và sự cố hôn kỳ lạ đó, Lâm Tâm Như đều lắc đầu ngán ngẩm.
Lâm Tâm Như từng vướng vào tình huống dở khóc dở cười vì bị Châu Kiệt ép hôn lưỡi.
Hay như câu chuyện Châu Đông Vũ quay cảnh bị tra tấn trong Cung tỏa trầm hương cũng là trường hợp khiến khán giả xót xa. Nội dung cảnh quay này là Châu Đông Vũ bị tra tấn dã man, cô buộc phải đi chân trần trên tuyết trắng, sau đó bị kim châm, bị tạt nước lạnh vào người. Để cảnh quay được thực hiện một cách tròn trịa nhất, Châu Đông Vũ đã tự mình diễn xuất chứ không nhờ đến thế thân. Kết quả là cô bị viêm phổi vì quá lạnh, ekip sản xuất phải cho Châu Đông Vũ nghỉ ngơi tĩnh dưỡng, chờ lấy lại sức mới có thể quay tiếp.
Châu Đông Vũ.
Với nữ diễn viên Quan Cúc Anh, cô đã có trải nghiệm kinh hoàng khi đóng vai Nguyễn Thúy Vân trong phim truyền hình Cung tâm kế. Báo giới Hoa ngữ cho biết, tuy chỉ là đóng phim nhưng Quan Cúc Anh phải thực hiện cảnh kẹp 10 đầu ngón tay trong nhà lao nhiều lần. Tiếp đến, cô còn tự tay tát túi bụi vào mặt người đồng nghiệp Dương Di. Đến khi phân đoạn này thực hiện xong, Quan Cúc Anh cảm thấy vô cùng hối lỗi khi nhìn thấy mặt Dương Di sưng tấy cả lên. Có tin đồn Dương Di đã giận Quan Cúc Anh vì quá nhiệt tình khi đánh cô. Dẫu vậy, Quan Cúc Anh ngay sau đó cũng đã gửi lời xin lỗi Dương Di vì cảnh quay đầy ám ảnh này.
Quan Cúc Anh.
Lộng lẫy, xinh đẹp hóa ra chỉ là lừa dối khán giả!
Có một điều ít người biến đến, đó là hầu hết các nhân vật lịch sử xuất hiện trong loạt phim cung đấu đều được các ekip sản xuất “tô vẽ” cho xinh đẹp, lộng lẫy thêm rất nhiều lần. Đừng lầm tưởng Võ Tắc Thiên rực rỡ như Phạm Băng Băng; Tiểu Yến Tử nhí nhảnh như Triệu Vy; Hạ Tử Vi nhẹ nhàng, thanh tao như Lâm Tâm Như. Tất cả những hình ảnh khán giả thấy trên màn ảnh chỉ là sản phẩm tưởng tượng ra của trí tuệ con người. Còn thực tế phũ phàng ra sao, ắt hẳn khi xem xong những tư liệu được các sử gia cung cấp, khán giả màn ảnh nhỏ sẽ té ngửa vì quá ngỡ ngàng.
Nếu so sánh tạo hình trên phim với các nhân vật có thật trong lịch sử, ắt hẳn khán giả sẽ phải ngỡ ngàng.
Thực tế, tô vẽ lên loạt hình ảnh mĩ miều cũng chẳng phải “tội lỗi” gì to tát. Vì khi làm phim, nhiều tình tiết, thông tin đã được chỉnh sửa khác xa với lịch sử. Một số câu chuyện thậm chí còn xuất phát từ những giai thoại truyền miệng trong dân gian. Khó ai biết được độ chính xác của những câu chuyện ấy tới đâu, nhất là khi nó đã được biến hóa qua bàn tay ma thuật của biên kịch.
Tuy nhiên, xấu hay đẹp là còn tùy thuộc vào quan điểm về nhan sắc ở mỗi thời đại.
Bên cạnh đó, mỗi thời đại có một tiêu chuẩn về sắc đẹp khác nhau. Ví như ở thời Đường, Dương Quý Phi (Dương Ngọc Hoàn) – một trong tứ đại mỹ nhân của Trung Quốc được ca tụng bởi nhan sắc đẫy đà, phồn thực. Trong khi đó, nếu đặt ở bối cảnh hiện đại, Dương Quý Phi sẽ bị chê là “béo quá mức cần thiết”. Mỗi thời đại, người ta sẽ có cách đánh giá, nhận xét khác nhau, câu trả lời đẹp – xấu còn tùy thuộc vào quan niệm và nhân sinh quan ở giai đoạn đó.
Shindo / Theo Thời đại
Con người thật của nữ hoàng đế duy nhất TQ Võ Tắc Thiên
Nữ hoàng duy nhất trong lịch sử Trung Quốc lên nắm quyền gây ra những tranh cãi suốt hàng nghìn năm mà cho đến nay vẫn chưa có hồi kết.
Hình ảnh nữ hoàng Võ Tắc Thiên trong bộ phim truyền hình Trung Quốc năm 2014.
Võ Tắc Thiên (602 - 705) là nữ hoàng duy nhất trong lịch sử Trung Quốc. Bà từng bước thay hoàng đế Đường Cao Tông để cai quản việc triều chính bất chấp làn sóng phản đối của các đại thần. Võ Tắc Thiên bị dân gian coi là vị hoàng đế máu lạnh và tàn bạo bậc nhất lịch sử Trung Quốc, bên cạnh Tần Thủy Hoàng. Loạt bài này sẽ kể lại câu chuyện về Võ Tắc Thiên và khai thác một số khía cạnh mà dân gian không nhắc đến.
Võ Tắc Thiên là một phi tần của Đường Thái Tông Lý Thế Dân, sau trở thành Hoàng hậu của Đường Cao Tông Lý Trị. Trải qua nhiều sóng gió trên chính trường, Võ Tắc Thiên có 15 năm cuối cùng chính thức trở thành nữ hoàng duy nhất trong lịch sử Trung Quốc.
Những câu chuyện tội ác của Võ Tắc Thiên được truyền từ đời này sang đời khác. Ban đầu là việc Võ Tắc Thiên hãm hại hoàng hậu để tiếm quyền, cho đến hại chết con và tôn thất, từng bước lên ngôi hoàng đế. Những đối thủ của Võ Tắc Thiên đều được cho là đã phải nhận lấy kết cục thảm khốc.
Những câu chuyện rùng rợn này đều chỉ là lời truyền miệng dân gian của Trung Quốc. Giới học giả ngày nay vẫn tranh cãi về những gì thực sự xảy ra ở thời Võ Tắc Thiên và liệu bà có phải là vị hoàng đế tàn bạo, hoang dâm như dân gian truyền lại hay không.
Nữ hoàng duy nhất trong lịch sử Trung Quốc
Võ Tắc Thiên vào cung hầu Đường Thái Tông từ năm 14 tuổi, hầu. Sách Tư trị thông giám của nhà sử học Tư Mã Quang thời Tống viết, có lần, Đường Thái Tông dẫn các phi tần đi xem ngựa. Thái Tông nói đùa rằng: "Trong các ngươi ai có thể khống chế được nó không?"
Các phi tần không ai dám lên tiếng, ngoại trừ Võ Tắc Thiên. "Hãy cho thần ba thứ: Thứ nhất là roi sắt, thứ hai là búa sắt, thứ ba là dao găm. Nếu nó mà không nghe lời thì dùng roi sắt quật nó, nếu không chịu thì dùng búa sắt đập đầu nó, nếu vẫn còn ngang ngạnh thì dùng dao găm cắt đứt cổ luôn". Chi tiết này đã cho thấy cá tính mạnh mẽ của Võ Tắc Thiên.
Sau khi Đường Thái Tông băng hà, Võ Tắc Thiên đáng ra phải sống trong am ni cô nhưng lại được lòng Thái tử Đường Cao Tông. Vì vậy, Cao Tông lên nắm quyền đã đón Võ Tắc Thiên từ am ni cô ra và phong bà làm Chiêu Nghi (chỉ xếp sau Hoàng hậu).
Chẳng bao lâu sau, Cao Tông lại muốn phế truất hoàng hậu để đưa Tắc Thiên thay thế. Quyết định này khiến nhiều đại thần trong triều phản đối. Với tính cách mạnh mẽ của mình, Võ Tắc Thiên dĩ nhiên không chấp nhận đứng nhìn.
Hình ảnh nhân vật Võ Tắc Thiên trong phim truyền hình Trung Quốc.
Bà ngấm ngầm lôi kéo, thương lượng với một loạt đại thần để ủng hộ mình lên ngôi hoàng hậu. "Đây là việc nhà của Bệ hạ, người ngoài không có tư cách can thiệp", Sách Tư trị thông giám, trang 200 chép lại.
Lời nói của các đại thần đã giúp Cao Tông quyết tâm đưa Võ Tắc thiên lên ngôi Hoàng hậu.
Nắm quyền trong tay, Võ Tắc Thiên quay lại trừng phạt những người từng phản đối bà. Có đại thần phải chọn lấy cái chết, có người may mắn hơn chỉ bị giáng chức, cách chức.
Theo Sách Tư trị thông giám, Đường Cao Tông mắc bệnh nặng nên đã giao hết việc triều chính cho Võ Tắc Thiên quản lý. Cao Tông vốn không có chính kiến, về sau nghe lời các triều thần tố Võ Tắc Thiên lạm quyền để định phế Hoàng hậu.
Nhưng vụ việc nhanh chóng đến tai Võ Tắc Thiên, khiến cho chiếu thư dù đã soạn nhưng không bao giờ được ban ra. Trong những ngày cuối cùng, Cao Tông thiết triều luôn có Võ Tắc Thiên ngồi cạnh giám sát, mọi việc lớn nhỏ trong triều đều do hoàng hậu gật đầu mới có hiệu lực.
Năm 683, Đường Cao Tông băng hà. Võ Tắc Thiên lần lượt đưa hai con trai của mình lên ngôi hoàng đế nhưng hai vị vua này rút cục đều không vừa lòng bà. Võ Tắc Thiên tìm cách phế truất Trung Tông và giam lỏng Duệ Tông, để tự mình thiết triều với danh nghĩa Thái hậu.
Sự kiện Võ Tắc Thiên lên làm Thái hậu để điều hành việc triều chính đã gây ra 3 cuộc binh biến nhưng không lâu sau đều bị đánh bại.
Phác họa hình ảnh Võ Tắc Thiên dựa trên phim truyền hình.
Sau này, khi được các quan trong triều và hơn 6 vạn người dân đồng ý, Võ Tắc Thiên mới chấp nhận trở thành hoàng đế, lập ra nhà Võ Chu (690 - 705), tự xưng là Hoàng đế thánh thần.
Đánh giá con người Võ Tắc Thiên
Nền văn hóa nặng Nho giáo của Trung Quốc không cho phép một phụ nữ lên ngôi, nên việc Võ Tắc Thiên xưng hoàng đế là điều chưa từng có tiền lệ. Điều này lý giải vì sao khi thay chồng nhiếp chính, Võ Tắc Thiên đã phải đối mặt với 3 cuộc binh biến.
Đó là lúc Võ Tắc Thiên lập ra nhóm chuyên tuần tra, bắt giữ những người âm mưu hoặc có hành động tạo phản. Theo các sử gia Trung Quốc, việc nhóm người này tra tấn, giết những người có tư tưởng phản đối nhà Chu là có thật, nhưng không rõ vai trò của Võ Tắc Thiên trong việc giám sát lực lượng này đến đâu.
Một số nhà sử học nói việc thanh trừng nội bộ chỉ phục vụ lợi ích của Võ Tắc Thiên, có người khác lại nói điều này cũng tốt cho dân chúng. Nên hai tranh cãi này mãi không bao giờ có hồi kết, theo trang mạng Rejected Princesses.
Về câu chuyện bà giết hại chính con đẻ. Các học giả về sau hướng đến cách giải thích là đứa trẻ chết do bị đầu độc nhiều hơn. Nhưng liệu Võ Tắc Thiên có lợi dụng cái chết của các con để tư lợi cho bản thân hay không thì vẫn còn là dấu hỏi lớn.
Các sử gia thời nhà Tống chỉ trích Võ Tắc Thiên mạnh mẽ nhất.
Đến thời nhà Tống, các sử gia Trung Quốc lại càng có cái nhìn tiêu cực về Võ Tắc Thiên. Bởi Nho giáo không bao giờ chấp nhận để một người phụ nữ bước lên đỉnh cao quyền lực.
Trên thực, trong triều nhà Đường thời bấy giờ cũng có đại thần ủng hộ bà, coi Võ Tắc Thiên là người quyết đoán, có tài trị nước. Đó là lý do dưới thời Võ Tắc Thiên dân chúng vẫn yên ổn làm ăn, đất nước lớn mạnh, còn những vụ lộn xộn, tranh quyền ở triều chỉ được coi là việc riêng.
Trong quãng thời gian trị vì ngắn ngủi, Võ Tắc Thiên có công mở mang lãnh thổ Trung Quốc, vươn tầm ảnh hưởng sang Trung Á, xóa sổ vương quốc Cao Câu Ly ở phía bắc bán đảo Triều Tiên. Phật giáo ngày càng được phổ biến. Bà coi phát triển kinh tế, duy trì sự ổn định trong nước là ưu tiên hàng đầu.
Sử gia Trung Quốc Tư Mã Quang từng đánh giá về Võ Tắc Thiên trong Tư trị thông giám:"Nếu bà nhìn thấy một đại thần nào đó là không đủ năng lực, sẽ ngay lập tức sẽ bãi chức. Thái hậu có óc quan sát và phán đoán tốt, vì vậy những nhân tài đương thời cũng đều có cơ hội được dùng".
Nhà lãnh đạo Trung Quốc Mao Trạch Đông trước khi qua đời, thường đánh giá lại những nhân vật có ảnh hưởng lớn trong lịch sử Trung Hoa và Võ Tắc Thiên cũng không phải ngoại lệ.
"Võ Tắc Thiên không phải là người đơn giản. Bà ấy có tầm hiểu biết rộng và rất biết cách dùng người. Nhưng Võ Tắc Thiên cũng đã giết rất nhiều người", Mao Trạch Đông từng nói, theo Best China News.
Võ Tắc Thiên trong những năm cuối đời đột ngột nhường ngôi cho con trai, một mình lui về cung an dưỡng tuổi già cho đến khi chết. Nhưng liệu sự thật có đúng như vậy? Bài viết tiếp theo sẽ tập trung khai thác câu chuyện này
Theo Danviet
Phạm Băng Băng - Lý Thần rủ nhau "chất" hết phần người khác Cặp đôi Phạm Băng Băng - Lý Thần tiếp tục đốn tim người hâm mộ khi hé lộ tạo hình cực chất bên những chiếc máy bay. Dù rất bận rộn với lịch quay phim truyền hình Thắng thiên hạ nhưng Phạm Băng Băng vẫn dành thời gian tham gia dự án điện ảnh Thợ săn bầu trời do Lý Thần làm đạo...