Xã có gần 300 phụ nữ đơn thân
Lâu nay, xã Suối Bạc, huyện Sơn Hòa (Phú Yên) vẫn “nổi danh” là một xã có nhiều phụ nữ đơn thân, người thì chồng chết sớm để lại mấy mẹ con bơ vơ, người thì số phận hẩm hiu lỡ thì, bị phụ bạc… Mỗi người một cảnh nhưng họ có điểm chung là đều nỗ lực, tự chèo lái “con thuyền” gia đình vượt qua sóng gió cuộc đời.
Dập dìu theo ánh đèn đêm
Một lãnh đạo UBND xã Suối Bạc cho biết: Lúc đầu, trong xã chỉ có vài ba người có hoàn cảnh đơn thân. Thế rồi, chẳng hiểu sao, con số này cứ thế nhiều lên theo thời gian. Hiện toàn xã có gần 300 phụ nữ đơn thân, một mình tự “chèo lái” con thuyền gia đình. Điều đáng nói là bên cạnh một số chị, em đơn thân do chồng mất sớm vì bệnh tật, tai nạn chồng bỏ đi vì gia đình quá nghèo khổ hoặc có vợ bé… một số người khác vì mê cờ bạc, ham thích cuộc sống tự do, không chăm lo công việc gia đình nên bị chồng ly thân, ly dị, phải sống một mình trong nghèo khó.
Theo lời giới thiệu của vị lãnh đạo này, chúng tôi tìm đến nhà chị Trần Thị Thu B. (37 tuổi) ở thôn Tân An. Nói là nhà cho sang chứ nơi ở của chị thực ra chỉ là một căn chòi xập xệ, được che tạm bằng mấy tấm tôn, bao xi măng làm tường, mái bằng cỏ tranh. Chờ từ sáng đến tận xế chiều, thì một người đàn bà lam lũ, ăn mặc tuềnh toàng vác cuốc trở về với dáng vẻ đầy mệt nhọc. Nhìn chị, chẳng ai còn nhận ra người con gái nhan sắc một thời. Sau khi được thuyết phục, Trần Thị Thu B. mới dần kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời đáng buồn của chị.
Thời con gái, chị B. là một trong những người có nhan sắc nhất vùng. Tuy gia đình chị không khá giả nhưng bao nhiêu chàng trai vẫn đến tìm hiểu rồi ngỏ lời yêu. Trong số này, chị “chấm” anh Đinh Văn T., một trong những thiếu gia giàu có nhất thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa. Về làm dâu gia đình khá giả, cuộc sống đủ đầy khiến chị “sinh tật”.
Chị Trần Thị Thu B. nhớ lại: “Ngày đó, cả huyện chỉ mới có vài quán karaoke mọc lên để phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của tầng lớp nhà giàu mới nổi. Tập tành ca hát một thời gian, tôi trở thành khách quen của hết thảy các quán này. Được chồng hết mực yêu thương, tôi đòi gì cũng cho nên nhiều khi tôi đâm ra… ngán cuộc sống gia đình, cứ rủ rê mấy bà bạn cùng lứa đi chơi thâu đêm suốt sáng”.
Nỗi cơ cực khi nuôi con một mình
Video đang HOT
Phó mặc cô con gái cho bà ôsin tốt bụng, chị cùng với mấy người bạn rủ nhau xuống tận thành phố đi vũ trường, thử cảm giác lạ. Với những bộ đầm trễ ngực đầy khêu gợi, chị lao vào những cuộc vui, tìm đến rượu để thỏa mãn dục vọng. Trong ánh đèn đêm mập mờ chị lao mình vào những cuộc nhậu say, lả lơi trong vòng tay người tình với những bước chân uyển chuyển và cơ thể họ như quấn vào nhau, gợi tình, say đắm để được làm người đàn bà, để được chiều chuộng và đắm say, để được sống và được yêu. Khi chị nhận ra sự thật thì đã quá muộn màng gã đàn ông mà chị cặp kè đâu có yêu gì chị, hắn chỉ đến với chị vì tiền, vì ham của lạ mà thôi.
“Một lần, bị mấy người bạn xúi giục, tôi ăn chơi trác táng, nó ngấm vào người, cuộc vui chơi lên tới đỉnh, mọi người thách thức nếu ai không uống nổi một lần hai ly rượu thì cởi từng nội y trên cơ thể khi uống không hiểu sao đầu luôn đau nhức, rồi nằm ì dưới sàn lúc nào không hay. Sáng dậy thì thấy mình nằm trong khách sạn, trần truồng như nhộng vậy, nhìn bên cạnh là người tình cũ. Giờ nghĩ lại chẳng hiểu tại sao mình dám làm thế”, chị B. nói.
Thời gian đầu, chồng chị B. còn chiều vợ trẻ, cung cấp tiền cho vợ đi học nhảy, shopping, ăn chơi xả láng với lối sống khá sành điệu, hiện đại nhưng sau, thấy chị ngày càng sa lầy, can ngăn không được nên anh T. đã làm đơn ly hôn. “Lúc đầu, tôi tưởng ảnh nói chơi nên cũng cười cười ký đại vào đơn. Ai dè, ảnh bỏ tôi thiệt mấy tháng sau thì cưới cô gái khác trẻ, đẹp hơn. Tôi tỉnh ngộ, biết mình có lỗi nên đã xin anh tha thứ nhưng mọi việc đã muộn rồi”, chị nói trong hối hận, giọt nước mắt nóng hổi bỗng dưng chảy dài trên khuôn mặt vẫn còn nét thanh tú của người đàn bà xuân sắc một thời. Chồng bỏ, bố mẹ ruột cũng từ con vì những tháng ngày ăn chơi không có điểm dừng, chị B. một mình dựng căn chòi nhỏ, làm thuê kiếm sống qua ngày. Nhiều lúc chị nhớ con, muốn xin gặp mặt con nhưng chồng hắt hủi không cho chị đành nuốt nước mắt, gắng gượng sống tiếp những tháng ngày một thân một mình côi cút, cực nhọc.
Nhìn gương mặt chị vô hồn mà chúng tôi thấy xót xa. Giá như chị mạnh mẽ và can đảm hơn, giá như chị nghĩ đến cô con gái đang ở nhà mong ngóng mẹ về và giá như chị một lần dám thay đổi cuộc đời mình thì mọi sự đã khác.
Cũng một mình “thân cò lặn lội”, nhưng hoàn cảnh của chị Trần Thị M., sinh năm 1967, lại có chút khác. Chồng không bỏ đi, nhưng bản thân chị đã phải chủ động ly hôn bởi người chồng không chịu làm ăn, suốt ngày rượu chè bê tha, rượu say là lại lao vào đánh đập vợ con. Để có tiền cho cậu con trai duy nhất là Trần Vũ Thắng (hiện học lớp 3) ăn học, chị phải nhiều năm ngược xuôi vào TP.HCM giúp việc nhà, nấu cơm, rửa bát thuê. Mấy năm nay sức khỏe yếu, chị M. về quê mua ruộng để cấy, vay mượn vốn đầu tư nuôi heo, nuôi gà. Thu nhập một tháng chỉ vỏn vẹn có 500.000 đồng, chi tiêu cho 2 mẹ con. Thế nhưng sự bất hạnh vẫn cứ bám riết cuộc sống của hai mẹ con chị khi cách đây hai tháng chị đã phải bán con bê, tài sản lớn nhất của gia đình, để lấy tiền vào TP.HCM chữa bệnh. “Nhiều đêm cứ ngồi bên bậu cửa khóc vì nghĩ bây giờ bệnh tật, lỡ có nằm xuống lấy đâu ra tiền cho con ăn học”, chị nghèn nghẹn giọng. Với chị Trần Thị M. thì Trần Vũ Thắng vừa là động lực vừa là niềm tự hào. Thắng ngoan ngoãn, thông minh và mỗi năm đi học đều mang giấy khen về tặng bà, tặng mẹ. “Nghèo khổ mấy tôi cũng chịu được, chỉ cần con ngoan ngoãn và học giỏi là tôi vui rồi” – chị T. chia sẻ.
Cuộc sống đơn thân
Theo giới thiệu của địa phương, chúng tôi tiếp tục ghé vào nhà chị Lê Thị L. (42 tuổi) ở thôn Tân Thành. Người phụ nữ có dáng hình gầy gò, da mặt xanh xao ấy đang bổ củi, xếp thành từng đống một dành để đun nấu trong gia đình. Công việc nặng nhọc, những tưởng chừng chỉ dành cho cánh đàn ông, thì giờ đây, chị L. phải tự lo liệu lấy.
Chị L. kể: Năm 2000, anh thanh niên tên H., tự giới thiệu ở xã Sơn Hà (huyện Sơn Hòa), làm nghề đốn mía thuê ở thôn, thường đến nhà chị xin nước uống. “Vài lần đầu gặp mặt, H. lân la trò chuyện, hỏi thăm về hoàn cảnh gia đình. Sau thân mật hơn, anh ấy kể cho tôi nghe về ước mơ có một mái ấm gia đình hạnh phúc. Anh bảo tuy anh không giàu có nhưng anh sống chân tình. Tôi thấy ảnh thật thà nên tin tưởng và đồng ý “tiến tới”. Ai có ngờ đâu…”, chị L. ngậm ngùi nói. Khi chị có thai và đặt vấn đề cưới hỏi thì H. cứ ậm ừ cho qua chuyện. Chị một mình vượt cạn, đặt tên con gái là Lê Tuyết Nhi. Lúc này, H. lấy cớ đi làm ăn xa “để có tiền mua sữa cho con” rồi lặn mất tăm không lời giã biệt. Một mình ôm con, mong ngóng người tình phụ bạc, những bữa cơm chỉ có cơm trắng với muối ớt, rau rừng càng nghẹn đắng hơn với chị L. khi ký ức cứ tự nhiên ùa về. Bốn mươi hai tuổi, làm mẹ của một đứa con, giờ đây chị chỉ còn biết nuối tiếc “Ước chi ngày đó mình đừng dại dột tin những lời ngon ngọt của người ta…” .
Gần mười hai năm đã trôi qua kể từ ngày người chồng hờ quất ngựa truy phong, chị Lê Thị L. đã gắng gượng vượt qua nỗi đau bị phụ bạc để bươn chải kiếm sống, nuôi con. Những ngày tháng vừa làm mẹ, vừa làm cha, với chị là những tháng ngày đầy khó khăn, vất vả. Chị L. tâm sự: Khi ba bé Nhi bỏ đi, nó còn quá nhỏ nên chưa biết gì. Nay con đã học lớp 2, thấy bạn bè trên lớp có ba đưa đón đi học, nó về nhà hỏi “Ba con là ai, đang ở đâu mà không về thăm con?”. Nghe con nói, lòng tôi đau như cắt nhưng vẫn cố nuốt nước mắt, gượng cười bảo “Ba con làm ăn xa, kiếm tiền cho con đi học. Con học chăm ngoan, khi nào ba về ba mua kẹo cho con”. Hiện nay, ngoài tiền công làm thuê, làm mướn, chị nuôi thêm một, hai con bò để có tiền trang trải cuộc sống, lo cho con ăn học.
Chị Hờ D. ở thôn Suối Bạc cũng là một người mẹ đơn thân khi 18 tuổi. Nghe lời dụ dỗ ngon ngọt của một người đàn ông từ xa đến làm ăn trong vùng, chị Hồng trót trao cho anh ta điều quý nhất của người con gái. Sau khi no xôi chán chè, người đàn ông đó bỏ đi biền biệt, để chị lại một mình với mầm sống đang thành hình. Lúc mới vượt cạn, chịu bao tiếng đời tủi nhục, chị D. đã bỏ đi xa một thời gian, để lại con cho bố mẹ già chăm sóc. Lang thang hết tỉnh này sang tỉnh khác, buôn gánh bán bưng rồi đi hái cà phê thuê trên Tây Nguyên, nhiều lúc nhớ con đến đứt ruột nhưng chị chỉ dám gửi tiền nhờ người mua sữa cho con chứ không dám về.
Vài năm sau thì bố mẹ mất, không đành để con côi cút giữa đời, chị bỏ mặc những lời dị nghị của hàng xóm, về nhận nuôi con. Mười tám năm qua, chưa một lần chị được rảnh tay, sống thảnh thơi vì mải lo bươn chải kiếm tiền nuôi con ăn học. Hai mẹ con chị D. đang “tạm trú” trong căn nhà xập xệ do ba mẹ chị để lại. Ngày không mưa, nắng chiếu lỗ chỗ, ngày có mưa, nước dột khắp nhà. Nhưng có lẽ bao khốn khó, vất vả của chị đã lột tả hết qua mâm cơm chỉ có một tô canh rau trong vắt và tô mắm thơm trắng không màu mè. Bữa cơm đạm bạc cũng trở thành nơi mẹ con chị thể hiện sự yêu thương. Khởi đầu từ người mẹ, lần lượt nhường cơm và thức ăn cho người con như một dây chuyền. Hết người mẹ gắp nhường cho con với câu “mẹ no rồi, con ăn đi có sức mà học”, người con đối lại “con cũng no rồi, mẹ cố ăn thêm có sức làm việc”. Chúng tôi nghe mà quặn lòng, mắt rớm rớm nước nồi cơm nhiều nhặn gì đâu, chỉ xúc một lượt là vơi cạn làm sao hai mẹ con có thể no được.
Chị cho biết: Hơn chục năm qua, hai mẹ con chưa sắm sửa được thứ gì trừ cái tivi trắng đen thời cố la hy, mua lại của người thân. Ăn uống thì bữa đói, bữa no đắp đổi qua ngày cứ thế, mẹ con đùm bọc lẫn nhau, nương vào nhau mà sống. Không có nghề nghiệp ổn định nên chị chọn nghề “thợ đụng” ai thuê gì làm nấy, cuốc cỏ, chăn bò, chặt mía thuê… việc gì chị cũng không từ chối.
May mắn là cậu con trai hiểu được nỗi vất vả của mẹ, đã cố gắng học hành bằng bạn bằng bè. Năm nay, con chị D. vào đại học, nỗi lo toan lại chất chồng nhưng chị vẫn không ngừng hy vọng vào một ngày mai tươi sáng. “Ngày nào còn sức thì tôi còn làm việc. Lúc trước tôi lầm lỡ nhưng giai đoạn cùng cực nhất mình đã vượt qua được thì không có việc gì khiến mình dừng bước mưu sinh để nuôi con thành tài”, chị D. chia sẻ.
Nghe những câu chuyện trên mà lòng không khỏi xót xa. Biết mình không có quyền phán xét một ai, nhưng chúng tôi mong những người đàn ông ấy sớm quay về bên mái ấm gia đình, bởi còn những đứa con thơ đang chờ họ. Đừng để nền tảng hạnh phúc gia đình bị lung lay do những quan niệm sống không phù hợp, đừng để khi nhận ra sai lầm thì mọi sự đã quá muộn
Theo 24h
Chim non lìa tổ
Phiên tòa xét xử vụ án tranh chấp tài sản sau ly hôn tại TAND TP.HCM vào một ngày đầu tháng 8/2012. Đang xử được nửa chừng, hội đồng xét xử phát hiện cô con gái của đương sự chưa đủ 18 tuổi đang có mặt trong phòng xử án.
Tòa bảo cô bé ra ngoài. Bảo Ngọc quảy túi xách đứng dậy, chậm rãi bước ra khỏi phòng, gương mặt lặng như tờ. Khó mà gọi tên chính xác cảm xúc trên gương mặt ấy!
Vết thương lòng
"Giờ em chỉ mong việc ly hôn của ba má kết thúc thật nhanh" - ngồi trên dãy ghế đá trước phòng xét xử, Bảo Ngọc - sắp tròn 16 tuổi, học lớp 8 - nói một cách lạnh lùng. "Chị hỏi tại sao hả? Ba má em chiến tranh lâu lắm rồi, không nhớ từ khi nào, nhưng em đã cùng ba ra tòa hòa giải, tòa sơ thẩm, phúc thẩm, rất nhiều lần mà có được gì đâu. Chỉ buồn thêm!" - Ngọc thủng thẳng nói tiếp.
Trong phòng xử, vị hội thẩm hỏi ba Ngọc: "Anh có thể tha thứ cho vợ để làm lại từ đầu không? Nếu cần thiết, phiên tòa có thể hoãn cho anh suy nghĩ, để cùng anh cứu vớt một gia đình. Vì hạnh phúc của các con anh thì không một điều gì có thể mua được"...
Anh khóc: "Tôi đã quỳ xuống chân vợ để xin cô ấy suy nghĩ lại vì gia đình, nhưng rồi không thể hàn gắn...".
Vị hội thẩm quay sang hỏi chị, chị bảo không thể, vì tình cảm đã không còn. Chị bỏ đi, để lại cho anh ba đứa con. Giờ chị đang khởi kiện đòi nhà vì cho rằng căn nhà anh và con đang ở được mua từ tiền của bố mẹ chị nên chị không đồng ý chia đôi. Tiếng trả lời vọng ra bên ngoài phòng xử, Bảo Ngọc ngẩng mặt lên cố ngăn giọt nước mắt.
Theo bố hay theo mẹ? Cả hai đều là mất mát
Suốt cả buổi xét xử và trong giờ nghị án, Ngọc đi lướt qua, không nhìn tới mặt má. Em phán quyết lạnh lùng như một vị quan tòa: "Bả đã bỏ ba con em đi theo người đàn ông khác. Thế mà giờ bả lại kiện đòi nhà, đòi tài sản. Thật tàn nhẫn, không bao giờ em nghĩ mình sẽ tha thứ cho bà ấy...". Suốt cả câu chuyện, Ngọc không thèm gọi một tiếng "má".
... Cách đó không xa, một phòng xét xử khác đang xử vụ tranh chấp "thay đổi người trực tiếp nuôi con". Ngồi chung một hàng ghế, hai anh chị cố gắng ngồi nhích ra càng xa nhau càng tốt. Chị tố khổ: "Trước đây tôi không có điều kiện chăm sóc con nên mới để anh nuôi. Nay tôi mở xưởng may gia công tại nhà, thu nhập 10 triệu đồng/tháng, tôi muốn đưa con về nuôi. Anh không cho tôi thăm con, không cho con ngủ với tôi, giữa trời mưa to gió lớn anh cũng cho người qua bắt con về...".
Từ ngày ly hôn họ không muốn nhìn mặt nhau. Mỗi lần chị nhớ con đều nhờ em út tới nhà anh đón con. Tối đến, khi muốn rước con về, anh nhờ xe ôm tới đón vì không muốn gặp chị. Khi ly hôn, chị đồng ý cho chồng nuôi con vì bản thân chị nợ nần tứ phía. Đến khi trả được một phần nợ, chị về nhà bố mẹ ở, kinh tế ổn định thì muốn đón con về. Bản án sơ thẩm ngày 21/5/2012 của TAND Q.4 đã tuyên bác yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con của chị. Đến phiên phúc thẩm, tòa vẫn tuyên xử anh được quyền nuôi con. Kết thúc phiên tòa, anh mãn nguyện bước nhanh qua, còn chị đứng lại đanh giọng chửi thầm. Chỉ có cậu bé 4 tuổi - tài sản tranh chấp giữa anh và chị - là không hiểu chuyện gì đang xảy ra.
Con ghét ba, con ghét mẹ
Ba mẹ ly hôn. Sau mấy tháng không gặp mẹ vì bị ba bắt về nuôi, khi gặp lại mẹ bé Muội hét lên: "Con ghét mẹ, mẹ ác lắm, con không ở với mẹ đâu". Những lời ấy làm chị Đ.T.B.H. (ngụ phường An Khánh, quận 2, TP.HCM) chết lặng. Chỉ mấy tháng trước thôi, khi còn ở với chị, con bé đã tự tay vẽ tặng chị một cái thiệp. Trên thiệp nắn nót ghi: "Tặng mẹ! Con yêu mẹ nhiều lắm. Mẹ xin các bác, các chú cho con ở với mẹ nha. Con muốn ở với mẹ. Con không ở với ba. Ba ác lắm!".
Hôm TAND tỉnh Đồng Nai xét xử vụ ly hôn, khi ba lại gần, cũng chính bé Muội đã khóc thét không chịu nhìn ba. Người lớn ngơ ngác, không hiểu chuyện gì đang xảy ra trong tâm hồn non nớt của một cô bé 8 tuổi.
Trong máy tính của chị B.H., những đoạn phim về con gái đầy ắp. Đó là hình ảnh Muội trong sáng, ngây thơ với mái tóc dài. Muội vô tư ca hát và hát rất hay. Muội vui đùa dưới mái ấm gia đình. Lật lại sổ học bạ của Muội tại trường tiểu học đều thấy kết quả học tập của em rất tốt. Thế nhưng bắt đầu từ cuối năm học lớp 2, cô giáo chủ nhiệm phê: "Trong học tập em có sa sút, ít tập trung, làm bài chưa cẩn thận". Cũng ở trang này, phần ý kiến phụ huynh, chị B.H. viết: "Thời gian qua gia đình có nhiều chuyện xảy ra ảnh hưởng phần nào đến kết quả học tập của bé, mong các cô giúp đỡ". "Chuyện xảy ra trong gia đình" mà chị H. đề cập chính là chuyện chị và anh gãy đổ rồi bước vào cuộc chiến giành nuôi con.
Thời điểm này, khi bạn bè đã bắt đầu bước vào năm học mới, Muội không được đến trường. Trao đổi với chúng tôi, đại diện ban giám hiệu một trường tiểu học ở TP Biên Hòa cho biết: trường sẽ không tiếp tục nhận Muội vào học vì vụ tranh chấp quyền nuôi con của ba mẹ em vẫn đang tiếp diễn. Ba mẹ Muội vẫn thay nhau đến trường gây xáo trộn hoạt động của trường. Hiện tại học bạ của Muội vẫn được nhà trường lưu giữ. "Nhà trường không dám cho ba hoặc mẹ của cháu rút học bạ, vì làm như thế người còn lại sẽ đến làm phiền nhà trường. Đợi có phán quyết của tòa án giao Muội cho ai nuôi thì chúng tôi mới trả học bạ cho người đó" - đại diện ban giám hiệu trường cho biết.
Không biết đến giờ này nếu cho Muội chọn, em sẽ về ở với ai. Khó mà cân đong rằng anh và chị ai thương Muội nhiều hơn. Cũng khó mà đo đếm hoặc chắc chắn rằng Muội sống với ai sẽ hạnh phúc hơn. Chỉ có nỗi buồn là rất thật. Tuổi thơ hồn nhiên, bình yên của Muội đã bị người lớn lấy đi. Mà tuổi thơ đã ra đi sẽ không bao giờ trở lại...
Lá thư của đứa con trai gửi ba (Ảnh tư liệu gia đình chị L.T.L.)
Trong quyển album nhỏ của chị L.T.L. (nhà ở P.19, Q.Bình Thạnh, TP.HCM), bên cạnh hàng trăm bức ảnh chị theo dõi chồng mình đi với người phụ nữ khác, còn có một lá thư gấp nhỏ của con trai út viết cho ba: "Kính gửi ba của con! Được biết ba đã nộp đơn ra tòa xin ly hôn mẹ, con rất buồn và ảnh hưởng đến việc học hành của con hiện nay. Nguyện vọng của con là không muốn ba mẹ ly hôn, con muốn ba về sống chung với gia đình để đưa con đi học. Gia đình luôn vui vẻ như trước...".
Đọc những lời con viết mà lòng chị như tan chảy. Rời khỏi nhà, chị còn dúi vào tay tôi số điện thoại của anh nói: "Cô có gọi cho ổng thì nhắn ổng về giùm tui một tiếng".
Căn nhà ấy, con hẻm ấy, cả chị và hai đứa con trai vẫn đợi anh quay về...
Theo 24h
Những vụ "bắt cóc" con đẻ "Chú Phong ơi, cứu con"- Muội (tên gọi ở nhà của bé V.T.T.L., 8 tuổi) thét lớn. Nhưng không kịp nữa rồi. Em đã bị ấn vào trong xe. Hình ảnh cuối cùng của Muội mà cô giáo và học sinh một trường tiểu học ở quận 3, TP.HCM nhìn thấy cách đây hơn 4 tháng là cảnh em vùng vẫy cố thoát...